Đêm nay đảo Sơn Ca đón khách ở lại.
Trong đêm tối, tiếng sóng biển rì rầm vỗ vào bờ kè xung quanh đảo. Phía trên cao, những vì sao lấp lánh, dường như bị che khuất bởi hơi muối nên ánh lấp lánh bị khuếch tán. Ở đảo giữa biển mà vẫn thấy nóng. Hầu như rất ít gió.
Đại tá Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 – Chủ tịch huyện đảo Trường Sa Nguyễn Viết Thuân đưa mấy nhà văn đi thăm các chốt gác. Anh đưa tay hua đèn pin lấp lóa chỉ cho chúng tôi những bờ hố được xây bằng xi măng và sắt thép cứ một đoạn lại lù lù hiện ra.
– Cẩn thận đấy nhé. Đi lên trên bờ cao cho chắc. Ngã là không cứu được đâu.
Tôi hỏi anh:
– Cho chúng em chui xuống hầm quân sự quan sát được không?
Anh lắc đầu:
– Không được. Tôi mà cho các bạn xuống hầm, tôi bị kỷ luật ngay. Bí mật quân sự trên từng mét chiến hào đấy nhé.
Đến một chốt gác, vị đại tá lên tiếng hỏi:
– Ai trực?
Chiến sĩ gác từ đâu ló mặt ra:
– Báo cáo thủ trưởng, ca của em.
Đèn pin soi vào mặt chiến sĩ. Rồi tiếng cười nhỏ:
– Tưởng ai, tớ lạ gì cậu. Chú ý nhé.
– Báo cáo rõ!
Đi một đoạn gặp một người lính gác, là anh lại giới thiệu cho chúng tôi biết về người lính đó rất rành mạch.
Phía trong đảo, trên cái sân rộng được lắp đặt sân khấu rất lung linh, tiếng nhạc tiếng hát vẫn đang rất rộn ràng.
Tôi phải làm đề nghị gửi lên Chuẩn Đô đốc Phạm Thanh Hóa, chính ủy Vùng 4, rồi ông lại bàn thống nhất ý kiến với Chuẩn Đô đốc Nguyễn Đức Nho, Bộ Tư lệnh Hải quân, đoàn nhà văn mới được ở lại đảo qua đêm. May quá, trước khi đi, không ai nhắc nhưng tôi đã chuẩn bị cả xấp giấy trắng, những khi có việc cần là giấy bút sẵn sàng y như thời bao cấp.
Với các nhà văn nhà thơ, cả hành trình dài lênh đênh, ăn trên tàu ngủ trên tàu, được ngủ một đêm trên đảo là có thêm một trải nghiệm, có thể chỉ là đi loanh quanh trong cái sân quy định của đơn vị, ngắm sao giữa biển Đông, nghe tiếng biển rì rào… Cả cuộc đời có khi cũng chỉ được một đêm ngủ trên một đảo giữa Trường Sa như thế.
Chỉ một đêm ở lại trên đảo, nhưng là cả vấn đề không đơn giản. Để cho chúng tôi ở lại trên đảo, Ban chỉ huy rất cân nhắc.
Thứ nhất là thiếu nước ngọt để dùng. Ở lại trên đảo còn khổ hơn quay ra tàu. Cả phòng 6 người có 3 giường. Vỏn vẹn chỉ có một thau nhôm đựng nước ngọt để cho mọi người đánh răng rửa mặt một cách rất tiết kiệm cho cả buổi tối và buổi sáng sớm hôm sau. Thứ hai, có thể sẽ có những hiểm nguy rình rập. Để bảo vệ an toàn cho thành viên đoàn công tác, hầu hết đều phải quay trở lại tàu.
Lại nói về sự an toàn cho chuyến công tác. Con tàu đang neo cách đảo hơn hải lý, có khá nhiều sự bảo vệ an toàn và bí mật. Quả thật, vào ban ngày hay bất cứ lúc nào, lúc tàu đang chạy (với tốc độ khoảng 8 hải lí một giờ) thì tịnh không thấy một con tàu nào đi theo sau. Vậy mà đến đêm, nếu neo lại một nơi gần đảo nào đó, thì lại thấy có 2 con tàu nhỏ hơn neo phía sau.
Thực chất trên bờ cũng có những công tác phòng vệ được chuẩn bị rất kỹ. Thường các đoàn công tác ra quần đảo Trường Sa gồm khoảng gần 200 thành viên, chưa kể lực lượng bên hải quân nhận lệnh đi để tổ chức, giúp đỡ, đưa đón khách lên xuống xuồng lên đảo về tàu, phục vụ y tế, làm bếp… Với các thành viên trong đoàn công tác phần nhiều là các cán bộ các cấp tỉnh thành và cơ quan trung ương, địa phương… Việc bảo đảm an toàn là vấn đề được đặt ra hàng đầu. Vì thế trực thăng luôn sẵn sàng. Nếu có bất cứ biến động nào, ngay lập tức trực thăng sẽ bay ra.
