Nhân vật trong truyện ngắn của Từ Nguyên Tĩnh khá đa dạng. Bên cạnh số phận những người lính pháo thủ, lính hậu cần, lính hải quân,…còn có số phận của kẻ địch. Nhà văn không hắt hủi, vùi dập số phận của những người phía bên kia giới tuyến mà có cái nhìn rộng lượng, vẫn cho họ đường sinh sống…

Có độ lùi về mặt thời gian, cùng với cái nhìn khách quan, chuyển đổi tư duy sáng tạo, chưa bao giờ hiện thực cuộc sống trong chiến tranh được phanh phui như giai đoạn sau 1975, nhất là từ 1986 đến nay. Cách nhìn về chiến tranh đã khác với giai đoạn trước. Tác phẩm bây giờ không thiên về ghi chép lại các sự kiện lịch sử (việc làm này thuộc trách nhiệm của các nhà lịch sử) mà có cách nhìn nhận mới, bút pháp mới, phản ánh phù hợp với hoàn cảnh xã hội. Các nhà văn không che giấu những mặt trái của hiện thực mà đưa nó ra ánh sáng, nhờ thế, chiến tranh được đánh giá khách quan hơn, số phận con người đa sắc hơn. Đặc biệt, quan niệm về con người đã khác so với giai đoạn trước 1975. Nhân vật hiện lên đa tính cách, lưỡng diện, không còn khoác vẻ đẹp lãng mạn, anh hùng, cao cả.

Tập truyện ngắn (II)[*] của Từ Nguyên Tĩnh đa phần lấy đề tài chiến tranh và thời gian sau hòa bình (một vài năm) làm cảm hứng sáng tác. Các truyện ngắn của ông không phải là tư liệu về chiến tranh hay cuộc sống của nhân dân sau hòa bình. Dấn thân vào mảng đề tài quá quen thuộc, nằm lòng, Từ Nguyên Tĩnh có cái nhìn mới về thân phận con người trong và sau chiến tranh.

Tập truyện ngắn (II) đa phần chọn điểm nhìn kí ức, hoài niệm. Điểm nhìn này chi phối việc chọn lựa không gian của nhà văn. Với nhận thức “Cuộc chiến tranh này có biết bao nhiêu điều cần nói… Nhưng sự đau đớn và day dứt thì rất khác nhau” [401], ông nghiêng về không gian đời tư để khám phá thân phận. Địa điểm, thời gian xảy ra cuộc chiến chỉ được đá qua đôi dòng, còn lại là không gian riêng tư, chủ yếu xoáy vào tính cách, số phận của con người. (Mùa xuân này có em, Chiếc xe thồ của cha tôi, Dì Tư, Chuyện không định kể, Trung “gà chọi”, Ra giêng em đi lấy chồng, Một người lính,…). Chiến tranh chỉ là bình phong, đằng sau nó mới là vấn đề mà Từ Nguyên Tĩnh quan tâm. Khi không gian đời tư được cởi trói, người ta càng thấy rõ hơn sự khốc liệt của chiến tranh. Chiến tranh khiến cuộc đời của dì Tư Hường (Dì Tư), dì Bân (Ra giêng em đi lấy chồng), Tùng (Chuyện của người tù Côn Đảo),… phải chịu nhiều đớn đau, mất mát. Hai người chồng và bốn người con đều bỏ dì Tư ra đi. Chuyện chồng con của dì Bân cứ lần lữa mãi. Hòa bình, Tùng cũng không thể đoàn tụ với gia đình… Góp phần khắc họa rõ nét tính cách nhân vật trước và sau chiến tranh, bên cạnh không gian đời tư, nhà văn còn sử dụng thủ pháp đồng hiện thời gian để vẽ nên hai cái thực: sự thật của chiến tranh và sự thật của hiện thực cuộc sống.

