Tết cổ truyền Dashain ở Nepal kéo dài trong 15 ngày. Ngày thứ 9 được đặt tên là Maha Navami – “ngày thứ chín vĩ đại”, dành riêng cho việc thăm viếng đền Taleju. Thung lũng Kathmandu có ba ngôi đền Taleju ở Kathmandu, Patan, Bhaktapur; trong đó đền Taleju Bhawami ở Kathmandu (nằm trong quần thể cố cung Hanuman Dhoka) giữ vị trí quan trọng nhất. Đây là ngôi đền dành riêng cho vua, hoàng tộc của cả hai triều đại Malla và Gorkha để cúng tế nữ thần Taleju.

Lễ bái đền Taleju Bhawami ở Kathmandu có ý nghĩa thiêng liêng với người Hindu ở Nepal. Ngôi đền chỉ dành riêng cho hoàng gia, nhưng mỗi năm mở cửa một lần vào ngày thứ 9 Tết cổ truyền Dashain cho dân chúng đi lễ. Ngày nay hoàng tộc Nepal không còn nữa, người đứng đầu chính phủ đã thay thế vai trò nhà vua trong việc thực hành nghi lễ tôn giáo, nhưng ngôi đền vẫn chỉ mở cửa một ngày duy nhất trong mùa Dashain. Quan chức chính phủ hay dân thường đều đi lễ vào ngày này. Có lẽ đây là lý do mà quản lý an ninh ở ngôi đền rất nghiêm ngặt. Người nước ngoài tuyệt đối không được vào trong.

Sáng hôm đó tôi dậy sớm, dự tính sẽ tìm cách vào lễ đền. Đứng trước một trạm bán vé tham quan Kathmandu Durbar Square, thấy mọi người xếp thành hai hàng bên trái và bên phải lối vào đền. Ở đây dày đặc cảnh sát nam và nữ. Họ đứng thành hai nhóm, một nhóm đứng dọc theo hai hàng người, một nhóm khác liên tục đi vòng xung quanh. Có một rào chắn căng dây thừng, khách nước ngoài phải đứng phía ngoài rào chắn. Nhiều du khách tìm mọi cách năn nỉ vào bên trong đều không được chấp thuận.

Chợ Asan- Kathmandu Durbar Square.

 

Khoảng 7h30′, đoàn ô-tô của quan chức chính phủ tiến vào khu vực. Dù vị trí trong chính phủ lớn đến đâu thì xe của họ cũng phải đỗ bên ngoài, vì với thần linh, họ cũng chỉ là tín đồ. Họ xuống xe, xếp hàng lần lượt. Nói chung cảnh sát vẫn có ưu tiên, nên họ vào lễ trước, dân chúng đang xếp hàng tạm thời dừng lại và chờ đợi. Quan chức chính phủ lễ xong, dân thường tiếp tục vào đền. Chỉ du khách nước ngoài là bất lực. Đứng một lúc thấy tình hình có vẻ khó khăn, tôi quay lại chợ Asan. Nhớ ra chưa ăn sáng, tôi ghé một xe bán hàng rong bên đường mua một bát curry đậu, giá 15 rupees.

Ngồi luôn lên bậc thềm một cửa hàng bán quần áo đã đóng cửa, tôi vừa ăn vừa nghĩ nên làm thế nào. Ăn xong món đậu, tôi đi một vòng quanh Kathmandu Durbar Square chụp ảnh. Sau ngày thứ 8 – Maha Ashtami, một số người chưa cúng thì có thể cúng vào ngày thứ 9 – Maha Navami. Ngoài ra, doanh trại quân đội, thợ thủ công hay doanh nhân cũng thường chọn cúng vào ngày này. Trên đường phố, tôi gặp người bán rong đĩa đồ cúng gồm có jamara (mạ non gieo bằng hạt lúa mạch), hoa, trái cây. Tín đồ Hindu mua đồ cúng mang vào dâng nữ thần Taleju.

