Quá khứ chân thành là nền tảng quan trọng đối với mỗi con người, nhất là người cầm bút. Các nhà văn bước ra từ chiến tranh cứu nước thường tâm sự rằng họ cảm thấy còn mắc nợ với quá khứ đau thương. Một món nợ văn chương luôn dằn vặt, canh cánh cần phải trả. Món nợ với từng người dân, từng cánh rừng, từng căn hầm che chở đùm bọc mình. Món nợ với những đồng đội và cả những đồng nghiệp đã ngã xuống để có được không khí yên bình hôm nay.

Nền văn học Việt Nam thế kỷ XX không thể nào quên những nhà văn đã dấn thân trên chiến trường và cả thâm nhập thực tế để có tư liệu sống động cho trang viết. Tay súng tay bút, chịu đựng gian khổ hiểm nguy như một người lính, nhiều nhà văn còn hy sinh mạng sống của mình như Trần Mai Ninh, Nam Cao, Hoàng Lộc, Dương Tử Giang, Nguyễn Thi, Nguyễn Mỹ, Lê Anh Xuân, Lê Vĩnh Hòa, Dương Thị Xuân Quý, Chu Cẩm Phong… Di sản tinh thần họ để lại thực sự là những trang viết bằng máu có giá trị vượt thời gian, trở thành những tác phẩm in đậm dấu ấn lịch sử một thời oanh liệt và bi tráng của dân tộc.

Ý thức được món nợ văn chương, nhiều nhà văn may mắn thoát khỏi mưa bom bão đạn trở về đã không ngừng làm việc để “trả nợ”. Hàng ngàn tác phẩm viết về chiến tranh trong hơn 40 năm qua đã minh chứng điều đó. Càng về sau này càng có nhiều tác phẩm giá trị viết về chiến tranh của chính người trong cuộc đã ra đời, nhất là tiểu thuyết. Nếu như trước và những năm ngay sau 1975 có những tiểu thuyết tiêu biểu như Đất lửa của Nguyễn Quang Sáng, Hòn Đất của Anh Đức, Dấu chân người lính và Miền cháy của Nguyễn Minh Châu, Trong cơn gió lốc của Khuất Quang Thụy, Chim én bay của Nguyễn Trí Huân, Đất trắng của Nguyễn Trọng Oánh, Đất miền Đông của Nam Hà, Nắng đồng bằng của Chu Lai, Thung lũng thử thách của Thái Bá Lợi… thì về sau có Thời xa vắng của Lê Lựu, Ăn mày dĩ vãng của Chu Lai, Một ngày và một đời của Lê Văn Thảo, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Bến không chồng của Dương Hướng, Vùng lõm của Nguyễn Quang Hà, Khúc chuông chùa của Thanh Giang, Rừng thiêng nước trong của Trần Văn Tuấn, Lạc rừng của Trung Trung Đỉnh, Đối chiến của Khuất Quang Thụy, Cánh đồng lưu lạc của Hoàng Đình Quang… và đặc biệt là hàng loạt tiểu thuyết của Văn Lê như Nếu anh còn được sống, Cao hơn bầu trời, Mùa hè giá buốt, Phượng hoàng, trong đó Mùa hè giá buốt được đánh giá là tác phẩm viết về sự kiện xuân Mậu Thân 1968 hay nhất từ trước đến nay.

Độ lùi thời gian, tay nghề tới độ chín và hoàn cảnh lịch sử mới mẻ thông thoáng đã giúp các nhà văn từng tham gia kháng chiến cứu nước có đủ điều kiện suy ngẫm, chắt lọc, liên tưởng và tái dựng khách quan về chiến tranh, dù là thể hiện sự bi kịch hay tráng ca. Không chỉ mạnh về số lượng mà tiểu thuyết về chiến tranh càng về sau càng nâng cao về chất lượng, đi sâu vào nội tâm nhân vật, tâm lý xã hội và bản chất sự kiện, chứ không chỉ phản ánh hiện thực đơn giản một chiều như trước. Tất nhiên, chúng ta không thể quên tiểu thuyết về chiến tranh của những nhà văn không tham dự cuộc chiến, nhất là các nhà văn trẻ trưởng thành sau ngày đất nước thống nhất, nhưng những tác giả bước ra từ cuộc chiến vẫn có thế mạnh riêng, thế đứng riêng, đặc biệt là sự trải nghiệm khốc liệt sinh tử và cả nỗi niềm canh cánh về món nợ ân tình lớn phải trả.



Bìa tiểu thuyết Được sống và kể lại của Trần Luân Tín

Chính vì món nợ ấy mà gần đây chúng ta lại được đọc Được sống và kể lại của Trần Luân Tín. Tiểu thuyết mang tính tự truyện này được Hội Nhà văn TPHCM trao giải thưởng năm 2010 và vừa được tái bản cùng bộ sách giải thưởng gồm 5 tác phẩm của hội nhiệm kỳ qua (2010-2015). Trần Luân Tín là người gốc Phú Yên, năm 1972 khi đang là sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội thì ông nhập ngũ vào chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị trong lực lượng bộ đội thông tin ở thời điểm ác liệt nhất của cuộc chiến. Là nhà điêu khắc yêu văn chương, không dự định trở thành nhà văn, nhưng vì món nợ với đồng đội mà Trần Luân Tín đã âm thầm cầm bút. Ông không viết hồi ký, mà chỉ muốn viết những gì trung thực nhất để trải lòng mình, chia sẻ với gia đình và bạn bè thân thiết. Vì vậy, lần in đầu tiên sách không đề thể loại gì, đến lần tái bản này ông mới đề “tiểu thuyết tự truyện”. Khởi đầu bằng kỷ niệm từ một chuyến đi Mỹ gặp lại đồng đội và cả những người từng là kẻ thù, Trần Luân Tín quay về quá khứ, gây ngạc nhiên xúc động người đọc bằng thiên truyện đầy ắp chi tiết và sự kiện mà nếu như không ở trong cuộc thì dù tài năng đến đâu cũng khó tái hiện. Con đường ra trận và chiến đấu của tác giả và đồng đội trong Được sống và kể lại cũng là con đường của bao chàng thanh niên, sinh viên hồn nhiên măng tơ khác từ miền Bắc đã lên đường vào chiến trường miền Nam, với bao gian khổ, hy sinh vì giấc mơ hòa bình, thống nhất Tổ quốc.

Khi may mắn được sống phải nhớ đến người đã ngã xuống. Khi hưởng thụ không khí bình yên phải nhớ đến những năm tháng “sông máu núi xương đại dương nước mắt” mà đất nước này từng phải gánh chịu. Món nợ văn chương mà Trần Luân Tín và những cây bút tham gia chiến tranh, cả phía bên này lẫn phía bên kia, đã và đang phải trả cho quá khứ cũng là món nợ lịch sử khách quan và chân thành đối với mọi thế hệ cầm bút để có được những tác phẩm văn học mang tầm cao nhân văn và tinh thần hòa giải, bác ái của dân tộc.
Theo Phan Hoàng – Sài Gòn giải phóng
Exit mobile version