Vận dụng kiểu không gian đời tư và thời gian đồng hiện, Từ Nguyên Tĩnh có điều kiện khai thác kiểu nhân vật phát triển tính cách đa chiều, thường dội vào những bước ngoặt, những vấp ngã. Nhân vật của ông, vì thế, không phải là bản sao của cuộc sống, dưới sự hư cấu, nó trở thành kiểu nhân vật vừa quen vừa lạ. Chính ông đã thể hiện quan niệm về cách xây dựng nhân vật ngay trong một truyện ngắn của mình: “Người ta rất đòi hỏi sự hoàn chỉnh của nhân vật. Nhưng nếu ta làm hết đi, cái ý nghĩa đồng sáng tạo của người đọc sẽ không còn nữa. Nhưng ta cũng không thể xuyên tạc nhân vật, biến nhân vật thành phát ngôn viên của tác giả một cách sống sượng. Mỗi một nhân vật là một khía cạnh để tạo ra sự hoàn chỉnh, để tạo ra toàn bộ bức tranh mà tác giả khái quát. Văn học là phản ánh cuộc sống nhưng không phải là nhại lại cuộc sống và thấp hơn cuộc sống” [378]. Đây là một quan niệm đúng đắn, thể hiện sự đòi hỏi cao đối với người sáng tạo cũng như người tiếp nhận. Xuất phát từ quan niệm này, ông biết cách đẩy nhân vật của mình vượt xa kiểu nhân vật trước 1975, hướng đến nhân vật đa diện, đa tính cách. Có những con người anh dũng chiến đấu như Lê Y Tịnh (Chiếc xe thồ của cha tôi), dượng Hường, chú Vỹ (Dì Tư), Cúc (Hoa cúc vàng bên hòn Trống Mái),…; có những người đớn hèn, bạc nhược như Thịnh (Chuyện không định kể), Dụng (Phản bội) …; có những người tốt bụng như Ngữ (Ngoài khơi cha chưa về), Hợi (Hợi),…; có những người xấu, thủ đoạn như Tầm, Thân (Kẻ đào tẩu), Vầy (Hợi),… nhưng cũng có những con người lưỡng diện như Đức (Kẻ đào tẩu), Út Trà (Dì Tư), Căn (Chuyện người tù Côn Đảo),… Những va đập cuộc sống khiến các nhân vật trong truyện của Từ Nguyên Tĩnh luôn rơi vào tâm trạng băn khoăn, do dự, nhất là, khi cận kề giữa cái sống và cái chết, bản chất của nhân vật bộc lộ rõ nhất.

Tàn dư của những mất mát, tổn thương do chiến tranh đưa lại quá lớn. Nó hủy hoại lớp da thịt, ăn sâu tận đáy tâm hồn và ray rứt, ám ảnh họ ngay cả trong giấc mơ. Họ cảm thấy mình như kẻ lạc thời, lạc lõng trước cuộc sống mới, không bom đạn, đổ máu. Kỉ niệm của những năm nhức nhối khói lửa khiến nhân vật sống giữa đời thường nhưng vẫn không thể nào dứt ra được. Bình gắn bó với công việc gác nghĩa trang để hằng ngày có thể trò chuyện với các bạn bè chiến hữu của mình (Nấm mồ biết nói). Khang, Đức, Tâm, ba cựu chiến binh, tổ chức chuyến đi xuyên Việt, đến những nơi đồng đội mình yên nghỉ, trò chuyện thâu đêm về một thời đã qua (Kẻ đào tẩu). Ông Đường vẫn hằng ngày ra biển để có thể kề cận bên người bạn chiến đấu của mình năm xưa (Ngoài khơi cha chưa về). Như thế, với họ, đối diện với cuộc sống mới cũng là một cuộc chiến tranh thứ hai, cuộc chiến tranh nội tâm. Người đẩy Tùng vào tù, chịu “roi vọt, tra tấn và bệnh tật” chính là Căn (Người tù Côn Đảo). Người đẩy gia đình Tùng rơi vào bi kịch cũng là Căn. Nhưng nếu bắt Căn đi cải tạo, đi tù vĩnh viễn thì Duyên và hai đứa con của hắn rất khó lòng thanh thản. Nếu dùng “dao búa và chụp giật” như bản chất của thằng Căn, thằng Mỹ cố vấn, càng không thể. Tùng rơi vào tình huống khó xử. Cứ ngỡ, sau chiến tranh, con người sẽ có cuộc sống mới. Nhưng sự tổn thất trong bom đạn, bây giờ, vẫn tiếp diễn, vẫn tồn tại, đeo đẳng với nỗi đau mới. Khát khao một cuộc sống hạnh phúc, sum vầy bên gia đình, được sẻ chia với người mình thương yêu cũng không thể nào có được. Bi kịch này không thể liền da mà luôn sưng tấy, âm ỉ từ ngày này sang ngày khác. Đó là cái giá phải trả quá đắt cho ngày giải phóng.

