Di Li
Minh họa của Choai
Ngoài Pulpo a la Gallega thì ở Madrid còn một món rất ngon nữa mà lần đầu tiên tôi được thưởng thức, dù lại không phải là đồ ăn Tây Ban Nha. Ngoài Pulpo a la Gallega thì ở Madrid còn một món rất ngon nữa mà lần đầu tiên tôi được thưởng thức, dù lại không phải là đồ ăn Tây Ban Nha.
Hôm ấy chúng tôi đang lang thang trên con phố cổ gần quảng trường Sol thì bắt gặp một dãy dài đứng xếp hàng trước một cửa tiệm, tất cả đều tuổi teen, không thấy người trung niên. Ngước lên thấy chữ “Takos”.
Đứng nắng mà xếp hàng cả tiếng thế kia, giữa cái thời đại vội vã của Facebook, Zalo này, ắt hẳn phải là món gì ngon lắm. Nghĩ vậy chúng tôi cũng xếp hàng. Ngó vào bên trong thấy có độ dăm chiếc bàn. Quán phố cổ nên chật. Thế giờ một người xếp hàng thôi, mua hộ cho cả đoàn, những người còn lại vào trong ngồi cho mát chớ đứng nắng làm chi.
Nhưng vừa ngồi chưa nóng chỗ đã bị phục vụ bàn tiến lại gần “Sorry”, lý do là vì ai phải xếp hàng người nấy, tự mua cho mình không được nhờ vả, trả tiền ghi hóa đơn xong mới được ngồi và nhân viên sẽ mang đồ ra tận nơi. Họ làm thế để làm gì nhỉ?
Hoặc là để giữ công bằng hộ những người è cổ xếp hàng trong khi có người chỉ ăn không ngồi rồi, hoặc muốn cho hàng người trước cửa tiệm lúc nào cũng dài như một con trăn vắt ngang vỉa hè để thay hình thức quảng cáo? Chịu, là bán hàng kiểu Tây Ban Nha. Tôi đành lọ mọ ra đứng cuối hàng chờ dài cổ cho tới lượt mình.Tiệm Takos có bảy loại bánh Taco, 1 Euro một chiếc, tôi mua ba chiếc. Người bán hỏi chọn loại nào. Nhìn thực đơn toàn những thịt cùng cá, mới nói bừa rằng cứ cho tôi ba chiếc ba loại khác nhau, thế nào cũng được. Không ngờ đó lại là cách khôn ngoan, mà người ta gọi là “Thánh nhân đãi kẻ khù khờ”.
Bởi người bán luôn biết loại nào là ngon nhất, tiêu biểu nhất và tự chọn nó giùm tôi. Mà sau tôi có nếm thử của bạn bè xung quanh, những người chủ động chọn Taco, thì thấy quả ba loại Taco của mình là xuất sắc nhất. Ngỡ một bánh Taco là đủ ăn, ngờ đâu nó to hơn trôn bát tô chút xíu.
Taco bao gồm một đế bánh mỏng dính mềm mại bằng bột ngô, được gọi là Tortilla (Tortilla là bánh mì truyền thống của người Mexico, giống như Nan của người Ấn, không liên quan gì đến Tortilla de Papas ốp trứng kể trên) và bên trên rắc nhân kèm chút xíu nước sốt. Khi ăn có thể vắt thêm chanh và mù tạt. Dường như có cả trăm lựa chọn về thành phần và gia vị cho nhân Taco, tùy vào vùng miền và khẩu vị.
Món ăn gốc Mexico này, khi du nhập vào Tây Ban Nha rất có thể đã mang dáng dấp của một phiên bản mới, tựa như Spaghetti và Kebab ở Hà Nội vậy. Nhân Taco có thể là gà, bò, lợn, dăm bông, cá hồi, cá ngừ, pho mát Oaxaca, hành sống, ớt xanh, ô liu và đủ loại gia vị. Viết đến đây tôi ứa nước miếng, vì vị ngon khó quên.
Thú thực là tôi rất khó miêu tả vị ngon của Taco, mà không hiểu sao tôi quên tiệt mất rồi, vì ăn cùng lúc ba chiếc Taco ba mùi vị chăng, hay là vì tôi ăn quá nhanh đến nỗi không còn kịp ghi nhận vị giác vào ký ức nữa. Lại nhớ Trư Bát Giới khi xưa vào vườn hái trộm đào tiên. Thèm quá nên trái thứ nhất nuốt chửng, trái thứ hai mới hiểu ra là mình đang ăn đào, trái thứ ba thì thực sự là thưởng thức.
