Heather I. Sullivan* (Đức)

So với thời Tiền công nghiệp, nhiệt độ Trái đất hiện tại nóng hơn 1oC, kéo theo thảm họa sóng nhiệt, bão, lụt, cháy rừng… Khác với phần lớn thế giới bây giờ mới cuống cuồng vì “nước đến chân” theo đúng nghĩa đen, do mực nước biển tăng, các nhà văn Đức sớm đặt ra sự quan tâm đặc biệt với chủ đề môi trường. Sử dụng hình thức tường thuật đa dạng, họ góp phần cảnh báo và đưa ra giải pháp cho vấn đề nhức nhối mang quy mô toàn cầu này.

1. Kỷ Nhân sinh

Trong thời đại biến đổi khí hậu và thay đổi môi trường nhanh chóng do các hoạt động của con người, nhân loại đang tận mắt chứng kiến sự thay đổi sinh thái toàn cầu trầm trọng hơn bao giờ hết. Những thảm họa tự nhiên liên tục xảy ra, giết chết hàng trăm, hàng ngàn người. Gần đây nhất là bão Damrey, cơn bão nhiệt đới được cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai bậc 4, quét qua Việt Nam, gây thiệt mạng cho 141 người, bị thương 174 người và thiệt hại khoảng 12.175 tỷ VNĐ.

Không chỉ đem tới thiệt hại về người và của, thiên tai còn khiến con người suy sụp. Ngay từ khi mới hình thành tư duy trừu tượng, nhân loại đã luôn nhận thức được sự bé nhỏ của mình trước sức mạnh tự nhiên. Thế giới chúng ta đang sống còn bị bao trùm bởi phóng xạ sau Thế chiến II (do các vụ nổ và thử nghiệm hạt nhân). Sự phát triển của công nghiệp kéo theo ô nhiễm, nóng lên toàn cầu, tan băng. Nếu không có biện pháp ngăn chặn, chỉ trong khoảng 100 năm tới, khi nhiệt độ toàn cầu tăng 3oC, không ít thành phố lớn, trong đó có Osaka (Nhật Bản), Alexandria (Ai Cập), Thượng Hải (Trung Quốc)… sẽ ngập lụt một phần hoặc toàn bộ.

Môi trường không phải chủ đề dễ viết. Nó quá lớn và khắc nghiệt. Đứng trước thảm họa thiên nhiên, con người hoàn toàn bất lực. Làm thế nào chúng ta có thể tự tin hát khúc anh hùng ca trước tác động khủng khiếp bày ra nhãn tiền? Khác với họa thảm sát do riêng ai đó, do thể chế nào đó phát động, nhân loại không thể làm gì với sự vô nhân đạo của… “chúng ta”. Không cần phải thông qua miêu tả hay ống kính của người khác, ai cũng có thể tận mục sở thị sự tàn phá của đất trời. Thiên nhiên không phải đối tượng viễn tưởng, trừu tượng. Lịch sử của sự sống đi cùng lịch sử tuyệt chủng. Tính đến nay, Trái đất đã trải qua 5 sự kiện tuyệt chủng (Cuối kỷ Creta, kỷ Trias-Jura, kỷ Permi-Triat, Devon muộn, Ordovic-Silur). Sắp tới sẽ là sự kiện tuyệt chủng thứ 6,  Anthropocene (kỷ Nhân Sinh).

Từ cuối thế kỷ XX, đặc biệt là vào đầu thế kỷ XXI, rất nhiều tác giả Đức nỗ lực đặt ra chiến lược trong chủ đề “biến đổi môi trường”. Nó được chia thành ba phạm trù: Sự trả thù của thiên nhiên hoang dã, cái kết thúc của thế giới và bạo lực chậm.

2. Thiên nhiên phục hận

Cái thú vị trong các tác phẩm theo chủ đề môi trường của người Đức là cảm giác vô lý về công lý. Ở đây, kẻ đóng vai nhân vật phản diện chính là con người. Nhân vật chính diện do các loài sinh vật khác, thậm chí là cả cây cối đảm nhiệm. Chúng chống lại sự tác động của con người, cái gây biến đổi “bản chất nguyên thủy” của tự nhiên. Thế thân (Avatar, 2009), bộ phim bom tấn của James Cameron (Canada) là điển hình của phạm trù này.

