Nhà văn Nga – Xô Viết rất nổi tiếng Valentin Rasputin chuyên viết về nông thôn nước Nga vùng Siberia xa xôi, thời kỳ những năm 1970, 1980, . Người yêu văn chương nước ta đã từng đọc và yêu mến những tác phẩm của ông được dịch qua tiếng Việt như: Tiền cho Maria (1967), Hãy sống mà nhớ lấy (1974), Vĩnh biệt Matiora (1976), Đám cháy (1985 )… Xin giới thiệu một bài viết về nhà văn đăng trên báo Nhân chứng và Sự kiện để hiểu thêm về những năm tháng cuối đời của ông.


Như thế là một năm đã trôi qua thiếu vắng ông…(ảnh TL)


Chúng tôi trò chuyện với bà Olga Vladimirovna Loseva, người vợ thứ hai của Valentin Rasputin tại khu nhà bảo tàng địa phương, nơi vừa khai mạc cuộc triển lãm trưng bày những đồ vật của ông. Nhà văn kiệt xuất này đã vĩnh biệt cõi đời vào ngày 14 tháng Ba năm 2015, khi chỉ còn một ngày nữa ông bước qua tuổi 78. Cái ghế vẫn được phủ chiếc áo khoác của ông; những cuốn sách, những cây bút chì vẫn bày ra la liệt trên bàn. Có cảm giác như nhà văn vừa bước ra khỏi phòng, chỉ lát nữa thôi sẽ quay lại.


Những năm tháng cuối đời Valentin Rasputin đọc rất nhiều: sách báo, tạp chí và tất nhiên là những bức thư, hết têp này tới tệp khác mà nhà văn nhận được. Bạn đọc từ nhiều nước khác nhau, từ thôn quê tới thành thị đều muốn giãi bày, tâm sự với ông. Kể cả những người chưa quen biết ông bao giờ. Valentin Rasputin đọc kỹ và cố gắng trả lời từng bức thư một. Vì núi công việc như thế  nhà văn ngồi bên bàn hết giờ này qua giờ khác.


Bà vợ ông Olga Vladimirovna không mang những bức thư ấy tới cuộc trưng bày. Không bao lâu nữa toàn bộ di sản của nhà văn sẽ được chuyển tới nơi lưu trữ. Một phần thuộc số những di sản ấy, ngay khi còn sống, bản thân nhà văn đã gửi tới bộ phận bảo lưu bản thảo thuộc Thư viện nhà nước. Còn hiện nay tại Irkutsk mọi người chỉ nhìn thấy một số bản bút tích của ông với những dòng chữ rất nhỏ in trên giấy. Nói ngay, với toàn bộ tác phẩm của mình nhà văn đều viết bằng bút, sau đó mới được chuyển qua máy chữ. Valentin Rasputin không ưa vi tính.


Những gì các bạn đang thấy là do tôi, Sergei – con trai ông, cô cháu nội Antonhina của ông và nhiều bạn bè khác mang tới đây – Bà Olga Vladimirrovna tiếp tục câu chuyện – Khi Valentin Rasputin còn sống, đã có nhiều người có ý tưởng xây dựng một bảo tàng mang tên ông. Tôi còn nhớ, nghe được chuyện đó, ông khoát tay cười diễu nói: “Thì cứ làm đi!”. Thực tâm nhà văn không muốn chuyện đó xẩy ra. Nói chung ông không thích những gì khoa trương, ồn ĩ. Tôi cho rằng một viện bảo tàng về nhà văn nếu có ra đời phải phản ảnh đúng hồn cốt của ông. Đó trước tiên là phẩm chất và đức khiêm tốn của Chính thống giáo.


Vật giá trị nhất mà người dân Irkutsk nhìn thấy ở cuộc trưng bày lần này là cuốn kinh cầu nguyện. Cuốn Kinh thánh ở bên ông suốt những tháng ngày nhà văn chống trả lại bệnh tật và cho tận tới phút lâm chung. Kinh thánh có tới hơn 20 cuốn. Nhiều cuốn là những sách rất cổ được bạn bè, người thân tặng nhà văn. Kinh thánh có ý nghĩa đặc biệt đối với Valentin Rasputin. Vào năm 1978, sau khi nhà văn tới thăm Culikov-Polie, ông quyết định nhận lễ thánh.Để thể hiện nhưng cuộc tìm kiếm  tinh thần của mình Valentin Rasputin đã viết bài báo “ Ánh sáng xa xôi mà gần gụi”. Chúng tôi đã lấy tựa bài báo này đặt tên cho cuộc trưng bày để tưởng nhớ nhà văn hôm nay.


Nhà văn đã làm rất nhiều việc để làm sống lại những nhà thờ cổ và xây cất những nhà thờ mới.- Olga Vladimirovna nói tiếp – Ông đã tới rất nhiều nơi để làm công việc từ thiện, lạc quyên. Nhờ công sức và sự quan tâm của ông tại Usti-Uli một nhà thờ mới đã được cất lên.


Bà Olga Vladimirovna là Giáo sư, Tiến sỹ nghệ thuật. Vào những năm 1990 bà phụ trách bộ phận in ấn xuất bản của Nhạc viện Moskva. Nữ cộng tác viên khoa học ở bộ phận này là con gái của nhà văn- Maria Rasputina, một nghệ sỹ dương cầm tài năng. Thế rồi Olga Vladimirovna trở thành một người bạn trong gia đình Rasputin. Quan hệ giữa nữ Giáo sư, Tiến sỹ này đối với các thành viên trong gia đình nhà văn càng gần gụi, thân thiết hơn khi Marina Pasputina chết trong một tai nạn máy bay xẩy ra ở Irkutsk. Và rồi, 6 năm sau, vợ của nhà văn là Svetlana Ivanovna từ trần. Olga Vladimirovna đặt lên vai mình gánh nặng chăm nom Valentin Rasputin. Bà luôn luôn bên ông, trợ giúp, ủng hộ nhà văn khi ông gặp khó khăn, trở ngại. Hai người sống tại Moskva nhưng thường đi về Irkutsk. Hai người cũng thường trải qua những ngày hè tại khu nhà nghỉ bên hồ Baikal.


Một trong những niềm vui của Valentin Rasputin là đi vào rừng hái nấm – Sergei Stupin, Giám đốc của Viện bảo tàng địa phương học, một người bạn khác của gia đình Valentin Rasputin nhớ lại – Nhà văn còn thích đào khoai tây nữa. Tự tay ông trồng những mầm khoai, chăm sóc nó và đến mùa thu hoạch thì bới những củ khoai mập mạp lên bỏ vào giỏ…


Nhà văn của chúng ta cũng rất yêu đời – Bà Olga Vladimirovna tiếp lời – Ông đã đấu tranh với bệnh tật, không chịu đầu hàng, tận giây phút cuối cùng…
Tô Hoàng dịch – Nguồn VNTPHCM