Đang lang thang thì gặp cậu bán hàng rong hôm trước tôi mua của cậu ta một bộ cờ vua nhỏ xíu bằng gỗ. Thấy tôi, cậu ta tới bắt chuyện. Chuyện một lúc, tôi kể với cậu ta nguyện vọng muốn vào thăm đền Taleju. Cậu ta ngạc nhiên, rồi nói người nước ngoài không được phép vào trong. Tôi bảo: “Ừ, tao cũng biết nên mới loanh quanh ở đây tìm xem có cách nào không”.

Cậu ta cười rồi hỏi: “Mày có tin vào may mắn không?”. Tôi nói tin chứ, nhưng tao tin là hôm nay tao sẽ vào được bên trong đền. Cả hai cùng cười, rồi cậu ta bảo: “Đi theo tao”. Trước cửa đền Taleju, dân chúng xếp thành hai hàng, đi từ phía bên trái và phía bên phải qua cổng vào bên trong. Cậu bán hàng rong dẫn tôi qua hàng bên trái, vì bên đó có vẻ ít người hơn. Nói là ít người thì xếp hàng cũng phải dài tới 300m. Chẳng biết cậu ta nói gì với người đàn ông đứng phía trước mà ông ta quay lại nhìn tôi cười. Tôi cũng cười.

Kể từ đó tôi bắt đầu làm như không nghe được, không nói được. Có người xếp hàng ở phía sau nhận ra tôi không phải người Nepal. Chỉ khi nào họ đập vào vai thì tôi mới quay lại. Họ nói bằng tiếng Nepali, tôi lặng im. Họ nói bằng tiếng Anh, tôi cũng lặng im. Chắc họ không biết làm thế nào để tôi hiểu được, nên họ cũng thôi.

Dòng người vào viếng đền Taleju cứ thế, cứ thế nối tiếp nhau tiến về phía trước một cách kính cẩn, trang nghiêm. Đầu tiên xếp hàng đôi, khi chỉ cách cổng đền chừng 50m thì chuyển sang xếp hàng đơn. Cảnh sát đứng ngay bên cạnh, thi thoảng lại nhắc nhở một vài người nào đó đứng chệch hàng thì đứng vào cho ngay ngắn. Tôi cũng bị nhắc khi đang mải ngó phía ngoài rào chắn, thấy các bạn ngoại quốc khác vẫn năn nỉ cảnh sát mà không xong. Cuối cùng, tôi cũng qua được cánh cửa vào khuôn viên đền Taleju Bhawami linh thiêng.

Đền Taleju Bhawami.

Mọi người tiếp tục xếp hàng đơn tiến ra một cái sân rộng ở mặt trước của đền. Sân này nằm ở giữa, nối liền đền Taleju Bhawami với cung điện Mul Chowk cũng thuộc quần thể cung điện hoàng gia Malla. Người nối người lần lượt trèo lên từng bậc thềm. Những bậc đá này được làm khá cao nên tín đồ phải cúi người để bám lấy bậc mà bò lên chứ không phải đứng thẳng và hiên ngang bước lên. Có lẽ leo lên đền theo cách như vậy cũng là để bày tỏ lòng tôn kính.

Đền Taleju Bhawami gồm ba tầng, càng lên cao càng nhỏ hơn. Nơi chúng tôi đến là tầng thứ ba, trên đỉnh. Tôi làm theo những người xung quanh, vừa đi vừa xoa tay phải lên những cửa gỗ, rồi xoa lên trán mình để cầu may. Họ theo đạo Hindu, họ đọc kinh cầu nguyện của họ. Tôi là Phật tử, nên chỉ lầm rầm “Om Mani Padme Hum”. Đến tầng thứ ba, lòng đầy hồi hộp, tôi nhìn vào bên trong: có bốn cánh cửa nhưng chỉ một được mở, chính là cái cửa chỗ tôi đang đứng; khám thờ nhỏ ở giữa là cái bệ thờ phủ vải đỏ, trên đặt một mặt nạ chân dung nữ thần Taleju bằng đồng cùng với bình nước thánh. Những thầy tư tế Brahmins nhận đồ lễ xong thì người dâng lễ hướng về phía bệ thờ khấn vái và rời đi, thời gian cho mỗi người chắc không quá 60 giây. Cũng có người nán lại xin ban phúc.