Trong văn học tiếng Đức, tác phẩm đầu tiên đề cập đến “sự hiện thân” của thiên nhiên có lẽ là của Franz Hohler (Thụy Sỹ), Tái đoạt (The Recapture). Nhân vật chính của Tái đoạt là những con đại bàng bí ẩn bất chợt xuất hiện trên bầu trời thành phố Zurich. Ban đầu, đám đại bàng có vẻ rất hữu ích. Chúng chỉ bắt chuột. Nhưng, khi các thế hệ đại bàng con lũ lượt lớn lên, tập thể đại bàng nhanh chóng trở thành “vương” đất mới. Không chỉ các loài động vật khác mà cả con người cũng phải “trốn chui trốn nhủi”.

Chính phủ Zurich buộc phải mở một cuộc săn bắt lớn, song thất bại. Các cư dân không cách nào khác là thích nghi với “tân vương”. Đại bàng cũng mang tới thành phố những động vật, thực vật chưa từng có, khởi động thảm họa sinh thái mới. Nho dại mọc tràn lan, nhanh đến mức chỉ sau một đêm đã từ trong vườn vươn đến giữa đường. Cuối Tái đoạt, cả Zurich trở thành rừng xanh.

Tác giả “tái sử dụng” câu chuyện của Hohler hiệu quả nhất là Frank Schatzing. Bầy đàn (The Swarm, 2004) của ông kể câu chuyện sinh vật biển, dưới sự trợ giúp của người ngoài hành tinh, nổi dậy chống lại con người. Cá voi lật úp thuyền. Những con hà ngấu nghiến thân tàu. Nước biển dâng, nhấn chìm mặt đất. Suốt 900 trang Bầy đàn là sự vật lộn chống chọi của con người.

Trong Mưa (Rain, 1999) của Karen Duve là hiện tượng mưa vô tận. Duve không lý giải lý do gây ra mưa liên tục nhưng người đọc có thể đoán đó là hậu quả của biến đổi khí hậu. Vì mưa không ngừng, cặp đôi mới cưới Leon Ulbricht và Martina bỏ đô thị Hamburg về vùng nông thôn Mecklenburg. Tuy nhiên, những gì chào đón họ vẫn là nước và bùn. Đầm lầy xâm lấn, cuối cùng nhấn chìm nhà của họ, lấy đi tính mạng Leon. Martina phát cuồng vì không biết phải chiến đấu với cái gì. Thời tiết ngày càng tệ. Nấm mốc lan khắp nơi. Cuối cùng, chỉ những con sên sinh sôi nảy nở.

Sự tàn nhẫn của thiên nhiên là một câu chuyện cũ, song biến đổi môi trường gần đây đang góp phần làm mới nó. Khác với thời cổ đại, khi con người tự huyễn hoặc chỉ cần cầu khẩn thần linh, nhân loại ngày nay hiểu rõ thảm họa tự nhiên đến từ chính các hoạt động của mình.

3. Kết thúc của thế giới

Phạm trù “cái kết của thế giới” xoay quanh thảm họa do con người tạo ra, chủ yếu là thảm họa hạt nhân. Nhân loại nhỏ bé trước thiên nhiên, nhưng nhân loại phát triển tư duy vô hạn. Với công nghệ hạt nhân hiện đại, việc dời núi, nổ đá, thậm chí hủy hoại toàn bộ sự sống không phải chuyện chỉ thần linh mới làm được.

Ngày 26/4/1986, nhà máy điện nguyên tử Chernobyl ở Pripyat, Ukraina phát nổ. Vụ tai nạn hạt nhân trầm trọng nhất ghi tên vào lịch sử. Do không có tường chắn, đám mây bụi phóng xạ lan rộng. Như thực tế khủng khiếp của nó, thảm họa hạt nhân trong văn chương cũng là sự tàn phá kinh hoàng. Thế giới Nguyên sơ (A pristine World, 2008) tập truyện ngắn của Andreas Eschbach là những câu chuyện như vậy. Ở Rác lượng tử (Quantum Garbage), người kể chuyện, tiến sĩ vật lý đóng vai trò kỹ thuật viên trong một cơ sở gia tốc hạt, phải đối mặt với sự kết thúc của thế giới do chính tay ông tạo ra. Thay vì một tương lai hứa hẹn, ông nhận thấy chỉ rác thải, chất phóng xạ và phế liệu thực phẩm là vô tận. Thế giới sẽ kết thúc trong một vụ nổ chất thải độc hại lớn nhất. Ở Công viên Humanic (Humanic Park), nhân vật giáo viên giải thích cặn kẽ chuyện ấm lên toàn cầu, gia tăng khí thải CO2 và ô nhiễm quá mức sẽ giết toàn bộ con người cũng như các hệ động vật khác, trừ côn trùng.

