Khởi đầu sự nghiệp văn chương của anh là thơ. Anh làm thơ khá sớm từ những ngày công tác ở tỉnh đội Hà Nam, rồi Bộ Tư lệnh Quân khu Ba. Sinh hoạt văn nghệ trong quân đội rất sôi nổi. Hoài Anh là một đội viên tích cực làm báo tường. Số báo tường nào cũng có thơ của anh, làm theo bản năng tình cảm, không hề có ý thức sẽ trở thành nhà thơ.



Nhà thơ Hoài Anh

Hoài Anh hoạt động trên nhiều thể loại văn học: kịch bản, tiểu thuyết, dịch thuật, thơ ca… Thể loại nào anh cũng có những thành công nhất định.
Anh không bao giờ đi xe đạp. Càng không bao giờ đi xe máy. Ở làng quê, đi bộ. Ở Hà Nội, đi bộ. Ở thành phố Hồ Chí Minh, đi bộ… Năm đã hơn bảy mươi tuổi, anh vẫn đi bộ như hồi trai trẻ.
Anh có thói quen vừa đi bộ vừa sáng tác. Có khi dừng lại bên vệ đường ghi lại những ý thơ, những câu thơ vừa mới “nháp” trong óc. Hoặc vội vã về nhà, ghi lại bố cục kịch bản hay cuốn tiểu thuyết vừa mới vỡ vạc trên đường đi. Mặc cho đường phố ồn ào, anh vẫn luôn luôn suy nghĩ về tác phẩm mình đang đeo đuổi. Nhiều lúc anh ngơ ngơ ngác ngác, không nghe tiếng bạn gọi. Và nhiều khi ngồi trong quán hàng, anh ngồi hàng tiếng đồng hồ, quên gắp thức ăn, quên nâng cốc bia…
Hoàn cảnh sống tạo ra thói quen. Hồi ở Hà Nội, anh được phân một căn hộ sáu mét vuông. Nhà cửa quá chật chội. Khu chung cư lại ồn ào. Không chịu đầu hàng với hoàn cảnh ngặt nghèo, anh tự tạo cho mình một phương pháp làm việc: tận dụng thời gian đi bộ, “nháp bản thảo” trong óc, rồi về nhà hoặc đến cơ quan chép lại. Thường là phải chép lại ngay, nếu lơ đễnh một tí là quên. Anh luôn luôn bỏ cuốn sổ và cái bút trong túi. Cuốn sổ của anh ghi chi chít khắp các trang giấy, dòng này chồng lên dòng kia, chỉ có anh đọc được.
Do đó anh đã đạt được khối lượng bản thảo khá lớn trong mọi thể loại kịch bản, tiểu thuyết, dịch thuật, khảo cứu, thơ ca… Ở đây tôi chỉ xin đề cập một phương diện: Hoài Anh nhà thơ.
Khởi đầu sự nghiệp văn chương của anh là thơ. Anh làm thơ khá sớm từ những ngày công tác ở tỉnh đội Hà Nam, rồi Bộ Tư lệnh Quân khu Ba. Sinh hoạt văn nghệ trong quân đội rất sôi nổi. Hoài Anh là một đội viên tích cực làm báo tường. Số báo tường nào cũng có thơ của anh, làm theo bản năng tình cảm, không hề có ý thức sẽ trở thành nhà thơ.
Sau khi chiến thắng Điện Biên Phủ, ký hiệp định Giơ-ne-vơ, anh về Hà Nội, công tác ở Sở Văn hóa. Từ đó, anh có ý thức trau dồi ngòi bút của mình. Anh say mê làm thơ, và bắt đầu có những bài thơ in trong các tập của Sở Văn hóa.
