Truyện ngắn. ĐỖ VĂN NHÂM

Còn nhớ chăng, mưa xối xả rừng Lào
Bạn “sốt rét rung cây hai đầu võng”
Tôi đói lả gục trên sườn dốc vắng
Quê nhà xa hun hút mấy tầng bom.

Câu thơ chiến sĩ B3 tự thuở nào thỉnh thoảng vọng về trong gã, thường thì khi ấy mưa rất to. Rừng xa mờ mịt, những lối rẽ trên đường mòn nhiều không kể xiết, ai dám chắc bình yên mời gọi hay hiểm họa rình rập ở phía trước. Đời lính trận biết bao ngả đã từng, hắn chẳng nhớ được mấy, trừ lối rẽ ấy, lối rẽ đầu tiên. Đấy là lối rẽ vào nghĩa trang của c24 – Đại đội quân y, một bệnh xá dã chiến thuộc Trung đoàn Thăng Long ở giai đoạn đầu một chiến dịch phía tây Trường Sơn. Hắn là một trong năm người đầu tiên rẽ xuống đó, bốn chiến sĩ và một… liệt sĩ.

Trận mưa cuối mùa dội xuống đời trai lần đầu giáp mặt chiến trường, giáp mặt cái chết. Mưa như một cuộc trả thù đời, phũ phàng nước táp vào mặt, không thể nhìn rõ người phía trước, dù chỉ cách mấy bước chân. Nước không kịp thoát qua tấm vải dầy, đọng ngang bụng người nằm trong võng. Đường trơn trượt, nguy cơ đổ vật xuống bất cứ lúc nào, hắn, một tay chống gậy, một tay vịn cây rừng, gắng gượng để nhẹ nhàng ngồi xuống, hạ một đầu cáng. Từ thân thể đã cứng lạnh của Miễn, nước xối qua vai hắn, chảy ào ào. Đằng nào cũng đã ướt, anh cán bộ chính sách bảo, dồn hết áo mưa che cho cáng thương. Nghĩa trang nằm sâu trong rừng, một lỗ huyệt mới tinh, đầy nước. Dựng căn nhà táng bằng võng vải và tăng bạt vào hai chạc cây, bọn hắn nghỉ lấy sức. Nghỉ và chờ một lúc thật lâu mưa mới ngớt, khơi một cái rãnh xả nước qua sườn dốc. Chưa hết, lại dùng mũ cối tát vét. Nước từ vách hố rỉ thành dòng, bùn đất lở dần. Không dám chờ đợi lâu hơn, cuối cùng bọn hắn đành lòng hạ Miễn xuống, chèn hai tảng đá vào hai góc tăng – một thứ áo quan của lính, bạn hắn không thể nổi lên được nữa. Vẫn mưa, chẳng biết khi nào dừng. Mưa, quê hắn, đất đồng chiêm mùa này cũng vậy, nước trắng đồng, phải bỏ vụ lúa tháng mười. Quê ta đồng trũng nước trong/ Thóc gạo thì ít, rêu rong thì nhiều. Câu ca về quê hắn đấy. Một ngày tháng tám, thằng Miễn đầy tuổi, mẹ nó bơi thuyền ra đồng. Cụm pháo bốt Gôi thử tầm đại bác, ba trái 105 li nổ chụm. Mảnh vụn của nền văn minh Pháp quốc chụp xuống, chiếc thuyền thúng, mấy mớ rau rong, lưng giỏ tôm cua cùng chủ nhân bị xé tung. Thằng Miễn bé quá, không nhớ nổi mặt mẹ. Chú Huyến, bố thằng Miễn ở vậy, cày cuốc và chài lưới nuôi ba anh em nó lớn lên. Dạo Mĩ ném bom thành phố Nam Định, các tuyến giao thông – đường bộ, đường sắt, đường sông, súng phòng không đất quê Đức Thánh Trần hợp vây, nổ dậy mấy tầng trời. Mặc kệ mảnh đạn trên trời xé gió chém xuống, mặc đêm hay ngày, thằng Miễn đều phóng ra đồng xem. Thằng Miễn vậy đấy, giỏi nghịch và giỏi học, vừa hết lớp 9 thì nhập ngũ. Vào dịp chiến trường thắng to, thiếu quân, người ta dễ dàng kí vào đơn tình nguyện của thằng Miễn, dù nó mới mười bẩy tuổi rưỡi. Mùa mưa lũ đến sớm, ngày quân đi, mới đầu tháng năm ta, nước đã trắng đồng. Quyên, cô bạn cùng lớp với Miễn những năm cấp hai, vừa tốt nghiệp sư phạm 7+2, bơi thuyền dọc kênh Đường Núi xuống sông Đào. Đoàn ca nô chở quân đi vừa chạm cửa kênh ăn ra dòng sông, thình lình một mái chèo lướt tới đón đường. Một thiếu nữ, một mái tóc dài, một dải khăn đỏ lấp loáng trên sóng nước. Tiếng lính trẻ hò reo vang dậy mặt sông. Từ chiếc ca nô đầu tiên, một mũi tên màu cỏ úa phóng xuống, bơi chếch vào bờ. Đấy là thằng Miễn.

