ANTONIO TABUCCHI, nhà văn Ý, sinh tại Pise năm 1943, đã có trên 15 tác phẩm (có một cuốn viết bằng tiếng Bồ-đào-nha), gồm truyện ngắn, tiểu thuyết, nghiên cứu văn học…, còn là người phiên dịch Fernando Pessoa sang tiếng Ý. Hai (hay ba) cuốn phim đã được thực hiện dựa theo các tác phẩm của ông.

Minh họa: Tranh Picatso

Cách đây mấy năm Antonio Tabucchi từng được đề cử giải Nobel văn học. Mộng của mộng (1992) được đề tặng con gái ông là Teresa, gồm hai mươi “chuyện kể” mà đa số liên hệ tới các thi sĩ (9), một số tới các nhà văn (5), các họa sĩ (3) và cả một nhạc sĩ, một nhà phân tâm học và một… “phi hành gia”! Lối văn hài hước nhẹ nhàng thân ái của một người yêu mến các văn nhân, nghệ sĩ mình nói tới, đặc biệt khác với lối viết trong các “truyện ngắn” của chính tác giả.

Trong một “Ghi chú” ở đầu sách, Tabucchi viết: “Tôi thường ao ước được biết những giấc mộng của các nghệ sĩ mà tôi yêu. Thật không may, những người mà tôi nói tới trong tập sách này đã không để lại cho chúng ta những đoạn đường đêm hôm của đầu óc họ. Sự cám dỗ bù đắp lại điều ấy thật lớn, bằng cách kêu gọi tới văn chương để thay thế những gì đã mất. Tuy nhiên, tôi biết rằng những mẩu chuyện thay thế này, do một kẻ luyến tiếc những giấc mộng không được biết tới tưởng tượng ra, chỉ là những giả thiết nghèo nàn, những ảo tưởng mờ nhạt, những vật giả không có gì là chắc chắn. Ước chi chúng được đọc như thế và ước chi hồn thiêng của các nhân vật của tôi, lúc này đang mộng từ Phía Bên kia, hãy khoan dung độ lượng với kẻ đại diện tồi tàn cho đám hậu thế của họ

Tác giả

Tảng sáng ngày lễ Giáng sinh năm 1451, trong lúc ông còn chìm đắm trong giấc ngủ chót, Franỗois Villon[1], thi sĩ và kẻ gian phi, nằm mộng. Ông mộng thấy đó là một đêm trăng tròn và ông đang băng qua một cái truông hoang vắng. Ông dừng lại để ăn một mẩu bánh mà ông đã lôi ra từ trong bị và ngồi trên một tảng đá. Ông nhìn trời và cảm thấy một nỗi buồn phiền lớn. Rồi ông tiếp tục con đường của ông và tới một cái quán. Căn nhà âm u và lặng lẽ, có lẽ mọi người đang ngủ cả. Franỗois Villon gõ mãi vào cánh cửa, và bà vợ người chủ quán ra mở cửa cho ông.

Mi tìm gì vào giờ này hở, du đãng?, bà vợ người chủ quán soi đèn lên mặt Villon nói.

Tôi đi tìm thằng em tôi, Franỗois Villon đáp, lần cuối cùng người ta thấy nó là ở trong vùng này, và tôi muốn tìm lại nó.

Ông bước vào cái quán âm u, chỉ có một ngọn lửa yếu ớt soi rọi, và ông ngồi vào một bàn.

Bà cho tôi thịt cừu và rượu nho, ông gọi thức ăn, rồi ông ngồi chờ. Bà vợ người chủ quán đem lại cho ông một bát súp cải bắp và một bình rượu tần. Tối nay chỉ còn có thế, bà nói, chú mày khuây khỏa đỡ buồn, là vì bọn lính gác vơ vét trong vùng, chúng ăn hết thức ăn rồi.

Trong lúc Villon ăn uống, có một ông già bước vào, mặt phủ đầy những mảnh giẻ rách. Đó là một người cùi, và ông ta chống gậy. Villon nhìn ông ta không nói gì. Người cùi ngồi ở phía bên kia gian buồng, bên ngọn lửa, và bảo; ta nghe nói chú đi tìm em.