Trong thời gian này, Hoài Anh vừa làm việc cho cơ quan vừa làm thêm việc ở ngoài để tăng thu nhập. Dưới các bài thơ, anh không ghi tên khai sinh Trần Trung Phương nữa, mà ghi bút danh Hoài Anh. Đất nước lam lũ sau chín năm chống Pháp, nhưng người người hồ hởi bắt tay hàn gắn vết thương chiến tranh. Hòa vào không khí tưng bừng của toàn dân tộc, Hoài Anh làm bài thơ với ý thức động viên mọi người xây dựng lại Thủ đô, xây dựng lại đất nước.
Tập thơ mở đầu của anh là Gió vào trận bão (cùng in chung với Phạm Ngọc Cảnh và Ngô Văn Phú). Rồi lần lượt xuất bản các tập thơ khác: Từ hương đến mật, Dạ lan, Trường ca Điện Biên, Tổ khúc Hà Nội, Tầng ngày, Thơ thơ…)
Cũng như các nhà thơ khác, Hoài Anh thường viết về những đề tài quen thuộc như đất nước, tình yêu nam nữ, tình cảm bạn bè… Nhưng anh tâm đắc hơn với đề tài lịch sử. Anh thông thạo Hán văn, thường đọc các sách cổ của các bậc tiền nhân. Khương Hữu Dụng là nhà thơ lão thành đương đại nổi tiếng về dịch thơ Đường, thỉnh thoảng cũng hỏi Hoài Anh một từ Hán nào đó. Gian nhà chật chội, nóng bức, cụ Khương vẫn ngồi trao đổi với Hoài Anh một cách kỹ lưỡng. Và Hoài Anh say mê trao đổi lại với cụ.
Tâm hồn Hoài Anh phảng phất hoài cổ. Như các nhà Nho trước đây, anh viết thơ với dạng “vịnh sử”. Đây là thơ vịnh Lý Thái Tổ: Rồng từ truyền thuyết bay vào sử/ Hay ánh lụa hồng dâng tặng thơ… Đây là thơ vịnh Trần Nhân Tông: Trán Yên Tử mắt Trúc Lâm/ Chim reo ngỡ tiếng tri âm thơ thiền… Anh đã hình tượng hóa một truyền thuyết đẹp của dân tộc: Mặt trời mặt trăng thay nhau ấp nở thành trăm con/ Mang cái đẹp của Tiên cái khỏe của Rồng/ cái tĩnh của núi cái động của biển/ cái dịu mềm của mây cái ào ạt của mưa (Âu Cơ).
Ngắm thiên nhiên, nhà thơ cũng không qua vẻ đẹp truyền thống: Thiên nhiên dường tạo bức sơn mài/ Từng nét gân vàng thếp nắng mai/ Vầng biếc cháy bừng lên búp lửa/ Mùa thu gửi lại tặng tương lai… (Lá cây bàng ven Hồ Kiếm). Thật là thú vị khi ta được cùng nhà thơ ngắm bức tranh giấy điệp làng Đông Hồ: Bác thợ lật giấy/ Con gà lật dậy/ Ồ sao bỗng thấy/ Mắt gà chớp nhanh/ Mắt bác không chớp/ …/ Bác thợ ngắm tranh/ Thấy gà vỗ cánh/ Thấy đời lại xanh/ … (Bức tranh gà).
Đối với lịch sử và truyền thống dân tộc, cảm xúc nhà thơ luôn luôn như sợi dây đàn, chỉ cần gẩy nhẹ vào là sợi dây ngân nga âm thanh. Từ đó, ta có thể cắt nghĩa được vì sao anh lại viết khá thành công chùm thơ về Hà Nội. Thăng Long – Hà Nội là nơi hội tụ của lịch sử dân tộc. Anh lại tiếp xúc lần đầu với Hà Nội ở thời điểm Hà Nội bộc lộ rõ những nét hào hoa và anh hùng. Công tác ở Sở Văn hóa, anh biên tập nhiều cuốn hồi ký về Thủ đô, cũng là dịp thuận lợi để anh hiểu sâu thêm và để hòa mình với con người Hà Nội. Không những thế, ngoài công tác của cơ quan, anh còn tìm việc làm thêm ở ngoài, vật lộn với cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn.
