Giải Văn học thường được chờ đợi nhất trong số sáu giải thưởng danh giá mang tên nhà khoa học vĩ đại Nobel. Đây cũng là giải thưởng khó đoán nhất trước khi trao và hay gây tranh cãi nhất sau khi đã có chủ. Lợi dụng đặc điểm này và tâm lý ưa đỏ đen của công chúng, nhiều nhà cái trên thế giới đã đưa ra tỷ lệ cược cho giải Nobel Văn học 2009. Đây là cách kinh doanh có lãi vì rất ít người đoán trúng. Trước ngày công bố giải thưởng, nhà văn Israel Amos Oz được nhà cái Ladbrokes ra tỷ lệ cược 1 ăn 4. Năm ngoái ông cũng có tỷ lệ cược cao nhất và… thất bại. Chúng ta không biết được tỷ lệ cược của Herta Müller là bao nhiêu, bởi đơn giản bà không có tên trong danh sách những ứng cử viên được yêu thích và hầu như không ai dự đoán bà sẽ chiến thắng…



HIỂU TỪNG… KẼ HỞ CỦA NGÔN TỪ


Herta Müller sinh năm 1953 tại một làng quê vùng Timiş (Niţchidorf) hẻo lánh. Nơi ấy, bà có một thế giới đặc biệt của riêng mình: một cộng đồng người dân gốc Đức lưu lạc ở Romania từ thời quân chủ Áo – Hung. Họ sinh hoạt tương đối biệt lập, có trường học riêng, có ý thức giữ gìn ngôn ngữ gốc. Chính vì thế, ngay từ khi bắt đầu sáng tác, Herta Müller đã viết bằng tiếng Đức. Bà cảm nhận ngôn từ tiếng Đức tinh tế hơn nhiều đồng nghiệp sinh ra và lớn lên ở Đức. Bà tìm được trong ngôn ngữ này cách biểu cảm độc đáo và bất ngờ bởi bà vừa nắm vững tiếng Đức như tiếng mẹ đẻ, lại vừa có cái nhìn của một người từ bên ngoài, một người lớn lên ở một đất nước khác, một nền văn hóa khác. Người ta so sánh khả năng linh hoạt về ngôn ngữ của Herta Müller với nhà thơ Heinz Erhard, một người Đức sống ở Riga, nắm vững và hiểu sâu sắc ba ngôn ngữ: Nga, Đức, Latvi. Trong cách hành văn, ngôn ngữ của Müller khá đặc biệt – nó như cách một đứa trẻ tiếp nhận thế giới ngôn từ theo cách riêng của mình, đầy bất ngờ. Müller từng viết trong cuốn tiểu luận “Nhà vua cúi chào và xuống tay giết người” về quan niệm của mình về ngôn ngữ như sau: “Đối với phần đông mọi người, không hề có kẽ hở nào giữa một từ và sự vật mà từ ấy gọi tên, muốn nhìn được ra kẽ hở ấy, có lẽ cần phải định vị ánh mắt vào cõi mông lung, giống như tuột từ thân thể chính mình vào chỗ trống vậy…. Trong mỗi một ngôn ngữ, nghĩa là mỗi một phương cách để chuyển tải lời nói, đều ẩn giấu những cái nhìn khác”


Herta Müller là một cây bút bao quát nhiều thể loại. Bà viết truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết, tiểu luận, đoản văn, và cả thơ. Trong một tác phẩm của mình, nữ sĩ đã viết: “Tôi… chính là hồi ức về bản thân mình” – gần như là một tuyên bố quan niệm về nghề của bà. Ký ức giống như lương tâm, lên tiếng thông qua nhà văn, nhà văn chỉ là công cụ của ký ức – lương tâm mà thôi. Với Müller, những hồi tưởng trở thành chất liệu cho gần như mọi tác phẩm của bà, trở thành một thủ pháp nghệ thuật cơ bản của tác giả. “Tôi không có bổn phận gì hết đối với văn học. Những gì tôi viết, tôi hoàn thành sứ mệnh đối với bản thân tôi.” – Müller từng nói như vậy. Bà nói đến “nghĩa vụ của mình trước những điều đã có trong ký ức”, đến sự thật cần được nói ra mà bà luôn cảm thấy “mắc nợ với những con người, những sự vật, những vùng đất”. Nghĩa là, Herta Müller đến với nghề bằng sự thôi thúc tự thân, bằng sự mong muốn được “trả những món nợ” tinh thần ấy.


Một trong những miền đất mà bà mắc nợ chính là Romania. Herta Müller khi đã chọn con đường ra đi rồi, thì dường như vẫn chưa hề rời khỏi đất nước bà đã gắn bó từ tuổi ấu thơ. Romania hiện lên trong mọi cuốn sách bà viết sau này, với mây trời cây cối, những con chó con bò, những cánh đồng ngô trải rộng, những con đường nhựa ở Timiş, với cả thứ phương ngữ thân thuộc của vùng quê bà từng sống.

Những gì nữ sĩ về miền đất này có thể coi như chứng nhân cho thời thế, cho một giai đoạn lịch sử, trong đó khắc họa con người rất rõ nét, sự tồn tại vô vọng của họ, sợ hãi, bạo lực, trống trải… của một thời. Herta Müller từng nói: “Trong nhiều tác phẩm của tôi, Romania cứ hiện ra, cứ trào ra… Tôi chỉ mong sao Romania và chế độ xã hội ấy đừng có nhoi lên phía trước, đừng đập vào mắt người đọc như thế. Thế nhưng, trong mọi văn bản tôi viết, chúng vẫn cứ có mặt, kể cả khi đề tài hoàn toàn khác.”