Bàn tay của Villon lẹ làng đưa về phía lưỡi dao găm, nhưng người cùi đã chặn ông lại bằng một điệu bộ. Ta không phải là về phe quân canh, ông ta nói, ta về phe gian đảng và ta có thể dẫn chú tới tận chỗ thằng em của chú. Ông ta chống gậy tiến lại gần cửa và Villon bước theo. Hai người bước ra ngoài trời đông lạnh lẽo. Đó là một đêm trong trẻo và tuyết ngoài đồng đã đông lại. Chung quanh họ trải rộng một vùng truông cằn cỗi, viền bóng đen của những ngọn đồi bao phủ rừng cây. Người cùi đi theo một lối mòn và tiến về phía những ngọn đồi một cách cực nhọc. Villon bước theo sau ông ta, trong lúc, để đề phòng, tay vẫn hờm sẵn trên lưỡi dao.

Khi con đường bắt đầu lên dốc, người cùi dừng lại và ngồi trên một tảng đá. Ông ta rút trong bị ra một cây ocarina[2], và bắt đầu thổi một điệu thương nhớ. Thỉnh thoảng, ông ta ngưng lại và hát vài đoạn của một bài ballade đạo tặc nói tới những vụ hãm hiếp và tới bọn gian phi, tới những cuộc trộm cắp và tới lính xen-đầm. Villon lắng nghe ông ta và rùng mình, là vì ông biết rằng bài ballade kia có liên hệ tới ông. Lúc đó, ông cảm thấy một nỗi sợ cấu xé ruột gan ông. Nhưng ông sợ nỗi gì? Ông không rõ, là vì ông, xen-đầm ông cũng chẳng sợ gì hơn là bóng tối và người cùi. Ông cảm thấy nỗi sợ này tựa như một thứ hối tiếc và một nỗi đau buốt.

Thế rồi người cùi đứng dậy, và Villon bước theo ông ta đi về phía rừng. Khi họ tới cái cây đầu tiên, Villon để ý thấy một người bị xử giảo đeo trên cành. Kẻ kia lưỡi lè ra, và trăng hắt một làn ánh sáng xanh mét lên thây ma. Đó là một người lạ mặt, Villon tiếp tục đi. Trên cái cây bên cạnh nữa, cũng có một kẻ bị xử giảo đeo trên cành, nhưng cũng lại là một kẻ lạ mặt. Villon nhìn chung quanh mình và thấy rằng khu rừng đầy những thây người đeo trên cây. Bình thản, ông nhìn họ, từng người một, trong lúc xê dịch giữa những bàn chân mà cơn gió nhẹ khiến đung đưa, cho đến khi ông tìm được người em ông. Ông tháo nó xuống bằng cách lấy dao găm cắt đứt sợi dây và ông đặt nó nằm dài trên cỏ. Cái thây ma đã cứng ngắc, vì chết và vì đông giá. Villon hôn lên trán nó. Và đúng lúc đó, cái thây ma của em ông lên tiếng. Cuộc đời ở đây đầy những con bướm trắng đang chờ anh, anh ạ, cái thây ma nói, và tất cả đều là những bóng ma.

Villon ngẩng đầu lên, ngơ ngác. Người bạn đường của ông đã biến mất, và từ khu rừng, như một bản hợp xướng lớn của tang lễ ca âm thầm, cất lên bài ballade mà người cùi đã hát.

Giấc mộng của Giacôm Leopardi[3],
thi sĩ và người “điên” vì trăng

Một đêm vào những ngày đầu tháng Chạp năm 1827, ở thành phố Pise xinh đẹp, (đường) via della Faggiola, ngủ giữa hai tấm nệm để phòng ngừa cái lạnh đang siết chặt lấy thành phố, Giacomo Leopardi, thi sĩ và người “điên” vì trăng, nằm mộng. Ông mộng thấy mình ở trên một sa mạc và ông là một người chăn chiên. Nhưng, thay vì có một đàn thú theo sau mình, ông lại ngồi thật thoải mái trong một cỗ xe bốn bánh có bốn con chiên trắng toát kéo, và bốn con chiên này là đàn thú của ông.

Sa mạc, và những ngọn đồi viền quanh, làm bằng một thứ cát bạc rất mịn, nó lấp lánh như ánh sáng đom đóm. Lúc ấy là ban đêm nhưng trời không lạnh, trái lại, ấy dường như lại là một đêm đẹp trời ngay sau mùa Xuân, khiến Leopardi cởi chiếc áo choàng không tay mà ông đang khoác trên người ra và vắt lên chỗ dựa cùi tay của cỗ xe.

Các em đưa tôi đi đâu đây, hỡi các chiên con yêu dấu?, ông hỏi.

Chúng em đưa anh đi dạo mát, bốn con chiên đáp, chúng em là lũ chiên nhỏ lang thang.

Nhưng nơi này là nơi nào?, Leopardi hỏi. Chúng ta đang ở đâu?

