Giải cho bố
Cụ Trần Hữu Cải sinh năm 1912, sau Tướng Giáp một năm và trước Bảo Đại một năm. Trong những lúc trà dư tửu hậu, mấy cụ già cùng làng với cụ Cả vẫn đùa: trong cái hòa hợp dân tộc bây giờ cũng có thể nói là cụ Cả có một “ông anh” mà quê minh gọi thay con là “ông bác”, “ông bác” ấy chính là một ông Tướng vĩ đại, tác giả của hai cuộc chiến tranh ái quốc thần thánh. Thế là cụ Cả vinh dự nhất đời. Nhưng… lại nhưng, cụ Cả lại có một “ông em” mà ở quê thường gọi là “chú em”, nhưng “chú em” này dù được Cụ Hồ bỏ qua mọi sai lầm, trọng dụng để cho làm công dân, ưu ái để dùng vào việc nước, thế mà chẳng hiểu sao để lại nước trong cơn khốn khó để sung sướng lấy một mình. Thế có chán không chứ lị!
Cụ Trần Hữu Cải sinh được bốn người con. Con đầu là ông Trần Hữu Hoán (Nhà Bắc Ninh học Trần Ninh Quý) mới mất cách đây mấy năm vì bệnh ung thư. Con gái thứ hai tên là Trần Thị Lương, bà ngoại của ca sĩ Tùng Dương. Vậy là vừa có cải hoán vừa có cải lương. Thế mới hay chứ lị!
Cụ Trần Hữu Cải sống suốt một đời thanh bạch, suốt một đời lạc quan và tếu táo. Nhưng một người bố đẻ ra được một đống con không đứa nào hư hỏng, không đứa nào phản quốc, lại thành đạt về con đường chữ nghĩa giúp cho người đời đàn ca sáo nhị thì cũng là một cuộc đời đáng ao ước và có ý nghĩa chứ sao.
Ngày mùng 5 Tết âm lịch năm Nhâm Thìn, cụ Trần Hữu Cải chính thức được Chủ tịch nước gửi Thư mừng (đúng vào ngày Hội Làng Sen Hồ, Việt Yên, Bắc Giang) vì đã có công… sống đến 100 tuổi với một xếp lụa quý giá. Sau một trăm năm phấn đấu, cụ Trần Hữu Cải chính thức được… “trao giải” cho tuổi thọ hiếm có của mình. Sống đúng, đủ, sống có phúc có đức một trăm năm đâu dễ trong nhân gian. Ơn trời lộc nước đều về tay cụ Trần Hữu Cải cũng là xứng đáng để, nói trót dại, cụ có quá… hai năm mươi, về chín suối cũng vẫn ngậm cười.
Lễ trao và nhận Thư mừng cụ Trần Hữu Cải diễn ra vô cùng long trọng. Ai chúc tụng gì cụ cũng chêm thêm một câu: nếu con tôi mai kia được trao giải Nhà nước về thơ thì Thư mừng đối với tôi cũng là giải thưởng Nhà nước chứ. Chỉ có điều duyên do không phải vì thơ mà là vì… sống lâu.
Nếu tính tuổi âm, đến thời điểm nhận Thư mừng của Nhà nước, cụ Trần Hữu Cải đã là 101 tuổi, vậy nên vẫn thắc mắc là lẽ ra phải được nhận từ năm 2011 mới phải. Khổ nỗi, danh hiệu là do người dương trao cho người dương nên không thể lấy năm âm lịch để làm mốc cho việc trao tặng được. Thật đúng là nhận giải dương thế mà quan niệm lại là quan niệm của người âm lịch…
Ông Trần Hữu Cải năm 1943 (năm sinh ra nhà thơ Trần Ninh Hồ)
Giải cho con
Nhà thơ Trần Ninh Hồ tên thật là Trần Hữu Hỷ. Ông Hỷ là em ông Trần Hữu Hoán, bà Trần Thị Lương và anh ông Trần Minh Chính… Với cái tên thật của mình, nhà thơ Trần Ninh Hồ chắc chắn là con ruột cụ Trần Hữu Cải. Một cụ trăm tuổi đẻ ra một nhà thơ là tác giả của Thấp thoáng trăm năm.
