một ngày
Minh họa: Lê Minh Hải

Ở bất cứ một dân tộc nào ngày chàng trai lấy vợ, cô gái về nhà chồng đều được coi là ngày đặc biệt đáng nhớ trong đời. Lễ cưới xin không chỉ phản ánh lẽ tự nhiên, trách nhiệm của các thế hệ với vấn đề duy trì nòi giống, mà ít nhiều còn biểu hiện sự sang trọng hay thấp kém về mặt văn hóa. Sự thấp kém bị coi là hủ tục. Phô trương sự giàu sang của những người mới nổi vẫn có thể bị coi là thấp kém bởi mục đích cao quý bị đánh tráo. Ngoài những biểu hiện “lỗi thời”, nhìn chung lễ cưới hỏi phản ánh một sinh hoạt tinh thần hướng tới cái thiêng liêng.

Với người H’Mông Trắng, một dân tộc sống du canh và thường chọn những đỉnh núi cao tít làm nơi cư trú thì vấn đề duy trì nòi giống thể hiện rõ qua việc cưới vợ gả chồng. Thường người ta chuẩn bị “lấy vợ” cho con trai từ lúc còn thiếu niên. Đa phần nhà trai chủ động “gửi lời trước” tới nhà cô gái tương xứng. Nếu nhà gái hợp ý thì mỗi gia đình đem một con gà nhà mình ra giết rồi so chân. Mệnh hợp (trời cho đôi trai gái kết duyên) thì chân gà bằng nhau. Sau đó hai họ chọn ngày tốt để tiến hành hôn lễ. Nhà trai phải đem đồ sính lễ đến nộp cho nhà gái. Đồ sính lễ có thể nợ cho tới khi đôi trai gái có con hoặc kéo dài vài năm nhưng nhất thiết phải nộp đủ như đã giao ước.

Với người Dao Tiền thủ tục trước hôn lễ có phần cầu kì hơn. Sau khi cha mẹ chàng trai đích thân đến nhà sẽ kết làm thông gia dò xét ý tứ bằng lễ vấn dành, công việc tiếp theo thuộc về bà mối. Chú rể tương lai phải qua một giai đoạn thử việc khá phức tạp. Lần đầu 5 ngày. Lần thứ hai sau vài tháng và thời gian làm giúp là 15 ngày. Hơn một năm sau mới đến lần thứ ba, số ngày có thể lên tới cả tháng. Trong thời gian giúp việc, nếu trên đường tới nhà gái mà chú rể gặp điều không lành thì tự động đi tìm đám khác. Thông thường nhà trai rút ngắn số lần chú rể đi thử việc bằng cách tăng thêm đồ sính lễ. Người Dao ở vài nơi khác tiến hành lễ “lại mặt” sau một năm. Lại có nơi còn tiếp tục xé liếp. Chàng trai nào đó muốn tìm vợ, bèn xé liếp buồng cô gái mình nhắm trước. Cô gái đồng ý thì mọi việc đơn giản. Ngược lại chàng phải tẩu cho nhanh nếu không muốn ăn đòn và tất nhiên đừng bao giờ “vác mặt” tới nữa.

Sự chàng màng giữa bố chồng nàng dâu, ở bất cứ dân tộc nào cũng bị coi là đồi bại về đạo đức. Người vi phạm không chỉ bị nguyền rủa mà còn chịu nhiều hình phạt nhớ đời. Chỉ có điều ngoài luật pháp “phải nói rõ mọi chuyện”, còn lại người ta thường ý tứ không nhắc đến. Vậy mà người Cao Lan thì lại chủ động lường trước chuyện này ngay trong ngày cưới thông qua một nghi thức rất đặc biệt. Khi về nhà chồng, cô dâu phải mang theo một cái phên nứa rộng chừng nửa mét, được cắm vào đầu chiếc gậy. Cô dâu luôn đặt tấm phên bên cạnh mình. Hễ thấy bố chồng ngồi phía nào, lại đặt phên che phía ấy để tạo sự cách biệt. Nhiều nơi tấm phên được giữ (như lời nhắc nhở) cho đến khi bố chồng về giời mới bỏ đi.

Người Nùng và người Tày được xem là hai dân tộc có nhiều nét tương đồng. Tuy thế tập tục cưới vẫn khác nhau xa. Với người Nùng, trước hôm cưới vài ngày chú rể phải làm lễ đội mũ trước sự có mặt của họ hàng. Trong lễ đội mũ, chú rể được đặt tên tự. Người ta chép việc đó vào tờ giấy đỏ dán lên vách. Ở một số nhóm người Nùng, việc cô dâu ra khỏi cổng phải do người nhà cõng. Cưới xong, cô dâu còn ở lại với bố mẹ đẻ 1-2 năm hoặc tới lúc có thai mới chịu “theo chàng về dinh”.
Người Tày với phong cách “mời rượu cả chum, mời quả cả cây” là dân tộc có “máu” nghệ sĩ nên rất chuộng các hoạt động tinh thần. Mỗi đám cưới hỏi phải có một ông quan Lang dẫn đầu và lo liệu mọi nghi lễ. Quan Lang dẫn chú rể đến nhà gái nghênh hôn thường bị người bên nhà gái “hỏi han” bằng lời hát. Quan Lang phải tìm cách mà đối đáp lại. Vì thế quan Lang phải có tài xuất khẩu thành thơ. Cuộc “đối đáp” có khi kéo dài hàng giờ. Chả may ông quan Lang nào “ăn không nên đọi, nói không nên lời” thì cả nhà trai có thể chịu một phen “chín mặt”.