Anh sẽ khám phá ra trong chốc lát, mấy con chiên đáp, khi anh đã gặp người đang chờ anh.

Người đó là ai thế?, Leopardi hỏi, tôi rất muốn biết.

Ê, ê, lũ chiên đưa mắt nhìn nhau cười, chúng em không thể cho anh biết được, chuyện phải giữ bất ngờ.

Lúc ấy Leopardi thấy đói, có lẽ ông đã thèm ăn một tấm bánh ngọt; một tấm bánh ngon lành có hạt trái thông ăn được, ấy đúng là thứ mà ông đã thèm.

Tôi muốn ăn bánh ngọt, ông bảo, trong sa mạc này lại chẳng có một chỗ nào có thể mua bánh ngọt được sao?

Ngay sau ngọn đồi này, lũ chiên đáp, anh ráng chờ một chút.

Họ đã tới tận cùng sa mạc và đi vòng ngọn đồi, dưới chân đồi có một cửa tiệm. Ấy là một tiệm bánh ngọt xinh đẹp toàn bằng pha-lê, lóng lánh ánh bạc. Leopardi nhìn tủ kính bày hàng, do dự, không biết phải lựa thứ gì. Ở hàng đầu có những tấm bánh tạt đủ mọi màu và đủ mọi cỡ: tạt xanh lục có hạt pistache, tạt đỏ thắm với trái ‘frăm-boa’, tạt màu vàng với trái chanh, tạt màu hồng với trái dâu. Rồi lại có bánh hạnh nhân, với những hình thù ngộ nghĩnh và ngon lành: nắn theo hình trái pomme và trái cam, nắn theo hình trái anh-đào, hay theo hình thú vật. Sau cùng thì tới món “trứng gà chưng” (sabayons), có nhiều kem và dầy đặc, với một trái hạnh-đào ở bên trên. Leopardi gọi người làm bánh và mua ba tấm bánh: một cái bánh có nhân trái dâu, một cái bánh hạnh-nhân và một cái “trứng gà chưng”. Người làm bánh, một người nhỏ bé, với mái tóc một màu trắng sáng rực và đôi mắt xanh, đưa cho ông mấy chiếc bánh và tặng thêm một hộp sô-cô-la. Leopardi lại leo lên cỗ xe, và trong lúc mấy con chiên lại khởi sự lên đường, ông bắt đầu thưởng thức những món ngon mà ông đã mua. Con đường trước đó đã lên dốc, lúc này leo trên đồi. Và lạ lùng thay, vùng đất đó cũng sáng lên, nó trong mờ và phát ra một làn ánh sáng bạc. Mấy con chiên đã dừng lại trước một căn nhà nhỏ đang lấp lánh trong đêm. Leopardi hiểu rằng mình đã tới, bước xuống đất, ông cầm hộp sô-cô-la và bước vào trong nhà. Ở bên trong, một thiếu nữ ngồi trên một chiếc ghế dựa đang thêu trên chiếc vòng gỗ căng vải.

Bước tới đi, em đang chờ anh, người thiếu nữ nói. Nàng quay lại, mỉm cười với ông, và Leopardi nhận ra nàng. Ấy là Silvia. Có điều là lúc này, nàng toàn bằng bạc. Nàng có cùng những dáng vẻ bên ngoài như xưa, nhưng lúc này nàng toàn bằng bạc.

Silvia, Silvia yêu dấu, Leopardi cầm tay nàng mà nói, được gặp lại em thật là êm dịu biết bao, nhưng tại sao lúc này em lại toàn bằng bạc?

Là vì em là một cô gái có “nguyệt chất”, Silvia đáp, khi mình chết mình tới mặt trăng và trở thành như thế.

Nhưng tại sao cả anh nữa, anh cũng có ở đây, Leopardi hỏi, hay là anh cũng chết rồi chăng?

Kẻ đang ở đó không phải là anh, Silvia nói, ấy chỉ là hình ảnh của anh mà thôi, anh anh hãy còn ở trên trái đất.

Và từ đây ta có thể nhìn thấy trái đất không?, Leopardi hỏi.

