Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi

Hoàng Liên Sơn từng đoạt giải Ba cuộc thi truyện ngắn Tầm nhìn thế kỷ của báo Tiền phong, và anh cũng đã cho in tập truyện ngắn Ai chiếu đi từ hơn chục năm trước. Mấy năm gần đây Sơn công bố thơ đều đặn hơn. Tập Những số hạng yêu thương là tập thơ thứ hai được anh cho xuất bản.

Thơ Hoàng Liên Sơn có nét duyên riêng. Dường như mỗi bài thơ là một sự lập trình, bài bản khúc chiết, tuy vậy sự duyên dáng, ý vị, tinh tế, nghiêng về tính nữ, lại vẫn là mạch xúc cảm chủ đạo. Yếu tố lập trình bài bản là do công việc kinh doanh, thường ngày phải chăm lo, [Boss1] tính toán từng giá thành lỗ lãi? Sự duyên dáng, ý vị và tinh tế là do bản tính thi nhân mà có? Câu trả lời chắc chắn là vậy. Và qua thơ, nhờ có thơ mà người thân, bạn đọc mới thực hiểu cái tinh chất sâu xa trong con người Sơn. Chúng ta biết ơn thơ đã cho thấy phần đời sống đẹp và tinh túy – nơi cư ngụ phận người sâu kín nhất của thi nhân.

Nghệ thuật thơ xưa – nay đã có điều khác biệt. Những năm trước đây người sáng tác chú trọng vào câu, chữ, đề cao “thần cú”, “nhãn tự”, họ sẵn sàng đánh đổi hàng năm để có một câu thơ khiến quỷ thần kinh hãi. Thế giới thi nhân xưa đó vốn được thiêng hóa trong danh chữ Thánh hiền, hoặc trong không gian u linh, mê mị thời loạn, với nhiều người cầm súng, cầm cày cuốc mà ít ỏi người chuyên chú thơ văn. Điểm tinh thần và cảm xúc đời sống này còn ám ảnh khôn dứt trong lòng xã hội, tới lớp người làm thơ tận cuối thế kỷ 20. Cũng bởi vậy, trong nghệ thuật tạo câu lập chữ đã có phần xem nhẹ yếu tố cá tính cho xác lập một tư cách chữ nghĩa riêng. Nhà thơ mơ ước sáng tác được câu thần cú: “Cho đời nhớ được một câu/ Bạc đầu người viết dễ đâu đã thành”, cao hơn bậc là sự thỏa mãn danh dự “nhà thơ một bài”, như trường hợp Ông Đồ của thi sỹ Vũ Đình Liên.

Tiêu chí nghệ thuật sáng tác với lớp thi nhân ngày nay đã khác. Họ thị dân hơn trong đời sống sinh hoạt nhưng áp lực hơn trong việc tìm đường. Sáng tác văn thơ, với nhóm người này là một cuộc chơi tao nhã, song trong nhóm bạn “tao nhân” đó vẫn có “mặc khách” âm thầm hướng tới tính chuyên nghiệp, tạo văn nghiệp. “Tính chuyên nghiệp” đang là một đòi hỏi thiết yếu nhất trong mọi ngành nghề. Với thơ, đòi hỏi cuối cùng với một cây bút là phải tạo được ngữ hệ mang trong nó trường lực đủ sức hấp thụ và phát sáng lên một giọng điệu, tên định danh là Phong cách. Và tất nhiên, để khẳng định được phong cách, điều tối thiểu đòi tác giả phải có những xeri bài/tập dựng từ khoảng không – thời gian nghệ thuật mang giá trị mỹ cảm ngôn ngữ riêng.

Nhìn từ góc chiếu ngôn ngữ này, tập Những số hạng yêu thương, đậm hơn ở phần Tự tình, thơ Hoàng Liên Sơn đã thấp thoáng gợi mở một “đường viền ngôn ngữ”, theo tôi, đó là cơ sở ban đầu cho việc xác lập giọng điệu thơ anh.

Những bài/câu thơ minh chứng điều này: “Cảm ơn người nhặt giúp lá me/ Và chỉ nhặt trên vai thôi nhé/ Dẫu trên mái tóc mềm/ Có thể cũng là me…” (Lá me). Và: “Em vốc nước rửa mặt/ Thử xem không gian này có còn là thật/ Anh mơn trớn vầng trán thanh cao bằng ánh mắt/ Một sở hữu từ/ Vừa rụt rè nhen…” (Giai điệu mơ hồ). Thêm nữa: “Anh cười online với em bằng biểu tượng mở miệng/ Và những trái tim bay lên từ mắt/ Em dặn anh đừng thức khuya/ Nếu đó không phải là khoảng thời gian dịu ngọt/ Em sợ dòng ngoại ngữ sẽ được dịch đủ đầy ra tiếng Việt/ Và tâm hồn từ đó hết bình an!” (Offline).

Và đây bài Nắng non:

Cái bàn góc vườn

Anh chợt nhớ đây ghế mây em ngồi

Và rất nhớ

Con kiến lan man về phía em

Như để tìm hơi ấm…

Nó đã khác. Gần như ở Phần I, bài nào cũng được thể hiện với hình ảnh ngữ điệu vậy. Và đấy chính là nét biểu thị cảm xúc đời sống riêng của người thi sỹ này.

*

Phần II, có tiêu đề Sứ mệnh, phần dành cho những sáng tác với tư cách một người bố, và trong sứ mệnh công dân.