Kiểu nhân vật tự thú, sám hối xuất hiện khá nhiều trong những sáng tác sau 1975. Khi chiến tranh đi qua, được sống giữa thời bình là cơ hội để họ tự vấn, day dứt với lương tâm chính mình. Truyện “Thằng Đỉnh” có cái kiểu của nhân vật sám hối. Lúc còn ở Hàm Rồng, nhân vật tôi “cắm cúi lo trận mạc”. Hòa bình, cuộc sống vất vả, bản thân không tự nuôi nổi mình, lấy điều kiện đâu nuôi cháu. Vì thế, việc tìm cháu cứ lần lữa mãi. Nhân vật tôi cứ tự vòng vo, tự huyễn mình bằng những ngụy biện. Hoàn cảnh khách quan lẫn chủ quan khiến nhân vật tôi luôn sống trong sự dằn vặt, không yên, luôn tự cho mình là kẻ ích kỷ, nhỏ nhen. Ngay một kẻ đểu cáng như giám đốc Dụng vẫn có hành động, giây phút sám hối. Hắn lập bàn thờ Trời, thờ Đời  và từ chối việc đi học, thăng chức (Phản bội). Nhưng khoảnh khắc tự thú ấy không đủ sức vớt vát nhân cách của hắn. Hay như thằng Căn, từng đưa cuộc đời Tùng lên bờ xuống ruộng, nhưng vẫn có thái độ ăn năn, hối hận, đối xử trọn vẹn với mẹ Tùng, với Duyên và thằng Huy. Căn như thế, Tùng khó lòng giải quyết được những mâu thuẫn trong gia đình mình.