Silvia dẫn ông lại một khung cửa sổ, nơi có một ống kính nhìn xa. Leopardi ghé mắt vào thấu kính và lập tức thấy một dinh thự. Ông nhận ra nó: ấy là dinh thự của ông. Một khung cửa sổ lúc ấy hãy còn đèn sáng, Leopardi nhìn vào bên trong và thấy cha ông, mặc áo ngủ, cái bình tiểu cầm tay, đi lại giường. Ông thấy nhói trong tim và xoay cái ống kính theo hướng khác. Ông thấy một cái tháp nghiêng mình trên một đồng cỏ lớn và, kế bên, một con đường quanh co với một tòa nhà nơi có một ánh sáng yếu ớt. Ông cố nhìn vào phía bên trong khung cửa sổ và thấy một căn buồng vừa phải, với một cái tủ ngăn và một cái bàn trên bàn có đặt một tập vở, cạnh nó là một mẩu nến đang lụn dần. Trên giường ông thấy chính ông, đang nằm ngủ giữa hai tấm nệm.

Anh chết rồi chăng?, ông hỏi Silvia.

Chưa, Silvia đáp, anh chỉ đang ngủ, và mộng tới trăng.

Giấc mộng của Arthur Rimbaud[4],
thi sĩ và kẻ phiêu lãng

Đêm hăm ba tháng Sáu năm 1891, ở bệnh viện Marseille, Arthur Rimbaud, thi sĩ và kẻ phiêu lãng, nằm mộng. Ông mộng thấy mình đang đi ngang qua vùng rừng núi Ardennes. Ông cắp ống chân đã bị cắt của mình và chống nạng. Ống chân bị cắt gói trong một tờ giấy nhật trình trên đó có in một trong những bài thơ của ông, bằng chữ to.

Lúc đó gần nửa đêm, và ấy là một đêm trăng tròn. Các đồng cỏ ánh bạc, Arthur ca hát. Ông đã tới vùng lân cận một khu nhà của các nông dân mà một khung cửa sổ còn đèn sáng. Ông nằm dài trên đồng cỏ, dưới một cây hạnh đào thật lớn, và tiếp tục hát. Ông hát một bài hát cách mạng và phiêu lãng nói tới một người đàn bà và một khẩu súng. Được một lúc cánh cửa mở, một người đàn bà bước ra và tiến tới. Ấy là một thiếu phụ, nàng để tóc xõa. Nếu anh muốn một khẩu súng như bài hát của anh đòi hỏi, tôi có thể cho anh khẩu súng ấy, người đàn bà nói, tôi có một khẩu ở vựa thóc.

Rimbaud kẹp chặt ống chân đã bị cắt vào mình và cất tiếng cười. Ta sắp đi gia nhập công xã Paris, ông nói, và ta cần một khẩu súng.

Người đàn bà dẫn ông tới mãi vựa thóc. Ấy là một kiến trúc có hai tầng. Tầng dưới đất có đám chiên con, và tầng trên, có thể leo lên được bằng một chiếc thang, là vựa thóc. Ta không thể leo lên trên ấy, Rimbaud nói, ta sẽ đợi nàng ở đây, giữa đám chiên. Ông nằm trên lớp rơm và cởi quần ra. Khi người đàn bà trở xuống, nàng thấy ông đã sẵn sàng làm tình. Nếu anh muốn một người đàn bà như bài hát của anh đòi hỏi, người đàn bà nói, tôi có thể cho anh người đàn bà ấy. Rimbaud ôm hôn nàng và hỏi: người đàn bà ấy, nàng tên gì? Nàng tên là Aurelia, người đàn bà đáp, là vì ấy là một người đàn bà trong mộng. Và nàng trút bỏ áo quần.

Họ yêu nhau giữa đám chiên, và Rimbaud để ống chân đã bị cắt kế bên ông. Khi họ đã yêu nhau, người đàn bà nói: anh hãy ở lại. Tôi không thể, Rimbaud đáp, tôi phải lên đường, em hãy ra ngoài với tôi, để xem bình minh rạng. Khi họ bước ra sân, trời đã sáng. Em, em không nghe thấy những tiếng kêu ấy, Rimbaud nói, nhưng tôi, tôi nghe, chúng từ Paris đến và chúng kêu gọi tôi, ấy là tự do, ấy là tiếng gọi từ chốn xa.

Người đàn bà hãy còn loã lồ dưới cây quýt. Tôi để lại cho em ống chân tôi, Rimbaud nói, em hãy chăm sóc nó.

Rồi ông tiến ra đường cái. Lạ lùng thay, lúc này ông không còn khập khễnh. Ông bước đi như có hai chân. Con đường vang vang dưới đôi dép gỗ của ông. Bình minh đỏ rực ở chân trời. Còn ông, ông ca hát, và ông hạnh phúc.

