Isaac Bashevis Singer
Isaac Bashevis Singer sinh năm 1904 ở một ngôi làng gần Warsaw, Ba Lan, và lớn lên trong khu Do Thái nói tiếng Yiddish của thành phố. Dù ban đầu cân nhắc trở thành thầy đạo như cha mình, nhưng Singer đã từ bỏ nghiên cứu tôn giáo trong những năm tuổi hai mươi để theo đuổi sự nghiệp văn chương. Năm 1935, khi mối đe dọa của Đức Quốc xã ngày càng đáng ngại, Singer chuyển đến Mĩ. Tuy xuất bản nhiều tiểu thuyết, sách thiếu nhi, hồi kí, và tiểu luận, ông nổi tiếng nhất với tư cách nhà văn viết truyện ngắn. Ông được trao giải Sách Quốc gia Mĩ cho tác phẩm hư cấu năm 1974 và giải Nobel văn chương năm 1978. Ông qua đời ở Florida năm 1991.
Truyện ngắn A Friend of Kafka, bản dịch tiếng Anh của Elizabeth Shub và tác giả, được đăng lần đầu trên tạp chí The New Yorker (November 23, 1968 Issue).
I
Tôi đã nghe kể về Franz Kafka nhiều năm trước khi đọc bất cứ cuốn nào của ông từ bạn ông, Jacques Kohn, nguyên diễn viên nhà hát Yiddish. Tôi nói “nguyên” là vì lúc quen ông ông đã không còn diễn. Đó là đầu những năm ba mươi, và nhà hát Yiddish ở Warsaw đã bắt đầu mất khách. Jacques Kohn gầy và nghèo rách túi. Vẫn ăn mặc theo phong cách phong lưu nhưng quần áo ông đã tồi tàn. Ông đeo một cái kính đơn bên mắt trái, mặc áo cổ cao lỗi thời (gọi là cổ “kẻ giết cha”), đi giày da bóng, và đội mũ quả dưa. Ông bị những kẻ ưa châm chọc trong Câu lạc bộ Nhà văn Yiddish ở Warsaw mà chúng tôi thường lui đến đặt biệt danh là “huân tước.” Dù ngày một gù nhưng ông vẫn kiên trì uốn đôi vai thẳng lại. Những gì còn lại của mái tóc vàng ngày xưa ông chải thành một cây cầu bắc qua hộp sọ trơ trọi. Theo truyền thống của nhà hát thời xưa, thỉnh thoảng ông lại nói lẫn sang tiếng Yiddish Đức hóa, nhất là khi nói về mối quan hệ với Kafka. Gần đây ông bắt đầu viết báo, nhưng các nhà biên tập đều nhất trí từ chối bản thảo. Ông sống trong một căn gác mái ở đâu đó trên phố Leszno và suốt ngày ốm yếu. Trong Câu lạc bộ lan truyền một câu nói đùa về ông: “Cả ngày nằm giường bệnh, đêm lại hóa Don Juan.”
Chúng tôi luôn gặp nhau ở Câu lạc bộ vào buổi tối. Cánh cửa sẽ chầm chậm mở ra để đón nhận Jacques Kohn. Ông có phong thái của một nhân vật nổi tiếng quan trọng của châu Âu hạ cố đến thăm khu ghetto. Ông sẽ nhìn quanh và nhăn mặt, như để tỏ ra mùi cá trích, tỏi, và thuốc lá rẻ tiền không hợp gu ông. Ông sẽ liếc vẻ khinh thị qua những cái bàn đầy những tờ báo rách, các quân cờ vỡ, và gạt tàn đầy đầu mẩu, quanh đó các thành viên câu lạc bộ ngồi bàn luận bất tận về văn chương bằng những cái giọng chát chúa. Ông sẽ lắc đầu như muốn nói, “Mong đợi gì ở những kẻ ất ơ thế này?” Khoảnh khắc thấy ông bước vào, tôi sẽ thò tay vào túi và chuẩn bị đồng zloty mà thể nào ông cũng sẽ mượn.
Tối hôm ấy, tâm trạng Jacques có vẻ tốt hơn thường lệ. Ông cười, nhe hàm răng sứ, không vừa vặn và khẽ xô khi ông nói, và vênh vang bước về phía tôi như đang diễn trên sân khấu. Ông chìa bàn tay những ngón dài, xương xẩu ra và nói, “Tối nay thế nào ngôi sao đang lên?”
“Lại thế sao?”
