Địa danh Thồ Lồ với những cái tên như tù trưởng (người đứng đầu một bộ lạc) Ma Quân, những chủ làng, già làng Ma Kham, Ma Gâm, Ma Kheo, Ma Khó, Ma Ngoe… những người dẫn dắt buôn làng đánh giặc trong những trang văn của Văn Công thật hào sảng. Và Bí thư Chi bộ Ma Pốp (Văn Công), người có nhiều công lao xây dựng nên phong trào cách mạng nơi đây được bà con coi như một “tù trưởng”.
Một nhà thơ được coi như “tù trưởng”
Năm 1988, lần đầu tiên vào Nha Trang, tôi được Tiến sĩ Nguyễn Đình Thơ, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa dẫn đến thăm nhà thơ Văn Công mà anh gọi là ông ngoại. Khác với hình dung của tôi về một nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, nguyên Quyền Chủ tịch tỉnh Phú Khánh, người có những bài thơ rực lửa đấu tranh mà thầy tôi, PGS Hồ Tấn Trai (Phạm Văn Sĩ) đã có những dòng thật trân trọng trong cuốn “Văn học giải phóng miền Nam”, Văn Công dáng người thấp bé, xuề xòa, trông giống một lão nông nhiều hơn là nhà chính trị. Vẫn giọng Nghệ nguyên chất, ông bảo tôi: “Mi thấy cái nhà ni đẹp phải không? Nhà nhà nước đó! Mai mốt chia tách tỉnh, tau trả lại nhà, về Phú Yên. Tau chỉ muốn lên miền Tây thôi, tình nghĩa lắm!”.
Nói là làm, giữa năm 1989, chia tách tỉnh, Văn Công trả lại nhà, chia tay Nha Trang hoa lệ để về Phú Yên còn bộn bề khó khăn. Dẫu không về miền Tây, nhưng sống ở Tuy Hòa ông có điều kiện nhiều hơn để thường xuyên về thăm Thồ Lồ, thăm miền Tây, nơi gắn liền với cuộc đời ông qua 2 cuộc kháng chiến.
Nhà thơ Văn Công tên thật là Cao Xuân Thiêm, sinh năm 1926 tại xã Diễn An, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình Nho học, một dòng họ nổi tiếng về khoa bảng và nhiều trí thức lớn. Năm 1946, hăm hở trong đoàn quân Nam Tiến, ông có mặt tại Phú Yên và như một định mệnh, ông gắn cuộc đời mình với miền Tây Phú Yên, với những cái tên như Ma Pốp, Ma Xí, Ma Xoong, cũng quấn khố, để tóc dài, đi chân đất, nói tiếng dân tộc thiểu số, sống, chiến đấu cùng bà con trong những điều kiện ngặt nghèo, gian khổ nhất của cuộc kháng chiến.
Một miền Tây đói cơm lạt muối mà mặn nồng tình anh em Kinh – Thượng, một miền Tây hào hùng, quật khởi đi qua cuộc đời Văn Công trở thành những bài thơ rực ngời ánh lửa, chan chứa tình đời, những trang văn da diết đại ngàn, lung linh sắc màu huyền thoại, bộn bề sự kiện tranh đấu. Hơn 20 đầu sách, trong đó 15 cuốn in riêng với những cái tên như “Mảnh đất yêu thương”, “Miền đất huyền thoại”, “Vùng đất lửa”, “Ký ức về một miền đất”… là tấm lòng của ông đối với vùng đất đầy ân nghĩa này.
Thực ra, sau gần 10 năm gắn bó với miền Tây, với Phú Yên, lẽ ra cuối năm 1954, Văn Công đã được trở về với quê hương theo chuyến tàu tập kết ra Bắc, song sau thành tích trở lại Phú Yên đưa đồng chí Lê Đài, Phó Bí thư Tỉnh ủy đang tạm lánh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ra Diêu Trì, Bình Định dự cuộc họp do đồng chí Võ Chí Công, đại diện Khu ủy Khu 5 trực tiếp chủ trì, Tỉnh ủy Phú Yên đã quyết định giữ ông ở lại làm cán bộ giao liên chuyên trách đường dây bí mật từ Phú Yên ra đầu mối đường dây Khu 5 và các tỉnh Bình Định, Đắk Lắk, Gia Lai. Ông nói, nhìn chuyến tàu cuối cùng chở cán bộ tập kết ra Bắc, lòng ông không khỏi bâng khuâng, nhất là trên tàu có mang theo lá thư ông gửi người con gái mà dự định ra Bắc lần này sẽ làm lễ cưới.
|
Nhà thơ Văn Công (hàng đầu, thứ hai từ phải sang) trong chuyến về thăm lại miền Tây. |
Có một cái tên trở đi trở lại, là tâm điểm trong các tác phẩm của Văn Công, đó là Thồ Lồ (xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân). Như ông viết, đó là mảnh đất của “một bộ lạc chi nhánh của dân tộc Ba Na”, từ lâu “sống như người rừng, không hề có một sự kiểm soát của ai, dù là vua quan phong kiến, hay thực dân Pháp”. Thế nhưng bộ lạc chưa đến 1 nghìn người đó đã trở thành đốm lửa đấu tranh vũ trang đầu tiên, nơi đứng chân của cách mạng trong những ngày khó khăn nhất, mảnh đất kiên cường địch không thể làm lay chuyển và cũng là vùng giải phóng đầu tiên của tỉnh Phú Yên vào năm 1957. Thồ Lồ với những cái tên như tù trưởng Ma Quân, những chủ làng, già làng Ma Kham, Ma Gâm, Ma Kheo, Ma Khó, Ma Ngoe,… những người dẫn dắt buôn làng đánh giặc, trong những trang văn của Văn Công thật hào sảng. Và Bí thư Chi bộ Ma Pốp (Văn Công), người có nhiều công lao xây dựng nên phong trào cách mạng nơi đây được bà con coi như vị tù trưởng đặc biệt. Riêng Ma Ngoe mà ông coi như người anh hùng của miền Tây Phú Yên là người đã cứu ông. Ông trầm ngâm: “Không có Y Ngoe, con gái Ma Ngoe, nghe lời cha giả vờ làm vợ mình thì địch nó bắn mình lâu rồi”. Y Ngoe chết rất trẻ khi vừa sinh con trong một trận càn của địch. Ma Ngoe cũng chết lâu rồi nhưng cho đến giờ vẫn chưa được phong tặng danh hiệu Anh hùng. “Em đi bỏ rừng mai, gốc chuối/ Bỏ mẹ già khúc suối đêm trăng/ Anh ghé đây vun thêm nắm đất/ Cho mồ em thêm chặt mối tình…“. Văn Công đã có những bài thơ, những trang văn thật cảm động về họ, nhưng sao đến giờ lòng ông vẫn day dứt không yên.
