Thời gian càng lùi xa, cái tên Nông Quốc Chấn (1923 – 2002) tự nhiên càng lấp lánh một ý nghĩa thật đặc biệt. Nhà văn Nguyễn Đình Thi cho rằng: “Những bài “Bộ đội ông cụ”, “Dọn về làng” là những bài thơ có giá trị lâu bền , đưa thơ Tày đến một giai đoạn mới, đóng góp một phần không thể xóa nhòa vào thơ hiện đại Việt Nam”.

Từ trái sang: Các nhà thơ Nông Quốc Chấn, Chế Lan Viên, Tế Hanh, Hoàng Trung Thông

Còn hơn thế nữa, với nhiều người, cái tên Nông Quốc Chấn mang tính biểu trưng. Vẫn nói như nhà văn lớn Nguyễn Đình Thi, Nông Quốc Chấn “trở thành một con chim đầu đàn trong nền văn học nghệ thuật mới của các dân tộc thiểu số ở nước ta”, chủ yếu là bởi ông “đã dành không biết bao công sức, tâm huyết để xây dựng đội ngũ văn nghệ sỹ các dân tộc thiểu số từ Việt Bắc, Tây Bắc đến Tây Nguyên, Nam Trung bộ và Nam bộ”. Điều này đã được nhiều nghệ sỹ tiêu biểu các dân tộc ít người công nhận từ lâu. Nhà thơ dân tộc Giáy Lò Ngân Sủn phía Bắc xem Nông Quốc Chấn là “cây đại thụ văn học dân tộc thiểu số”; nhà văn dân tộc Êđê Linh Nga Niêk Đăm phía Nam, hơn thế, coi ông là “nhà văn hóa lớn của các dân tộc thiểu số Việt Nam”.

Nông Quốc Chấn, cao hơn, trong tư cách của một ngọn cờ, có sức tập hợp, gắn kết bền bỉ, sâu xa tinh thần và ý chí sáng tạo của hết thảy văn nghệ sỹ các dân tộc thiểu số trên khắp Việt Nam. Chính ông, sinh thời, với tư cách là Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Các dân tộc thiểu số Việt Nam đầu tiên, đã đứng ra chịu tránh nhiệm cho sự ra đời tuyển tập Tagalau số 1 dành cho văn hóa, văn học dân tộc Chăm vào mùa Katê năm 2000. Ngay sau đó, trên Tagalau số 2, Nông Quốc Chấn nồng nhiệt đón chào tuyển tập này bằng những lời chí tình chí lý khi trả lời phỏng vấn như sau: “Sau ngày thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, các dân tộc thiểu số ở phía Nam cùng với các dân tộc cả nước, đã có điều kiện bảo tồn, phát huy, sáng tạo mới về giá trị văn hóa, văn học, nghệ thuật của mình. Dẫu sự phát triển không đồng đều giữa 53 dân tộc thiểu số, chúng ta đã có thể tự tin, tự hào về giá trị truyền thống và khả năng sáng tạo mới… Những người đọc Tagalau1 thấy đây là một nơi hội tụ của các cây bút người Chăm”.

Nhà thơ Inrasara trong Lời cám ơn muộn màng đã trân trọng: “Tôi làm thơ từ năm 15 tuổi, nhưng chưa bao giờ có ý định đăng báo hay in tập cho đến khi gặp Nông Quốc Chấn”. Khi được ông chọn 5 bài với dung lượng khá nhiều cho Tuyển tập văn học dân tộc thiểu số Việt Nam do Nxb Văn học ấn hành năm 1995, anh xúc động nhớ lại: “Mới trình làng mà rình ràng thế, tôi nghĩ Nông Quốc Chấn đã ưu ái đặc biệt tôi”. Về sau, chính Nông Quốc Chấn đã nhận đỡ đầu cho tập thơ Tháp nắng của Inrasara vốn đắp chiếu nằm chờ giấy phép gần 2 năm trời được sớm chào đời, lại viết lời Tựa cho tập thơ, rồi giới thiệu đứa con đầu lòng này của Inrasara tham dự giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam. “Tôi cám ơn Nông Quốc Chấn ở tấm lòng, Inrasara viết tiếp,  biết khích lệ và đỡ đần các tài năng, tạo điều kiện cho các mầm non văn chương đâm chồi, nở hoa, kết trái. Cả ở tầm nhìn: biết định hướng nghiên cứu – sáng tác cho giới trẻ đi vào văn hóa dân tộc, rút tỉa tinh hoa của nó, từ đó mang nó cống hiến cho nền văn hóa đa dân tộc Việt Nam”.

