Bạn tôi làm công tác nghiên cứu folklore (văn hóa tộc người) đã buông lửng một câu nghe ra rất tê tái: “Kỹ nghệ tãn sớ (đan gùi) của người K’Ho, từng một thời tinh xảo, nay đang dần lùi xa”. Tôi trấn an: “Chẳng phải hằng ngày chúng ta vẫn thường thấy người K’Ho mang gùi xuống phố mưu sinh đấy còn gì”.
Nói là nói vậy, chứ tôi thừa biết bạn mình có lý khi nói ra điều đó. Bởi, trong guồng quay của các vận động tự nhiên và xã hội để tạo dòng chảy mới cho sự phát triển, đã vô hình trung mang theo những thách thức đối với sự tồn sinh cũng như sự bảo lưu văn hóa. Tiến hóa và biến hóa là tất yếu. Sự tiếp thu và đào thải, hội nhập sẽ làm nảy sinh những sắc thái về giá trị mới.
Gien giống nòi và gien văn hóa tộc người sẽ được bồi bổ, phong phú thêm lên và những giá trị văn hóa dần dần được định hình ở giai đoạn mới. Tuy nhiên, trong lúc những giá trị văn hóa mới chưa thật sự định hình rõ nét, thì văn hóa tộc người lại đặt ra những thách thức nội tại, trước nhu cầu duy trì và phát triển tự nhiên, lại không thể tách mình ra khỏi dòng chảy trào lưu đô thị. Chiếc gùi của người K’Ho cũng nằm trong dòng chảy tự nhiên ấy và vì thế nguy cơ mai một là có thật.
Ông K’Sót và chiếc gùi do chính tay ông đan. |
Bà Ka Phêm ở bon Trang Woạt, xã Đinh Trang Hòa, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng nói: “Tôi nghĩ, chiếc gùi của người K’Ho rồi sẽ biến mất. Vì ngày nay đang có quá nhiều sản phẩm công nghiệp hiện đại chiếm ưu thế!”.
Bà Ka Phêm cho rằng, thực tế này không thể phủ nhận một khi những vật dụng công nghiệp như ba lô, giỏ xách, túi xách đã quá phổ biến và chỉ cần có tiền (giá rất rẻ) là được quyền sở hữu ngay lập tức. Trong khi đó, để làm ra một chiếc gùi, phải mất cả tháng trời. “Nhưng cái chính là những vật dụng công nghiệp bày bán ở chợ thì chỉ có thể dùng thông thường chứ rất ít tính nghệ thuật, không thể so sánh được với các sản phẩm đan lát của người K’Ho”, bà Ka Phêm tỏ rõ sự tiếc nuối.
Theo bà Ka Phêm, gùi của người K’Ho có nhiều kích cỡ, to nhỏ, cao thấp khác nhau. Nhưng phổ biến nhất là sớ dà, sớ sơn và sớ bơnơr. Mỗi loại gùi có công năng và công dụng khác nhau. Theo đó, sớ dà dùng để gùi nước hoặc gùi củi; sớ sơn là chiếc gùi sử dụng vào việc gùi lúa, mỗi chiếc có thể gùi được 50kg thóc; sớ bơnơr lại chủ yếu được dành cho việc đi hội. Ngoài ra, người K’Ho còn có sớ nùng, sớ ọ…
Sớ drộm và sớ bnơl là sản phẩm đặc biệt của đồ đan K’Ho, dành cho cặp vợ chồng mới cưới. Sớ drộm (có nắp đậy) là chiếc gùi dành cho chú rể. Sớ bnơl (không có nắp đậy) là chiếc gùi dành cho cô dâu. Sớ drộm và sớ bnơl được đan rất kỹ lưỡng, công phu, có nhiều họa tiết trang trí. Ngày cưới, một chiếc ùi (váy) mới được phía nhà gái xếp gọn gàng, đặt trên sớ drộm và sớ bnơl, rồi sau đó trao lại cho hai vợ chồng. Bên trong sớ drộm và sớ bnơl đã đựng sẵn những vật dụng, tư trang cần thiết cho một gia đình mới, gồm: Chăn, chiếu, xà gạc, bát đĩa, xoong nồi…
Người K’Ho có kỹ nghệ đan được nâng lên đến mức nghệ thuật. Kỹ nghệ này thể hiện ở hình dáng đa dạng, hoa văn đan cài và kỹ thuật đan khó. Chiếc gùi của người K’Ho thường có 3 phần: Miệng gùi, thân gùi và đế gùi. Miệng gùi (bơk sớ) được cạp bằng thanh tre già; sau đó, dùng dây mây cố định lại tạo thành một vòng tròn cứng cáp. Thân gùi (sa sớ) đan bằng cây đơr (một loại cây thuộc họ tre nứa). Đế gùi (yơng sớ) được làm bằng gỗ hoặc thanh tre cật, nhằm tạo sự vững chãi để khi đặt trên mặt đất không bị ngã đổ. Quai gùi (ce sớ) bện bằng dây mây, to bản. Bên cạnh đó, chiếc gùi còn có thêm drài sớ (dây trang trí) và tôr sớ (dây dùng để níu chặt các vật dụng đựng bên trong gùi khỏi rơi ra ngoài).
