HOÀI NAM
Tiếp cận các nhà văn Nhật Bản được cho là giàu “Nhật Bản tính” nhất – như Kawabata, Akutagawa, Oe hay Dazai Osamu – dường như ta luôn bị bất ngờ trước chiều sâu hút và sự chập chờn rất khó nắm bắt của những hiện thể tâm hồn và tính cách Nhật. “Nó” là “Nó”, nhưng “Nó” còn là những gì hơn thế nữa, những gì đặc biệt khác lạ. Đọc tập truyện ngắn này, một lần nữa ta sống lại trong cảm giác bất ngờ ấy.
Tuyển tập gồm 10 truyện, nhân vật chính thường là những người đàn bà đẹp: một cái đẹp nếu không nhuốm mầu của cái chết (Trăng Tây Hồ) thì cũng rất khác với sự hài hòa đối xứng của cái đẹp cổ điển (Bàn chân Fumiko); một cái đẹp tuyên chiến với cái thiện (Kỳ lân) và thổi bùng lên sức mạnh phá hủy những cấm kỵ đạo đức vốn đang ngủ yên trong mỗi con người (Mộng phù kiều).
Mô tả những người đàn bà đẹp, Tanizaki thường tập trung bút lực vào bàn chân họ, như đó là cội nguồn của cả lạc thú lẫn tai ương. Trong truyện Xâm mình, nhờ có bàn chân đẹp mà cô ca kỹ đã khiến cho người thợ xâm phải say mê mà trút hết tâm lực hoàn thành cho cô một bức hình xâm đầy ma mị, giúp cô khởi động công cuộc “biến trăm thứ đàn ông thành vật hy sinh” của mình. Trong truyện Bàn chân Fumiko, nhờ có bàn chân đẹp mà cô gái xuất thân ca kỹ Fumiko mới được ông chủ Tshukakoshi yêu chiều, tôn thờ đến mức ông chỉ có thể yên tâm mà chết khi được bàn chân cô giẫm lên mặt không rời suốt cơn hấp hối.
Truyện ngắn của Tanizaki thường… dài. Bởi nhà văn không tiếc chữ để mô tả việc và người, đặc biệt là mô tả những biến chuyển tế vi trong cảm giác hoan lạc và đau thương của các nhân vật. Đọc “Tuyển tập truyện ngắn Tanizaki Junichiro”, dù chỉ là một phần rất nhỏ trong toàn bộ văn nghiệp đồ sộ của ông, người đọc cũng có dịp khám phá một nét khác, rất đặc dị, trong tâm hồn nước Nhật, được thưởng thức cái chất thơ bay lên từ những miền bị lý trí chối bỏ.
(Tuyển tập truyện ngắn Tanizaki Junichiro, Nguyễn Nam Trân chủ biên, Nguyễn Nam Trân – Lam Anh – Nam Tử dịch, Tao Đàn & NXB Hội Nhà văn, 2017).
Nguồn: Báo Thời Nay
Lê Thị Hồng Nhung đăng bài