Hohler cũng còn một bài thơ về sự kết thúc của thế giới. Cái chết ban đầu đến với loài bọ cánh cứng gây ngứa ngáy khó chịu ở Nam Thái Bình Dương. Mọi người vui mừng chưa lâu thì chứng kiến cảnh loài chim ăn bọ cánh cứng tuyệt chủng (vì thiếu thức ăn). Tiếp theo đó là cá, lưỡng cư, động vật… và cuối cùng là con người.

Hai tiểu thuyết đầu tiên phản ứng với thảm họa Chernobyl, Tai nạn (Accident 1987) của Christa Wolf và Mưa phóng xạ (Fallout, 1987) của Gudrun Pausewang, kể về một nước Đức đã không còn cây xanh mà chỉ tràn ngập rác thải độc hại. Thực tế, bụi phóng xạ bao phủ phần lớn Đức và châu Âu. Người ta buộc phải ngừng ăn tất cả các thực phẩm tươi sống và uống sữa trong vài tuần. Thách thức lớn nhất, theo Wofl, là làm sao cứu người trong tình trạng mọi dụng cụ y tế đều bị nhiễm phóng xạ.

Nữ văn sĩ Pausewang, thì giả sử một vụ nổ hạt nhân tương tự sẽ xảy ra ở Grafenrheinfeld, Đức. Bản thân Pausewang là nhà hoạt động chống hạt nhân trong những năm 1980. Bà hiểu rõ cái kết mà nhân loại phải gánh chịu nếu xảy ra sự cố. Cái chết do nhiễm phóng xạ là cái chết chậm chạp, đau đớn. Tác phẩm của Pausewang không đề cập đến chính phủ, mà xoáy sâu vào sự hấp hối đáng thương của trẻ em.

4. Bạo lực chậm

Đấu tranh với thảm họa sinh thái, thời tiết xấu và sự thay đổi sắp xảy ra không còn là trên văn bản, nó thực sự đang diễn tiến trong đời thường. Mưa phóng xạ của Pausewang không chỉ là câu chuyện về cái kết bi thảm của thế giới, mà còn được xếp vào phạm trù “bạo lực chậm”. Ngộ độc phóng xạ, ô nhiễm môi trường diễn ra suốt nhiều ngày, tuần, thậm chí nhiều năm. Tro bay (Flight of Ashes, 1986) của Monika Maron cũng là tác phẩm tương tự. Nhân vật của nó chết dần chết mòn vì tro thải từ nhà máy điện ở Bitterfield, Đức.

Trong thập kỷ này, Ilija Trojanow cho ra đời Khúc bi ca của Zodiac (Zodiac’s Lamentations, 2011), Cornelia Franz viết Nhìn ánh sáng từ phương Bắc (Ins Nordlicht blicken, 2015), tập trung vào sự tác động của băng tan. Với nhân vật của Trojanow, băng tan kéo theo sự tan chảy toàn bộ sự nghiệp nghiên cứu, hạnh phúc gia đình, dẫn đến cái chết trong tuyệt vọng.

Tại Đức, cả chính trị lẫn xã hội đều nhiệt tình hưởng ứng hành động chống biến đổi môi trường. Tác phẩm của Trojanow có lẽ không gây tác động gì nhiều. Nhìn ánh sáng từ phương Bắc của Franz được trông đợi hơn. Nó tập trung vào sự nóng lên toàn cầu và cảm giác tội lỗi (do từng sát hại người) của nhân vật chính, liên kết biến đổi khí hậu với chủ đề nhân văn.

Sống trong kỷ Nhân Sinh, khi hiện tượng nóng lên toàn cầu đã là chuyện không thể tránh khỏi, bên cạnh những hiểu biết về khoa học, chúng ta vẫn cần tự nhắc, con người chỉ là một phần của dòng chảy tự nhiên.n

THÁI VŨ

Lược dịch theo Worldliteraturetoday

_________

(*) Giáo sư giảng dạy tại Đại học Trinity, Mỹ, đồng biên tập của Chủ nghĩa Đạo đức Môi trường Đức trong Kỷ Nhân Sinh (German Ecocriticism in the Anthropocene, 2017) và Lịch sử Sơ khai của Nhận thức Hữu thể (The Early History of Embodied Cognition from 1740-1920, 2016).

Nguồn Văn nghệ số 47/2017

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài