TRẦN NHUẬN MINH

Đó là bộ sách Nhà văn Giải thưởng Hồ Chí Minh của nhà lý luận – phê bình văn học Đỗ Ngọc Yên, do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân in, phát hành trong tháng 3 và tháng 7 vừa qua, gồm hai tập, dày hơn 400 trang. Sách được đánh giá là công trình nghiên cứu và nguồn tư liệu quý về các nhà văn xuất sắc nhất của nền văn học Việt Nam.

Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật được trao tặng những nhà văn, nhà thơ Việt Nam, ghi nhận đóng góp xuất sắc của họ với nền văn học hiện đại nước nhà, trong đó Giải thưởng Hồ Chí Minh được trao tặng những nhà văn đại diện xuất sắc nhất. Việc đọc các tác phẩm này, nhất là việc tìm hiểu cuộc đời, các quan niệm sáng tác và công phu lao động của các nhà văn, để tác phẩm của mình có một vị trí xứng đáng trong nền văn học dân tộc, là yêu cầu tất yếu của đông đảo bạn đọc quan tâm đến nền văn chương nước nhà, nhất là các thầy giáo, cô giáo, các thế hệ học sinh, sinh viên các trường đại học xã hội và nhân văn, các trường cao đẳng và đại học sư phạm. Bộ sách của Đỗ Ngọc Yên đáp ứng được một phần quan trọng của nhu cầu đó.

Bộ sách gồm hai tập. Ở tập một, Đỗ Ngọc Yên nghiên cứu và giới thiệu với bạn đọc 20 nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận, phê bình, từ nhà văn Anh Đức, qua Chế Lan Viên, Đỗ Chu, Hoài Thanh, Hữu Thỉnh, Huy Cận, Ma Văn Kháng, Nam Cao, Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng… đến Nguyễn Bính. Tập hai, bao gồm 20 nhà thơ, nhà văn khác, từ nhà văn Nguyễn Công Hoan, qua Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Tuân, Phạm Tiến Duật, Tế Hanh, Tô Hoài, Tố Hữu… đến Xuân Quỳnh. Do những hạn chế nào đấy, một số nhà thơ, nhà văn khác đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, chưa có mặt trong tập sách. Nhưng chỉ với 40 gương mặt tiêu biểu nhất, bạn đọc vẫn hình dung được một cách cơ bản và tổng quát về bước phát triển và thành tựu của nền văn học Việt Nam.

Bộ sách được sắp xếp “theo thứ tự vần A, B, C của bút danh làm nên sự nghiệp văn chương của nhà văn” như Lời mở sách đã thể hiện. Ngoài mỗi nhà văn một ảnh chân dung, là các tư liệu cần thiết về từng người. Có thể coi bộ sách như một công cụ tra cứu và tham khảo rất có ích về những nhà văn hàng đầu Việt Nam.

ĐỖ NGỌC YÊN đã tìm ra được những nét riêng tạo nên giá trị chủ yếu về cuộc đời và giá trị cốt lõi của các tác phẩm văn chương của các nhà văn, trong việc đặt tên bài cho mỗi nhà văn. Xin nêu một số thí dụ: nhà văn Hồ Phương: Cỏ non làm nên văn hiệu, Hữu Thỉnh: Người chèo lái con thuyền văn chương Việt Nam đương đại, Ma Văn Kháng: Không chỉ mang nợ với núi rừng, Nguyên Hồng: Bạn đời của những người cần lao… và Nguyễn Minh Châu: Người lập ngôn tử tế, Nguyễn Quang Sáng: Một khế ước văn hóa Nam Bộ, Nguyễn Tuân: Ông vua tùy bút, thích xê dịch và ghét phê bình, Nguyễn Văn Bổng: Con trâu là đầu văn nghiệp, Tố Hữu: Nửa thế kỷ lĩnh xướng hùng ca,…