Bên cạnh kiểu nhân vật chấn thương, chịu những dư chấn tinh thần, nhân vật sám hối, tự nhận thức, Từ Nguyên Tĩnh còn khai thác kiểu nhân vật tha hóa. Bản chất tha hóa của người lính bộc lộ rõ nét trong và sau chiến tranh. Nếu chiến tranh làm họ giằng co giữa cái sống và cái chết, tìm mọi cách để giữ thân thì sau chiến tranh, bản chất vẫn giữ nguyên, thậm chí còn ghê gớm, xảo quyệt hơn. Dụng, Khủng, Tầm, Thân, Đức… là những nhân vật đại diện cho mẫu người này. Dụng vừa là một kẻ phản bội, hèn nhát, sợ chết vừa là kẻ bức hại đồng đội (Phản bội). Hắn đã bỏ trốn khỏi trận địa sau khi nã một phát súng vào người bạn cùng chung trận chiến với mình. Hậu chiến, hắn vẫn bộc lộ bộ mặt của kẻ đạo đức giả, mánh khóe và còn trở tráo hơn khi kể lể những chiến công không một chút e ngại. Dẫu có thay tên mình (Dung thêm dấu nặng thành Dụng), nhưng  hắn vẫn không thể chạy trốn cái án tử hình vắng mặt trong chiến tranh. Tầm, Thân cũng thuộc dạng người như giám đốc Dụng (Kẻ đào tẩu). Nếu Tầm khéo léo, giả dối lấy lòng mọi người để ăn cắp giấy khám thương tật, giấy báo thương của đơn vị hòng tẩu thoát và trở thành kẻ được ngợi ca, sống có trách nhiệm với đồng đội thì Thân lại sợ chết, khai báo về đồng đội mình để được làm việc với kẻ bên kia chiến tuyến và kèm theo khiếu nịnh, hắn nhanh chóng được vào Học viện quân sự. Tuy xuất phát điểm của cả hai khác nhau nhưng đều là những kẻ đào tẩu giỏi, chuyên nghiệp, hết sức trơ trẽn, đểu cáng và bỉ ổi. Song “chuyện của những kẻ sợ chết, bán đứng bạn bè, hay phản bội trong chiến tranh, sử sách ghi lại đầy rẫy ra rồi. Trong bia miệng thế gian, chẳng đã nói đấy thôi” [239]. Việc phản bội tình yêu trong thời chiến còn đau khổ hơn nhiều. Nếu lỗi lầm của Tầm và Thân đáng lên án nhưng có thể tha thứ thì nỗi đau của Đức khó bề bỏ qua được, bởi nó là nỗi đau khi phải sống mà không biết gì về vợ, con của mình. Tuy Đức luôn ân hận, tự dày vò chính bản thân mình nhưng Đức cũng rất đáng trách. Trong hoàn cảnh chiến tranh, liệu Thơm có yên ổn để sống khi rơi vào cám cảnh không chồng mà chửa. Hay ở truyện “Vô danh”, biết bao người lính nằm xuống chỉ vì những tay đểu cáng như Khủng? Việc bảo vệ các trận địa tên lửa là quan trọng. Nhưng nghĩ ra cách làm trận địa giả như Khủng thì quả là đáng lên án: “Việc làm trận địa giả, không phải là điều gì mới mẻ,… Mình đã cử những tay hay có ý kiến trái khoáy, hay khoét vào những khuyết điểm của đơn vị mỗi khi có thương vong, cấp trên xuống rút kinh nghiệm. Không biết một người trung thực có làm điều ấy không nhưng với mình lúc đó cho như vậy là đúng. Tội gì lại để cho những tay cứng đầu nó cản trở con đường của mình phải không nào” [413]. Vậy mà một kẻ như hắn, “nằm ỳ” không chịu tham gia chiến đấu, lại được đề bạt, thăng chức liên tục. Xây dựng kiểu con người tha hóa này, nhà văn có những đánh giá thấu đáo hơn về tính cách, số phận của con người. Chiến tranh đẩy con người rơi vào hoàn cảnh éo le, hành động của họ dù hữu ý hay vô ý đều đọng lại trong lòng những dư vị đắng chát của cuộc đời.

Nhân vật trong truyện ngắn của Từ Nguyên Tĩnh khá đa dạng. Bên cạnh số phận những người lính pháo thủ, lính hậu cần, lính hải quân,…còn có số phận của kẻ địch. Nhà văn không hắt hủi, vùi dập số phận của những người phía bên kia giới tuyến mà có cái nhìn rộng lượng, vẫn cho họ đường sinh sống. Thằng Căn từng là bạn học cũ của Tùng (Người tù Côn Đảo). Chỉ khi hắn từ bỏ Việt cộng đi theo con đường chống cộng sản, đeo quân hàm trung úy, con người của hắn hoàn toàn thay đổi. Hắn hành hạ Tùng 20 năm ở Côn Đảo nhưng Tùng không hề vùi dập hay trả đũa hắn. Vì khi thua trận, hắn đã tỏ rõ sự hối hận, xin lỗi Tùng và chấp nhận đi cải tạo. Hoặc như Út Trà, tuy là người tốt nhưng không thể chịu được những trận tra tấn dã man đã đầu hàng đi theo bọn ngụy, làm vợ thằng Minh, người từng là bạn học của chú Hường và chú Vỹ (Dì Tư). Chú Hường, chú Vỹ, dì Tư,… vẫn cảm thông với Út Trà. Dì Tư bảo lãnh cho thằng con đầu của Út Trà về ở với dì khi má Trà và thằng Minh bỏ chạy sau ngày đất nước giải phóng. Tuy không viết nhiều về kiểu nhân vật phản cách mạng nhưng chỉ một vài nhân vật cũng đã nhấn mạnh tính nhân văn của tác giả trong cách đánh giá con người. Bởi, kẻ thù cũng là con người. Ở họ, đâu hoàn toàn chỉ là mặt xấu. Xuất phát điểm của họ cũng là người cùng phía mình nhưng do hoàn cảnh đưa đẩy họ trở thành kẻ đối nghịch. Để nhân vật rơi vào tình cảnh như thế, tác giả đã gián tiếp tô đậm vẻ đẹp của người chiến sĩ cách mạng.

