Từ Diễn Hồng sinh năm 1866, mất năm 1922, người làng Hà Hồi, huyện Thường Tín, Hà Đông (nay là Hà Tây), trong một gia đình nhà nho nghèo. Ông tính nết ngang tàng, hay châm biếm hài hước, từ lúc còn đi học đã nổi tiếng hay nôm.

Năm 1906, ông đỗ tú tài, người ta thường gọi là tú Đồng (hoặc là tú Từ). Ông không ra làm việc với chính quyền thực dân, ở nhà dạy học và bốc thuốc.

Khoảng năm 1908, Đốc học Hà Nội có mở cuộc thi dịch thơ Đường theo một chủ trương cải cách văn hóa nào đó. Bài đưa ra dịch là bài “Thu hứng” của Đỗ Phủ.

Văn dạo Tràng An tự dịch kỳ,
Bách niên thế sự bất thăng bi
Vương hầu đệ trạch gia tân chủ.
Văn vũ y quan dị tích thì,
Trực Bắc quan san kim cổ chấn,
Chinh Tây xa mã vũ thư trì
Ngư long tịch mịch thu giang lãnh.
Cố quốc bình cư hữu sở ti (tư).

Từ Diễn Đồng cũng gửi bài dịch dự thi, nhưng ông không cố ý tranh hơn thua mà chỉ nhân bài Thu hứng này để nói lên ý nghĩ của mình đối với thời cuộc. Ông đã dịch rằng:

Nghe nói trong kinh lắm chuyện đùa.
Nước đời sao lắm nỗi cay chua.
Những con nhà khá đi đâu cả.
Một bộ đồ tuồng rặt mới mua.
Tiếng trống lừng vang tin Bắc dược (1)
Mảnh tờ sao chẳng báo Tây thua.
Rồng nằm bể cạn heo may lắm.
Nước cũ ai là chả nhớ vua (2)

Bài dịch của ông thực ra chỉ là một bài phỏng dịch nhằm mục đích trào phúng, cho nên nó không sát nguyên văn.

Tuy nhiên bài dịch của ông đã được nhiều người chú ý và khen hay, ngay cả một số người trong ban chấm thi, do đó các quan đành phải tặng thưởng. Nhưng rồi ông cũng vẫn bị bắt giữ mấy ngày để chịu phạt về cái tội “láo xược”. Lúc ông được tha, các bạn đùa rằng: “Anh không phải là đầu xứ mà hàng xứ”, nghĩa là phải ở nhà pha. Tên gọi đùa này lưu truyền mãi cho đến khi ông mất.


———————
(1) ý nhắc đến tin nghĩa quân Đề Thám thắng trận ở Yên Thế, Bắc Giang mà chính quyền thực dân muốn bưng bít.
(2) Nhắc đến vua Hàm Nghi. Lúc ấy, ở Bắc kỳ còn nhiều người quý mến, thường nhắc đến vua Hàm Nghi luôn.

 

– Theo Giai thoại văn học –

Exit mobile version