“Tôi nghiêm túc đấy. Nghiêm túc đấy. Tôi nhìn là nhận ra tài năng, dẫu bản thân tôi thì chẳng có đâu. Cái hồi chúng tôi ở Praha năm 1911, có ai biết đến Kafka đâu. Anh ta đến sau sân khấu, và thấy anh ta cái là tôi biết tôi đang đứng trước sự hiện diện của một thiên tài rồi. Tôi đánh hơi được nó như mèo đánh hơi được chuột. Tình bạn vĩ đại của chúng tôi bắt đầu như thế đấy.”
Tôi đã nghe chuyện này nhiều lần dưới nhiều biến thể khác nhau, nhưng tôi biết mình sẽ phải nghe nó lần nữa. Ông ngồi xuống bàn tôi, và Manya, cô phục vụ, mang trà và bánh quy đến, Jacques Kohn nhướng mày trên đôi mắt hơi vàng của ông, lòng trắng đã vằn những mạch máu nhỏ. Biểu hiện của ông như muốn nói, “Đây là cái mà bọn mọi rợ gọi là trà à?” Ông bỏ năm viên đường vào tách và khuấy, xoay cái muỗng thiếc ra ngoài. Bằng ngón cái và ngón trỏ, hai ngón có móng tay dài bất thường, ông bẻ một mẩu bánh nhỏ, bỏ vào miệng, và nói, “Nu ja,” nghĩa là, Người ta không lấp đầy được cái dạ dày trong quá khứ của mình.
Đấy chỉ là diễn trò. Ông xuất thân từ một gia đình theo đạo Hasidi ở một thị trấn Ba Lan nhỏ. Tên ông không phải Jacques mà là Jankel. Nhưng ông đã sống nhiều năm ở Praha, Vienna, Berlin, Paris. Không phải lúc nào cũng làm diễn viên nhà hát Yiddish mà ông còn diễn trên cả sân khấu ở Pháp và Đức. Ông là bạn của nhiều người nổi tiếng. Giúp Chagall tìm xưởng ở Belleville. Là khách mời thường xuyên ở chỗ Israel Zangwill. Xuất hiện trong một tác phẩm của Reinhardt, và từng ăn thịt nguội cùng Piscator. Ông cho tôi xem những lá thư không chỉ của Kafka mà còn của Jakob Wassermann, Stefan Zweig, Romain Rolland, Ilya Ehrenburg, và Martin Buber. Những lá thư ấy đều đề địa chỉ bằng tên gọi. Khi đã quen thân hơn, ông còn cho tôi xem ảnh và thư của những diễn viên nổi tiếng mà ông từng trải qua chuyện tình với họ.
Với tôi mà nói, cho Jacques Kohn “vay” một đồng zloty có nghĩa là được tiếp xúc với Tây Âu. Cái cách ông mang cây gậy cán bạc trông rất lạ với tôi. Thậm chí ông hút thuốc cũng khác cái cách chúng tôi hút ở Warsaw. Cung cách của ông lịch sự. Vào dịp hiếm hoi ông quở trách tôi, ông cũng luôn giữ thể diện cho tôi bằng một lời khen thanh nhã. Hơn cả, tôi ngưỡng mộ cách Jacques Kohn đối xử với phụ nữ. Tôi thì nhát gái – đỏ mặt, ngượng ngùng trước mặt họ – còn Jacques lại có sự đĩnh đạc của một bá tước. Ông có những lời tốt đẹp để nói với cả người phụ nữ kém hấp dẫn nhất. Ông tâng nịnh tất cả, nhưng luôn luôn bằng giọng châm biếm dễ chịu, làm mủi lòng cả thái độ hờ hững của một người theo chủ nghĩa khoái lạc đã nếm trải mọi thứ.
Ông nói thẳng với tôi. “Bạn trẻ ơi, tôi gần như bất lực rồi. Nó luôn luôn bắt đầu với sự phát triển của một cái gu bị tinh luyện quá mức – khi đói, người ta không cần marzipan và trứng cá muối. Tôi đã đến cái mức không còn xem người đàn bà nào là thực sự hấp dẫn. Chẳng khiếm khuyết nào có thể giấu nổi tôi. Bất lực là thế đấy. Váy vóc, áo nịt đều trong suốt với tôi. Trang điểm và nước hoa cũng không lừa được tôi nữa. Răng tôi đã rụng cả rồi, nhưng đàn bà chỉ cần mở mồm ra là tôi biết chỗ trám của họ”. Vả lại, đấy cũng là vấn đề của Kafka trong việc viết lách: Anh ta nhìn ra mọi khiếm khuyết – của mình và của người khác. Hầu hết văn chương được tạo ra bởi những kẻ thuộc lớp bình dân và thợ vụng như Zola và D’Annunzio. Trên sân khấu, tôi cũng nhìn ra chính những khiếm khuyết mà Kafka thấy trong văn chương, và cái đó đưa chúng tôi lại với nhau. Nhưng mà lạ thật, nói đến sân khấu thì Kafka lại hoàn toàn mờ mịt. Anh ta ca ngợi mấy vở kịch Yiddish rẻ tiền của chúng tôi lên mây. Lại còn yêu điên cuồng một cô đào vụng – cô Tschissik ấy. Nghĩ đến việc Kafka yêu cái tạo vật ấy, mơ về cô ta, tôi lấy làm xấu hổ cho con người với những ảo tưởng của họ. Mà cái sự bất tử thì không kén chọn đâu. Bất cứ ai gặp được một người đàn ông vĩ đại thì đều đi theo hắn vào cõi bất tử, thường là trong những bước vụng về.
