Nhà thơ Hữu Loan
Các nhạc sĩ Phạm Duy, Dũng Chính, Anh Bằng… đã phổ nhạc bài thơ này. Năm 2004 Công ty cổ phần Công Nghệ Việt ( VitekVTB) mua bản quyền bài thơ Màu tím hoa sim với giá 100 triệu đồng, đó là điều an ủi lớn cho số phận long đong của tác giả và của chính bài thơ kéo dài mấy thập niên.
Tôi đọc Màu tím hoa sim của nhà thơ Hữu Loan khi mới bước vào ngưỡng của trong học. Ở cái tuổi chỉ thích trèo cây, bắt chi, chơi bi ve, chưa biết yêu đương là gì, vậy mà tôi đã xúc động trào nước mắt, đọc bài thơ vài lần là thuộc.
Ngày đó, tôi hỏi cha tôi – một nhà nho mê thơ Lý Bạch, Đỗ Phủ, Thôi Hiệu, Cao Bá Quát, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ: “Màu tím hoa sim là sự thật xảy ra trong đời tác giả hay hư cấu ?”. Có lẽ đã ngẫm nghĩ kỹ, ông đáp ngay: “Bố tin là hoàn toàn thật, chứ không thể bịa đạt mà hay đến thế, xúc động lòng người đến thế, con ạ”.
Năm 1956, đi cùng người bạn đến thăm anh Hữu Loan ở phố Ngọc Hà – Hà Nội, tôi gặp anh đang ngồi rít thuốc lào trong ngôi nhà “Mưa dột trên dột xuống. Rệp đốt dưới đốt lên”( thơ Hữu Loan). Tôi định hỏi về xuất xứ bài thơ nhưng thấy anh đang buồn buồn, nên ngại. Ít lâu sau, anh đột ngột bỏ thủ đô về quê làm ruộng, làm xe thồ, tôi ngỡ khó có cơ hội gặp lại.
Mùa thu năm 1966, tôi lên Lạng Sơn công tác, tình cờ gặp anh Lê Đỗ Ngọc làm việc ở ngân hàng tỉnh. Tôi và mấy người bạn của Ngọc ngồi đàm đạo thơ ca với nhau. Ngọc cho biết một điều làm tôi sửng sốt: Ngọc là “Những em nhỏ lớn lên ngỡ ngàng trông ảnh chị. Khi gió sớm thu về cỏ vàng chân mộ chí”. Tôi hỏi, vậy thì “Ba người anh từ chiến trường đông bắc. Được tin em gái mất trước tin em lấy chồng” là những ai? Lê Đỗ Ngọc cho biết đó là các anh Lê Đỗ Khôi, Lê Đỗ Nguyên, Lê Đỗ Khang. Chị Lê Đỗ Thị Ninh, vợ anh Hữu Loan, là em kế anh Khang. Anh Khang hiện là Thường vụ Trung ương Đoàn Thanh niên với bí danh Nguyễn Tiên Phong. Ngọc vừa nói đến đó thì còi hú báo động, máy bay Mỹ ào tới ném bom. Là phóng viên thường trú ở tỉnh Lạng Sơn, tôi vội xách máy ảnh lao ra trận địa pháo. Tan trận đánh, quay lại, Ngọc đi công tác mất rồi. Tiếc quá!
Cách đây hơn hai mươi năm, anh Hữu Loan vào Sài Gòn thăm bằng hữu và con cháu làm việc ở Vũng Tàu. Nhà văn Hoàng Huế nhắn tôi đến chơi. Gần năm mươi năm xa cách, vậy mà bước vào nhà, anh nhận ra tôi ngay. Nhìn thấy anh tóc bạc phơ, mắt sáng, khỏe mạnh, tôi mừng ôm lấy anh. Anh báo ngay tin buồn: vừa đến báo Tuổi Trẻ lãnh nhuận bút, bỏ tiền trong xắc cốt, buộc sau xe đạp bị nó cắt dây chằng, mất sạch. Hoàng Huế cười: “Nếu đứa ăn cắp biết ông là tác giả Màu tím hoa sim nó sẽ không cuỗm của ông đâu. Bây giờ rao vặt lên báo, tôi đảm bảo là nó trả lại. Dân chôm chỉa, bụi đời rất quý văn nghệ sĩ”.
Ngồi lai rai rượu đế với đậu phộng, anh kể cho chúng tôi nghe người ta gọi anh là Tú Loan vì anh đậu Tú tài bán phần. Anh tự học và là thí sinh tự do. Học xong đi làm thầy ký cho Tây, rồi dạy học và tham gia mặt trân Việt Minh. Cách mạng tháng 8 thành công, anh được cử làm Trưởng ty thông tin tuyên truyền Thanh Hóa. Kháng chiến bùng nổ, anh xung phong đi lính về sư đoàn 304. Làm quân của tướng Nguyễn Sơn rồi về cầm bút vừa cầm súng. Loanh quanh chỉ có chừng đó nên trong bài thơ khóc vợ mới bật ra các câu: “Ngày hợp hôn nàng không đòi may áo cưới. Tôi mặc đồ quân nhân. Đôi giày đinh còn lấm bùn đất hành quân. Nàng cười xinh xinh bên anh chồng độc đáo. Tôi ở đơn vị về. Cưới nhau xong là đi…”.