Muốn làm một chiếc gùi, đàn ông K’Ho phải vào rừng tìm cây đơr, đánh dấu lại và để đấy, đợi thời gian nhất định trong năm mới đến đốn. Kinh nghiệm dân gian K’Ho chỉ ra rằng, trong một năm không phải lúc nào cũng có thể vào rừng đốn đơr để đan gùi. Thời gian tốt nhất được người K’Ho lựa chọn làm thời điểm để đốn cây đơr làm nguyên liệu đan gùi là tháng sáu, tháng bảy, vào những đêm không có ánh trăng. “Nếu gặp những hôm trăng sáng, người K’Ho sẽ không đốn. Vì vào thời điểm trên, đơr thường bị mọt ăn, đan gùi không được”, bà Ka Phêm cho biết.
Người phụ nữ K’Ho này còn cho biết thêm: “Những cây đơr được chọn thường có mắt dài, thân thẳng, ngọn cong vút”. Sau khi đốn, đơr được đem về đẵn ra thành từng khúc, rồi pha lạt, chuốt nan và chỉ lấy phần nan cật. Vì loại này vừa dẻo vừa bền. Nan chuốt xong đem phơi ở chỗ râm mát cho khô. Khi bắt đầu đan lại mang số nan này nhúng vào nước để có độ dẻo, dễ đan hơn.
Gùi đan xong, người K’Ho không đem dùng ngay mà thường được đem treo ở gác bếp nhiều ngày. Hơi nóng của lửa, của khói xông lên, hun chiếc gùi thêm săn chắc, bền đẹp và còn tránh được cả mối mọt. Thế rồi, chiếc gùi theo chân người K’Ho lên rẫy. Gùi theo người K’Ho vào rừng, xuống suối. Gùi theo người K’Ho đi hội. Gùi còn theo người K’Ho đi cả vào văn hóa tộc người và trở thành nét văn hóa đặc trưng riêng biệt. Chiếc gùi cứ thế, đong đưa, đong đưa.
Bao đời nay, cư dân của nền văn minh thảo mộc đã quá quen thuộc với việc sáng sớm đi rẫy thể nào trong gùi cũng có chiếc pơlơ (túi đan bằng sợi cói) đựng phần cơm trưa, vài con cá khô và quả bầu khô đựng nước, cái das (giống cái rựa) dùng để chặt cây, crur mul (một thanh gỗ dài, đầu có gắn sắt) dùng chọc lỗ tra hạt… Chiều về, trong gùi lại lấp ló mớ rau rừng, ít trái cà đắng. Cũng có khi trong gùi là dăm mớ củi khô.
Riêng các thiếu nữ K’Ho, sau một ngày làm việc nơi nương rẫy, ngang qua con suối đầu nguồn để về bon, lúc ráng chiều đang buông thẫm trên mặt nước, những đứa con của đại ngàn tự cởi chiếc gùi, rồi chầm chậm trút bỏ xiêm y và… thả mình vào dòng nước trong veo như bao đời nay vẫn vậy.
Ánh nắng hoàng hôn buông thõng trên tóc, trên bờ vai trần mịn màng, trên khuôn ngực tròn đầy ma mị, cùng với đó là những ánh mắt chênh choáng lửa, những nụ cười sơn cước hoang vu cứ mặc sức chảy tràn theo con nước giữa đất trời cao nguyên bao la huyền thoại. Tắm xong, chiếc gùi lại theo chân các sơn nữ về bon và bên trong là những quả bầu khô đựng đầy nước suối trong lành, mát lịm.
Đáng tiếc, khi rừng đang ngày một lùi xa, cộng thêm số người già có tay nghề qua đời dần, lớp trẻ lại thích dùng những đồ mỹ nghệ tân thời. Vì thế, kỹ nghệ đan lát của người K’Ho cũng dần dần mất đi. Qua giới thiệu của bà Ka Phêm, tôi tìm đến nhà ông K’Sót (91 tuổi, ở thôn 5B), người duy nhất của xã Đinh Trang Hòa, huyện Di Linh, còn giữ lại nghề đan lát của tiên tổ, để hỏi mua một chiếc gùi, hay nói đúng hơn là mua một kỹ nghệ về đan lát, nhưng ông bảo là không bán, mà chỉ làm cho con cháu trong gia đình. Nhìn người đàn ông đã bước qua 91 mùa rẫy, đang miệt mài giữ gìn, bảo vệ nét văn hóa truyền thống của cộng đồng K’Ho, tôi tự hỏi, không biết ở Tây Nguyên này còn có bao nhiêu người như ông?
Nguồn VNCA.CAND