Đọc xong quyển hồi ký Khi Tổ quốc gọi tên mình (*) của nhà cách mạng lão thành Nguyễn Long Trảo, tự nhiên thấy có thể gọi đây là những trang hồi ức của một người cộng sản chân thành.

Sách do NXB Trẻ ấn hành - Ảnh: L.Điền

Sách do NXB Trẻ ấn hành – Ảnh: L.Điền

 

 

Và chân thành là điều nhận thấy đầu tiên khi đọc xong tập hồi ký của ông.

Bắt đầu từ tuổi thơ ở Đồng Tháp, cậu thanh niên Nguyễn Long Trảo lúc bấy giờ còn dùng tên Phiên đã đến với cách mạng theo từng trận gió của thời cuộc ngay trên chính quê hương của mình.

Chính cái chất Nam bộ hào sảng, chính thành phần gia đình nghèo mà nhơn nghĩa, nghiêm khắc trong giáo dục con cái đã ngấm vào máu thịt chàng thanh niên Nguyễn Long Trảo, giúp ông ngay từ thuở thiếu thời đã nhận ra những bước tiến thoái của cuộc đời: khi về thành đi học, khi ra chiến khu Tháp Mười theo các anh các chú làm cách mạng.

Cũng chính buổi đầu đời ông đã trải qua nhiều hoàn cảnh nên kinh nghiệm sống và ý chí tự vượt qua gian khổ dần dần trở thành phản xạ trong con người ông – một loại phản xạ rất cần cho cả hành trình cách mạng về sau.

Đọc hồi ký Nguyễn Long Trảo, không thấy ông kể lể chiến công, không thấy ông nói “tranh hơn” người khác trong chuyện này chuyện nọ. Mà Khi Tổ quốc gọi tên mình giống như những dòng tự sự của một người đã đi qua bao bão dông mưa gió lẫn thanh thú vinh quang, nay ở tuổi tám mươi tỉ mẩn ngồi kể lại chuyện mình, bằng một giọng văn chân chất thật thà như tâm sự cùng đám con cháu – những thế hệ sau này không còn biết mấy chuyện của lớp cha ông hồi trước.

Nhưng không chỉ có thế, hồi ký của ông Nguyễn Long Trảo là câu chuyện của một người đặt trong dòng chảy nhiều thời kỳ lịch sử của đất nước: từng học trường Pháp rồi ra chiến khu kháng Pháp, từng bị quân Hòa Hảo bắt giam, từng là lớp học sinh đầu tiên của Trường quân sự Trần Quốc Tuấn trên đất Bạc Liêu từ hồi “chín năm kháng chiến”, rồi tập kết ra Bắc, sang Trung Quốc học quân sự, rồi về miền Bắc công tác cho đến lúc vào Nam tháng 4-1975.

Cho nên, hồi ký không phải là lịch sử nhưng những trang viết này lại chính là sử liệu, nhiều chỗ là sử liệu quý giá. Như câu chuyện quân và dân Đồng Tháp Mười kháng Pháp giai đoạn trước sau năm 1945 cho đến năm 1954, ông Trảo là người chứng kiến, là một người trong cuộc, những ghi chép của ông sẽ là một nguồn tư liệu cần thiết cho những ai đang muốn làm sáng tỏ hơn nhiều vấn đề trong thời kỳ này.

Rồi câu chuyện lúc ông vừa tập kết ra đến Thanh Hóa, chứng kiến phong trào cải cách ruộng đất đang lên cao, đã nhìn thấy sự bất hợp lý trong đấu tố địa chủ ngay từ lúc bấy giờ… và viết lại như những tư liệu từ người thật việc thật.

Đọc hồi ký này mới biết hồi đó có chủ trương trong các phiên đấu tố nếu có bộ đội chủ lực đóng tại địa phương thì kêu họ “đứng về phía nông dân”, ở đây đứng theo nghĩa đen, tức là bộ đội mang súng ống đứng sau lưng nông dân như thế, địa chủ nào trông thấy chẳng run sợ mất mật.

Ông Nguyễn Long Trảo từng là người bộ đội có mặt để “hậu thuẫn cho nông dân đấu tranh” trong một số phiên đấu tố như vậy. Rồi những tư liệu lúc ở chiến khu miền Đông “gian lao mà anh dũng” dưới sự lãnh đạo của hai ông Trần Văn Trà và Phạm Hùng, có sức nặng gợi mở cho nhiều đề tài nghiên cứu về sự hình thành sức mạnh trong thanh niên miền Nam lúc đi theo cách mạng, về những gian khổ phải chịu đựng, và về những sáng tạo trong đánh giặc như công tác trinh sát, đặc công buổi đầu chống Pháp trong điều kiện thiếu thốn cùng cực.

Những bước đường đi theo cách mạng của ông Nguyễn Long Trảo dường như không lúc nào là không “có chuyện”, lại là những câu chuyện hay, đến nay thì thành những tư liệu quý, những gợi mở cho các thế hệ sau nếu muốn tiếp cận lịch sử bằng những đề tài thú vị.

Theo Lam Điền – Tuổi trẻ online