SBOOK

MỘT CON ĐƯỜNG tiểu thuyết trinh thám của Thương Hà

Sách dày 424 trang, khổ sách 13×20,5

Giá bìa:139.000đCông ty Sbooks liên kết Nhà xuất bản Văn học, quý 3/2021

Ở Việt Nam Văn học trinh thám thế kỷ 20 người viết còn quá thưa thớt, nhưng đến đầu thế kỷ 21 đã thành một đội ngũ tác giả, và bây giờ thì đang tưng bừng nở rộ. Trong những dòng sông đều chảy ấy, tác giả trẻ Thương Hà xuất hiện và chọn một dòng chảy nhỏ là “Trinh thám hình sự” nhưng chị không chỉ viết về thám tử, về sỹ quan điều tra như chúng ta từng thấy, từng xem, từng đọc, mà còn viết về các nhân vật đồng tính nam cùng nhau phá án rồi tình yêu vụt đến nâng bước họ đi một con đường dài.

MỘT CON ĐƯỜNG chứ không phải hai con đường, nhiều con đường. Chỉ một con đường thôi, và các sỹ quan cảnh sát hình sự cùng nhau đi trên con đường gian lao, ác liệt ấy. Chỉ một con đường thôi để cặp nam nam yêu nhau đi trên con đường trắc trở, mà thú vị ấy. Tiểu thuyết MỘT CON ĐƯỜNG của tác giả trẻ Thương Hà có hai tuyến truyện xuyên suốt tác phẩm, thuật ngữ văn học gọi là truyện lồng truyện. Tuyến truyện thứ nhất là chuyện phá án mang tính trinh thám hình sự mới mẻ ly kỳ hấp dẫn và kịch tính, bất ngờ. Tuyến truyện thứ hai là mối tính đồng tính nam khác biệt, da diết, và hy vọng nhưng là… hy vọng mong manh.

Ngay từ dòng đầu tiên, thanh âm của những vụ án hình sự đã vang lên khô khốc và rợn người. Với chương Một, Tiếng giầy cao gót giữa đêm khuya đã xác lập ngay lập tức trạng thái cốt truyện nhanh mạnh, gấp gáp: Án đã xảy ra. Và dàn nhân vật phá án là công an, bác sĩ tâm thần… vào cuộc. Các chương sau, với tư duy khoa học mạch lạc, biết cách sắp xếp chi tiết và giấu kỹ tình huống sắp được mở ra, như dàn những quân bài trong những ván cờ; với trình độ hiểu biết về luật, về nghiệp vụ cảnh sát, thuật ngữ chuyên ngành, tác giả đưa ra những tình huống bất ngờ để độc giả không thể rời mắt khỏi những trang sách. Đó là các chương với những cái tên lôi cuốn người đọc: Bất ngờ từ cô gái thân hình bốc lửa. Bức tranh vẽ bằng máu. Sex toy trên xác nạn nhân. Khách sạn Prince, án mạng ở phòng Tổng thống. Tiếng súng trong khu nhà nghỉ. Xác chết trên núi Từ Vân. Ở những chương này, điều đáng nói là cốt truyện luôn được dựng lên hình hài bằng những vụ án mạng. Theo trình tự các vụ án, dàn nhân vật phá án là cảnh sát điều tra liên tục xuất hiện, liên tục phải bàn bạc suy tính, tìm kiếm nhân chứng vật chứng tại hiện trường và những nơi liên quan với tốc độ chóng mặt. Tự phác họa – theo suy tưởng logic, theo các bằng chứng, nhân chứng nguyên chứng vật chứng, nguyên nhân dẫn đến việc bị hại, nguyên nhân dẫn đến việc gây án…

Xét về góc độ được tiếp nhận năng lượng từ tác phẩm, người đọc sẽ không bị hao tổn tâm năng, hao tổn trí huệ khi bám theo tâm lý tội phạm, cho dù chỉ là những dòng chữ; và cũng là một lối tiếp cận của một số tác phẩm thể loại tâm lý tội phạm. Tiểu thuyết MỘT CON ĐƯỜNG không đi theo hướng khai thác sâu nội tâm nhân vật tội phạm, mà hướng dẫn truyện lại hầu như thông qua các nhân vật phá án.

Có thể nói kết cấu của tiểu thuyết MỘT CON ĐƯỜNG là theo cấu thể loại truyện vụ án hình sự truyền thống, một thể loại phổ biến hiện nay ở Việt Nam, một nhánh của thể loại tiểu thuyết trinh thám. Nhưng vấn đề mà tiểu thuyết này đặt ra lại không chỉ là những truyện vụ án hình sự, án xác lập, phá án…, mà lại có một cốt truyện khác: mối tình đồng tính nam. Những diễn biến tâm lý nhân vật. Những âm thầm giằng xé. Những đấu tranh bền bỉ trên nẻo đường riêng khác với “chủng loại được coi là người bình thường hoặc hoàn hảo”. Cũng là những vẻ đẹp khác mà tạo hóa ban cho con người, ban cho cảnh sắc, tạo nên cốt cách tâm lý và sự huyền diệu trong mỗi tâm hồn.

Viết về nhân vật đồng tính là viết về cái không thông thường, cái dị biệt, thậm chí là cái bị kỳ thị thường là thách thức đối với người viết. Viết về đồng tính nam lại càng khó. Người viết phải đủ bản lĩnh và biết tiết chế để khi miêu tả tình yêu, ái ân đồng tính. Không phải ngòi bút của ai cũng đạt đến độ tinh tế, gợi cảm, mà không dung tục, thô thiển. Tác giả của MỘT CON ĐƯỜNG nhiều khi đi chênh vênh trên cầu treo vượt qua vực thẳm đến nghệ thuật ngôn từ. Ở các tình huống yêu, làm tình, chị đã biết dừng ngòi bút lại đúng lúc gợi cảm, đúng cái đẹp đang tỏa sáng để người đọc tưởng tượng, liên tưởng tinh tế nên né tránh được dung tục, tự nhiên, phản cảm.