Rõ ràng Nông Quốc Chấn đã là một nhân vật lịch sử. Tên tuổi ông thuộc về lịch sử, theo nghĩa, lịch sử đã tạo ra ông, và về phần mình, ông đã góp phần tích cực thúc đẩy lịch sử vận động theo tinh thần cách mạng đích thực gắn với tiến bộ của con người và cộng đồng. Bởi vậy, việc Ban Thường vụ Hội Văn học Nghệ thuật Các dân tộc thiểu số Việt Nam tại kỳ họp ngày 10-08-2011 thống nhất thành lập Giải thưởng Văn học, Nghệ thuật mang tên Nông Quốc Chấn, định kỳ 5 năm một lần không chỉ là một sáng kiến giàu ý nghĩa nhân văn mà còn là một động thái văn hóa tích cực.

Chợt nhớ tới một tiểu luận đồng thời là tên chung của một tập sách giá trị của Nông Quốc Chấn được ấn hành cách đây gần 35 năm – tập Một vườn hoa nhiều hương sắc. Ông viết tiểu luận này vào tháng 9-1975, nghĩa là chỉ sau khi đất nước  thống nhất mới chừng 4 tháng. Mở đầu bài viết, ông trân trọng ghi lại nhận xét của nhà văn Vũ Hạnh với tư cách là thành viên Đoàn đại biểu nhân dân Sài Gòn – Gia Định khi về thăm tỉnh Hòa Bình kết nghĩa. Tác giả Người Việt cao quý hướng thẳng tới “sự đổi mới trong cuộc sống xã hội, con người và văn hóa của các dân tộc ít người ở một vùng của Tổ quốc Việt Nam” để không kìm nén được lòng mình mà nói rằng: “Các bạn đã thể hiện được vẻ đẹp của từng dân tộc mà mình tiêu biểu, các bạn thật sự là một người Thái hay một người Mường, nhưng dù chuyên nghiệp hay nghiệp dư, các bạn cũng đã trình diễn với nhiệt tình sâu xa về nỗi vui mừng được thấy nước nhà thống nhất, được thấy trong một nay mai gần đây, Tổ quốc chúng ta nhất định phú cường”. Cảm quan của người nghệ sỹ thường rất tinh nhạy. Trong câu nói của nhà văn Vũ Hạnh, tôi nhận ra cái nhìn đúng đắn về sự hài hòa giữa “vẻ đẹp của từng dân tộc mà mình tiêu biểu” với “nhiệt tình sâu xa về nỗi vui mừng được thấy nước nhà thống nhất” hiển hiện qua từng gương mặt các văn nghệ sỹ thuộc nhiều dân tộc anh em. Tôi thầm cảm phục Nông Quốc Chấn, vì để thể hiện ý tưởng trung tâm của bài viết, ông đã chọn một điểm tựa đích đáng, có thể nói không thể điển hình và chắc chắn hơn được nữa. ý tưởng này sau đó được ông nhất quán triển khai trong tiểu luận của mình: “Các dân tộc ít người đang phát triển thành dân tộc xã hội chủ nghĩa trong một nước Việt Nam thống nhất”. Nói khác đi, “tinh thần của từng địa phương, từng dân tộc được nâng lên dần thành hệ tư tưởng chung sống trong một quốc gia – một đại gia đình các dân tộc Việt Nam”.

