Một kiến giải khác về lịch sử dân tộc
Ai cũng biết lịch sử dân tộc bao giờ cũng là đề tài bất tận cho các hoạt động văn chương- nghệ thuật và khoa học nhân văn. Có thể nói, mãi đến tận ngày xa, xa lắm về sau, giới cầm bút vẫn chẳng thể nào ngưng nghỉ đi tìm và đưa ra những kiến giải khác nhau về quá trình hình thành, tồn tại và phát triển của dân tộc Việt với chiều dài lịch sử hàng ngàn năm. Đến hôm nay, những trang viết về đề tài này, dưới mọi góc độ có thể chất thành núi. Cho hay, mỗi người, trong suốt cả cuộc đời cầm bút của mình cùng lắm cũng chỉ đưa ra được một vài sự kiến giải nào đấy khả dĩ về một vấn đề muôn thưở: Lịch sử dân tộc. Vậy xem ra cái “ông” lịch sử dân tộc chẳng khác nào một cụ voi khổng lồ, còn giới cầm bút chúng ta cũng chỉ là những người thầy bói.
“Đội gạo lên chùa” là cuốn tiểu thuyết mới nhất của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh được Nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành và đã nhận được Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam- 2011. Cuốn sách được chia làm 3 phần: 1/ Trôi sông (18 chương); 2/ Bão nổi can qua (5 chương) và 3/ Về cõi nhân gian (8 chương). Chưa cần bàn đến nội dung của nó, xem qua “hòn gạch nung” còn nóng hôi hổi, vừa mới ra lò của cụ già U80 này, những người nhát gan chắc sẽ phải ngất xỉu.
Vừa là người rất quí trọng tài năng và đức độ của cụ Khánh, lại là người cùng làm nghề viết mà tôi đã phải cật lực ra mất hàng tháng trời mới đọc hết được “Đội gạo lên chùa”. Thực ra cũng chỉ mới đọc qua thôi, chứ đọc kỹ và ngẫm về những điều cụ muốn gửi gắm ở đây, chắc là phải mất hàng năm.
Tuy nhiên, theo tôi điểm nổi bật nhất của “Đội gạo lên chùa” chính là ở cách kiến giải khác về lịch sử dân tộc. Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã lấy một phần câu ca dao Ba cô đội gạo lên chùa/ Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư… để đặt tên cho trường thiên tiểu thuyết của mình. Nhưng ông lại lấy bốn câu trong bài thơ “Cư trần lạc đạo phú” của Vua Trần Nhân Tông, một vị vua duy nhất trong lịch sử nước ta đã tự xuống tóc để lập nên Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và được người đời tôn vinh là ông tổ của Phật giáo Việt Nam để làm đề từ cho cuốn sách. Trong đó, đáng chú ý nhất là câu: Cư trần lạc đạo thả tùy duyên (tạm dịch: Ở giữa cõi trần vui với Đạo hãy tùy duyên). Nếu tinh ý, người đọc có thể hiểu được dụng ý của tác giả trong việc kiến giải lịch sử dân tộc, theo phương cách “tùy duyên”.
Ai cũng biết dân tộc Việt Nam trong tiến trình lịch sử của mình, luôn phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, thử thách, hết thiên tai lại đến địch họa. Có thể nói lịch sử dân tộc ta là lịch sử của quá trình đấu tranh chống lại thiên tai và địch họa. Nếu không chọn phương cách “tùy duyên” thật khó có thể tồn tại và phát triển được như ngày nay. Đấy chính là phương cách xử thế mang đậm bản sắc văn hóa Việt đã được đúc kết trong tư tưởng của Nguyễn Trãi: lấy yếu thắng mạnh, lấy ít địch nhiều và đỉnh cao là đường lối đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chỉ có điều là “tùy duyên” trong kinh pháp nhà Phật là tư tưởng xuất thế của Phật giáo bản quốc, còn “tùy duyên” trong “Đội gạo lên chùa” của Nguyễn Xuân Khánh lại được nhìn nhận như là một tư tưởng Phật giáo nhập thế đối với người Việt trong tiến trình lịch sử dân tộc. Vậy là Phật giáo Việt Nam, không chỉ là một tôn giáo được du nhập từ nước ngoài như các tôn giáo khác, mà hơn thế nó còn là một lối sống Việt do các điều kiện tự nhiên, lịch sử, kinh tế, văn hóa và xã hội Việt Nam chế định.