Có thể nói những chương thể hiện đậm mối tình dị biệt tưởng rằng ngang trái, lại hóa là hạnh phúc chỉ chiếm số ít trong 12 chương, như: Leo núi. Một chân bước qua cửa. Trong quán Bar. Chỉ cần anh ở bên em. Hai người một con đường. Trong những chương này, vẫn xuất hiện dày đặc các vụ án mạng. Không gian án mạng tưởng như chiếm đa phần cuộc sống, hơi thở, chiếm hầu hết số trang, như cách kể chuyện vụ án, nếu tác giả đi quá một vài bước của bản năng viết. May thay, không khí mang màu đỏ của máu đó chỉ là môi trường là hoàn cảnh để mối tình ngang trái trong quan niệm của người đọc truyền thống được nâng niu bình đẳng, xóa nhòa sự ác cảm, sự không công nhận của các nhân vật đồng nghiệp bạn bè người thân trong truyện, không công nhận cả ở thái độ người đọc truyền thống, khi gặp một tác phẩm có mối tình nam nam “trái ngang” như MỘT CON ĐƯỜNG.

Tác giả Thương Hà dường như đang nheo mắt dõi theo mối tình nam nam đó, rất hồi hộp, rất lo lắng, rất da diết và đồng cảm. Chị như người đồng hành với viên chỉ huy Trần Can của tổ điều tra có những cành sát đặc biệt. Vị thiếu tá với gương mặt lạnh, nhưng bên trong ẩn chứa bản lĩnh mạnh mẽ, giàu cá tính và tình yêu sâu sắc với cuộc sống, sự cảm thông trọng nghĩa với đồng nghiệp, sự thấu hiểu cả những đối tượng bị nạn hay là bị can. Chị hiểu từng trạng thái tâm lý và khát khao đời thường, thói quen vặt vãnh của nhân vật Minh Tâm – bác sĩ ở một bệnh viện tâm thần, vốn có khả năng nhận diện được căn bệnh của bệnh nhân tâm thần, bằng trình độ hiểu biết được học và rèn qua đào tạo trường lớp, nhưng cũng bằng linh cảm, như có con mắt thứ 3 mà Vũ Trụ đặc biệt ban tặng.

Theo bước chân nhân vật thiếu tá cảnh sát Trần Can và bác sĩ tâm thần Minh Tâm, không gian được kéo rộng ra theo nhiều chiều kích: “Chiếc xe jeep đi qua một khu phố nhỏ. Những căn nhà hai tầng giản đơn kèm theo một khoảng sân nhỏ phía trước. Những đứa trẻ đang nô đùa vui vẻ. Cái đầu nhỏ thản nhiên tựa vào vai anh. Ánh mắt dõi theo những cảnh vật tưởng chừng như quen thuộc lại có chút xa lạ lướt qua bên ngoài xe. Những cái vuốt ve dịu dàng như thói quen, khiến cậu vô thức nhớ về những kỉ niệm thuở nhỏ…”. Không gian dịch chuyển khi trong bệnh viện, lúc ở sở cảnh sát, lúc trong quán bar, khi trong rừng vắng, và cả giường chiếu ái ân… Không gian nghệ thuật trong MỘT CON ĐƯỜNG không chỉ làm cho nhân vật bộc lộ tính cách, cá tính mà còn làm cho người đọc không nhàm chán, tẻ nhạt, luôn được nhìn được thấy, cảm thấy cái sinh động, cựa quậy chung quanh.

Tác giả Thương Hà không cố ý đưa vào tác phẩm những tình tiết hành động nhân vật, những đối thoại nhiều góc độ như: tra xét, hỏi cung, trị bệnh, sinh hoạt đời thường… Mà dường như nhân vật đã lôi kéo tác giả, dẫn dụ chính người khai sinh ra tác phẩm những nẻo những lối, mê cung hay cao tốc, đô thị hay làng quê… Và, cho dù là câu chuyện tình yêu hay tội ác, thì tiểu thuyết cũng đều phảng phất mùi hương tình yêu luyến ái; và mùi của máu của chết chóc. Hai thứ “mùi” chủ đạo đan xen tiết tấu cấu trúc truyện, bổ trợ, dàn chữ tạo câu thành một bản tổng phổ mang sắc đỏ của máu, mà dường như có một thế giới khác đang tồn tại ngay trong mỗi bản thể con người. Một màu đỏ máu của thế giới hỗn tạp mà những kẻ tội phạm dựng bày. Một màu đỏ của tình yêu không cầu không chấp không hạn định không cần xác lập. Phải chăng đó mới chính là ý nghĩa đích thực – cái đích đi đến của nghệ thuật ngôn từ hàm chứa tình yêu thương, đòi hỏi quyền được yêu thương – thông qua cách dẫn dụ người đọc đi theo tuyến nhân vật tới hiện trường các thảm án.

Hy vọng cuốn tiểu thuyết trinh thám MỘT CON ĐƯỜNG của Thương Hà khép lại ở trang cuối với chút hương vị thanh tao sẽ tạo nên nguồn năng lượng yêu thương mới, mà tác giả hằng mong muốn gửi đến cho người đọc.

SBOOK

Exit mobile version