Ở đây, tồn tại hai mặt căn bản, gắn bó hữu cơ đến mức quyện hòa làm một là cái chung và cái riêng, cái phổ biến và cái đặc thù, nhằm đảm bảo nền văn học nghệ thuật mà chúng ta mong muốn phấn đấu xây dựng thật sự thống nhất trong đa dạng. Trước nhất, cần gắng sức đào sâu, bền bỉ bồi đắp cái riêng, cái đặc thù của từng dân tộc. Có thể xem việc sáng tác bằng tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình là một trong những vấn đề hệ trọng bậc nhất ấy. Một lần, nhà văn Nguyễn Đình Thi cùng đi xuống cơ sở với nhà thơ Nông Quốc Chấn. Ông không quên ghi nhận một câu chuyện rất có ý nghĩa này: “Sau đó, ông (tức Nông Quốc Chấn) bắt đầu đọc thơ bằng tiếng Tày. Và tôi thấy tất cả mọi người nghe ông bỗng im bặt, rồi từng lúc dào lên, có lúc lại reo ồ lên, trên mọi gương mặt chăm chú, những con mắt sáng lên long lanh, những nụ cười đón từng câu thơ. Và có lúc một cụ già bỗng kêu to mấy tiếng. Buổi chiều hôm ấy, tôi mới nhìn rõ thơ Nông Quốc Chấn là thế nào đối với đồng bào Tày”. Linh Nga Niêk Đăm trong bài Nhớ nhà thơ Nông Quốc Chấn thì hồi tưởng: “Có lần ông hỏi tôi: “Người Tây Nguyên có viết văn bằng tiếng dân tộc của mình không?”. Tôi nói: ‘Khó lắm chú ơi, vì từ nhiều năm nay tiếng dân tộc không còn được dạy ở Tây Nguyên nữa. Học sinh Tây Nguyên còn không nắm vững được cái hay cái đẹp của ngôn ngữ mẹ đẻ, thì làm sao viết văn bằng chữ mình thưa chú!”. Ông buồn hẳn và cứ trầm ngâm nghĩ ngợi mãi”.

Có điều, đa dạng cũng chỉ là một vế, dầu rất quan trọng, rất quyết định, của vấn đề thiết yếu nói trên. Vế sau quan trọng và quyết định không kém: sự thống nhất. Tôi hoàn toàn chia sẻ với ý kiến của TS. Lò Giàng Páo. Trong cuộc Hội thảo tại Đà Lạt nêu trên, từ ánh sáng của đường lối chung, anh đã khẳng định một cách quả quyết: “Văn hóa, nghệ thuật các dân tộc thiểu số có tính chung và tính riêng… Mối quan hệ giữa tính riêng và tính chung này là mối quan hệ phát triển biện chứng”. Theo tinh thần ấy, tôi đã tìm đến bài Thăm con của nữ nhà thơ Hơ Vê. Nhân vật trữ tình kể rất thành thật câu chuyện xảy ra trong một lần “đến thăm con” ở “trường sỹ quan đặc công”.  Cùng người con ruột “ùa ra” đón mình là các bạn học chung trường lớp với con. Không khí thật đầm ấm, cứ như trong một đại gia đình vậy: “Đứa cầm tay, đứa xách túi”, trong khi “miệng líu ríu chào thưa”. Tác giả để ý hơn cả tới cách gọi khác nhau của các dân tộc và vùng miền qua một đại từ duy nhất chỉ người sinh hạ ra mình: mẹ, má, u. Không kìm nén được nỗi xúc động: Tôi lia lịa gật gù – ừ ngoan, các con ngoan”… Tại sao? ấy là vì “tôi yêu hết” “các con tôi miền ngược, miền xuôi/ người Việt, người Lào/ về sum họp một nhà quân sự”. Sâu xa, thấm thía nằm ở chỗ: “Chẳng ai không có nỗi đau riêng”, nhưng “các con muốn đi tận cùng trời đất/ để tìm kiếm tình yêu đẹp nhất/ là bình yên – trong trắng – hòa bình”. Rồi cứ thế, người mẹ “thầm thì với các con trong nắng bình minh”, để tới khi tạm biệt con mình và bao đứa con giờ trở nên thân thương khác đã có thể “mang theo sắc màu áo lính/ màu áo lung linh sương bạc” theo “suốt dặm đường dài” của cuộc đời. Đọc hết bài thơ bình dị mà cao cả này, tự  nhiên trong tôi dâng lên một nỗi cảm phục rất khó diễn đạt thành lời. Chỉ biết rằng, từ đó trở đi, thơ của nữ tác giả người dân tộc H’Rê này như được nâng cao thêm trong đánh giá thường ít nhiều khe khắt của tôi. Thiết nghĩ, cần truyền tinh thần ấy tới các văn nghệ sỹ trẻ vốn là chủ nhân tương lai của nền văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số chúng ta.