 

Từ buổi chiều trên sông Đào đến buổi chiều Miễn nằm xuống vì sốt rét ác tính vừa một mùa mưa. Gương mặt tái xám, mái tóc dày rụng vãn, lộ cả da đầu, đôi mắt thường khi rực sáng luôn thấp thoáng vẻ ngạc nhiên vui tươi vĩnh viễn khép lại. Tấm khăn đỏ còn đó, khi tẩm liệm cho đồng đội, hắn quàng vào cổ Miễn, như từ khi được tặng, như hôm qua, hôm kia, bạn hắn thường làm. Dưới đáy huyệt sột sệt bùn, Miễn vừa yên vị, chưa kịp lấp một xẻng đất, trời lại đổ mưa. Lại khơi sâu thêm rãnh và tát nước. Nhiều năm sau, thỉnh thoảng hắn như vẫn nghe tiếng đất trộn lẫn nước dội xuống thân thể người lính trẻ bọc kín trong tấm tăng ni lon. Lụp bụp… xòa xòa… bõm bõm… bọn hắn đứng, chân vùi sâu trong bùn nhão, cúi đầu, nước mưa tràn qua mặt. Buồn tủi cùng cực, gác khẩu AK vào chạc cây, hắn mở khóa an toàn, bật nấc liên thanh. Ai đó, hình như anh cán bộ cơ quan chính sách kịp xô tới, chặn lại. Ba mươi viên đạn tiểu liên cỡ 7 li 62 nén chặt trong ổ thép. Một chàng trai vừa năm tháng tuổi quân, gần tròn mười tám tuổi đời, cao ráo và cởi mở, ra đi trong im lặng. Chỉ có nước, nước mưa và nước mắt…

Theo chỗ hắn nhớ, những người chôn cất Miễn trong chiều muộn hôm ấy, đã lần lượt nhập viện. Hắn là người cuối cùng, đầu mùa mưa năm sau. Đồng đội cáng hắn vào viện, nằm đúng cái lán mấy tháng trước Miễn đã nằm, đã được sửa sang, nên thoáng đãng hơn. Quãng đó sát đường mòn, rất gần nghĩa trang, nghe nói bấy giờ nghĩa trang đã rất đông. Lính tráng khiêng nhau vào đó chôn mỗi ngày một nhiều, lối nhỏ đã thành đường lớn. Hắn sốt cách nhật, hai ngày một trận, giống Miễn, giống rất nhiều bạn bè. Ôi bạn bè, những người ra khỏi viện, nằm trên võng bị bó chặt trong tấm tăng, theo lối rẽ trái, vào nghĩa trang. Ở đấy có những lỗ huyệt đào sẵn, mùa mưa thường đầy nước, mùa khô luôn ù ù gió và lá tơi bời rụng.