Một thành viên đoàn công tác khác khi về đã kể lại như sau:
«Cũng trong chuyến đi 10 ngày lênh đênh trên biển, có một sự bất ngờ tới mức “gây sốc” cho toàn bộ đoàn công tác. Đó là dù quan sát ở bất cứ góc độ nào, cũng chỉ thấy có ta và… ta và… biển. Thế nhưng ngay khi tàu HQ 960 “tình cờ” chạm trán với tàu hải giám Trung Quốc (bẻ lái cắt ngang vuông góc) thì ngay lập tức thấy lù lù 2 tàu chiến của Hải quân Việt Nam xuất hiện. Tất cả mọi người đều không biết các tàu chiến này ở đâu ra, và càng sốc hơn nữa khi được cho biết họ đi theo bảo vệ đoàn công tác ngay từ khi rời cảng!!!» (Theo blogger Nguyễn Ngọc Long)
Trở lại câu chuyện ngủ một đêm trên đảo. Dù có những trở ngại, nhưng cả đoàn nhà văn ai nấy đều đòi được ở lại trên đảo cùng văn công phục vụ chiến sĩ, để được một đêm trải nghiệm, một đêm kỳ lạ khi cảm giác nếu mình là lính đảo, một đêm kham khổ cùng họ.
Buổi chiều, tranh thủ lúc chưa đến giờ cơm, mấy nhà văn nhà thơ nam rủ nhau xuống biển tắm. Dĩ nhiên là trước đó họ có được mấy chàng lính đảo hứa sẻ xuất nước ngọt trong ngày của họ (mỗi ngày lính được chia 5 lít nước ngọt) để các nhà văn tráng người. Thế là rủ nhau lội ra biển.
Biển mùa này nom hiền lành dịu dàng. Bầu trời nặng trĩu những đám mây được khúc xạ bởi ánh chiều tà, nom thật bí ẩn và lộng lẫy.
Tôi ghi lại những khoảnh khắc tuyệt đẹp của biển, nơi đảo Sơn Ca nhô lên như viên ruby màu trắng.
Chỉ huy trưởng đảo Sơn Ca, trung tá Đỗ Thế Tuyến, gương mặt phong sương đen sắt nhưng nụ cười lấp lánh. Anh từng làm Chỉ huy trưởng một đảo khác, được cấp trên tín nhiệm lại bổ về Sơn Ca lãnh tiếp «nhiệm kỳ đảo». Tôi hỏi về mấy cái sập gỗ mà đơn vị kê ngay đầu hồi nhà chỉ huy, lấy làm lạ vì trước khi lên đảo, tôi đã được «khuyến cáo» về việc có thể ngủ võng, ngủ đất trên đảo. Anh Tuyến cười: gỗ chúng tôi vớt được dưới chân đảo, sóng đánh dạt vào đấy. Lại có người hỏi về loài chim sơn ca trên đảo giờ còn không? Anh Tuyến lắc đầu: còn nhưng ít lắm.
Có thể tình hình biển Đông đã nóng đến mức khiến những loài chim cư trú cũng phải tạm lánh về đất liền.
Mấy nhà văn nhà thơ nữ rủ nhau leo lên ngọn hải đăng. Từ trên đỉnh cao chót vót nhìn rộng quanh đảo, nhìn ra khơi xa, chỉ thấy lô nhô những cọc bê tông được cắm quanh kè đảo với bán kính của bãi kè vươn ra tới hàng cây số. Khi thủy triều lên, nước ngập tràn, giữ gìn dưới lòng biển những điều kì vĩ mà con người đã và đang tạo dựng.
Đêm đó khá nóng. Nửa đêm thì điện của đảo đến giờ tắt. Gió biển dường như không lọt được lên đảo, bởi thực ra không hề có gió. Bây giờ chúng tôi mới thấy hết sự khắc nghiệt của khí hậu Trường Sa.
Thấy bảo, để nhường giường cho khách, một số lính phải chui xuống hầm ngủ. Tôi cảm thấy ái ngại, nên hỏi nhỏ vị Lữ đoàn trưởng về việc này.
Anh cười bảo:
– Lính phải thay nhau xuống trực chiến ở hầm, ngủ hầm cho quen hơi đất đảo đấy chứ. Vài ngày lại thay nhau xuống.
Tôi lại tò mò, chưa chịu cái vụ không được mò xuống hầm:
– Dưới đấy rộng không anh?
– Rộng chứ. Nhưng là hào quân sự thì không thể nói kỹ được.
Tôi hơi tiếc. Trong túi xách mấy nhà văn nhà thơ đều mang sẵn võng. Giá xin được mắc võng ngoài vườn cây, hoặc ít ra trải võng xuống nền nhà hội trường, có lẽ thích hơn là ngủ giữa đảo mà vẫn nằm giường có đệm.
Dù sao thì chúng tôi cũng mãn nguyện với vụ ngủ trên đảo này.
Đêm đó các anh vẫn thay nhau canh gác, giữ cho giấc ngủ của chúng tôi thật bình yên.
Hành trình Trường Sa của chúng tôi được đặt chân lên 8 đảo, thì đều cùng những bờ kè chắn giữ đảo chắc chắn, đều là những hệ thống hầm hào kiên cố. Khiến cho người đặt chân lên đảo cảm thấy vô cùng yên tâm.
Chưa hết, trong phạm vi bán kính xung quanh hầu hết các đảo lớn nhỏ khoảng chừng 1km, mà Sơn Ca là một ví dụ, là các cọc bê tông được cắm để chắn biển, bảo vệ chân đảo. Đây là việc giữ cho đảo khỏi bị xói mòn, thực hiện đúng Công ước Biển. Dĩ nhiên, cũng là một tuyến phòng thủ chắc chắn bảo vệ đảo nếu có sự tấn công xâm lấn của các tàu thuyền từ bên ngoài.
Rõ ràng, việc xâm chiếm đảo là một việc không hề đơn giản, là cả một vấn đề mà không cần đặt ra, chúng ta ai cũng có thể có câu trả lời chắc chắn.
Đảo Sơn Ca, cuối tháng 4. 2014
Bài in trên báo An ninh Thủ đô cuối tuần, 8/6/2014