Anh dẫn ta đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp oai hùng hôm nay được dựng trên chiến lũy xa xưa: Nghìn máy bay Mỹ rụng trên miền Bắc/ Xếp lại đã bằng gò Đống Đa xưa… (Hà Nội hành quân). Vẻ đẹp oai hùng ấy được tạo nên bởi những người Hà Nội dung dị: Dáng cô tự vệ trẻ trung/ Súng dài theo tóc ngực phồng gió lên/ Đứng trên nền cũ tổ tiên/ Đài Khâm Thiên giám xưa nhìn trăng sao/… (Viếng Khâm Thiên). Thật là cảm động với những hình ảnh bình dị và thiêng liêng: Anh thanh niên hôm nào đi dạo quanh hồ/ Hôm nay lái “mích” bay đỉnh trời Hà Nội/ Nhìn lối từng qua như ô kẻ bàn cờ/ Có phải đỉnh Tháp Rùa đã thành bệ phóng/ Cho anh giang cánh che vòm rộng Thủ đô… (Hà Nội hành quân).
Lăn lộn trên đường phố Hà Nội, anh cũng ngỡ mình là người Hà Nội. Ta thấp thoáng nhận ra yếu tố tự thuật của chính tác giả: Đi là em liên lạc/ Về là lính Bác Hồ (Ngày về Hà Nội). Sau ngày tiếp quản Thủ đô 1954, anh đã từng lao động trong hậu trường của một rạp hát với các công việc lặt vặt như xếp phông màn, sắp đặt bàn ghế và chuẩn bị tư trang cho diễn viên. Cậu thanh niên Hoài Anh cũng đã từng ngây hồn ngắm các cô đào qua phông cánh: Để có trăm năm em sắc hương/ Ánh đèn sân khấu nở hoa sương/ Khán đài chung nhịp hồn ngây ngất/ Anh nguyện ngàn đêm nép hậu trường… (Sân khấu và hậu trường). Muốn ăn thì lăn vào bếp, tác giả đã lăn lộn trong bếp núc hậu trường của các rạp hát Hà Nội thời ấy, mới viết được bài “Lời thề rạp Tố Như”: … Anh “kép” ngày xưa rạp Tố Như/ ngủ khe phông, sống sàn gỗ/ nhiều khi đánh lẫn mặt mình/ Giọng bổng trầm che tiếng nấc/ mồ hôi trôi nửa mặt mày/ Bóng thương người khóc/ Người thương bóng gầy/ Ngán quá rồi những chiếc roi không ngựa/ Thanh gươm gỗ không chém lìa ngọn cỏ/ những mặt mày lấp lánh áo xiêm/ Mặt trống gõ mòn chưa mòn mỏi bóng đêm/ Nghề bán khóc bán cười cho chủ rạp/ Trọn đời đeo một tiếng vô loài/…
Trong những ngày mới tiếp quản Thủ đô, đi qua Bắc bộ phủ chợt nhớ câu nói của Bác Hồ: “Các em quyết tử để cho Tổ quốc quyết sinh”, trong đầu anh chợt nẩy ra một tứ thơ. Nhưng phải có ý nào làm chốt cho toàn bài? Vừa đi vừa ngẫm nghĩ, anh cứ “nháp” dần trong óc, rồi lắp ráp câu này nối với câu kia, và câu chốt của toàn bài là: Trong vôi bụi bóng anh sừng sững/ Lê Gia Định chết như một pho tượng đứng/ … (Lê Gia Định giữa Bắc Bộ phủ).