Tiếp nối nguồn mạch truyền thống
Có lẽ nhà văn Nguyễn Xuân Khánh là một trong số không nhiều người suốt đời bận tâm đến việc đi tìm kiếm các kiến giải về lịch sử dân tộc. Trong buổi Tọa đàm giới thiệu sách do Nhà xuất bản Phụ nữ và Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức giữa năm ngoái, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đã trả lời nhiều câu hỏi của cử tọa, trong đấy có vấn đề về lịch sử dân tộc. Có người hỏi, ông nghĩ như thế nào về sự tồn tại, phát triển của dân tộc Việt trong suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm? Nhà văn cho hay, lúc đầu ông nghĩ rằng một dân tộc muốn tồn tại và phát triển phải dựa vào những tư tưởng đổi mới canh tân. Sau đó một thời gian, ông lại nghĩ là phải dựa vào đạo mẫu. Điều ấy nói ra nghe có vẻ to tát quá. Nhưng quả thật là như vậy.
Minh chứng là từ cuốn tiểu thuyết “Hồ Quý Ly”(2), rồi đến cuốn “Mẫu thượng ngàn”(3) và mới đây là “Đội gạo lên chùa”, đại lão gia này chỉ loay hoay đi tìm cách kiến giải về khía cạnh bản thể tồn tại của người Việt. Cổ võ cho một chính khách bậc nhất nước Nam vào cuối thế kỷ XIV là Hồ Quý Ly với phương cách duy trì sự tồn vong dân tộc duy nhất là cách tân từ thể chế chính trị đến vận hành xã hội. Từ việc kiên quyết phế truất triều đình mục ruỗng nhà Trần thay bằng nhà Hồ, di dời kinh đô từ Thăng Long vào Tây Kinh (Thanh Hóa), bình Chiêm, đến việc thủ tiêu các tướng tài có công với nhà Trần nhưng lại thủ cựu, muốn duy trì và bám rễ vào vương triều Trần, không muốn thay đổi, tiểu biểu là hai tướng tài là Trần Khát Chân, Trần Khả Vĩnh… như là con đường cách tân táo bạo nhất, đến việc thay tiền đồng bằng tiền giấy, cấm thanh niên xuống tóc đi tu nhằm trốn nghĩa vụ quân dịch, đặt sở liêm phóng (công an) tại các làng xã để theo dõi hộ khẩu và trật tự xã hội tại cơ sở… Triều đại nhà Hồ dù chỉ tồn tại được 7 năm (1400-1407) trên cương vị ngôi vương của mình, Hồ Quý Ly đã làm được một cuộc cách tân để đời trong tiến trình lịch sử dân tộc. Đến mức, cho đến hôm nay ranh giới giữa sự cách tân, đổi mới và sự “tạo phản” của ông vua này vẫn còn là một vấn đề lịch sử, luôn làm nảy sinh các cuộc tranh luận nảy lửa của các sử gia, các nhà khoa học nhân văn về kinh tế chính trị học, luật pháp, xã hội học… mỗi khi nhắc đến vương triều Hồ.
Về vấn đề này, đại lão gia Nguyễn Xuân Khánh đã có lý khi ông cho rằng một dân tộc muốn tồn tại và phát triển, nhất thiết nó cần phải cách tân, làm mới mình cho hợp với xu thế lịch sử tại mỗi thời điểm. Ở thời điểm cuối Trần (thế kỷ XIV), sức mạnh dân tộc Việt được bộc lộ ra như là sự cách tân về thể chế chính trị và cải biến xã hội theo tư tưởng của Nho giáo, mà Hồ Quý Ly là người đại diện. Âu đấy cũng là một cách kiến giải của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, chúng ta cần tôn trọng và ghi nhận điều ấy.
Đùng một cái, đại lão gia này lại thấy còn một cách kiến giải khác, mà có thể nhiều người chưa mấy quan tâm, đấy là Đạo mẫu. Hiện thân của cách kiến giải ấy được thể hiện rõ trong “Mẫu thượng ngàn”. Có thể nói, “Mẫu Thượng Ngàn” là một bản tình ca về sự trường tồn của dân tộc Việt nói chung và văn hoá Việt nói riêng. Xuyên suốt cuốn tiểu thuyết là những cuộc trò truyện, tâm sự, bàn bạc, trao đổi và tranh luận xung quanh chuyện làng Cổ Đình, một làng quê bán sơn địa khá nên thơ, nhưng quanh năm nghèo khó như bao làng quê Việt khác. Thế nhưng, ngay cả bà Cô tổ, người canh giữ đền Thánh Mẫu cho đến cụ cử Khiêm, ông chánh Thi, cụ đồ Tiết, ông tú Cao, tiên chỉ Nhậm hay ông hộ Hiếu, người được Thánh giao cho suốt đời trông giữ ngôi chùa đổ nát của làng… cũng không biết làng Cổ Đình có tự bao giờ và tại sao trước bao thăng trầm của thời cuộc, lịch sử mà nó lại có thể trường tồn đến như vậy.
Có thể nói, tư tưởng xuyên suốt của “Mẫu thượng ngàn” chính là ĐẠO MẪU. Nó vừa thánh thiện, vừa gần gũi thân quen, mộc mạc, dân dã, vừa long lanh, dễ vỡ, vừa lì lợm như sỏi đá và ngời sáng nhân tâm… Đấy chính là một cách kiến giải khác về lịch sử dân tộc của Nguyễn Xuân Khánh.
