Nghe tiếng từ lâu nhưng mới đây chúng tôi mới có dịp về thăm làng nghề truyền thống làm giấy dó ở thôn Đống Cao, phường Phong Khê (TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh). Đường vào làng, xe chở hàng chạy tấp nập, tiếng còi xe inh ỏi. Những mặt hàng từ giấy công nghiệp đến giấy bao bì thì nhiều không kể xiết, nhưng khó tìm thấy mặt hàng giấy dó từng “vang bóng một thời” ở vùng quê này…
Vào làng mỏi mắt tìm… người làm giấy dó
Hỏi chuyện người dân trong làng về nghề làm giấy dó truyền thống, chúng tôi được ông Nguyễn Văn Kê, một bậc cao niên cho biết: “Người dân Đống Cao giờ chuyển sang làm giấy công nghiệp hết rồi, chỉ có nhà ông Ngô Đức Điều còn giữ nghề truyền thống ấy thôi, muốn tìm hiểu thì các chú đến nhà hỏi ông ấy”. Nhà ông Điều nằm sâu trong ngõ nhỏ, vừa bước chân đến cổng, trước mắt chúng tôi là hai người đứng tuổi đang cần mẫn tráng giấy dó.
Ngừng tay làm việc, ông Điều ngồi tiếp chúng tôi trong gian nhà ấm cúng. Năm nay, ông Điều đã 81 tuổi nhưng còn khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Ông kể cho chúng tôi về nghề làm giấy dó truyền thống của thôn. Làng giấy dó Đống Cao xưa nổi danh, cùng với làng Yên Thái (phường Bưởi, quận Tây Hồ, TP Hà Nội) cung cấp giấy khắp miền Bắc. Giấy dó Đống Cao được chế tạo khác nhau tùy theo mục đích sử dụng như làm tranh Đông Hồ, viết thư pháp, dập văn bia, bảo quản lưu trữ tài liệu, ngòi thuốc pháo… Nếu được bảo quản tốt, giấy dó Đống Cao có thể lưu giữ được trong thời gian dài hàng trăm năm.
Giấy dó được làm từ vỏ cây dó, sau này người thợ có dùng thêm cây dướng. Vỏ cây dó khi vận chuyển về sẽ được nấu và ngâm trong nước vôi trong. Người thợ bóc toàn bộ vỏ đen bên ngoài, đem giã bằng chày cho nhuyễn rồi dùng chất nhựa từ cây mò tạo hỗn hợp kết dính. Trong bể nước có chứa hỗn hợp của hai sản phẩm ấy, đôi tay người thợ nhúng chiếc liềm seo (khuôn làm giấy) chao đi chao lại cho lớp bột dính đều, khéo léo như người thợ đãi vàng chắt lọc sản phẩm tinh túy nhất. Trên bàn giấy, người thợ đặt sẵn một lớp vải trước khi đưa thành phẩm giấy dó từ chiếc liềm seo vào đúng vị trí.
Kể đến đây, ông Điều quay sang nói với chúng tôi: “Các chú đến cũng là lúc tôi vừa seo giấy xong. Muốn hiểu rõ hơn thì xuống nhà dưới, vừa làm tôi vừa kể cho mà nghe”. Chồng giấy vừa được seo xong sẽ qua giai đoạn ép. Ông Điều hướng dẫn chúng tôi sử dụng bàn ép giấy. Chúng tôi xỏ đòn làm bằng thanh tre đực dài khoảng 1m qua lỗ trên bàn ép, dùng lực đẩy của tay quay tròn dụng cụ ép giấy. Quay khoảng 10 vòng thì đòn bắt đầu nặng tay, ông Điều thay đòn khác dài 2m. Chúng tôi quay đến khi chắc tay thì ông bảo dừng lại. Ông Điều tỉ mẩn lau xung quanh chồng giấy dó đang được ép chặt để chắc chắn không còn chút nước nào đọng lại. Chồng giấy được mang ra nơi khô ráo nhất. Bàn tay khéo léo của người thợ lành nghề tách từng tờ giấy dó ra khỏi những lớp vải. Trước mắt chúng tôi, từng sản phẩm giấy dó hiện ra đầy màu sắc. Đó là hồn giấy Việt mà người dân Đống Cao vẫn lưu giữ hàng bao đời nay.
