Chỉ vỏn vẹn ba chữ “thơ miên di” nằm khiêm tốn trên góc bìa tập thơ khổ lớn. Hơn hai trăm bài thơ là những chắt lọc trong suốt quá trình cầm bút của tác giả. “Thơ Miên Di” ra mắt ngày 25/9/2013, do XNB Hội Nhà văn ấn hành.
Đọc thơ Miên Di, thật khó để tin rằng anh là một… doanh nhân! TT&VH xin giới thiệu trích đoạn bài viết của Trịnh Sơn
* Cánh vỗ vô chừng
Thơ – sau rất nhiều khái niệm, kể cả những khái niệm bắt đầu lặp lại – đi từ vũ trụ đơn độc đến cái tôi vô cùng, lại miên man chập chững bước trên bờ một bên nắng quái mưa xiêu thênh thang con người một bên vực thẳm mênh mang tâm hồn và trí tưởng. Ngồi lại phiến đá lạnh nào đó, để nhóm lửa cho chỗ ngồi chứ chắc gì cho ai hay cho bản thân mình, là hồn thơ miên di.
“Miên” là bất định, “di” là vỗ cánh? Miên di là cánh vỗ vô chừng? Mỗi vết chân người qua, lửa cháy lạnh. Lửa cháy không cần hơi ấm. Nếu lửa chỉ là lửa.
nếu vắng cái hơ tay của kẻ rét âm thầm
Tôi bước vào thơ miên di như thế. Một cõi ấm tự thân. Gã chẳng buồn viết hoa tên mình (tác giả Miên Di thường không viết hoa tên mình, kể cả trên bìa tập thơ này). Cớ gì tôi vênh vang chạnh lòng mỗi chữ cái bắt đầu cái tôi?
sợ người làm bẩn tiếng chó tru
Thơ – chỉ cần vài dòng trích ngang như thế, đã đầy đủ điêu linh và thống khoái cho bất cứ ai chạm vào. Giới hạn con – người không làm nên rào cản trên địa hạt tưởng như rất cụ thể mà vô hình dung của Miên Di. Kiêu hãnh người bất chợt ngã ngửa, hóa thành cái chỏng chơ mặc cảm của một giống nòi lạc loài nhất, cô đơn nhất và thương đau nhiều nhất. Nếu không muốn dùng chữ vạm vỡ lạm phát thời nay.
Tôi cố ý trích dẫn mấy trường hợp (nếu không muốn nói là mấy trường đoạn li kỳ) của thơ miên di để giới thiệu với chính tôi và mọi người: Một cõi “miên di”. Thơ kiêu ngạo, mảnh mai vượt qua biên giới tột cùng của triết thuyết, mở ra một không gian xây bằng từng viên gạch triết thuyết dữ dội hơn, mới mẻ hơn để giam cầm thứ triết thuyết đã đẻ ra các nhà thơ kim cổ.
“Vôi vữa” của thơ Miên Di, không ngoại lệ, tất nhiên, là chữ. Nhưng là thứ chữ tự xé nát mình ra. Tự đau. Và tự lành. Thương tổn đến tận cùng, cho đến khi tổn thương hóa thành vết sẹo tưởng chừng chỉ có đôi bàn tay thánh thần ma quái may vá mới đẹp đến vậy: Tình! Nguyên vẹn nỗi đau. Trọn vẹn cuộc giải phẫu tâm hồn mình bằng lưỡi kiếm tha nhân.
Cuốn Thơ Miên Di
* Chữ bạt vía, nghĩa kinh hồn
Kể từ khi Bùi Giáng ghé đến thế gian Việt ngữ, cũng là khi Người tự tẩm liệm mình bằng thơ ca ý tưởng và hạ huyệt giữa cô quạnh thần sầu – chưa có ai nhìn thấy Người lần nữa. Tâm tưởng của Người, chữ nghĩa của Người đã trọn vẹn trong cuộc Phụng hiến bất đắc kỳ sinh:
Người là người lạ ta là quá quen?
Anh từ thể dục dưỡng điên
Thành thân thơ mộng thiên nhiên một giờ
Ảnh của Người rơi rớt khắp cùng đường cuối ngõ chợ trời thiền viện thánh đường tù ngục. Hao hao dáng Người đã là hạnh phúc lắm chứ đừng tưởng đem cái dạ “ta là một” mà chối bỏ hạnh duyên. Lục bát Miên Di khởi nguồn từ dòng lục bát “thơ mộng thiên nhiên” của “Trung niên thi sĩ” Bùi Giáng mà róc rách, réo rắt đến lẫm liệt:
cao xanh cũng chứa tả tơi trong lòng
Thử làm một chuyến xe đông
đi không để đến và không để về
Thử làm thú giữa hoang khê
động tình tru thót cơn mê kiếp người
Dường như lùa bò trong sương. Dường như lùa bò lên đồi sim trái chín. Những con bò vác chữ không trên lưng oằn cong mà trong mơn mởn cỏ xanh nắng sớm. Lật ngược chữ để tìm cách giấu nghĩa đi, chữ vẫn đó nghĩa vẫn đó mà thân ta trở nên biệt tăm tự lúc nào.
Lời đề từ thi phẩm Thơ Miên Di, gã tự thú: “Sẽ phải mang về nơi đang đến, những gì để lại lúc đi qua…”. Như tấm biển treo trên cổng thơ dẫn vào một cõi giới mà tính xác thực vô độ, hư vô chảy khúc khích qua kẽ tay, thanh thiên bạch nhật đêm hôm khuya khoắt đều có trong từng chiếc lá.
Một cõi thi ca “miên di”: Ngại ngần gì không xác quyết như thế. Chưa chắc, bầu trời cao xanh sóng động trong ấy có dung thứ gã thi sĩ đến tận cùng ngóc ngách câu chữ. Nhưng chắc chắn ánh sáng thiền mặc khải động đã soi rọi từng vết chân ngữ nghĩa trải qua.
Thử dừng một nhịp luôn luôn
thử quên cho lạc con đường đã quen
Nhà thơ miên di tên thật là Lê Xuân Hoà, nguyên quán Đà Nẵng, sinh năm 1976 tại Đại Từ, Thái Nguyên. Hiện sống và làm việc ở phố núi Pleiku, Gia Lai. Làm thơ, viết truyện và tiểu luận phê bình. |