Nhà thơ Trần Ninh Hồ sinh năm 1943 và tất nhiên có cùng quê với bố. Là lính Trường Sơn cùng thời với nhà thơ Phạm Tiến Duật và là người xóm dưới của nhà văn nổi tiếng Đỗ Chu. Năm 1971, Nhà thơ Trần Ninh Hồ được giải nhì của Tuần báo Văn nghệ. Năm 1996, được giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 2012 được Giải thưởng Nhà nước với hai tập thơ: Trăng hai mùa (1976), Thấp thoáng trăm năm (1996). Hai mươi năm đánh vật với văn chương qua hai tập thơ, hai cột mốc, nhà thơ Trần Ninh Hồ đã vinh dự nhận giải thưởng long trọng của Nhà nước kèm theo 120 triệu đồng là rút ngắn khoảng thời gian vật chất so với bố mình tới… tám mươi năm.
Thế là làm được điều hơn ông bà ta nói: con… như cha là nhà có phúc.
Thế là người-thơ-khoa-bảng-may-mắn đã trở thành hiện tượng tương đối hiếm có trong hội văn chương vốn có truyền thống thi cử ngặt nghèo…
*
Sướng cho cái tên Trần Hữu Hỷ nên lúc nào Trần Ninh Hồ cũng cười. Cười như ma làm vì văn chương cũng là một thứ ma. Văn chương còn cao hơn cả ma vì nó cũng vô hình, vì nó ma mị, vì nó hấp dẫn người ta . Đó thực sự là cuộc ma đưa lối quỷ dẫn đường.
Cứ tính từ bài Viếng chồng viết năm 1972 tại mặt trận Tây Trường Sơn, đến nay Trần Ninh Hồ đã có đến 40 năm theo đuổi văn chương. Đó là cuộc rượt đuổi bằng gần nửa tuổi đời của bố mình, cụ thượng thọ Trần Hữu Cải.
Vắt sức để sống ròng rã 100 năm và vắt sức để viết ròng rã 40 năm là một đại lượng thời gian mà cả hai bố con nhà thơ Trần Ninh Hồ đã và đang thi gan. Cuộc thi gan này không phải cứ muốn thi là được. Oái oăm thế chứ lị!
Nhà thơ Trần Ninh Hồ (ảnh Internet)
Hoàng Minh
Trần Ninh Hồ
Cha tôi trăm tuổi
Nhà nước thư mừng cha tôi
Một công dân tròn trăm tuổi
Biết bao nhiêu là trôi nổi
Trăm năm lo đủ phận người?
Cuốc cày quần nâu áo vá
Đôi khi khăn xếp, com-lê
Cộc cạch mươi câu Hán Việt
Chuệch choạc vài dòng a,b…
Sách báo trang quên, trang nhớ
Thạch Sanh, Thủy Hử nằm lòng
Kim Vân Kiều chen tom chát
Quan họ Thương, Cầu đôi sông…
Thế rồi “Bạch Đằng giang” hát
Cùng bầu bạn ca “lên Đàng”
“Tiếng gọi Thanh Niên” dào dạt
Dặm trường bao nẻo dọc ngang
Bao nhiêu hố ngang, bẫy dọc
Phải non nửa đời lưu lạc
Mới soi được ánh sao vàng!
Nuôi con như… đền nợ nước
Một thời gạo chợ, củi sông
Sách bút đổi bằng thiếu đói
Con khôn lớn với ruộng đồng
Sân trường, chiến trường Nam Bắc
Thương nước gái trai dốc lòng
Bao năm mịt mù bom đạn
Bao ngày đứt ruột chờ mong
Tóc cha rụng cho trán rộng
Phận nhỏ lo bao nỗi đời
Cháu chắt khoe trang vở sạch
Cười móm mém thay mắt mờ
Ca trù “di sản thế giới”
Đài mở nhưng điếc đặc rồi
Tay run gõ theo đôi nhịp
Lạc phách mà lòng thật vui
Đài tắt. Cụ vẫn còn gõ
Các con tóc bạc rung cười
Thi thoảng, đột nhiên cụ hỏi
Hòa – nhịp có như Đại – đồng
Màn hình sao vẫn lửa khói
Còn nơi nào đánh nhau không?…
Tháng giêng Nhâm Thìn
Nguồn: Vanhocquenha.vn.