Giấc mộng của Fernando Pessoa[5],
thi sĩ và người giả bộ

Đêm ngày bảy tháng Ba năm 1914, Fernando Pessoa, thi sĩ và người giả bộ, mộng thấy mình thức dậy. Ông uống một chén cà-phê trong căn buồng ông thuê, cạo râu và ăn vận một cách thanh lịch. Ông khoác chiếc áo mưa, vì bên ngoài trời mưa. Khi ông ra khỏi nhà là vào lúc tám giờ kém hai mươi, và tám giờ đúng ông đã có mặt ở nhà ga, trên nấc thang của con tầu suốt chạy đường Santarém. Tầu khởi hành hoàn toàn đúng giờ, vào tám giờ năm phút. Fernando Pessoa ngồi trong một toa xe nơi đã có một người đàn bà trạc ngũ tuần ngồi, và đang đọc sách. Người đàn bà này là mẹ ông nhưng lại không phải là mẹ ông, và bà đang chăm chú đọc sách. Cả Fernando Pessoa nữa cũng bắt đầu đọc. Hôm đó, ông phải đọc hai lá thư gửi cho ông từ Nam Phi, hai lá thư nói với ông về một thủa nhỏ xa xôi.

Ta tựa như cỏ, và người ta đã không nhổ ta lên[6], người đàn bà trạc ngũ tuần chợt nói vào một lúc nọ. Câu nói đó thật vừa ý Fernando Pessoa, ông ghi vào một cuốn sổ tay. Trong thời gian ấy, trước mặt họ, trải dài quang cảnh của vùng Ribatejo, với những ruộng lúa và đồng cỏ.

Khi họ tới Santarém, Fernando Pessoa thuê một chiếc xe ngựa. Ông có biết một ngôi nhà cách biệt, quét vôi trắng ở đâu không?, ông hỏi người đánh xe. Người đánh xe là một người thấp bé hơi mập, cái mũi đỏ vì rượu. Biết chứ, ông ta đáp, ấy là nhà của ông Caeiro, tôi biết rõ ngôi nhà ấy. Và ông ta quất roi ngựa. Con ngựa bắt đầu chạy nước kiệu nhỏ trên con đường chính hai bên viền cây cọ. Ngoài đồng, người ta thấy những túp chòi bằng tranh, đôi khi có một người Đen đứng trên ngưỡng cửa.

Kìa chúng ta đang ở đâu thế? Pessoa hỏi người đánh xe, ông đưa tôi đi đâu?

Chúng ta đang ở Nam Phi, người đánh xe đáp, và tôi đang đưa ông tới nhà Ông Caeiro.

Pessoa cảm thấy yên tâm, ông ngả người trên lưng ghế. A, thế là Nam Phi đấy, đúng như điều ông muốn. Ông bắt tréo hai ống chân, mãn nguyện và nhìn thấy đôi mắt cá chân để trần của mình, trong đôi ống quần thủy thủ. Ông hiểu ra mình là một đứa trẻ và điều đó khiến ông vui lắm. Là một đứa trẻ đi du lịch qua đất Nam Phi thật là tuyệt. Ông lấy một gói thuốc điếu ra và khoan khoái đốt một điếu thuốc. Ông cũng đưa mời người đánh xe một điếu, người này vội vã nhận.

Hoàng hôn rơi xuống khi lọt vào tầm mắt họ một ngôi nhà trắng nằm trên một ngọn đồi lấm chấm điểm những cây trắc-bá. Ấy là một ngôi nhà tiêu biểu của vùng Ribatejo, dài và thấp, có mái nhọn lợp ngói đỏ. Chiếc xe ngựa chạy vào con đường trắc-bá, sỏi đá lạo xạo dưới bánh xe, một con chó sủa nơi đồng quê.

Trước cửa ngôi nhà có một bà già nhỏ nhắn đeo mục kỉnh và đội cái nón vải trùm đầu một màu trắng sáng rực. Pessoa nhận ra ngay đây là người bà-cô của Alberto Caeiro và, nhón chân lên, ông hôn bà trên hai má.

Đừng làm thằng Alberto của ta mỏi mệt quá, bà cụ già nhỏ nhắn nói, sức khoẻ nó thật yếu kém.

Bà cụ tránh ra và Pessoa bước vào trong nhà. Ấy là một gian buồng rộng lớn, đồ đạc bày biện đơn sơ. Có một ống khói lò sưởi, một tủ sách nhỏ, một cái trạn đầy đĩa, một cái trường kỷ và hai chiếc ghế bành. Alberto Caeiro ngồi trên một chiếc ghế bành và ngả đầu về phía sau. Ấy là ông Headmaster Nicolas, giáo sư của ông ở High School.