Mong manh phận giấy dó
Khi chúng tôi hỏi ông Điều: “Có ai trong các con ông theo nghiệp làm giấy dó?”, ánh mắt của ông thoáng buồn: “Các con tôi đều thành đạt cả rồi, duy có đứa thứ ba theo nghề, hiện đang làm Giám đốc Xí nghiệp giấy Đức Huỳnh. Tôi hỏi nó có muốn giữ nghề làm giấy dó truyền thống không, nó chỉ cười, nói rằng chưa đến lúc. Cũng phải thôi chú ạ, nghề làm giấy dó có lúc thăng, lúc trầm không sao kể hết được. Người học làm nghề đã khó, huống chi theo được nghề”.
Trong hồi ức của ông Điều, nghề làm giấy dó ở Đống Cao quãng hơn 20 năm về trước phát triển mạnh. Đầu làng, cuối ngõ rộn vang nhịp chày giã vỏ dó. Người mua giấy từ mọi miền đổ về chật đường vào làng. Cả làng làm cũng không đủ cung ứng cho thị trường. Nhưng kể từ khi thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo, rồi người viết thư pháp nhập giấy xuyến chỉ đỏ ở Trung Quốc về, thị trường giấy dó tiêu thụ rất chậm. Nghề làm giấy dó truyền thống ở Đống Cao đứng trước khó khăn lớn. Các hộ gia đình phải chuyển sang làm giấy công nghiệp hoặc làm nghề khác.
Đến nay, ngoài nhà ông Điều, chỉ còn 4 hộ gia đình ở Đống Cao đang gắn bó với nghề làm giấy dó truyền thống, đó là anh Phạm Văn Tâm, Ngô Văn Hiến, Đào Văn Trường và Nguyễn Văn Suất. Nói về nghề làm giấy trong bối cảnh xây dựng nông thôn mới, ông Nguyễn Văn Chuyển, Chủ tịch UBND phường Phong Khê cho chúng tôi biết: “Các cấp lãnh đạo cũng tham khảo nhiều mô hình phát triển làng nghề truyền thống ở địa phương khác để tuyên truyền, định hướng cho những hộ gia đình còn gắn bó với nghề sản xuất giấy dó. Tuy nhiên, chủ yếu vẫn phải dựa vào nội lực của các hộ gia đình để phát triển”.
“Nội lực” của gia đình chính là sự cải tiến trong sản xuất giấy dó. Để phù hợp với thị trường, người làm giấy dó truyền thống phải không ngừng đổi mới từ chất liệu đến hình thức. Ông Điều “khoe” với chúng tôi về cuốn tập hơn 100 loại giấy dó được lưu giữ từ năm 1972. Các mẫu giấy dó là sáng tạo độc đáo của ông Điều trong quá trình mày mò, nghiên cứu thay đổi hình thức. Hiện nay, theo yêu cầu của các cửa hàng lưu niệm ở Hà Nội, ông vẫn sản xuất những quyển sổ làm bằng giấy dó có in hình hoa, lá tự nhiên ở bên trong.
Trong buổi chiều muộn, cầm trên tay những tờ giấy dó làm chút “quà quê” của ông Điều gửi tặng, thầm cảm ơn người thợ già còn nặng tình với nghề truyền thống, nhưng chúng tôi vẫn không khỏi băn khoăn về vùng đất lưu giữ hồn giấy Việt. Không lẽ giấy dó đẹp là vậy, bền là vậy mà chỉ quanh quẩn với tranh Đông Hồ và một vài cuốn sổ mỏng làm kỷ niệm? Còn người dân nào ở Đống Cao sẽ tiếp tục theo nghề làm giấy dó truyền thống của ông cha? Và liệu có giải pháp nào để ngăn ngừa sự mai một của làng nghề truyền thống làm giấy dó Đống Cao đã từng làm nên một nét văn hóa của vùng quê Kinh Bắc này?
Bài và ảnh: Hà My – Nguồn: QĐND