Mới tiếp quản Thủ đô, Hà Nội tràn ngập cờ và hoa, vui lắm. Bạn bè ríu rít gặp nhau. Đang ngồi trong quán cà phê, một bạn nói đùa: “Tao mời mày hút điếu thuốc lá. Mấy điếu này tao mua từ những ngày rút ra khỏi Hà Nội, tao để dành cho mày”. Anh chớp lấy cái ý này, viết được bài thơ hay Nhớ ngày Thủ đô kháng chiến. Anh dựng lại không khí Hà Nội cổ mở đầu cuộc kháng chiến với những hình ảnh đầy sáng tạo: Mỗi phố đánh Tây bằng một đặc sản/ Phố Hàng Bát mang bát/ Phố Hàng Bông mang bông/ đắp ụ ngăn xe giặc tới? …/ Phố Lò Sũ mang áo quan chờ chôn xác giặc/ …/ Câu kết của toàn bài thật là tài hoa: Ta mang ba mươi sáu phố phường đi kháng chiến/ Chín năm rừng lòng vẫn Thủ đô. “Rừng” và “Thủ đô” vốn là danh từ, anh đã sử dụng như một tính từ.
Đưa chi tiết đời sống vào thơ là một điều bình thường. Nhưng đối với Hoài Anh, việc sử dụng chi tiết đời sống trong thơ, được xem như một thủ pháp nghệ thuật. Hình ảnh Bác Hồ ở Bắc bộ phủ được thể hiện qua chiếc máy chữ: Anh nhớ tiếng ho từng đêm gió giật/ Dưới ánh đèn mờ Bác đánh luôn tay/ Chữ nẩy lên dưới ngón tay gầy/ như hạt giống đã nở thành lúa gạo/ như viên đạn bắn vỡ đầu quân tàn bạo/… (Lê Gia Định giữ Bắc bộ phủ). Đây là hình ảnh anh bạn học sinh: Bạn tôi ngã xuống với cuốn sổ tay dở chừng trang viết/ Bom giặc vùi lên cả số phận câu thơ (Đêm hài hòa). Đẹp đẽ và cảm động làm sao, trên đường phố chiến lũy, có chiếc giường Hồng Kông đôi vợ chồng mới cưới/ Những sợi bông còn vương vất nhớ nhung ai… (Nhớ ngày Thủ đô kháng chiến). Nhà thơ còn phát triển ý thơ đó trong một khổ thơ khác: Ngày kháng chiến Thủ đô anh trong bộ đội/ chị nhập đoàn cứu thương/ Cùng chung Liên khu Một tháng ròng mà không thấy mặt/ Một hôm gặp nhau qua lỗ đục tường (Trên núi Nùng). Súng nổ dữ dội mà cũng tràn đầy âm thanh và hương sắc lãng mạn: Một tiếng đàn rung trên chiến hào (Nhớ ngày Thủ đô kháng chiến), Sáng mùa thu bâng khuâng hoa sữa/ Có phải như em/ hoa cũng chờ/… (Ngày về Hà Nội).
Hầu hết trong các bài thơ anh đều đưa vào những chi tiết đời sống rất điển hình cho phong độ hào hoa và anh hùng của người Hà Nội. Cũng trong bài Nhớ ngày Thủ đô kháng chiến, sau khi đã thể hiện khá thành công về chiến lũy Hà Nội, anh dựng lên một chi tiết đột ngột và thú vị: Một người bạn tôi gặp trong đêm ấy/ Ra phố mua một bao thuốc lá/ Chín năm sau mới trở về nhà/ …
Câu thơ bình dị như lời nói thường mà rất sống động. Lúc đầu tôi cứ nhầm tưởng tác giả là người Hà Nội gốc. Mãi đến sau này tôi mới biết chính xác quê anh ở Hà Nam, định cư Hà Nội từ năm anh mười tám tuổi. Thế mới biết Hà Nội có sức kết tủa mạnh mẽ mọi tinh hoa dân tộc trong tâm hồn hàng triệu người Việt Nam. Sự kết tủa đó được thể hiện khá rõ trong thơ Hoài Anh…

V.V.T


Nguồn: TCNV 01-2013

Exit mobile version