Chẳng phải cậu từng hỏi cái gì làm tôi tiếp tục à, hay là tôi tưởng thế nhỉ? Cái gì cho tôi sức mạnh chịu đựng nghèo đói, bệnh tật, và khốn khổ nhất là tuyệt vọng? Câu hỏi hay, bạn trẻ ạ. Lần đầu đọc Sách của Job tôi cũng hỏi y như thế. Sao mà Job lại tiếp tục sống và chịu khổ? Để cuối cùng có nhiều con gái hơn, nhiều lừa hơn, nhiều lạc đà hơn ư? Không. Câu trả lời là vì cái trò chơi ấy. Chúng ta đánh cờ với số phận. Hắn đi một nước; chúng ta đi một nước. Hắn cố chiếu hết chúng ta trong ba nước; chúng ta cố chặn lại. Chúng ta biết mình đâu thể thắng, thế mà vẫn quyết tâm cho hắn một ván cờ hấp dẫn. Đối thủ của tôi là một thiên thần rắn rỏi. Hắn đấu lại Jacques Kohn bằng mọi mánh khóe hắn có trong túi. Giờ là mùa đông rồi; có đốt lò lên vẫn lạnh, lò sưởi của tôi đã hỏng cả tháng trời mà tay chủ nhà không chịu sửa. Bên cạnh đó, tôi cũng đâu có tiền mà mua than. Trong phòng lạnh như ngoài trời vậy. Nếu không sống trong gác mái thì cậu không biết sức mạnh của gió như thế nào đâu. Kính cửa sổ rung bần bật ngay cả giữa trời hè. Thỉnh thoảng lại có một con mèo đực trèo lên mái gần cửa sổ phòng tôi và leo lẻo cả đêm như một mụ đàn bà nằm trên bàn đẻ. Tôi nằm lạnh cóng dưới chăn còn nó thì ré lên tìm bạn, mà dẫu có khi nó chỉ đói thôi. Tôi có thể cho nó một mẩu thức ăn để nó im đi, hoặc đuổi nó đi, nhưng mà để không lạnh đến chết thì tôi phải bọc mình trong đống giẻ rách của tôi ấy, cả mấy tờ báo cũ – khẽ cử động thôi là toàn bộ cái công trình đấy bung ra hết.
Cơ mà, bạn thân mến ạ, đã chơi thì chơi với một đối thủ xứng đáng còn hơn với một tay mơ. Tôi ngưỡng mộ đối thủ của mình lắm. Thỉnh thoảng còn mê muội cái sự khéo léo của hắn. Hắn ngồi trong văn phòng kia trên thiên đường tầng ba tầng bảy, trong cái bộ Quan phòng cai trị hành tinh bé nhỏ chúng ta, và có mỗi một việc thôi – đặt bẫy Jacques Kohn. Mệnh lệnh của hắn là “Đập vỡ thùng, nhưng đừng để rượu tràn ra.” Hắn làm đúng như thế. Hắn giữ tôi sống thế nào là một điều kì diệu. Phải bảo cậu bao nhiêu thuốc tôi dùng, bao viên tôi uống, tôi thật xấu hổ. Tôi có bạn làm dược sĩ, không thì không bao giờ kham nổi. Trước khi lên giường, tôi nuốt hết viên này đến viên khác – nuốt khan. Nếu uống nước, tôi sẽ phải đi giải. Tuyến tiền liệt của tôi có vấn đề, giờ đã phải dậy mấy lần trong đêm rồi. Trong bóng tối, mấy phạm trù của Kant không còn áp dụng. Thời gian thôi làm thời gian và không gian cũng thôi làm không gian. Cậu đang cầm cái gì trong tay rồi bỗng nhiên nó không còn ở đó. Thắp được ngọn đèn ga không phải chuyện đơn giản. Diêm lúc nào cũng biến mất. Gác mái đầy ma quỷ. Thỉnh thoảng tôi lại bảo một gã: “Này, nhà ngươi, Giấm, con trai của Rượu vang, sao không thôi mấy trò nghịch ngợm đi!”