Người kể chuyện (NKC) trong các truyện rất linh hoạt, có sự trao đổi vai kể khi vận dụng kết cấu lồng ghép, cấu trúc song tuyến (Kẻ đào tẩu). Về điểm nhìn, có sự di chuyển điểm nhìn giữa người trần thuật với nhân vật (Người tù Côn Đảo, Chuyện không định kể,…), luân phiên điểm nhìn bên ngoài và bên trong (Hợi, Nấm mồ biết nói,…). Nhưng nổi bật nhất vẫn là điểm nhìn bên trong. NCK vừa là người trần thuật vừa là nhân vật. Không những thế, tác giả còn gài vào tác phẩm những cái tên như: Tễnh (Danh nhân của làng, Chú Ân); Tĩnh (Con ngựa bạch, Thằng Đỉnh, Trung gà chọi); Bùi (Thái và tôi, Hợi). Cách làm có dụng ý. Những cái tên ít nhiều gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của ông. Các thủ thuật ấy là lợi thế để các câu chuyện của tác giả tăng thêm tính trung thực, đáng tin cậy, có điều kiện bày tỏ, nêu lên những suy ngẫm cũng như quan điểm, tư tưởng của mình về cuộc sống nhân sinh. Nhờ vậy, nhân vật của Từ Nguyên Tĩnh gần gũi và thực hơn. Không những thế, Từ Nguyên Tĩnh còn để nhân vật được sống trong lời đồn đại của mọi người. Truyện Chú Ân, Con ngựa bạch, Ông phải làm chủ nhiệm, Thái và tôi, Ngài Sumôtô,… thiên về kiểu này. Thông qua lời đồn đại của mọi người, nhà văn huyền thoại cho nhân vật của mình. Kiểu bỏ lửng số phận nhân vật như thế phù hợp với đặc thù của truyện ngắn, tất nhiên, nó cũng không ngừng đòi hỏi sự tưởng tượng, đắp da đắp thịt của người đọc.

Qua một số cách xây dựng nhân vật như đã đề cập, nhà văn chỉ rõ bản chất của cuộc sống luôn ngự trị những trận chiến đối lập gay gắt giữa cái tốt và cái xấu, giữa cái thiện và cái ác. Trong sự đối kháng, đối nghịch, hình tượng nhân vật trở nên sắc nét, cá tính, có những suy tư, chiêm nghiệm giàu triết lí. Tính cách nhân vật tôi và Khủng thể hiện khá rõ khi luận về sự phi lý trong chiến tranh: “Chiến tranh có sự phi lý của nó. Một quả bom rơi vào bờ công sự, người quay mặt ra thì hi sinh, người quay mặt vào thì an toàn. Bây giờ quá khứ đang được quên đi, đang khép lại để mưu đồ những chuyện khác, anh ta mới có chuyện cởi mở thế kia. Nếu còn chiến tranh chắc anh ta rất tự hào về nghề chính trị viên của mình. Thử hỏi trong bản anh hùng ca của cuộc chiến tranh này đã bao giờ anh ta nghĩ cho kỳ cùng rằng mình chưa bao giờ là người cầm súng, chưa bao giờ dám nói lên sự hèn nhát của mình một cách thẳng thắn” [406]. Giữa cái sống và cái chết, người ta mới chân thật với lòng mình: “Không thể ích kỉ, rằng chúng tôi cần người cầm súng, chống lại cái ác mà không để cho tâm hồn người ta sao nhãng với sự bao dung che chở của tự nhiên được” [251]. Trong chiến tranh, người lính chịu nhiều thiệt thòi nhất: “Họ không thể hiểu được chiến tranh và sự chịu đựng lớn nhất là người lính. Chịu đựng sự bất công lớn nhất cũng là anh ta; anh không cần biết người chỉ huy có tài cán hay vô học cứ cắt cử là phải chấp hành, mặc dù anh ta chưa qua một trường ốc nào cả” [409], nhưng cũng là người để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp: “… có lẽ trên đời này, có một loại người, dễ làm thân và quen nhau nhanh nhất và lâu bền là người lính. Đặt chân đến đâu cũng là đồng đội, gặp nhau cùng một chí hướng là chiến đấu và chấp nhận sự hi sinh” [227],… Những suy ngẫm, triết luận rất thật và rất thực phần nào bổ sung, hoàn thiện tính cách của nhân vật trong truyện ngắn của Từ Nguyên Tĩnh.