Anh Hữu Loan cho biết những gì mà Ngọc đã nói với tôi là đúng sự thật. Anh nói thêm: “Mình xuất thân nông dân, lấy vợ thư sinh. Vợ mình là con cụ Lê Đỗ Cư. Trước cách mạng cụ Cư làm Thanh tra nông lâm trong Sài Gòn, nên mới có đoạn thơ: “Tôi về không gặp nàng. Má tôi ngồi trên mộ con đầy bóng tối. Chiếc bình hoa ngày cưới thành bình hương tàn lạnh vây quanh…”. Má đây là má vợ, chứ dân Thanh Hóa có ai gọi mẹ bằng má đâu. Sau cách mạng tháng 8, Cụ Lê Đỗ Cư là đại biểu Quốc hội khóa I. Các con trai cụ đều học giỏi, cụ khuyên xếp bút nghiêng cầm súng ra mặt trận. Anh Lê Đỗ Khang thì các cậu đã gặp ở Hà Nội khi anh là cán bộ lãnh đạo đoàn TNCS; anh Lê Đỗ Khôi là Tiểu đoàn trưởng, hy sinh ở mặt trận Điện Biên Phủ, đánh giặc nổi tiếng khắp Sư đoàn. Còn anh Lê Đỗ Nguyên bây giờ là Trung tướng mang tên Phạm Hồng Cư. Anh lấy tên cha đặt cho mình như một nghĩa cử hiếu đề.
– Màu tím hoa sim anh làm năm nào?
– Việc này nhiều giai thoại lắm, có người bảo mình vừa khóc vừa làm thơ bên mộ vợ, rồi chép vào quạt nan, người lại bảo mình làm ở đơn vị rồi khắc lên báng súng. Thơ dài thế, làm sao viết vào quạt nan hoặc khắc lên báng súng cho đủ. Đẹp biết bao sự tưởng tượng lãng mạn của nhân dân. Sự thật thế này: vợ mình mất ngày 29/5/1948, lúc cô ấy mới quá tuổi trăng tròn. Thương quá, đau quá “Nhưng không chết người trai khói lửa/ Mà chết người gái nhỏ hậu phương”. Nén thương xót vào lòng, một năm sau mình mới làm ra được bài thơ. Là con nhà công chức, được giáo dục chu đáo nên vợ mình rất nết na. Về làm dâu một gia đình nông dân, cô ấy quán xuyến mọi việc trong nhà, từ cơm nước, may vá…nên cả làng, cả họ ai cũng quý mến. “Ngày xưa nàng thích hoa sim tím. Nàng vá cho chồng tấm áo ngày xưa”. Còn các câu: “Chiều hành quân qua những đồi sim. Những đồi hoa sim dài trong chiều không hết. Màu tím hoa sim tím chiều hoang biền biệt” là nhớ tới cô ấy rất thích màu tím, mặc áo màu tím Huế, mỗi ngày lên đồi hái hoa sim tím chưng trong nhà, chưng trên bàn viết của mình.
Nói đến đây, thi sĩ Hữu Loan ngồi lặng một lúc, ngoảnh mặt sang chỗ khác, lặng lẽ để rơi những giọt nước mắt hiếm hoi của người lính già sống và viết đầy bản lĩnh. Qua phút xúc động anh nói tiếp: “Người như thế mà bạc mệnh. Vợ mình chết một cách quá thương tâm, chết đuối. Nếu còn sống, năm nay cô ấy cũng đã bát thập cổ lai hy. Nhưng nàng cũng giống như các nhà thơ là không có tuổi, mãi mãi ở tuổi hai mươi. Điều mình vui nhất là tới đâu cũng được gọi bằng anh. Vừa rồi đi cùng Hoàng Huế vào thăm cố đô, có cô bé giọng ngọt ngào: “Mệ em, mạ em, và các anh chị em của em đều thuộc nằm lòng Màu Tím Hoa Sim của anh”. Sướng thật, được cả ba thế hệ thuộc bài thơ làm gần nửa thế kỷ”.
Đột nhiên Hoàng Huế hỏi, nghe nói bà vợ thứ hai của anh là “vợ nhặt” phải không? Tôi liếc nhìn Hoàng Huế mắng, hỏi gì mà cắc cớ thế.! Hữu Loan lại cười đôn hậu, không sao Đài ơi, Hoàng Huế dùng từ “vợ nhặt” là đúng đấy. Dạo đó đang cải cách ruộng đất, gia đình cô ấy là địa chủ, bố cô lĩnh án tử hình, cô bị đuổi ra khỏi nhà sống lang thang, mót khoai mót sắn ăn, đêm về ngủ bờ ngủ bụi. Làng cô gần làng tớ. Lần đi phép năm đó, 1955, tớ gặp cô, hỏi han dăm ba câu chuyện, rồi dắt cô về nhà, cô trở thành vợ tớ từ đó. Hồn nhiên vậy thôi. Bây giờ đi ăn cái đã, tớ bao cả hai thằng bằng tiền nhuận bút vừa lĩnh được. Các cậu muốn biết đầu đuôi xuôi ngược mối tình lãng mạn và cay đắng thứ hai này, bữa khác, thông thả tớ kể chi tiết cho nghe, bây giờ chỉ nói với các cậu một câu ngắn gọn: bà ấy đã sinh ra cho tớ một bầy con, học hành đến nơi đến chốn, công tác khắp nơi, lần này tớ vào đây, ngoài việc thăm Sài Gòn, thăm bạn là thăm con…
Tôi có người bạn làm thơ muốn khóc vợ vừa qua đời sau cơn đau tim đột ngột. Nhưng nhớ đến Màu tím hoa sim quá hay, anh chỉ đành khóc trong lòng, không dám cầm giấy bút. Điều ấy cũng giống như Lý Bạch muốn đề thơ trên lầu Hoàng Hạc, nhưng đã có Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu nên không dám đề nữa.
Theo: Xuân Đài
Nguồn: Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh
Phạm Thuý Quỳnh đưa bài