Quãng trước, lúc giữa đêm, tôi nghe có tiếng gõ cửa và giọng phụ nữ. Tôi không biết cô ta cười hay là khóc nữa. “Ai được nhỉ?” tôi tự hỏi. “Lilith? Namah? Machlath, con gái của Ketev M’riri?” Tôi mới lớn tiếng, “Thưa cô, cô nhầm rồi.” Nhưng cô ta vẫn đập cửa tiếp. Rồi tôi nghe tiếng than và tiếng người ngã. Tôi không dám mở cửa. Tôi bắt đầu tìm diêm rồi mới phát hiện ra đang cầm nó trong tay. Cuối cùng, tôi xuống giường, thắp ngọn đèn ga, rồi mặc áo choàng và xỏ dép. Tôi thoáng thấy mình trong gương, hình ảnh phản chiếu làm tôi sợ. Mặt tôi xanh xao, râu thì chưa cạo. Cuối cùng tôi mở cửa, và đứng đó là một phụ nữ trẻ chân trần, khoác áo lông chồn ngoài áo ngủ. Mặt cô ta tái nhợt và tóc vàng rối tung. Tôi mới hỏi, “Thưa cô, có chuyện gì thế?”
“Có người vừa muốn giết tôi. Tôi xin ngài, hãy cho tôi vào. Tôi chỉ muốn ở lại đây đến sáng.”
Tôi muốn hỏi kẻ nào vừa muốn giết cô ta, nhưng thấy cô ta đã đông cứng mất nửa rồi. Chắc có lẽ còn say nữa. Tôi để cô ta vào và để ý thấy một cái vòng đính những viên kim cương to bự trên cổ tay cô ta. “Phòng tôi không có sưởi đâu,” tôi nói.
“Còn tốt hơn là chết ngoài đường.”
Thế là có hai người chúng tôi. Nhưng làm gì với cô ta đây? Tôi chỉ có độc một cái giường. Tôi không uống rượu – không được phép uống – nhưng tôi có một chai Cognac bạn tặng làm quà, và mấy cái bánh quy cũ rích. Tôi cho cô ta một li và một cái bánh. Rượu dường như làm cô ta sống lại. “Thưa cô, cô sống trong tòa nhà này?” tôi hỏi.
– “Không,” – cô ta đáp. “Tôi sống trên đại lộ Ujazdowskie.”
Tôi có thể nhận ra cô ta là quý tộc. Lời này dẫn sang lời khác, tôi phát hiện ra cô ta là một nữ bá tước và góa chồng, và người tình của cô sống trong tòa nhà này – một kẻ man rợ, nuôi sư tử con làm thú cưng. Hắn cũng là thành viên tầng lớp quý tộc, nhưng là một kẻ bị ruồng bỏ. Hắn từng ngồi một năm ở Citadel, vì giết người không thành. Hắn không đến thăm cô ta được, vì cô ở nhà mẹ chồng, nên cô ta đến thăm hắn. Đêm ấy, trong cơn ghen, hắn đánh cô ta rồi dí súng vào thái dương. Chuyện dài nói ngắn, cô ta vớ được cái áo choàng rồi chạy khỏi căn hộ hắn. Cô ta gõ cửa hàng xóm, nhưng không ai cho cô ta vào, nên mới chạy lên tận gác mái.
“Thưa cô,” tôi nói, “có lẽ người tình của cô vẫn đang đi tìm cô. Ngộ nhỡ anh ta tìm được cô thì sao? Tôi không còn là kẻ mà người ta có thể gọi là hiệp sĩ nữa.”
“Anh ta không dám quấy rầy đâu,” cô ta nói. “Anh ta đang được tha bổng. Tôi đã chấm dứt với anh ta rồi, vĩnh viễn. Xin rủ lòng thương – làm ơn đừng đẩy tôi ra ngoài giữa đêm.”
“Mai cô về bằng cách nào?” tôi hỏi.
“Tôi chưa biết,” cô ta nói. “Tôi đã chán sống rồi, nhưng tôi không muốn bị anh ta giết hại.”
“Dù sao tôi cũng không ngủ được nữa,” tôi nói. “Nằm giường tôi còn tôi nghỉ trên chiếc ghế này.”
“Không. Tôi không làm thế được. Ngài không còn trẻ và trông không được khỏe. Xin ngài, hãy về giường nghỉ còn tôi sẽ ngồi lại đây.”