Truyện ngắn (II) của Từ Nguyên Tĩnh là tập truyện đáng đọc. Ngoài những truyện lấy cảm hứng từ chiến tranh và số phận người lính, còn có những mảng truyện hướng về đề tài thế sự, mang tính thời sự, hấp dẫn và gợi nhiều trăn trở trước cuộc sống muôn màu muôn vẻ. Nhà văn lo lắng, xót đau trước thực trạng truyền thống làm nghề đúc nồi đang dần bị mai một (Thợ nồi đất), trước những con người cố tình quên phong vị quê nhà, lơ lớ tiếng ta cho ra vẻ người ngoại quốc (Tiếng ta hay phong vị quê nhà), rồi đến chuyện làm thầy cúng, bà đồng, nghề bói toán (Thái và tôi), chuyện gái làm tiền, chuyện ôsin thời nay (Cuộc đời Tuyết Tuyết, Đổi đời),… Truyện “Chuyện không định kể” là một ví dụ. Nhà văn kể lại câu chuyện về “ba chiến sĩ ném bom bi nổ chậm” ở Hàm Rồng rất trung thực. Truyện bật lên nhiều góc khuất mà chính những người từng là chiến sĩ, từng làm công tác lãnh đạo của một tờ báo cũng không thể nào phân biệt được đâu là giả, đâu là thực. Chức, Động, Thịnh không hề bị thương, không anh dũng như sự xuyên tạc của cánh nhà báo. Thế mà, cánh nhà báo vẫn tâng bốc, ca ngợi hết sức mùi mẫn về hành động quả cảm của Chức, Động và Thịnh. Mục tiêu của hành động che giấu sự thật này là gì? Đường biên nào cho nghề làm báo? Nghề làm báo mà thiếu vốn thực tế, thiếu sự ngay thẳng thì thật đáng trách. Cách “kiếm ăn” của họ bắt đầu cho mọi “tai họa”.

Trong tập Truyện ngắn (II), tuy còn một số truyện chưa đẩy nhân vật rơi đến đỉnh điểm của bi kịch, sự giằng xé nội tâm còn hạn hữu, cách vận dụng NKC, ngôi kể và điểm nhìn còn nhất quán, truyền thống, nhưng với những gì mà Từ Nguyên Tĩnh đã làm được như trên cho thấy sức sáng tạo của cây bút sắc cạnh, tinh tế, lão luyện trước những mảng đề tài vốn dĩ không lạ lẫm với người đọc. “Nhà văn không phải người chép sử” (Sương Nguyệt Minh). Từ Nguyên Tĩnh không “chép sử”, không đi theo lối mòn mà đã mượn “sử” mã giải những vấn đề về cuộc sống và nhân sinh. Cái khéo léo ấy ít nhiều tạo năng lượng cho tập truyện ngắn này.

Đồng Hới, ngày 9/10/2012

——–

[*]. Từ Nguyên Tĩnh, Truyện ngắn (II), NXB Văn học, 2011.

Nguồn: Vanvn.net