Đọc bài thơ của nhà thơ Võ Quảng, ta còn như được nghe thấy “nhạc thể dục”. Gần đây, đã thành nếp, mỗi sáng, Đài truyền hình của ta đều dành ít phút để phát nhạc và hình bài tập thể dục để các em nhỏ và mọi người có thể tập theo. Qua cách dùng ba chữ một dòng thơ, lại lặp lại những câu đầu và cuối khổ như một điệp khúc, nhà thơ Võ Quảng không những tỏ ra là người biết đánh thức mọi người một cách “điệu nghệ” mà còn biết hướng dẫn các bạn “tập thể dục” một cách có bài bản, có phương pháp…
Ai dậy sớm
Bước ra nhà
Cau ra hoa
Đang chờ đón.
Ai dậy sớm
Đi ra đồng
Cả vừng đông
Đang chờ đón.
Ai dậy sớm
Chạy lên đồi
Cả đất trời
Đang chờ đón.
Mùa hè đêm ngắn ngày dài, và dĩ nhiên – ngày của nó cũng bắt đầu sớm hơn mọi mùa. Người ta vẫn nói “nóng nở ra, lạnh co lại” là vậy. Dưới ánh mặt trời thiêu đốt, ngày hạ như cũng kéo dài lê thê. Các em nhỏ của chúng ta cứ gọi là thả sức mà học, mà chơi, chẳng lo ngày chưa mở ra đã khép lại (như “ngày tháng mười chưa cười đã tối”). Hơn thế, ngày hạ mà chịu khó dậy đua cùng ông mặt trời thì thật thích, và cũng thật cần thiết cho việc rèn luyện, bảo đảm sức khỏe.
Nhà thơ Võ Quảng – bằng một lối nói ân cần, nhỏ nhẹ, đã mách bảo với chúng ta – với những ai biết dậy sớm kia – bao điều kỳ diệu:
Ai dậy sớm
Bước ra nhà
Cau ra hoa
Đang chờ đón
Chỉ cần bước qua bậu cửa, bước ra sân nhà, là các em nhỏ có thể hít thấy hương hoa cau rồi (dĩ nhiên là phải các em nhỏ ở nông thôn mới dễ chứng kiến chuyện này). Vào buổi sớm mát lành, hương hoa cau thật tinh khiết, dễ chịu. Và nếu chịu khó đi xa hơn chút nữa, theo bước mẹ cha ra đồng, các em sẽ thấy vừng đông vươn những tia nắng ban mai ấm áp như muốn choàng ôm thiên nhiên tạo vật, choàng ôm lấy mình. Còn lên đến điểm cao trên đồi thì có lẽ toàn bộ phong cảnh trời đất bao la hùng vĩ như đang mở ra, dang rộng cánh tay mà chào đón các em vậy.
Đọc bài thơ của nhà thơ Võ Quảng, ta còn như được nghe thấy “nhạc thể dục”. Gần đây, đã thành nếp, mỗi sáng, Đài truyền hình của ta đều dành ít phút để phát nhạc và hình bài tập thể dục để các em nhỏ và mọi người có thể tập theo. Qua cách dùng ba chữ một dòng thơ, lại lặp lại những câu đầu và cuối khổ như một điệp khúc, nhà thơ Võ Quảng không những tỏ ra là người biết đánh thức mọi người một cách “điệu nghệ” mà còn biết hướng dẫn các bạn “tập thể dục” một cách có bài bản, có phương pháp. Mỗi câu thơ của ông như một thao tác, một cái “nâng lên hạ xuống”. Nếu khổ đầu còn là nhịp một- hai- ba- bốn, thì khổ hai đã là hai – hai – ba – bốn, và cứ như thế, đến khổ ba, nhịp thơ gấp hơn và yêu cầu cũng cao hơn. Nếu khổ một đòi hỏi của tác giả là “bước ra nhà”, khổ hai “đi ra đồng”, thì đến khổ ba đã nâng thành “chạy lên đồi”… Kể cũng thú vị khi một bài thơ kết hợp được cả sức khêu gợi của ý thơ, của hình ảnh thơ, lẫn độ cuốn hút của nhịp điệu thơ, để khi đọc lên, ta thấy có một cái gì chạy suốt bên trong, bừng bừng sảng khoái. Thật vậy, chúng ta cứ thử và tập theo cách ấy xem sao nhé.
Nguồn: CAND