200 bức ảnh được nhiếp ảnh gia Jean-Marie Duchange (người Pháp) chụp vào những năm 1952-53 đang trưng bày tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đã tái hiện Tây Nguyên với văn hóa và con người ở vùng đất này thật sống động.
Bộ ảnh được ông Jean-Marie Duchange thực hiện bằng máy Rolleiflex và Samplex chụp phim âm bản khổ 6×6. 34 bức trong triển lãm này được phóng theo kỹ thuật tái hiện hình ảnh của các phim âm bản gốc của bộ sưu tập, in tại Pháp trên chất liệu trong suốt, cho phép chiêm ngưỡng hình ảnh từ 2 mặt.
Toàn bộ 200 bức ảnh được xếp đặt thành một bức khảm, đồng thời được dựng thành một video clip, tạo điều kiện cho công chúng thưởng ngoạn bộ sưu tập dưới nhiều hình thức. Đó là hình ảnh các cụ già, thiếu nhi, thanh niên, thiếu nữ… trong trang phục hết sức độc đáo ở Tây Nguyên giữa thế kỷ XX, mà nay hầu như không còn tồn tại. Bên cạnh đó, phương thức vận chuyển bằng voi, các hoạt động thường ngày (làm rẫy, giã gạo, dệt vải, cán bông…), hoạt động nghi lễ (tang, đâm trâu, cầu mùa…) và nhất là các kiến trúc tạo nên bản sắc Tây Nguyên (nhà dài, nhà rông, kho thóc, nhà mồ…) cũng được tác giả ghi hình một cách tỉ mỉ.
Tác giả cùng vợ con
Chiếc máy ảnh Rolleiflex cũng có mặt trong phòng trưng bày. Một “buồng tối” (camera obscura) – tiền thân của máy ảnh ngày nay – được tái dựng ở trung tâm phòng trưng bày, tạo cơ hội cho công chúng những khám phá thú vị về kỹ nghệ hình ảnh.
Ông Jean-Marie Duchange sinh năm 1919 ở Saint Nazaire. “Tôi không phải nhà dân tộc học, cũng không phải nhiếp ảnh gia… nhưng tôi đã dấn thân. Tôi mang từ Pháp sang các tài liệu, chậu rửa ảnh, máy phóng, các thiết bị cho công việc này… Sau 4 năm trong quân đội, tôi rời quân ngũ và làm việc 3 năm ở Vụ Y tế công cộng khu vực miền núi Nam Đông Dương. Trong 3 năm đó, tôi đã đi gần khắp 5 tỉnh Tây Nguyên…” – đó la những lời Jean-Marie Duchange mở đầu cuốn sách ảnh dự định xuất bản khi ông ở tuổi 88.
Tượng nhà mồ hình lính Pháp
Ông qua đời, dự định in ấn cũng dừng. Con gái và cháu ngoại ông – bà Esvelyne Duchange và bà Nadège Bourgoin – đã quyết định cứu vớt những tác phẩm ảnh của ông bằng cách tặng các phim âm bản cho Bảo tàng Quai Branly (Pháp) và Bảo tàng Dân tộc VN. Đây là nhân chứng quý giá về nhiều tộc người ở Tây Nguyên những năm 50 của thế kỷ trước.
Cuộc trưng bày này la cách tưởng nhơ tác giả va đáp lại sư hảo tâm của gia đình ông. Dự kiến, sau trưng bày tại Bảo tàng Dân tộc học VN, bô ảnh se được giới thiệu tại Tây Nguyên – “quê hương” của các tác phẩm này – vào cuối năm nay.
Diễm Anh
Nguồn: Lao động