Quán cà phê Cực Bắc là một điểm đến yêu thích của bất cứ ai đặt chân đến thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.
Quán cà phê Cực Bắc của gia đình anh Dìu Dỉ Chiến – chị Lục Thị Vấn được ông Ogura (bìa trái) đầu tư 200 triệu đồng để mở làm nơi nghỉ chân cho du khách khi đến tham quan thôn Lô Lô Chải và là nơi bảo tồn văn hóa Lô Lô.
Ảnh: ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG
Để có được không gian ấn tượng ấy là tâm huyết, công sức và tiền bạc của một người đàn ông Nhật Bản.
Tôi quen ông Yasushi Ogura khi thấy trên Facebook của một người bạn gắn ông vào chùm ảnh cả nhóm chụp tại hai ngôi nhà ở thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, nơi tôi vừa dẫn khách đến ở mấy ngày và trở về. Xem ảnh, thấy ông hiền và lại thích văn hóa dân tộc như mình nên tôi gửi lời mời kết bạn.
Ông chấp nhận, vào xem những ảnh tôi mới đăng về nơi ông đang lưu lại, ông bấm nút “thích” rồi nhắn tin cho tôi: “Em cũng đang tìm hiểu văn hóa Lô Lô à?”. Thế là chúng tôi bắt đúng sóng và dần trở nên thân tình. Hóa ra, thôn Lô Lô Chải nơi tôi bắt đầu say mê cũng đã in dấu ấn của người đàn ông sinh năm 1957 ở Tokyo này.
“Nước Nhật chỉ có một dân tộc, trong khi Việt Nam có tận 54 dân tộc và dân tộc nào cũng có văn hóa đặc sắc.
Điều ấy làm tôi rất thích thú”, ông Ogura tâm sự. Từ năm 2002, Hà Giang trở thành điểm đến thường xuyên của ông cũng bởi lý do tỉnh này có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và có tới 22 dân tộc cư trú. Yêu mảnh đất địa đầu tổ quốc Việt Nam, yêu bức tranh văn hóa đa dạng của các dân tộc nhưng năm 2013 ông chính thức gửi hồn mình ở mảnh đất của người Lô Lô dưới chân cột cờ Lũng Cú.
“Ở Việt Nam, tôi thấy người Dao, người Mông, người Tày… có những nơi lưu giữ và quảng bá văn hóa của dân tộc mình mà người Lô Lô thì chưa. Hàng ngày có rất nhiều du khách nước ngoài lên tham quan cột cờ Lũng Cú mà không biết tìm đâu ra một quán cà phê đẹp để ngồi ăn uống, nghỉ ngơi, thư giãn”, ông chia sẻ.
Làm từ thiện không gì bằng hỗ trợ kiến thức cho người dân để họ cùng tham gia và thay đổi cuộc đời. Thế là ý tưởng mở một quán cà phê kiêm nơi giới thiệu văn hóa Lô Lô đã hình thành trong ông. Đi khắp 95 ngôi nhà trong thôn, ông thấy nhà anh Dìu Dỉ Chiến, 39 tuổi, – chị Lục Thị Vấn, 38 tuổi, có địa thế phù hợp nhất để làm quán cà phê.
Cảnh quan đẹp, vị trí thuận tiện, đồng bào ở đây vẫn giữ được những nét văn hóa đặc sắc, thuận lợi trong việc gắn kết với nhiều tuyến, điểm tham quan du lịch như cột cờ Lũng Cú, chợ phiên Phố Cáo, nhà Pao, cánh đồng hoa tam giác mạch ở thôn Lũng Cẩm Trên, xã Sủng Là, cánh đồng hoa Ma Lé mọc trắng các sườn đồi, dãy núi, con đường… nên Lô Lô Chải có rất nhiều lợi thế thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng. Hàng năm, thôn thu hút gần một ngàn lượt khách du lịch đến tham quan, nghỉ ngơi. Thôn đã xây dựng nhiều mô hình mới nhằm phát triển dịch vụ, du lịch. Thôn đã xây dựng được ba nhà nghỉ cộng đồng, ba nhà nấu ăn chuyên phục vụ khách du lịch. |
Gia đình anh Chiến có năm anh em và có người không đồng ý khi ông Ogura chia sẻ về ý tưởng của mình. Thì cũng bởi bao nhiêu năm bà con sống khép kín nên không thấy thoải mái khi có người lạ cứ ra ra vào vào, ngồi ngay trước cửa nhà mình mà cười nói ồn ào. Chị Vấn thì ngại ngùng vì “không uống cà phê bao giờ nên không biết pha; không biết tiếng Anh đâu mà nói chuyện với khách; không biết phục vụ thì làm sao bán hàng được…”.
Ông Ogura bình tĩnh, từ tốn rủ rỉ thuyết phục gia đình vượt qua ngại ngần. Ông đầu tư 200 triệu đồng để mua sắm bàn ghế gỗ, ấm, chén và xây hai phòng vệ sinh tự hoại. Ông mời một cô gái từ Hà Nội lên ở Lô Lô Chải một tuần để dạy chị Vấn những câu giao tiếp tiếng Anh thông dụng, dạy chị cách pha cà phê, trà, nước chanh, cách phục vụ bàn… Dần dà, các thành viên trong gia đình cũng tăng phần tự tin. Và đầu năm 2015, quán cà phê Cực Bắc đi vào hoạt động.