Chúng tôi cò cưa mãi rồi cuối cùng quyết định nằm cùng với nhau. “Cô không việc gì phải sợ tôi,” tôi trấn an cô ta. “Tôi đã già và bất lực với phụ nữ rồi.” Trông cô ta tin lắm.
Tôi đang nói gì nhỉ? À phải, bỗng nhiên tôi thấy mình trên giường cùng một nữ bá tước mà người tình của cô ta có thể đập cửa bất cứ lúc nào. Tôi đắp cho cả hai hai cái chăn tôi có và không buồn làm cái kén đầu thừa đuôi thẹo thường lệ. Tôi căng thẳng đến độ quên cả cái lạnh. Vả lại, tôi còn cảm nhận được sự gần gũi của cô ta. Một hơi ấm kì lạ toát ra từ người cô, khác mọi thứ tôi từng biết – hoặc có lẽ tôi đã quên. Có phải đối thủ của tôi đang thử một nước gambit mới? Mấy năm vừa qua hắn đã thôi chơi với tôi một cách nghiêm túc rồi. Cậu biết đấy, có cái gọi là cờ hài mà. Tôi nghe nói Nimzowitsch thường đùa giỡn với đối thủ. Ngày xưa, Morphy có tiếng là kì thủ chơi khăm. “Một nước đi đẹp,” tôi bảo đối thủ. “Một kiệt tác.” Rồi tôi nhận ra là tôi biết người tình của cô ta. Tôi từng gặp hắn trên cầu thang – một gã khổng lồ, với gương mặt của một tên sát thủ. Đúng là cái kết hài hước cho Jacques Kohn – bị một gã Othello người Ba Lan kết liễu.
Tôi cười và cô ta cười theo. Tôi ôm cô ta và giữ thật chặt. Cô ta không chống cự. Bỗng nhiên một phép lạ xảy ra. Tôi làm đàn ông trở lại! Một lần, một tối thứ năm, tôi đứng gần lò mổ ở một ngôi làng nhỏ và thấy hai con bò giao phối trước khi bị thịt cho lễ Sabbath. Sao cô ta ưng thuận tôi không bao giờ biết. Có lẽ là một cách trả thù người tình của cô ta. Cô hôn tôi và thì thầm những lời âu yếm. Rồi chúng tôi nghe thấy những bước chân nặng nề. Có người đang đập nắm tay lên cửa. Cô nàng của tôi lăn ra khỏi giường và nằm trên sàn. Tôi muốn đọc kinh cầu cho người sắp chết, nhưng quá xấu hổ trước Chúa – và trước Chúa không nhiều như trước đối thủ đang giễu cợt tôi. Sao phải cho hắn thêm cái vui thú này? Cả kịch Melodrama cũng có những giới hạn của nó.
Gã du côn tiếp tục đấm lên cửa, và tôi ngạc nhiên thấy nó không chịu bung ra. Hắn lấy chân đá. Cái cửa kêu răng rắc nhưng đứng nguyên. Tôi sợ lắm, nhưng có gì đó trong tôi không nhịn được cười. Rồi tiếng ồn dừng lại. Gã Othello đã bỏ đi.
Sáng hôm sau, tôi đem vòng tay của nữ bá tước đến hiệu cầm đồ. Bằng tiền nhận được tôi mua cho nữ chính một bộ váy, đồ mặc trong, và giày. Bộ váy không vừa, giày cũng vậy, nhưng cô ta cũng chỉ cần lên được một chiếc taxi – với điều kiện, tất nhiên, là người tình của cô ta không mai phục trên cầu thang. Kì lạ, gã ấy đã biến mất trong đêm và không bao giờ xuất hiện lại.
Trước khi đi, cô ta hôn tôi và giục tôi gọi cho cô, nhưng tôi không ngốc đến thế. Như kinh Talmud giảng đấy, “Phép lạ không phải ngày nào cũng xảy ra.”
Mà cậu biết đấy, Kafka hồi trẻ thế mà cũng bị ám bởi những cái ức chế làm tôi đâm bệnh ở tuổi già đây. Nó cản trở anh ta trong mọi việc anh ta làm – trong tình dục cũng như trong viết lách. Anh ta khao khát tình yêu rồi trốn chạy nó. Anh ta viết một câu rồi lập tức gạch bỏ. Otto Weininger cũng thế – điên và tài. Tôi gặp anh ta ở Vienna – anh ta phun ra toàn những cách ngôn và nghịch lí. Một câu mà tôi sẽ không bao giờ quên: “Chúa không tạo ra lũ rệp.” Cậu phải hiểu Vienna mới thực sự hiểu được những lời này. Thế ai tạo ra lũ rệp?