Nhưng như vậy, dường như ông cũng chưa mấy hài lòng, nên lại “lọ mọ” quyết chí đi tìm cho bằng được cách kiến giải mới về lịch sử dân tộc qua “Đội gạo lên chùa”. Thấm đẫm và nhuần nhụy trong mỗi trang sách là con đường mà mỗi người đến với Phật giáo theo cách riêng của mình quanh cái chùa làng Sọ.
Quan sát tiểu An và sư đệ Vô Trần, những nhân vật chính của tiểu thuyết, chúng ta có thể thấy tư tưởng chủ đạo của nhà văn được gửi gắm ở đây khá rõ: từ khi An vào chùa với chị Nguyệt rồi cậu trở thành một đệ tử trung thành của các vị sư Vô Úy, Vô Trần. Khi An bị bọn người xấu bắt nạt, cậu lại nhanh chóng trở thành môn đệ võ lâm của sư Khoan Độ và để hành đạo cứu người, An là học trò cưng của thầy giáo Hải. Ngay cả khi An trở thành Việt Minh cũng chỉ chuyên bắn súng chỉ thiên. Còn sư đệ Vô Trần, bị cô Nấm lẳng lơ đội gạo lên chùa bỏ bùa cho hoàn tục, để rồi cuối cùng lại trở thành Việt Minh giữ đến chức chính ủy, tham gia giết giặc như là cách để cứu độ chúng sinh. Có thể nói cuộc đời tiểu An và sư đệ Vô Trần và các nhân vật khác như Thêu, Nguyệt, Rêu, Thầm, Nắm, Hạ… là một chuỗi những sự “tùy duyên” cả về phía đạo lẫn phía đời, thấm đẫm một tinh thần Phật giáo Việt Nam theo tinh thần nhập thế. Phải chăng đấy cũng là phương thức tồn tại và phát triển của mỗi người nói riêng và dân tộc Việt nói chung?
Như vậy cứ khoảng 5-6 năm gì đó, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh lại tìm ra một cách lý giải mới về lịch sử tồn tại và phát triển của dân tộc Việt. Có điều là bằng cách lý giải nào, người đọc cũng đều cảm thấy có lý, dù chỉ đúng một phần hay toàn phần. Nhưng có lẽ theo tôi là cụ Khánh vẫn tôn trọng và phát huy tối đa được lối kể chuyện truyền thống thủ thỉ mộc mạc, giản dị và hóm hỉnh, nhưng không kém phần sâu sắc, ý nhị trong cả ba cuốn tiểu thuyết nói trên.
Cách kể chuyện tự nhiên để cho nhân vật tự nói lên suy nghĩ, hành động của mình, mà nhà văn chỉ là người chứng giám, đã tạo nên tính chân thật khách quan lịch sử của câu chuyện. Bằng chứng là ngôi nhân xưng thứ nhất “tôi”, người kể chuyện, rất hiếm khi chúng ta bắt gặp trong cả ba cuốn sách của cụ Khánh. Thậm chí có khi các nhân vật kể về những chuyện chẳng ăn nhập gì với nhau, nhưng xâu chuỗi lại người đọc thấy hết sức logic, vì nó là những chi tiết, sự kiện phục vụ đắc lực cho tư tưởng chủ đề của tác phẩm, cái mà nhà văn muốn gửi gắm tới độc giả của mình.
Không biết có phải vì tất cả những lý do trên mà sách của cụ Khánh luôn thuộc diện “best seller”, đặc biệt là cuốn “Hồ Quý Ly” đã được Nhà xuất bản Phụ nữ tái bản và in lại tới hơn 10 kể từ ngày nó ra đời cách đây 12 năm. Và nếu tôi nhớ không nhầm thì cả ba cuốn của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh đều được giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội hoặc của Hội Nhà văn Việt Nam và Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật.
Điều ấy đã nói lên một sự thật là công chúng không bao giờ quay lưng lại với sách hay, mà chỉ chừa ra những cuốn sách dở, không thèm quan tâm mất thì giờ mà thôi. Đây thực sự có là một thử thách quá lớn đối với những ai đã, đang và sẽ cầm bút viết văn hôm nay.
5/2011- 5/2012
Đỗ Ngọc Yên
________________________
(1) Đội gạo lên chùa, Nguyễn Xuân Khánh, Tiểu thuyết, Nxb Phụ nữ, 2011, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, 2011
(2) Hồ Quý Ly, Nguyễn Xuân Khánh, Tiểu thuyết, Nxb Phụ nữ, 2000,
(3) Mẫu thượng ngàn, Nguyễn Xuân Khánh, Tiểu thuyết, Nxb Phụ nữ, 2006
Nguồn: Vanhocquenha.vn.