Nguôi cơn sốt, đến bữa ăn hắn cố nuốt từng thìa, dù miệng đắng ngắt. Nhiều khi mới nghe mùi thức ăn, lục phủ ngũ tạng đã quằn quại vò xé nạo vét, thốc tháo đẩy mọi thứ có thể qua miệng, như người ta vẫn nói, mật xanh nanh vàng. Nghỉ một lát cho hồi sức, vuốt ngực, chiêu một vài hớp nước lấy đà, hắn lại cố, nhắm mắt nhắm mũi mà ăn. “Tớ sẽ cố ăn, cố sống. Để tịch vì sốt rét, hừ, chả ra thể thống gì”, thằng Miễn nói sau một cơn mê sảng. Lại cười, bảo, “Tớ sẽ qua thôi!” Nụ cười gượng, méo mó. Nó trụ thêm được một buổi sáng. Hắn bấy giờ cũng cố ăn cố sống. Ngày nào không bị sốt rét hành hạ, hắn vịn cây, lúc mệt quá phải hai tay hai gậy, lần lần đi quanh các lán, dưới vòm rừng. Bác sĩ khen hắn chịu khó rèn luyện. Đúng một phần thôi, thưa bác sĩ. Hắn đi để tránh xa hầm cấp cứu, hầm phẫu thuật, để khỏi phải nghe những tiếng kêu rên đau đớn chẳng mấy khi ngừng. Đi, để tránh nhìn thấy đồng đội lùi lũi khiêng nhau ra nghĩa trang. Những võng cáng buộc chặt ba vòng, ở vai, ở thắt lưng và ở đầu gối – mỗi ngày bao nhiêu lượt, như bọn hắn khiêng Miễn trong chiều mưa hôm nào.

Hắn chuyên sốt 41 độ, tròn một cơ số quinine đặc trị phóng thẳng vào mông, thân nhiệt không hề thuyên giảm, mặc dù tay y tá sẽ ăn bớt đi chút ít, nếu lúc đó hắn còn tỉnh táo mà hỏi. Trước khi mê man, bao giờ cũng thấy quanh mình âm u những xam xám vàng vàng đỏ đỏ, như giữa đống tro than, nhưng đa phần là vàng vọt màu quinine. Một lần như vậy, lúc lơ mơ tỉnh dậy hắn thấy quanh mình những người là người. Hắn không biết hắn đã vào hầm cấp cứu tự bao giờ. Sau này nghe nói, các thầy thuốc đều lo sợ một cơn co giật nữa, cơn co giật cuối cùng. Hắn thoát, nửa giờ sau, có khi ít hơn, hắn được dìu về lán cũ. Lán cũ thuận đường ra nghĩa trang. Thường, vừa qua cấp cứu, bệnh nhân chưa về lán cũ ngay, nhưng bệnh xá vừa nhận thêm nhiều thương binh bệnh binh nguy kịch, hầm cấp cứu buộc phải đưa người vừa tạm thoát cửa tử ra sớm hơn. Lính trận dày dạn một chút đều hiểu phía trước đang đánh nhau to.

Lán cũ thêm ba chàng trai mới, hai người đang đỉnh điểm cơn sốt, cánh võng rung bần bật. Chàng trai thứ ba ôm ngực, cơn ho tưởng chừng muốn lôi mọi thứ trong họng ra. Không thấy anh bạn trẻ mới nhập viện sáng qua, một tay to con, đẹp trai. Từ cái bọc kín mít võng và chăn, một giọng lào phào đứt quãng, căng tai ra mới nghe được: “Đi rồi, đêm hôm qua, lúc cậu vào phòng cấp cứu, một cơn co giật…”.

Một cú rùng mình ớn lạnh vuốt dọc xống lưng, lên rồi xuống, rồi lan ra toàn thân, vòm miệng bắt đầu cứng lại, triệu chứng rằng buổi tối, chậm thì qua đêm, hắn sẽ lên cơn. Hắn đổ mình xuống võng. Lại nghe tiếng bước chân vồi vội, nặng nề, dọc đường mưa. Lại là rẽ trái. Hắn quay mặt, trốn ánh nhìn vào sau võng, cho dù trước đó hắn đã nhìn thấy, đã biết ai nằm cứng đơ trong chuyến cáng thương vừa đi qua. Đoạn giữa mép võng bị thủng một lỗ do mảnh đại bác… Một đại đội trưởng còn rất trẻ, chưa quá hai mươi, ở lán cạnh đấy, nhập viện trước đó hai ngày.