Ah, Bamberg kìa! Xem hắn ta lạch bạch trên đôi chân cũn cỡn kìa, cái xác không chịu nằm yên trong mộ. Lập câu lạc bộ cho hội xác chết mất ngủ là ý hay đấy. Sao hắn cứ lởn vởn cả đêm thế? Mấy quán đêm thì tốt gì cho hắn nhỉ? Hội bác sĩ đã bó tay với hắn từ nhiều năm từ hồi chúng tôi ở Berlin rồi. Mà nó cũng không ngăn được hắn đến Romanisches Café ngồi đến tận bốn giờ sáng, tán gẫu với mấy cô điếm đâu nhé. Có lần, Granat, tay diễn viên ấy, thông báo tổ chức tiệc – tiệc thác loạn thật – ở nhà, và hắn mời Bamberg cùng mấy người khác. Granat yêu cầu cánh đàn ông mang theo một cô nàng – vợ hoặc bạn. Bamberg không có vợ cũng chẳng có người tình, thế là hắn trả tiền cho một cô điếm đi cùng. Hắn còn phải sắm một bộ váy dạ hội cho cô ta cho bữa tiệc. Khách khứa chỉ toàn nhà văn, giáo sư, triết gia, và những tay bám đuôi trí thức thông thường. Họ đều có chung một ý tưởng với Bamberg – họ thuê gái điếm. Tôi cũng ở đấy luôn. Tôi hộ tống một cô diễn viên ở Praha mà tôi quen biết đã lâu năm rồi đến. Cậu biết Granat không? Một tay mọi rợ. Hắn uống Cognac như uống Soda, còn ăn được một phát mười quả trứng ốp. Khách đến cái là hắn cởi đồ và bắt đầu nhảy như điên với mấy cô điếm, mà chỉ để gây ấn tượng với các vị khách trán cao. Ban đầu, cánh trí thức ngồi trên ghế nhìn. Một lúc sau, họ bắt đầu bàn chuyện tình dục. Schopenhauer nói thế này… Nietzsche nói thế kia. Ai mà không chứng kiến cảnh tượng đó thì khó mà hình dung được mấy vị thiên tài kia ngớ ngẩn thế nào. Giữa cuộc Bamberg đột nhiên đổ bệnh. Hắn xanh như tàu lá chuối, mồ hôi toát đầm đìa. “Jacques,” hắn nói. “Tôi xong rồi. Một nơi tốt đẹp để chết đây.” Hắn bị suy thận hay túi mật gì đó. Tôi nửa đỡ nửa kéo hắn ra rồi đưa đến bệnh viện. “Mà này, cậu cho tôi mượn một đồng zloty được không?”
“Hai.”
“Gì cơ! Cậu mới cướp Nhà băng Ba Lan sao?”
“Tôi bán được một truyện.”
“Chúc mừng nhé. Ăn tối với tôi nhé. Cậu là khách của tôi đấy.”
II
Đang ăn, Bamberg qua bàn chúng tôi. Lão nhỏ thó, tiều tụy như người lao, lưng tôm và chân chữ bát. Lão đi giày da bóng, có ghệt mắt cá. Hộp sọ nhọn lưa thưa mấy sợi bạc. Một mắt to hơn hẳn mắt bên kia – đỏ, lồi, sợ hãi trước cảnh tượng nó thấy. Lão chống đôi tay gầy xương xẩu lên bàn rồi nói giọng toang toác, “Jacques, hôm qua tôi đọc Lâu đài của Kafka nhà ông đấy. Thú, thú lắm, nhưng anh ta định nói cái gì nhỉ? Quá dài cho một giấc mộng. Phúng dụ thì nên gọn thôi.”
Jacques Kohn nuốt vội miếng đang nhai dở. “Ngồi xuống đã,” ông nói. “Bậc thầy thì không phải tuân theo quy tắc nào cả.”
“Có những quy tắc mà bậc thầy cũng phải tuân theo. Tiểu thuyết thì không nên dài hơn Chiến tranh và hòa bình. Cả Chiến tranh và hòa bình cũng dài quá. Nếu mà dài mười tám tập thì Kinh Thánh đã bị lãng quên từ lâu lắm rồi.”
“Kinh Talmud còn có ba mươi sáu tập, thế mà dân Do Thái chưa quên đấy thôi.”
“Dân Do Thái nhớ nhiều quá. Đấy là cái vận rủi của chúng ta. Bị đuổi khỏi Đất Thánh đã hai ngàn năm rồi, thế mà giờ vẫn đang tìm cách trở lại. Điên quá, phỏng? Nếu văn chương của chúng ta chỉ phản ánh mỗi cái nỗi điên rồ này thì tốt. Thế mà nó lại tỉnh táo lạ thường. Ôi, thế đủ lắm rồi.”