Đọc sách có thể thấy được quan niệm thẩm mỹ, sự đánh giá khách quan của tác giả, cùng cách trình bày vấn đề bình dị, chân thành và có sức hấp dẫn. Cứ xem cách nhà văn lý giải về những cố gắng “chèo lái” bền bỉ của nhà thơ Hữu Thỉnh trong cương vị đứng đầu Hội Nhà văn Việt Nam trong nhiều năm, cùng những sáng tạo không ngừng nghỉ của ông, đến các cảm nhận về cái hào hoa phong nhã trong cuộc đời và hơi văn của Nguyễn Đình Thi, trong đó không quên nhắc tới những sóng gió mà Nguyễn Đình Thi đã trải qua trong cuộc tranh luận về thơ không vần của ông tại Việt Bắc, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang chuẩn bị chuyển sang giai đoạn quyết liệt để giành chiến thắng cuối cùng. Và Xuân Diệu, với những trăn trở trong các bài thơ tình. Rồi còn Huy Cận, Tế Hanh, Chế Lan Viên, Ma Văn Kháng… để thấy công phu và tâm huyết của tác giả, cũng như cách chọn lựa vấn đề để trình bày sao cho hợp lý, dễ chấp nhận và không bài nào giống bài nào… Ngoài phần bút ký, tóm lược chân dung các nhà văn, Đỗ Ngọc Yên đã dành phần lớn cho việc thẩm định lại khuynh hướng tư tưởng, tính cách nhà văn và giá trị tác phẩm của từng người theo cách của ông. Với hơn nửa số nhà văn, tác giả đồng quan điểm với những người đi trước về những nhận định, đánh giá sự nghiệp văn chương của họ. Với một số nhà văn như: Hải Triều, Nam Cao, Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên, Huy Cận, Hà Xuân Trường, Hoài Thanh, Ma Văn Kháng, Phạm Tiến Duật,… Đỗ Ngọc Yên đã có cái nhìn ít nhiều khác biệt so với một số nhận định và đánh giá trước đó, theo cách thẩm định của ông, nhằm làm sáng tỏ thêm những đóng góp to lớn của các nhà văn này. Đấy là điều đáng được ghi nhận và trân trọng.

Đọc hết hơn 400 trang sách của Đỗ Ngọc Yên, tôi thấy tác giả rất chú ý về khía cạnh “thi pháp học tác giả” hơn là viết chân dung đơn thuần của các nhà văn, với một giọng văn phóng túng, cởi mở làm cho người đọc cảm thấy khá hứng thú khi tiếp cận tác phẩm. Đỗ Ngọc Yên không quá lệ thuộc vào rào cản của những thứ lý thuyết khô cứng, mà ông cố gắng đi tìm những đặc điểm chân dung và giá trị tác phẩm văn chương của từng nhà văn, để bạn đọc có thêm cơ hội hiểu biết sâu rộng hơn về các nhà văn lớn của nước nhà và cũng có điều kiện so sánh sự khác biệt giữa các nhà văn. Theo tác giả, để viết được bộ sách này, ông đã bỏ ra hơn bốn năm để sưu tầm, tìm đọc tài liệu, lựa chọn cách viết đối với mỗi người và sau cùng là thể hiện bằng ngôn ngữ văn bản.

Tuy nhiên, bộ sách còn để lộ một vài nhược điểm. Chẳng hạn như có nhà văn, Đỗ Ngọc Yên chỉ dành cho họ thời lượng rất khiêm tốn và nội dung còn sơ lược, nhưng cũng có nhà văn ông dành cho họ không chỉ thời lượng dài, nội dung khá đầy đủ và cách viết khá lôi cuốn; đáng tiếc là vẫn còn một số nhà văn đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh còn chưa được giới thiệu trong tập sách này. Hy vọng rằng đến những lần tái bản sau, những khiếm khuyết nêu trên sẽ được khắc phục. Có thể còn những ý kiến đánh giá khác nhau, nhưng theo tôi, công sức lao động khoa học và nghệ thuật của nhà lý luận – phê bình văn học Đỗ Ngọc Yên dành cho bộ sách này là rất đáng ghi nhận và trân trọng, là nguồn tư liệu quý về các nhà văn hàng đầu Việt Nam.

Nguồn: Báo Nhân Dân điện tử

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài

Exit mobile version