Ở một bản heo hút nơi cực Bắc của tổ quốc mà có một quán cà phê đẹp để ngồi thư thái ngắm núi non trùng điệp, kiến trúc truyền thống với nhà trình tường đất, tường đá, cổng gỗ, dùng cái chuông gọi đồ uống, gọi tính tiền là cái chuông treo trên cổ trâu, bò, dê, vừa thưởng thức những cốc cà phê, ấm trà, cốc nước chanh…, vừa xem dệt thổ cẩm, đan lát, nấu rượu… do người Lô Lô tự tay làm lại được trò chuyện thân tình với những con người hiền lành chân chất này, thật là thú vị!
Quán cà phê Cực Bắc là điểm dừng chân không thể thiếu của các du khách khi đến tham quan cột cờ Lũng Cú. Ông Ogura chia sẻ: “Du khách khi đến quán cà phê Cực Bắc sẽ góp phần giúp người dân có hướng khai thác tiềm năng du lịch địa phương, nâng cao đời sống nhưng lại không làm mất đi bản sắc. Bảo tồn được nét đẹp văn hóa truyền thống của người Lô Lô và dùng chính nét đẹp này để hấp dẫn du khách; phát triển kinh tế du lịch chính là công cụ bền vững để người dân địa phương nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần. Từ đó, những nét đẹp, những giá trị của người Lô Lô, của Đồng Văn sẽ ngày một phát triển và có cơ hội bảo tồn trong tương lai”.
Sau khi mở quán cà phê Cực Bắc, ông Ogura lại hỗ trợ 95 triệu đồng để gia đình anh Sình Dỉ Gai dựng nhà trình tường rộng hơn 540 mét vuông (hết hơn 200 triệu đồng) để làm du lịch homestay, cũng với mục đích từ thiện, làm tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Nhớ có lần đã hẹn gặp ông Ogura ở Lô Lô Chải mà lại lỗi hẹn, tôi nhắn tin xin lỗi và tỏ ý tiếc nuối, ông nhắn lại an ủi: “Tháng nào anh cũng sang Việt Nam mà!”. Quả vậy, điều mà cháu Hạnh, chị Vấn, chị Xuyến, anh Gai… ở Lô Lô Chải mong chờ nhất là hàng tháng, cứ tầm từ ngày mùng 10 trở đi là ông Yasushi Ogura lại sang Việt Nam, đi khắp thôn để chỉ vẻ cho nhà này phương pháp làm ăn, cách thức giao tiếp với khách, cách bày biện mâm cơm, hỗ trợ nhà kia kinh phí chuyển chuồng bò ra xa nhà ở để bảo đảm vệ sinh và cảnh quan…
Tháng nào người đàn ông hiền lành ấy cũng từ Tokyo bay sang Nội Bài, đi hai chặng ô tô và một chặng xe ôm để lên đến Lô Lô Chải. Hành trình đằng đẵng và vất vả, nhưng ông bảo chỉ cần thấy việc làm của mình giúp ích được cho bà con là bao mệt nhọc tan biến hết. “Tôi muốn đầu tư tiền, giúp đỡ kiến thức cho nhiều gia đình trong thôn để ai cũng được hưởng lợi”, ông Ogura tâm sự.
Ông Sình Dỉ Pai, 60 tuổi, thầy cúng trưởng của thôn Lô Lô Chải, khi nghe tôi hỏi thăm ông Ogura thì cười sảng khoái bảo: “Ô, ông Nhật ấy ở Lô Lô Chải suốt mà. Ông ấy theo tôi đi khắp thôn thăm nhà dân, chụp ảnh trống đồng, xem dệt quần áo… Ai cũng quý ông ấy”.
Lần đầu tiên ông Ogura sang Việt Nam là năm 1995. Chuyến du lịch một tuần ở TPHCM năng động, thành phố Cần Thơ sông nước mênh mông, hoa trái tốt tươi và con người hiền hòa ấy đã ngay lập tức hút hồn ông. Vậy là từ đó, Việt Nam là điểm đến hàng tháng của người đàn ông làm công tác quản lý nhân sự ở một công ty chế biến thực phẩm. Ông quyết tâm học tiếng Việt và mỗi tháng sang Việt Nam hai tuần để đi thăm thú khắp nơi.
Rồi ông tìm thêm được một công việc hữu ích. Mỗi lần sang đây ông đều thu xếp thời gian dạy tiếng Nhật cho các trung tâm ngoại ngữ ở Hà Nội để có cơ hội trau dồi vốn tiếng Việt từ các học viên cũng như kiếm thêm chút thu nhập. Công việc đam mê sắp tới của ông là làm tư vấn và hướng dẫn cho các du khách người Nhật muốn sang khám phá Việt Nam. Đó chính là cách ông chia sẻ tình yêu Việt Nam của mình với mọi người.
“Sống ở Việt Nam, tôi sợ thứ nhất là tai nạn giao thông, sợ thứ hai là con chó”, ông Ogura cười tếu táo nói khi hai chúng tôi đang đứng chụp ảnh ở cổng một nhà người Lô Lô thì bị mấy con chó sồ ra sủa vang. Sợ chó cắn nhưng ông lại rất mê món thịt chó chấm mắm tôm!
Nguồn TBKTSG