Bamberg đứng thẳng dậy, cau mày vì cố. Bằng những bước chân ngắn, lão lê đi. Lão đến chỗ máy hát và bỏ vào một đĩa nhạc nhảy. Trong câu lạc bộ nhà văn này người ta biết nhiều năm rồi lão chưa viết một từ nào. Ở tuổi già, lão đang học nhảy, chịu ảnh hưởng bởi triết lí của bạn lão, tiến sĩ Mitzkin, tác giả cuốn Entropy của lí trí. Trong cuốn ấy tiến sĩ Mitzkin cố chứng minh trí tuệ con người đã sụp đổ và minh triết đích thực chỉ có thể chạm đến được thông qua dục vọng.
Jacques Kohn lắc đầu. “Chàng Hamlet nhỏ bé. Kafka sợ trở thành một người như Bamberg – đấy là lí do anh ta tự hủy hoại mình.”
“Nữ bá tước đã bao giờ gọi lại cho ông chưa?” tôi hỏi.
Jacques Kohn lấy cái kính đơn trong túi ra đeo lên mắt. “Nếu cô ta gọi thì sao? Trong đời tôi, mọi thứ đều biến thành ngôn từ. Toàn là nói, nói. Đây thực ra mới là triết lí của tiến sĩ Mitzkin – con người cuối cùng sẽ biến thành cái máy chữ. Hắn sẽ ăn chữ, uống chữ, cưới chữ, đầu độc mình bằng chữ. Mà nhắc đến mới nhớ, tiến sĩ Mitzkin cũng có mặt trong buổi tiệc thác loạn của Granat. Hắn đến để thực hành cái hắn rao giảng, mà cũng có thể hắn đã viết thêm cuốn Entropy của dục vọng. À phải, nữ bá tước cũng có gọi tôi đôi khi. Cô ta cũng là trí thức, nhưng không có trí tuệ. Thật ra, dẫu cố gắng hết sức để bộc lộ những cái quyến rũ của thân xác, đàn bà họ hiểu biết về tình dục cũng chẳng nhiều hơn họ hiểu biết về trí tuệ.
Cô Tschissik chẳng hạn. Cô ta thì có gì, ngoài một thân xác? Nhưng thử hỏi cô ta thân xác thực ra là gì mà xem. Giờ cô ta còn xấu đi. Những ngày làm diễn viên ở Praha, cô ta còn có chút gì. Tôi làm nam chính cho cô ta. Cô ta tài mọn lắm. Chúng tôi đến Praha kiếm chút và tìm được một thiên tài đang chờ đợi mình – Homo sapiens trong cấp độ tự tra tấn cao nhất của hắn. Kafka muốn làm người Do Thái, nhưng không biết cách. Anh ta muốn sống, nhưng cái này anh ta cũng không biết. “Franz ạ,” tôi từng bảo anh ta, “anh còn trẻ. Cứ làm cái chúng ta đều làm.” Tôi biết một nhà thổ ở Praha, và tôi thuyết phục anh ta đến đó cùng tôi. Anh ta còn tân. Tôi sẽ không nói đến cô gái mà anh ta đính hôn. Anh ta chìm đến tận cổ trong đầm lầy tư sản. Người Do Thái ở trong giới của anh ta có một lí tưởng – trở thành người phi Do Thái, và không phải phi Do Thái người Séc mà là phi Do Thái người Đức. Nói ngắn gọn, tôi dẫn dụ anh ta vào cuộc phiêu lưu. Tôi đưa anh ta vào một con hẻm tối trong khu ghetto cũ, nhà thổ ở đó. Chúng tôi bước lên những bậc thang xiêu vẹo. Tôi mở cửa và nó trông như một sân khấu: những cô điếm, những tay ma cô, những vị khách, mụ tú bà. Tôi sẽ không bao giờ quên khoảnh khắc ấy. Kafka bắt đầu run, kéo ống tay tôi. Rồi anh ta quay ra và chạy xuống cầu thang nhanh đến độ tôi sợ anh ta làm gãy chân mất. Trên phố, anh ta dừng lại và nôn như một cậu học trò. Trên đường về, chúng tôi đi qua một nhà thờ cổ, và Kafka bắt đầu nói về gã người đất golem. Kafka tin là có golem, và thậm chí còn tin rằng tương lai có thể sẽ đem đến một gã golem khác. Chắc hẳn phải có những từ ngữ ma thuật có thể biến một mẩu đất sét thành một sinh vật sống. Chẳng phải Chúa, theo Cabala, đã tạo ra trần gian bằng cách thốt ra những lời thiêng sao? Khởi thủy là Logos.