Người Nhắng ở Lào Cai còn giữ tục “cướp dâu” trong ngày cưới. Nhà trai đến đón dâu phải cử sẵn vài người thật khỏe, nhanh nhẹn để “cướp dâu”. Cuộc co kéo xảy ra ít phút có tính chất tượng trưng và nhà gái phải tạo điều kiện để nhà trai hoàn thành công việc. Khi giằng được cô dâu khỏi tay nhà gái, một người trong họ nhà trai ghé vai cõng cô dâu chạy một đoạn. Phải các “nàng” eo chữ O, co chữ H thì người cõng được “ăn đủ”.
Người Thái (vùng Mai Châu) trai gái tỏ tình mới thật là hào hoa và trữ tình. Thường con gái Thái khi chưa có đám nào, rất ít khi đi chơi đêm ra khỏi nhà. Cô ngồi quay sa dệt váy, dệt thắt lưng ở một chỗ cố định. Chàng trai nào đó đã “đầu mày cuối mắt” với cô lúc gặp trên nương hay trong hội hoa ban… bèn tìm cách tỏ tình. Có hai cách để chàng trai Thái nói lời yêu với cô gái mình ưng lấy làm vợ. Chàng nào có tài văn nghệ thì chọn những đêm trăng vác khèn đến sân nhà người đẹp thổi. Điệu Thức gái là để đánh thức nàng dậy. Nếu nàng còn lưỡng lự thì có điệu Sương xuống sàn rủ rê. Tiếp đến là điệu Đi trong bản khắc khoải chờ đợi.

Nếu chàng nào “cục mịch” thì thay cho chiếc khèn, chàng đem theo một cây gậy. Chàng đi dưới gầm sàn, tìm đúng nơi cô gái nằm mà chọc. Nếu chả may đầu gậy thúc vào sườn “cụ khốt” thì có thể phải bỏ của chạy lấy người. Tục này gọi là “chọc sàn”.
Ngồi mà liệt kê thì hầu như dân tộc nào cũng có những nghi thức độc đáo dành cho chuyện yêu đương, cưới hỏi. Tuy nhiên nhiều tập tục đã trở thành cổ, nay ít dùng. Cũng tùy theo từng quan niệm về đạo đức, thẩm mĩ của mỗi dân tộc mà tiêu chuẩn quý phái hay hèn kém khi đánh giá cô dâu có khác nhau. Ở nhiều dân tộc, cô dâu sồ sề, rốn sâu đồng nghĩa với cái đẹp. Còn lại phẩm giá của cô gái trong đám cưới được xem xét ở mặt đạo đức. Chữ trinh là biểu hiện cao nhất của đức hạnh. Nhà thơ xứ Daghestan Rasul Gamzatov từng cho biết: Người Avar rất trọng sự trinh tiết ở cô dâu, đến nỗi ngay đêm đầu tiên cô có thể bị ném qua cửa sổ nếu mất cái bằng chứng của sự trong trắng. Trong tiểu thuyết Kí sự về một cái chết được báo trước của nhà văn xứ Colombia G.G.Marquez, bi kịch bắt đầu cũng từ sự trinh tiết của cô gái bị kẻ khác cuỗm mất trước khi làm vợ nhân vật chính. Ở ta và phương Đông, ảnh hưởng của Nho giáo đã cho ta quan niệm “chữ trinh đáng giá ngàn vàng”. Trong trường hợp cô gái mất tân thì trí tưởng tượng của người chồng trở thành nguy hiểm. Mới đây ở một nước phương Tây, người ta trưng bày trong một bảo tàng những chiếc quần trinh tiết dành cho vợ các tướng lĩnh thời xưa. Có chiếc, cả khóa, nặng tới 16 kg.

Ngược lại theo W.Durant trong cuốn Lịch sử văn minh thế giới thì thời xưa, nhiều bộ tộc coi việc cô gái còn trinh là cản trở lớn cho hôn nhân. Vì thế xảy ra chuyện khó tin là các cô gái trước khi về nhà chồng thường khổ công thuê người phá cho mình “tờ niêm phong của tạo hóa”. Ông chồng nào đó sẽ vô cùng hớn hở khi vớ được người vợ mà cái vật ngàn vàng (của đa số người khác) đã không còn.


Vượt lên mọi quan niệm, mọi lễ giáo vẫn là tình yêu trong đó mỗi người tự thấy mình cao giá. Điều đó muốn nói rằng, mỗi người cần phải biết mình sẽ đem lại cho người yêu cái gì khi hai họ đã ra về.

Exit mobile version