Tôi không đến nỗi như… lão Trư, cần phải ăn tới chiếc bánh thứ ba mới ngộ ra là mình đang ăn Taco, nhưng có lẽ đây là lần duy nhất, viết lại một món ăn mà không thể miêu tả dư vị, chỉ nhớ duy nhất rằng nó ngon lắm thôi, vị ngon mới vài tuần trước đây thôi mà sao hư ảo như một món ăn đã xa xa lắm từ thời thơ bé.Khi ăn Taco, người ta gập đôi nó lại, rồi cắn, nhai (cố gắng mà đừng nuốt chửng), trước khi ăn miếng thứ hai. Một chiếc Taco chỉ ăn ba miếng là hết. Ăn xong ngồi ngẩn người, giờ mà xếp hàng lại từ đầu cũng chẳng ra sao, nhưng đương ăn dở miệng thì cũng tức, đành ngồi nhòm người ta ăn ngon lành mà nuốt nước miếng.Thường các teen vào ăn Taco sẽ gọi bảy miếng, bảy loại khác nhau. Một người ăn bảy miếng ắt mới đủ no, ắt mới đã thèm và ắt được thưởng thức đủ cả bảy dư vị của vùng Mễ Tây Cơ. Hèn chi trong danh sách nhà hàng ưu tiên của dân Mỹ thì ẩm thực Mexico đã lọt vào top 5, chỉ sau ẩm thực Ý, Tàu và Thái, điều mà tôi không thể hiểu nổi sau lần đầu tiên thử món của người Mễ trong nhà hàng Tex-Mex trên đường Giảng Võ 20 năm về trước.
Hôm ấy hai anh học trò người Hàn học tiếng Việt của tôi ngỏ ý muốn mời cô giáo đi ăn tiệm và nhường cho tôi chọn địa điểm. Tôi đề xuất nhà hàng Tex-Mex và sau đó gọi một suất thịt cừu. mới Miếng đùi cừu nướng bốc khói được đặt trên một khay gỗ ăn kèm nửa bắp ngô ngọt tẩm mỡ hành. Tôi xắt nhỏ một miếng cừu và ăn hết nửa bắp ngô rồi bỏ nguyên suất.
Lần đầu tiên ăn cừu, cũng là lần cuối cùng. Tôi không chịu nổi mùi hoi lạ lùng của thịt cừu. Sau này, những người ưa cừu là người Thổ, người Maroc luôn bị tôi từ chối thực đơn khi vào nhà hàng của họ. Hai anh người Hàn ngạc nhiên hỏi: Cô giáo không ăn được, sao lại vào đây, chỗ này cô chọn kia mà? Khổ quá, chẳng lẽ lại thú nhận rằng tôi chưa ăn đồ Mễ Tây Cơ bao giờ thì muốn thử xem ra làm sao, chứ bình thường sinh viên làm gì có tiền mà vào nhà hàng Tex-Mex.
Mà đã vào đấy rồi, chưa nếm thịt cừu bao giờ thì cũng muốn thử cừu chứ bò gà lợn ăn mãi rồi. Từ bấy, ẩm thực Mexico để lại ấn tượng duy nhất là mùi hoi của cừu. Nhưng Taco đã hoàn toàn lật ngược cảm quan để khiến tôi đồng ý tuyệt đối với người Mỹ: Ẩm thực Mexico quả xứng đáng nằm trong top 5 nhà hàng ăn tối.
Taco ở Mexico phổ biến và đại trà chẳng khác gì Kebab của người Thổ, Pizza của người Ý, Hamburger của người Mỹ và Phở của người Việt. Món ấy ăn chơi cũng được, ăn chính cũng chẳng sao. Trong các hộp đêm ở Mexico, người ta ăn Taco thay cho sandwich và cũng vì thế mà bánh mì Tortilla (tên là bánh mì dù phần lớn được làm bằng bột ngô) được sản xuất với khối lượng lớn cho toàn dân Mexico.
Ấy vậy mà trong danh sách top 50 món ngon nhất thế giới do độc giả CNN bình chọn, Taco ngon đến như thế mới chỉ lò dò đứng thứ 43 trong khi sô cô la của Mexico vọt lên top 3, chỉ sau pizza Neapolitan của Ý và cà ri Massaman của Thái. Tôi kinh ngạc toàn phần. Sô cô la thì có gì hay mà vượt mặt cả vịt quay Bắc Kinh đứng số 5 và Shushi Nhật đứng vị trí thứ 4.
Thế giới có cả vạn món ăn mà sô cô la đứng thứ 3. Sô cô la mua đâu chẳng có. Sô cô la Thụy Sĩ trong tủ lạnh nhà tôi còn đang để mốc ra kia. Nhưng nghe giang hồ đồn thổi rằng sô cô la Mexico khác biệt hoàn toàn so với sô cô la còn lại của thế giới. Nó có kết cấu hạt to hơn và để nguyên phần kem bơ của cacao nên béo ngậy hơn, lại còn được nấu bằng quế, ớt, nhục đậu khấu và hạt tiêu Jamaica.
Tôi nghe mà phát sốt. Chẳng lẽ năm sau, khi tham tán của đại sứ quán Mexico phỏng vấn trước khi duyệt visa, hỏi “Cô vào Mexico để làm gì?”, lại trả lời rằng:
– Tôi nghe nói… sô cô la Mexico có một dư vị huyền thoại. Tôi đến Mexico để… được ăn sô cô la.
Lao động cuối tuần
Phạm Thúy Quỳnh đưa bài