Phải, đấy là một ván cờ lớn. Cả đời tôi tôi đã sợ cái chết, nhưng giờ đứng trên lằn ranh của huyệt mộ thì tôi đã không còn sợ. Rõ ràng đấy, đối thủ của tôi muốn đánh một ván cờ chậm. Hắn sẽ ăn từng quân cờ một của tôi. Đầu tiên hắn lấy đi cái phẩm chất diễn viên của tôi và biến tôi thành một tay gọi là nhà văn. Mới làm chuyện đó chưa được bao lâu hắn lại đem cho tôi cái chứng co cơ của người viết. Nước tiếp theo của hắn là tước đi cái khả năng giường chiếu của tôi. Nhưng tôi biết còn lâu hắn mới chiếu hết, và điều đó cho tôi sức mạnh. Trong phòng tôi lạnh – cứ để nó lạnh. Tôi không có bữa tối – tôi sẽ không chết vì không có nó. Hắn hủy hoại tôi và tôi hủy hoại hắn. Một dạo trước, tôi về nhà lúc đêm muộn. Bên ngoài trời giá buốt, và bỗng nhiên tôi nhận ra mình đã đánh rơi chìa khóa. Tôi đánh thức người gác cổng, nhưng ông ta không có chìa sơ cua. Ông ta sực mùi vodka, con chó thì cắn chân tôi. Phải là mấy năm trước kia thì tôi tuyệt vọng lắm, nhưng lần này tôi bảo với đối thủ, “Nếu nhà ngươi muốn ta bị viêm phổi, thì với ta cũng không sao cả.” Tôi rời nhà và quyết định đến ga Vienna. Gió gần như cuốn tôi đi. Tôi phải đợi ít nhất ba phần tư giờ đồng hồ mới có xe điện lúc ấy trong đêm. Tôi đi qua chỗ công đoàn diễn viên và thấy ánh sáng ở một ô cửa sổ. Tôi quyết định bước vào. Có lẽ tôi sẽ qua đêm ở đó. Trên bậc cầu thang giày tôi vấp phải cái gì và một tiếng leng keng vang lên. Tôi cúi xuống và nhặt lên được một cái chìa. Chìa của tôi! Cơ hội tìm được chìa trên những bậc cầu thang tối của tòa nhà này là một phần tỉ, nhưng mà có vẻ như đối thủ của tôi đã sợ có thể tôi sẽ đầu hàng trước thần chết trước khi hắn sẵn sàng. Định mệnh luận? Cứ việc gọi là định mệnh luận nếu cậu thích.
Jacques Kohn đứng dậy và xin phép đi gọi điện. Tôi ngồi đó nhìn Bamberg khiêu vũ trên đôi chân run rẩy với một quý bà văn chương. Lão nhắm mắt, và ngả đầu vào ngực bà cứ như nó là một cái gối. Trông lão như vừa khiêu vũ vừa nhảy. Jacques Kohn gọi một lúc lâu – lâu hơn nhiều so với thời gian gọi một cuộc thông thường. Lúc ông trở lại, cái kính đơn trên mắt ông sáng lên. “Đoán xem ai đang ở phòng bên kia?” ông nói. “Cô Tschissik! Tình yêu lớn của Kafka.”
“Thật.”
“Tôi kể cậu với cô ấy rồi. Đi, tôi muốn giới thiệu cậu với cô ấy.”
“Không.”
“Sao không? Một người đàn bà được Kafka yêu thì đáng gặp lắm.”
“Tôi không có hứng.”
“Cậu nhát quá, thật đấy. Kafka cũng nhát – nhát y như một cậu học sinh nhà tràng. Tôi chưa bao giờ nhát cả, có thể vì thế mà chưa bao giờ làm được trò trống gì. Bạn thân mến ơi, tôi cần hai mươi groschen nữa cho người gác cổng – mười cho người gác tòa nhà này, mười cho người gác tòa nhà tôi. Không có tiền tôi không về được mất.”
Tôi lấy chút tiền lẻ trong túi đưa cho ông.
“Nhiều thế? Nhất định hôm nay cậu mới cướp nhà băng rồi. Bốn mươi sáu groschen! Chà chà! Này, nếu mà có Chúa, Người sẽ thưởng cho cậu đấy. Mà nếu không, ai đang chơi những trò này với cả Jacques Kohn?”
NGUYỄN HUY HOÀNG dịch
Văn nghệ Quân đội
Phạm Thúy Quỳnh đưa bài