Như đã trình bày ở trên, mỗi bài thơ là một sự lập trình, bài bản khúc chiết theo từng đốt thời gian tuổi tác, diễn biến tâm lý, sự việc, đặc điểm này có cả trong các khúc thơ tình nhưng đã được giấu kín, thì ở phần thơ giầu tính bổn phận, trách nhiệm công dân (tạm gọi vậy), tác giả không giấu giếm, đã bày tỏ rõ ràng cách bố cục có tính toán tới hiệu quả:

Tuổi hoa niên là gì

Mẹ nào có biết

Khi tự hỏi thì một nách đã ba con

Bà được sinh ra rồi sống và mất đi

Nhạt như cụ kỵ…

(Nhạt)

Hay như:

Cô rửa mặt từng trẻ

Trẻ này vì tình yêu

Trẻ kia cho mưu sinh

Trẻ thứ ba thứ tư là nghĩa vụ

Và trẻ thứ hai mươi bởi thực sự anh hùng!..

(Cô giáo miền xuôi nơi vùng biên).

Với tư cách người bố, cách cư xử dạy dỗ những đứa con của mình, trong thơ Hoàng Liên Sơn bày tỏ cũng lớp lang, bài bản. Bài Vòng kim cô, nhà thơ – ông bố tường trình, từ lúc đứa con mới tập ăn anh đã dấm dứ thìa bột trước miệng con mà đùa mà dạy: “Cho con cảm thấy để có miếng ăn/ Phải giành giật lấy/ Chứ không thể ê hề…” Rồi tới khi con cắp sách đến trường: “Con mang theo đủ tiền/ Chê xôi đắt không mua dù nó ngon đi nữa/ Bé mọn quá/ Nhưng không vậy thì tòa rộng dãy dài có trụ nổi thói tiêu hoang?” (Dốt hình học). Và phải đến ngưỡng cửa tuổi trưởng thành, người con có thể giang đôi cánh bay độc lập, ông bố mới nói ra điều bấy nay hằng giấu:

Nhưng hôm nay

Đã quá nửa đêm

Mười bảy xuân xanh còn chong đèn viết – gạch

Bố hiểu đã đến lúc cho con trút được

Vòng kim cô lấp lửng thiếu tiền….

Và có quyền

Chọn con đường tuyệt diệu đến tương lai.

(Vòng kim cô)

Trước vấn đề thời sự nóng xảy ra trong đời sống xã hội, như sự kiện cá nhiễm độc ở Formosa, sự kiện máy bay quân sự gặp nạn v.v… mối quan tâm dù lớn nhưng tình thơ điềm tĩnh, chi tiết mà xúc động. Bài Tâm hồn hai tuổi, ký họa cảnh tang lễ:

Mặc áo đen và áo xô nào

Rồi cả nhà mình lên xe đi gặp bố

Không đẹp con à

Nhưng thế này bố sẽ dễ nhận ra…

Hay trường hợp đoàn thiện nguyện đến với trẻ em miền núi: “Cảm ơn các em đã chào chúng tôi nhưng chú ý/ Vấp chân là đổ mất túi cơm/ Đây đôi dép không phải để ôm hay cắp nách/ Hãy đặt xuống sân/ Anh khom lưng xỏ giúp/ Đôi chân bám chắc mảnh địa đầu…” (Bỡ ngỡ). Bài Câu hỏi, những chi tiết khắc họa tinh tế, xúc động: “Mũ len mới trùm lên vành tai cáu ghét/ Tất chân đeo ngay dưới vệt bùn mờ/ Em về bản đón xuân…”

Từ ngõ nhà tới đường cái quan, từ tình cảm với con, với người yêu, tới tấm lòng người công dân thiện nguyện trong xúc cảm thi ca Hoàng Liên Sơn luôn nhất quán, có tiến trình cả về thời gian và hoàn cảnh sống:

Mong từng em lớn lên cùng sự tin yêu đồng loại

Rồi một ngày chúng tôi nhìn lại

Ngỡ ngàng thấy mầm thiện nảy xanh ngay ở

chính mình…

(Mầm thiện)

Và:

Chúng tôi tìm đất gieo hạt ấm no

Cũng khó như đồng bào tìm đất tra ngô

Giữa bốn bề đá sắc.

(Đất gieo hạt ấm no)

Giấc mơ cao nhất cho hiện thực xã hội còn đầy thương khó, trái ngang, là:

Nhưng buồn không tinh khôi, vui không trong suốt

Và nụ cười vẫn vương mùi nước mắt

Biết khi nào

Cao thượng ở một tay

Đớn hèn ở một tay

Tay kia vung lên chặt đứt tay này…

(Giấc mơ)

Thơ Hoàng Liên Sơn có không ít sáng tác như những bản nhật trình ghi chú lại từ các sự kiện lớn lao đến việc đời thường nhỏ bé, và nhờ vậy mà thơ giầu chất liệu đời sống. Hướng thể hiện này mạnh về tính hiện thực/hiện thời song nhẹ về tính ảo – hiện thực huyền ảo – nơi cư trú giấc mộng ngàn năm, nơi cho phép xóa mờ dấu tích mọi đường biên hữu hạn được dựng bởi yếu tố chính thể, thời thế thậm chí dân tộc tính để đạt tới cảnh giới loài – tính phổ quát với mẫu ngữ hệ – mang danh gọi Nàng Thơ.

20/5/2017

Vanvn.net

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài

Exit mobile version