Tôi không được biết Caeiro lại chính là ông, Fernando Pessoa nói, và ông hơi cúi đầu chào. Alberto Caeiro ra một dấu hiệu mỏi mệt mời ông lại gần. Bước tới đi, Pessoa thân mến, ông nói, tôi đã cho vời anh tới đây là vì tôi muốn rằng anh biết sự thật.

Đúng lúc này, người bà-cô đem tới một cái khay trên có nước trà và những miếng bánh ngọt nho nhỏ. Caeiro và Pessoa tự lấy các thức và mỗi người cầm một tách nước. Pessoa nhớ lại là không nên đưa ngón út lên, là vì làm như thế không được thanh lịch. Ông sắp xếp ngay ngắn cái cổ bộ đồ thủy thủ rồi đốt một điếu thuốc. Ông là thày tôi, Pessoa nói.

Caeiro thở dài, rồi ông mỉm cười. Ấy là một câu chuyện dài, ông nói, nhưng tôi có giải thích dài rộng cho anh chuyện đó cũng vô ích, anh thông minh và sẽ hiểu dù cho tôi có bỏ cách nhiều đoạn. Hãy chỉ cần biết một điều, ấy là tôi, tôi chính là anh.

Xin ông hãy giãi bày rõ hơn, Pessoa nói.

Tôi là cái phần thâm sâu nhất của anh, Caeiro nói, cái phần tăm tối của anh. Chính bởi thế mà tôi là thày anh.

Một tháp chuông, trong khu làng lân cận, điểm giờ.

Còn tôi, tôi phải làm gì?, Pessoa hỏi.

Anh, anh phải theo tiếng nói của tôi, Caeiro nói, anh sẽ nghe tiếng tôi trong khi thức và trong giấc ngủ, đôi khi tôi khuấy rầy anh, khi khác anh lại không muốn nghe thấy tôi. Nhưng anh sẽ phải lắng nghe tôi, anh sẽ phải có can đảm lắng nghe tiếng nói này, nếu anh muốn trở thành một nhà thơ lớn.

Tôi sẽ y lời, Pessoa nói, tôi xin hứa.

Ông đứng dậy và cáo biệt. Chiếc xe ngựa chờ ông ở trước cửa. Lúc này, ông lại trở thành người lớn, và hàng râu mép của ông lại đã mọc ra. Ông muốn tôi đưa ông đi đâu đây?, người đánh xe hỏi.

Hãy đưa tôi về chốn tận cùng của mộng, Pessoa nói, hôm nay chính là ngày toàn thắng của đời tôi.

Ấy là ngày tám tháng Ba, và một ánh sáng rụt rè chiếu xuyên qua cửa sổ của Pessoa.