Nhà thơ dân tộc Tày Y Phương đã viết những dòng thơ chí lý chí tình khi Nông Quốc Chấn vừa qua đời: “Nhà thơ ơi/ Từ nay cánh rừng đại ngàn/ Đổ xuống một khoảng trời”. Nhưng Nông Quốc Chấn dầu đã đi xa, rất xa, mà di sản tinh thần quý báu ông để lại sẽ còn sống mãi với thời gian.

Bộ đội ông cụ

Nông Quốc Chấn


Đồ ǎn đã sắm đủ rồi –
Mǎng vầu, phiắc pàn(1) nõn chuối,
Lợn bò, gạo nếp, gạo nương…
Các bản người người đưa tới,
Làng như sắp đám cưới!
Lần này nhộn nhịp hơn mọi khi.
Tại sao? Ta sẽ đón người gì?
Ai cũng mong để được xem bộ đội.

Cơm trưa xong, nắng lui về ngọn núi
Anh giao thông đến đưa gói thư
Tin bay đi bản trên xóm dưới
Già già trẻ trẻ đợi hoan hô,
Lớp học tan, tiếng ríu rít của học trò,
Tiếng của đồng bào gọi nhau tập hợp.
Bộ đội đã đến kia!
A lúi! Những người là người (2)!
Đeo súng ngắn, súng dài, súng dóp…
Hoan hô! Hoan hô!
Nhìn không chớp mắt.

Có cả người mũi lõ tóc quǎn,
Hai con mắt màu gio như lính Pháp(3)
Lại có Cụ Già chân đi đất,
Mặc bộ quần áo Nùng,
Tay cầm cái gậy mây rừng,
Miệng ngậm một điếu can không khói,
Bộ râu dài vừa trắng vừa đen,
Chân tay nhanh nhẹn như thanh niên…
Cụ Già cười, vẫy chào người đứng đón
Dân chúng rỉ tai nhau:
Bộ đội gì toàn những người lạ lạ?
Có lẽ đây là người “Gốc trỏ” (4).

Khi ǎn cơm chiều,
Bộ đội đếm: một, hai… ngồi trật tự.
Cụ đi từng bàn xem bát đũa.
Cho thổi còi, rồi Cụ ǎn sau.
Mọi người rủ nhau
Đốt đuốc đến xem quân Ông Cụ.
Người già đến, Cụ mời ngồi niềm nở,
Trẻ con lại, Cụ bế xoa đầu.

Cụ nói, dân nghe rõ từng câu –
“Muốn cách mệnh thành công mau!
Ta phải đoàn kết như bó đũa…!”
Gà đã gáy lượt đầu,
Nhưng tiếng vỗ tay còn như nứa nổ.
Còn vang vang tiếng hát của thiếu nhi.

Hôm sau, Cụ rời bản lên đường,
Cho bộ đội xếp hàng,
Cụ cảm ơn, Cụ trả tiền – dù chủ nhà không nhận;
Cụ bắt tay từng người.
Cụ đi khỏi rồi,
Ai cũng thương nhớ,
Người hỏi người không ai biết rõ:
“Tên Cụ Già là chi?
Tóc bạc vẫn còn đi,
“Nhất định đây là người “Pỏ cốc(5)“!
“Dân ta sắp tới ngày Độc lập”.

Bước sang rằm tháng bảy,
Nhận được một tin mừng:
“Giải phóng quân đã vào Hà Nội”
“Khắp nơi mở hội tưng bừng…!
Có nhiều ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh!
Nhìn đôi mắt, bộ râu, ta nhớ nhớ
Giống Cụ Già trước đến bản ta!
Đúng! Đích đúng!
Đây là Ông Cụ!
Sung sướng thay! Bản ta toàn nam nữ
Lần đầu tiên đã được đón Bác Hồ
Chúng ta xin gửi một bức thư
Rằng: “Cả bản Mường vẫn nhớ lời Người nói”.

7 – 1948


Phạm Quang Trung

Nguồn: vanvn.net.

Exit mobile version