MỘT NHÀ VĂN LẠNH LÙNG VÀ MỘT NHÀ THƠ TRỮ TÌNH


Trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí, Herta Müller cho rằng, “văn học giúp ta hiểu thấu đáo hiện thực hơn, giúp ta đối diện với nó chứ không phải chạy trốn”. Vì thế, bà không ngại khai thác những đề tài “dữ dội” mang màu sắc chính trị. Nhưng cách viết lại linh hoạt: khi đơn giản, hiện đại, lúc lại mang hơi hướng cổ điển trữ tình, ảnh hưởng của nền văn học Nga mà bà rất hâm mộ. Müller đặc biệt yêu thích các nhà thơ Nga Venedikt Eropheev, Marina Tsvetaeva và Daniila Harms.


Truyện ngắn của Herta Müller độc đáo ở tính thơ nội tại, với những chi tiết được hình tượng hóa, với dung lượng từ không nhiều, đôi lúc sử dụng thủ pháp láy ngữ láy hình ảnh và nhịp điệu mở. Thế nhưng, mạch cảm xúc lại dồn nén đến độ lạnh lùng, nhưng luôn tạo hiệu quả bất ngờ khi kết thúc.


Chẳng hạn, viết về tình cảnh túng quẫn cùng cực của một người muốn rời bỏ đất nước mình, bà bắt đầu như mở đầu một bài thơ: “Từ bìa rừng một người màu xanh lá cây đi dọc theo cánh đồng. Cái gáy của người ấy được cạo trọc lốc. Người màu xanh lá cây đeo một chiếc ba-lô màu xanh lá…” Sau đó, cuộc sống bi đát hiện lên dần dần, chỉ bằng những lời văn tả ngắn gọn, không kể lể, không một lời cảm thán từ phía tác giả.


Đến cả viết về cái chết cũng tưởng chừng rất thản nhiên: “Ba năm trước Karl từng muốn vào núi ở. Trước khi Karl trở lại làng, cha anh đã treo cổ trong nhà kho. Karl nhìn thấy đôi giày của cha ở cạnh miệng giếng. Trước khi chết, kẻ tự vẫn từng có ý định trẫm mình.

Hai năm trước Karl từng muốn ra miền biển…

Một năm trước Karl từng muốn bỏ xứ mà đi…” (truyện ngắn “Giữa mùa hè”)


Ngược lại, thơ của Herta Müller lại khúc triết, duy lý mà vẫn đầy sức gợi, với cách trình bày cắt dán ngộ nghĩnh ấn tượng:

Trong bọc lông vũ có con gà trống đang sống

Trong bọc lá phong có cả hàng cây

Hồn con thỏ trong bọc đựng lông mềm

Trong bọc nước mắt một mặt hồ đang ngủ

(Ba bài thơ)


Cuốn tiểu thuyết Herta Müller viết năm 2009 có tên “Atemschaukel” (tạm dịch là Nhịp thở) là một tác phẩm thuộc thể loại non-fiction (phi hư cấu) viết về cuộc đời có thực của một người Đức sống ở Romania trải qua thời kỳ ở trại lao động cưỡng bức ở Ukraine.


Vừa mới xuất bản, cuốn sách đã được đề cử giải Deutscher Bücherpreis, một trong những giải thưởng văn học có uy tín ở Đức. Trong tác phẩm, có sự thật mà gia đình Herta Müller từng trải qua, có bi kịch của 80 nghìn người Đức sống ở Romania bị cưỡng chế rời Romania vào năm 1945. Có lao động khổ sai, có cái đói, cái rét và cả chết chóc. Để viết cuốn sách này, nhà văn đã cất công tìm gặp rất nhiều nhân chứng, nhưng bà thất vọng vì cách kể chuyện rập khuôn, không tình tiết sống động của họ.


Người ta không quên nhưng không muốn hoặc không quen, không biết cách nhắc đến những bi kịch của một thời như nhắc về một hiện thực gần gũi có thật. Về sau, nữ sĩ may mắn tìm được một “người đồng hành” quan trọng là tác giả người Đức từng sống ở Romania Oscar Pastior (1927-2006), một nhân chứng sống. Hai người đã tìm về Ukraine, về nơi Oscar đã từng lao động trong trại. Tiếc rằng năm 2006, Oscar qua đời, Herta Müller đã hoàn thành cuốn sách mà không có sự trợ giúp đắc lực của người bạn văn – nhân chứng sống ấy.


Điều đáng nói là, giới phê bình văn học Đức nhận xét rằng, cuốn sách được viết một cách trữ tình cho dù nội dung dữ dội. Sự thật phơi bày trong tác phẩm được cách truyền tải “trữ tình” ấy làm cho thật và dễ cảm nhận hơn. Đó có lẽ cũng là lý do mà Herta Müller được nhận giải Nobel lĩnh vực văn học năm 2009: vì “sự dồn nén của thơ và sự chân thực của văn xuôi mà tác giả dùng để lột tả bối cảnh cuộc sống của những người thống khổ bị tước đoạt miền đất của mình”.

 

Theo Lệ Thủy – Hội Nhà văn Việt Nam

Exit mobile version