Từ căn lán hắn nằm tới nghĩa trang, chừng hơn cây số đường rừng, nếu cắt qua thung lũng nối hai sườn đồi soi gương với nhau, có lẽ chỉ hai trăm mét. Hai trăm mét, quá gần. Vào lúc tỉnh táo, dù đôi tai vẫn âm u những gió, “đặc điểm nhận dạng” của lính sốt rét, hắn nghe rõ tiếng cuốc xẻng đào huyệt bập xuống nền rừng. Phập phập… bụp bụp… rào rào. Đôi khi cuốc chim vấp đá tóe lửa, tiếng động sắc nhọn rờn rợn. Bệnh xá chiến trường, các trạm phẫu tiền phương, trước khi vào trận, bao giờ cũng đào sẵn một số lỗ huyệt. Mặc dù vậy, thường thì không kịp đủ để chôn nhau…

Hắn thoát đận ấy, bẩy năm làm lính trận tiếp sau cũng thoát, cả bom đạn và bệnh tật. Vào viện, ra viện không phải trên võng cáng mà bằng đôi chân cuốc bộ, đi thẳng về hướng có tiếng súng. Năm 1975, lần đầu về quê nghỉ phép sau chiến tranh, hắn cảm thấy có lỗi nên không dám gặp chú Huyến. Theo thời gian, mặc cảm đó nguội dần, nhưng tuyệt đối không rời xa, nó ẩn đâu đó rất sâu, tựa hồ như kí sinh trùng sốt rét, tản mát và ranh mãnh, trường kì mai phục trong từng tích tắc. Giờ, chú Huyến đã mất, hắn cũng nghỉ hưu, cô giáo Quyên mới lên chức bà, quá muộn so với bạn bè cùng trang lứa. Có hò hẹn thề bồi với Miễn chăng, nên dù xinh đẹp, hiền thục, giỏi giang mà ngoài ba mươi tuổi Quyên mới đi lấy chồng, rồi lặng lẽ rời quê đi miền núi. Nơi ấy giờ cũng thuận tàu xe, hắn sẽ lên thăm, là định thế, nhân dịp thăm vài người bạn lính đang hồi hưu ở đó. Lính bạc tóc gặp nhau, chen vào ồn ào chốc lát sẽ là những khoảng lặng. Vọng về từ xa lắm tiếng bước chân khiêng cáng nặng nề, tiếng đất rụng xuống thân thể những chàng trai, tiếng xẻng cuốc moi hầm cứu bạn, tiếng bom, tiếng người gọi người từ bên kia hẻm núi.

Bữa trước hắn lên thăm nhà người con trai lớn của chú Huyến – một cựu chiến binh, gặp lại chàng trai trong bức ảnh trên ban thờ. Miễn đấy, vẫn một thoáng ngạc nhiên tươi vui trong đôi mắt rực sáng. Cái buổi chiều xa xôi năm ấy, lúc quân đi, từ mạn tàu, nó đã bay vút lên rồi phóng xuống dòng sông, ngược sóng bơi vào cùng người bạn gái trong chốc lát. Chốc lát, rồi chiếc thuyền nan bé nhỏ, dồn sức bốn cánh tay chèo quyết liệt chống chọi với sóng gió sông Đào và sóng mạn tàu, đưa nó lên chiếc ca nô cuối cùng. Chiếc khăn quàng đỏ cô giáo trẻ kiêm phụ trách Liên đội thiếu niên tặng trên sóng nước sông Đào, từ đó theo Miễn mãi mãi!

Đ.V.N

Văn nghệ Quân đội

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài

Exit mobile version