Giấc mộng của Federico García Lorca[7],
thi sĩ và người chống phát-xít

Một đêm tháng Tám năm 1936, trong ngôi nhà của ông ở Grenada, Federico García Lorca, thi sĩ và người chống phát-xít, nằm mộng. Ông mộng thấy mình ở trên sân khấu của gánh hát rong nhỏ bé của ông và, trong lúc đệm dương cầm, ông hát những bài hát của người gi-tan. Ông khoác một chiếc áo lễ đen đuôi cá thu, nhưng trên đầu lại mang một chiếc nón andalou rộng vành. Công chúng gồm những bà già mặc hàng đen, vai phủ tấm khăn ren, đang say sưa lắng nghe ông. Một tiếng nói, từ trong phòng, yêu cầu ông một bài hát, và Federico García Lorca bắt đầu trình diễn. Ấy là một bài hát nói về những cuộc quyết đấu và về những đồn điền trồng cam, về những đam mê và về cái chết. Khi ông hát xong Federico García Lorca đứng dậy và chào công chúng. Tấm màn buông xuống, và chỉ tới lúc đó ông mới nhận ra là đằng sau cây đàn dương cầm không có hậu trường, và sân khấu mở ra một vùng đồng quê hoang vắng. Lúc đó là ban đêm, trăng sáng. Federico García Lorca nhìn qua giữa những vạt màn và thấy là sân khấu đã trống rỗng như bị phù phép, gian phòng hoàn toàn vắng vẻ, đèn sáng giảm dần cường độ. Đúng lúc đó ông nghe một tiếng kêu rên và, đằng sau ông, ông nhận ra một con chó mực nho nhỏ dường như đang chờ ông. Federico García Lorca cảm thấy là ông phải đi theo nó và bước một bước. Con chó, như gặp một dấu hiệu đã hẹn trước, bắt đầu lon ton chầm chậm, mở đường. Này mực con, mày đưa ta đi đâu thế?, Federico García Lorca hỏi. Con chó kêu rên thảm thiết và Federico García Lorca cảm thấy rùng mình. Ông quay lại, nhìn về phía sau, và thấy những tấm vách ngăn bằng vải bố và bằng cây của sân khấu đã biến mất. Còn lại là một khoảng sân khấu vắng vẻ dưới ánh trăng, trong lúc cây đàn dương cầm, như thể có những ngón tay vô hình lướt qua, vẫn tiếp tục đàn một mình một giai điệu xưa. Đồng quê bị một bức tường cắt ngang: một bức tường trắng dài và vô dụng, ở bên kia nó lại thấy một vùng đồng quê khác. Con chó đã dừng lại, và lại rên rỉ, cả Federico García Lorca nữa cũng dừng bước. Chính là vào lúc đó, từ sau bức tường tuốn ra những người lính cười cợt vây quanh ông. Họ mặc đồ nâu, và đội những chiếc nón có ba chóp. Một tay họ cầm súng, và tay kia một chai rượu. Thủ lãnh bọn họ là một người lùn quái gở, đầu y nổi đầy những cục u. Mi là một tên phản bội, người lùn nói, và chúng ta là những kẻ hành hình mi. Federico García Lorca nhổ vào mặt y trong lúc bọn lính giữ chặt ông lại. Người lùn bật ra một tiếng cười tục tằn và thét lính lột quần ông. Mi là một con đàn bà, y nói, mà đàn bà thì không được mặc quần, đàn bà thì phải nhốt lại nơi buồng kín trong nhà và che đầu bằng khăn ren. Theo một cử chỉ của người lùn, bọn lính cột ông lại, lột quần ông và phủ lên đầu ông một tấm khăn choàng. Này mụ đàn bà gớm ghiếc mặc giả đàn ông kia, người lùn nói, đã tới giờ mi cầu xin Đức thánh nữ đồng trinh. Federico García Lorca nhổ vào mặt y và người lùn cười cợt chùi chùi. Rồi y rút trong túi ra một khẩu súng sáu và nhét nòng súng vào miệng ông. Người ta nghe điệu đàn dương cầm êm ái băng ngang đồng quê. Con chó rên rỉ. Federico García Lorca chợt nghe một tiếng nện mạnh và choàng dậy trên giường. Người ta đang đập cửa nhà ông ở Grenada bằng những báng súng.

Nguồn: Tạp chí Thơ (Trích Mộng của mộng)-Diễm Châu dịch


[1] Franỗois Villon. Ông sinh năm 1431 và ngày mất của ông không được chắc chắn. Ông tên là Franỗois de Montcorbier, và lấy tên người giám hộ đã thay thế cha ông. Ông là một người có cuộc sống phóng đãng và hiếu động, đã giết một vị cố đạo trong một cuộc ẩu đả, tham dự những vụ trộm cướp, từng bị kết án tử hình, án này kế đó đổi thành lưu đày. Trong những bài ballades của ông, ông tán dương đặc ngữ của những kẻ gian phi mà ông giao du; và với tác phẩm Le Grand Testament (Chúc thư lớn), ông ca ngợi tình yêu và nói tới cái chết, sự căm thù, sự nghèo khó, đói khát, hoang đàng lỗi phạm và hối tiếc. (Chú thích của Antonio Tabucchi trong “Những người nằm mộng trong sách này”)

[2] ocarina: thứ kèn bầu nho nhỏ, có mười lỗ (một thứ sáo)… (ND.)

[3] Giacomo Leopardi. Recanati, 1798 – Naples, 1837. Ông sinh trong một gia đình quý phái, rất ham nghiên cứu các khoa học, triết lý và các ngôn ngữ cổ điển trong thư viện của cha ông, lớn lên thật bất hạnh trong thân xác và đầu óc. Ông lấy làm ghê rợn cái ngục tù tỉnh lẻ nơi ông đã được nuôi dậy, ông gớm ghét tính nhỏ nhen và sự đê tiện, ông yêu mến nghệ thuật, khoa học, tư tưởng sáng suốt, cái nhiệt tình công dân. Ông là một nhà ngữ ngôn học đáng kể, một triết gia cay đắng và một nhà thơ rất lớn. Ông ngợi ca tình yêu, thời gian bỏ trốn, nỗi bất hạnh của con người, cõi vô tận và trăng. (Chú thích của tác giả)