Văn Công là lớp nhà thơ đầu tiên của văn học giải phóng miền Nam. Hai bài thơ “Lòng em” và “Tiếng các em” (1960) của ông giành giải nhất cuộc thi thơ Báo Thống Nhất. Tập “Tuyến đầu Tổ quốc” và tập “Tiếng hát miền Nam” (in chung) được tặng Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu. Bài thơ “Người Cộng sản” (1958) của ông được một tờ báo lớn ở Pháp dịch và đăng ngay trong những ngày chống Mỹ. Đọc thơ và văn Văn Công, có thể hình dung toàn bộ chặng đường hoạt động cách mạng của ông. Điều lạ lùng là trong những điều kiện ngặt nghèo, khó khăn nhất ông vẫn viết được. Ông nói, nhiều đêm, một mình, một võng giữa rừng già, ông làm thơ, lẩm nhẩm đọc đi đọc lại cho đến thuộc, rồi sau mới có điều kiện giấy bút ghi lại.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, dù ở cương vị nào: Bí thư Huyện ủy, Phó Chủ tịch, rồi Quyền Chủ tịch UBND tỉnh, hay đã về hưu, hễ có dịp là Văn Công lại về với miền Tây, về lại vùng căn cứ Thồ Lồ. Ông nói: Về để thăm lại núi rừng, thăm lại đồng bào, soi vào đó mà giữ vững lòng mình, sống xứng đáng với dân, với Đảng. Và nữa, về để tiếp thêm năng lượng cho ngòi bút. Không khó lý giải vì sao sau khi về hưu ông lại viết được nhiều đến thế. Cứ vài ba năm ông lại ra một đầu sách, cuốn nào cũng dày nặng.
Cuộc sống một thời gian khổ, đói cơm lạt muối cùng tính cách người Nghệ đã tạo nên một Văn Công bản lĩnh, rắn rỏi và rất giản dị. Hồi còn làm lãnh đạo tỉnh, mỗi lần đi công tác về các địa phương, ông thường dỡ cơm mang theo. Nhà báo Phan Thanh Bình ở Báo Phú Yên, nguyên thư ký của Văn Công hồi ông làm Quyền Chủ tịch tỉnh Phú Khánh kể: Một lần ông về một địa phương trong tỉnh để truyền đạt nghị quyết về giá, lương, tiền. Truyền đạt xong, lãnh đạo địa phương cứ xuýt xoa: “Bấy nay tụi em cứ tăm tăm, mù mù, may nhờ anh Sáu mà bọn em sáng ra”. Ông không nói gì, mãi đến khi ra xe, dỡ cơm ra ăn, ông mới nói với anh em trong đoàn: “Thực ra thì cái nghị quyết này, tau thấy nhiều chỗ còn lùng bùng trong triển khai thực hiện, vậy mà các cậu ấy bảo sáng ra, tau không biết sáng ở chỗ mô?”. Suốt cuộc hành trình, ông không nói chuyện nghị quyết nữa mà chỉ nói chuyện thơ, văn.
Lại nói chuyện ngôi nhà rất đẹp ở Nha Trang mà ông trả lại cho Nhà nước, ông kể, khi về Phú Yên rồi, có vị lãnh đạo gợi ý cấp lại ngôi nhà trị giá hàng tỷ đồng lúc đó cho ông, nhưng ông cảm ơn và từ chối.
Ông nặng tình với quê hương xứ Nghệ, có nhiều thơ về xứ Nghệ và vẫn luôn coi chúng tôi, những người con xứ Nghệ xa quê như con cháu của mình. Ở xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hòa, có một ngôi làng trù phú toàn người Diễn Châu vào lập nghiệp. Sau giải phóng, về quê, thấy đất chật, người đông, khi đó đang là Bí thư Huyện ủy Tây Sơn (huyện Sơn Hòa và Sông Hinh hiện nay), ông đã vận động bà con vào khai hoang lập làng làm ăn. Bà con coi ông là công dân danh dự của làng.
Riêng Thồ Lồ, lâu không thấy ông về là bà con nhắc. Bà con vẫn gọi ông là Ma Pốp, Ma Xí, Ma Xoong. Gần 90 tuổi, sức khỏe yếu nhiều, bây giờ Văn Công dẫu không thể còn thường xuyên về với miền Tây, về với Thồ Lồ, nhưng hằng ngày, ngồi trước trang giấy, miền Tây, Thồ Lồ lại hiện ra, đầy ắp kỷ niệm, để ông có thêm những bài thơ, những trang văn nặng nghĩa với đời.
Nguồn: tapchinhavan.vn