Thầy tư tế lấy một nhúm jamara trộn lẫn với bột màu đỏ cùng cánh hoa rải lên đầu mỗi người, thả vào hai lòng bàn tay đang khum lại của họ. Đến lượt tôi, thầy tư tế cũng làm như vậy, rồi cúi xuống chiếc đĩa đặt bên cạnh, nhặt thêm một bông hoa còn nguyên chưa xé cánh rồi thả tiếp vào tay tôi. Tôi cười, kính cẩn cúi đầu rồi đi, nếu chậm trễ thế nào cũng bị dòng người phía sau nhắc nhở.

Tín đồ lên đền Taleju từ phía bên trái, lễ xong vòng ra phía sau xuống theo bậc thang bên phải. Lối xuống nhiều bậc thang hơn, dĩ nhiên mỗi bậc đều thấp hơn hẳn so với lối lên lúc trước. Theo quy định, trong quá trình thăm viếng đền Taleju Bhawami mọi người phải giữ yên lặng, tuyệt đối không được chụp ảnh tới khi rời khỏi khu vực sân đền để sang phía cung điện Mul Chowk. Khi cảm giác hồi hộp qua rồi, trong tôi chỉ thấy vui sướng, không còn lo sợ. Tôi rút điện thoại ra, giơ lên định chụp ngôi đền Taleju nhìn từ sân đền. Có mấy người, chắc không còn nghi ngờ gì nữa, biết rõ tôi là người nước ngoài nên họ nói tiếng Anh, bảo tôi là ở đây cấm chụp ảnh, rồi giơ tay che ống kính điện thoại tôi lại. Cũng may mà đã chớp vội được một kiểu!

Dòng người di chuyển sang phía cung điện Mul Chowk. Đó là tòa cung điện cổ xây theo lối kiến trúc của người Newar – cư dân bản địa của vùng đất Kathmandu, với bốn dãy nhà khép lại tạo thành khoảng sân hình vuông nằm ở giữa. Vào nửa đêm hôm trước trên sân đã diễn ra lễ hiến tế 54 con trâu và 54 con dê. Đêm này được gọi là Kal Ratri (nghĩa là “Đêm Đen”). Ngay sau khi chặt đầu những con vật, toàn bộ thân xác được mang đi trước khi các tín đồ đầu tiên đến đền Taleju lễ bái. Những gì còn lại lúc này là màu máu đã sậm trộn lẫn với bột mùn cưa đặc quánh vương đầy trên sân. Dù đã biết về phong tục hiến tế của người Hindu ở Nepal thì trước dấu tích của một đại lễ hiến tế như thế này vẫn cứ cảm thấy rùng mình.

Rời cổng lúc 11h45′, nắng đã vàng rực, từ lúc xếp hàng tới khi hoàn thành việc chiêm bái ngôi đền khoảng một tiếng. Tôi chọn chỗ ngồi trước ngôi đền Maju Deval, ngắm dòng người nối tiếp nhau đi về ngôi đền Taleju Bhawami. Nhiều du khách nước ngoài chán nản rời đi, nhiều bạn khác nán lại tìm cơ hội. Vẫn những cái lắc đầu của cảnh sát. Lát lâu sau tôi đi bộ về nhà trọ. Ông chủ nhà trọ hỏi sáng nay đi đâu, tôi nói cháu đi lễ đền Taleju. Rồi tôi rút điện thoại cho ông xem tấm ảnh lén chụp vội lúc đi xuống sân đền, ông ngạc nhiên nhìn tôi, rồi bảo: “Cháu đúng là một cô gái may mắn”!

Theo Thanh Tiêu – Văn nghệ công an