[4] Arthur Rimbaud. Charleville, 1845 – Marseille, 1891. Sinh trong một gia đình áp chế, ngu tín và thủ cựu, ông bỏ trốn tới Paris vào năm ông mười sáu tuổi để tham gia Công xã, và ông đã khởi sự một cuộc đời âu lo và phóng đãng, gồm bằng những cuộc lang bạt và phiêu lưu mạo hiểm. Ông băng qua nền trời thi ca Pháp như một tinh thạch, để lại những vần thơ như có linh thị và đượm một nét tự tình huyền bí. Ông yêu thi sĩ Paul Verlaine, người mà ông đã gây thương tích bằng một phát súng lục trong một cuộc cãi vã. Ông từng biết tới hổ nhục và bệnh viện. Ông đã lang thang qua khắp Âu châu theo một gánh xiếc. Sau khi từ bỏ thơ, ông trở thành kẻ buôn lậu ở Abyssinie. Ông trở về Pháp vì một mụt nhọt ở một đầu gối, bị cắt cụt chân và mất tại bệnh viện Marseille. (Chú thích của tác giả)

[5] Fernando Pessoa. Sinh và mất tại Lisboa, 1888-1935. Ông mồ côi cha từ nhỏ, và đã được giáo dục tại Nam Phi, nơi dượng ghẻ ông làm lãnh sự của Bồ-đào-nha. Ông luôn luôn ý thức mình là một kẻ có thiên tài và cảm thấy lo sợ trở thành điên như bà nội ông. Ông biết mình là nhiều người, và ông chấp nhận sự việc này trong việc viết lách và đời sống, dành tiếng nói cho nhiều thi sĩ khác nhau, những “dị danh” của ông, mà người thày là Alberto Caeiro, một người có sức khỏe yếu kém, sống với một bà-cô đã già trong một ngôi nhà ở đồng quê vùng Ribatejo. Ông sống cuộc đời làm công cho những xí nghiệp xuất-nhập cảng, phiên dịch thư từ thương mại. Thường hơn cả, ông ngụ nơi những buồng trọ tầm thường. Ông chỉ có một mối tình trong đời, một mối tình ngắn ngủi và nồng nhiệt, với Ophélia Queiroz, người làm thư ký đánh máy ở một trong những xí nghiệp nơi ông làm việc. “Ngày toàn thắng” của đời ông là ngày tám tháng Ba 1914, khi các thi sĩ cư ngụ nơi ông bắt đầu viết qua bàn tay trung gian của ông. (Chú thích của tác giả)

[6] Câu này có thể tìm thấy lại dưới một dạng tương tự trong bài sau đây của álvaro de Campos (một “dị danh” của Fernando Pessoa):

(Ghi trong một cuốn sách bị bỏ lại khi đi xa)

Tôi từ vùng phụ cận Beja tới.

Tôi đi vào trung tâm Lisboa.

Tôi không mang theo gì hết và sẽ chẳng tìm ra gì hết.

Tôi đã mỏi mệt từ trước về những gì mình sẽ không tìm ra,

Và nỗi nhớ mà tôi cảm thấy không thuộc về dĩ vãng cũng chẳng thuộc về tương lai.

Tôi để lại nơi cuốn sách này dự tính đã tiêu tan của mình dưới dạng có thể đọc được:

Tôi tựa như cây cỏ, và người ta đã không nhổ lên.

(Chú thích của người dịch)

[7] Federico García Lorca. Sinh trong tỉnh Grenada năm 1898, ông đã theo học ở Madrid và là bạn của các nghệ sĩ chính yếu của thế hệ ông. Ông là thi sĩ, nhưng cũng là nhạc sĩ, họa sĩ và kịch tác gia. Năm 1932, chính phủ cộng hòa Tây-ban-nha giao cho ông trách vụ tạo dựng một nhóm sân khấu giúp cho dân chúng làm quen với các tác phẩm cổ điển. Chính bởi thế mà “La Barraca”, một thứ sân khấu lưu động, đã ra đời. Với gánh hát này García Lorca đã đi khắp nước Tây-ban-nha. Năm 1936, ông lập hội các nhà trí thức chống phát-xít. Trong tác phẩm Cante jondo và trong hầu hết thi ca của ông, ông đã tán dương các truyền thống của người gi-tan ở Andalusia, những ca khúc của họ và các đam mê của họ. Ông bị lính xen-đầm của phe Franco sát hại gần Grenada vào năm 1936. (Chú thích của tác giả)

(Đăng lại từ Vanvn.net)