Di Li 

Suốt những năm tháng rất dài, món ăn yêu thích nhất của tôi luôn là bánh caramen. Mẹ tôi có thể làm loại bánh này. Nếu không thế, những năm đầu thập niên 1980 cũng khó tìm thấy một cửa hàng bán thứ đồ dessert ngon và sang trọng nhường ấy. Mẹ biết làm nhiều món ăn độc đáo vì thời Pháp, bà ngoại tôi có một cửa hàng ăn và ông ngoại là người nếu không sành ăn nhất thì cũng nhì, không nhì thì… cũng ba ở đất Hà thành. Vì thế món bánh caramen có tính gia truyền, làm nó khá là cầu kỳ, nhưng nguyên liệu thì đơn giản, chỉ cần sữa đặc, trứng gà và đường kính. Có vậy thôi nhưng chẳng mấy khi tôi được ăn caramen. Chúng tôi luôn luôn không đủ nguyên liệu.

Minh họa của Choai

 

Một sáng nọ, mẹ bảo tôi.

– Hôm nay mẹ làm bánh caramen.

Cả ngày hôm ấy lòng tôi dậy lên một niềm vui âm ỉ. Từ sáng đến chiều nước miếng ứa ra liên tục trong miệng tôi. Vui chán rồi lại đâm lo. Nhỡ đâu chiều nay nhà tôi có khách. Họ sẽ đến đúng lúc mẹ đang làm bánh caramen và chúng tôi không thể không đem bánh ra đãi họ. Rồi ai thì cũng thích caramen cả. Họ cho rằng trẻ con 5 tuổi chẳng nên ăn nhiều đồ ngọt. Họ sẽ ăn hết bánh của tôi mất.

Sau bữa cơm trưa, mẹ bắt đầu túc tắc chuẩn bị nguyên liệu. Chúng tôi có một quả trứng gà, một ít sữa đặc ông Thọ dính ở đáy hộp. Vậy là đủ để làm bánh. Đầu tiên mẹ sẽ hớt lòng đỏ, đánh tan thật bông lên như kem. Sau đó pha nước sôi với sữa. Mẹ chưng nước hàng đổ xuống đáy nắp phích, rồi sau rốt trộn kem trứng với sữa đổ lên trên. Cái nắp phích ấy sau khi hấp cách thủy sẽ thành món bánh caramen có khuôn hình tròn. Bánh được đặt trong tủ lạnh vài giờ rồi đổ ra đĩa một cách dễ dàng. Giờ sẽ là chiếc bánh thơm ngậy vị sữa, thơm bùi vị trứng gà và thơm lựng vị đường trưng hơi đắng. Nó còn có hai tầng màu vàng và nâu sẫm rất đẹp mắt. Ngắm mãi thì thật thèm mà ăn thì thật tiếc. Nhà không có tủ lạnh nên tôi không được ăn bánh caramen ướp lạnh bao giờ, nhưng cho dù có tủ lạnh thì tôi cũng khó lòng mà đợi được đến lúc ấy. Tôi luôn ăn caramen nóng hôi hổi, vừa ăn vừa thổi phù phù. Mẹ bảo chỗ nguyên liệu này chỉ đủ làm hai chiếc caramen nhỏ, nhưng mẹ sẽ nhường cho tôi cả hai.

Mẹ bắt đầu đánh tan kem trứng rồi đổ tất cả vào lon sữa bò, lại đánh tiếp cho trứng sữa quyện với nhau thật kỹ. Xem mẹ làm bánh cũng đem lại niềm vui sướng có lẽ chỉ kém lúc ăn bánh một chút thôi. Tôi nhảy chân sáo xung quanh mặc cho mẹ phàn nàn rằng tôi nên ngồi yên một chỗ, rồi sẽ nhanh có bánh, đi đi lại lại thế mẹ sốt ruột lắm.

Trộn trứng sữa xong, mẹ để lon sữa bò sang một bên để pha đường chưng. Thế là xong một nửa công đoạn rồi. Giờ chỉ còn đổ bánh vào hấp cách thủy nữa thôi. Tôi vẫn lượn như đèn cù, miệng lặp đi lặp lại một câu duy nhất.

– Bánh sắp được chưa hả mẹ? Bánh sắp được chưa hả mẹ?

Bạn đã bao giờ nghe nhắc đến từ “Bước chân định mệnh” chưa? Những bước chân định mệnh luôn xuất hiện đúng vào lúc khó ngờ nhất, ngay cả khi chúng ta chẳng hề mong chờ nó. Trong lúc phấn khích vì bị dạ dày kích động, cái cẳng chân quen thuộc của tôi đã sút trúng vào lon sữa bò khiến nó đổ lăn kềnh. Trứng sữa thi nhau nối đuôi bò ra giữa sàn theo hình dáng một vũng nước. Tôi đứng khựng lại như tức thì bị hóa đá. Mẹ phát vào mông tôi rõ đau và mắng vài câu gì đó mà tôi không thể nghe rõ nữa. Khuôn mặt tôi lúc ấy người ta có thể dùng được nhiều từ để miêu tả: Thộn mặt, thuỗn mặt, ngẩn mặt, đần mặt hay nghệt mặt. Chọn cách nào cũng phù hợp cả.

Mẹ đứng lên đi tìm giẻ lau để thu dọn món bánh caramen. Vừa dọn mẹ vừa lẩm bẩm.

– Thôi, mất ăn.

Câu này thực còn đau hơn cái phát mông vừa rồi.

Đã nhiều năm trôi qua và mỗi lần ăn một chiếc bánh caramen, không khi nào tôi thôi không nhớ lại lon sữa bò bị đá lăn lông lốc lúc ấy. Và cũng chưa khi nào tôi thấy người ta làm bánh ngoài tiệm ngon hơn mẹ làm cho tôi trong một chiếc nắp phích đã ngả màu.

Lao động cuối tuần

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài

Exit mobile version