Những ai từng đọc tiểu thuyết nổi tiếng đoạt giải Gouncourt “Người tình” của nữ văn sĩ Marguerite Duras, hoặc từng xem bộ phim chuyển thể mang tên L’Amant, ít nhiều đều biết rằng, giống như trong truyện, ngoài đời, Marguerite Duras cũng có một chuyện tình đẹp và say đắm như thế với một chàng trai người Việt gốc Hoa.

Ngày nay, Marguerite Duras và chàng trai đã qua đời, nhưng chuyện tình của họ còn sống mãi trong các tác phẩm văn học, điện ảnh để đời.

Tại Việt Nam, chuyện tình ấy vẫn còn sức sống mạnh mẽ. Ai một lần đến chơi Sa Đéc, Đồng Tháp, thăm nhà cổ Huỳnh Thuỷ Lê và trường nữ học Trưng Vương, sẽ được nghe chính người Sa Đéc kể lại chuyện tình đã trở nên bất hủ ấy…

Chuyến phà khởi đầu một chuyện tình buồn

Huỳnh Thủy Lê là con trai của điền chủ Huỳnh Cẩm Thuận, giàu có nhất vùng Sa Đéc thời bấy giờ nhưng sống lương thiện và hay giúp đỡ người nghèo. Huỳnh gia là chủ chành gạo lớn nhất Sa Đéc.

Gạo Huỳnh gia không chỉ bán trong nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài. Phần lớn những căn hộ ở chợ Sa Đéc là của Huỳnh gia cho thuê. Ngoài chợ Sa Đéc, nhà họ Huỳnh còn có nhiều điền sản ở vùng Sài Gòn – Chợ Lớn.

Dòng họ Huỳnh rất có thế lực nên nhiều người đã xin đổi sang họ Huỳnh để dễ làm ăn và được ông Huỳnh Thủy Lê chấp thuận, giúp đỡ mà không cần truy xét.

Tuy sinh ra và lớn lên trong một gia tộc có tiếng tăm, bề thế, nhưng không vì thế mà Huỳnh Thủy Lê xao nhãng chuyện học hành và làm ăn. Vừa giàu có lại được ăn học đến nơi đến chốn và không kém phần hào hoa, thanh nhã, Huỳnh Thủy Lê luôn là người tình, người chồng đáng mơ ước của bao cô gái thuở ấy.

Như một sự sắp đặt của duyên số, con gái nước Việt sống miền sông nước nức tiếng đoan trang, xinh đẹp bao đời nay lại không hề khiến Huỳnh Thủy Lê rung động. Mà trớ trêu thay ông phải lòng cô gái phương Tây da trắng vừa bước qua tuổi 15 từ lần gặp mặt đầu tiên còn nhiều bỡ ngỡ pha chút ngại ngùng.

Cô gái ấy không ai khác chính là nữ nhà văn Marguerite Duras thuở thiếu thời. Marguerite Duras tên thật là Marguerite Donnadieu. Marguerite Duras sinh năm 1914 tại Gia Định, Đông Dương (TP. Hồ Chí Minh ngày nay), trong một gia đình học thức cao khi cha là một giáo sư toán, mẹ là giáo viên tiểu học.

Mẹ bà là hiệu trưởng trường École de jeunes filles, tức trường Trưng Vương ngày nay ở thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Gia đình bà không sung túc lắm nếu không muốn nói là có phần túng thiếu và đó cũng là một trong những lí do khiến cho chuyện tình không môn đăng hộ đối giữa bà và Huỳnh Thủy Lê tan vỡ.

Năm Marguerite Duras vừa tròn 15 tuổi, gia đình bà dọn đến sinh sống tại Sa Đéc. Và trên chuyến phà Vĩnh Long – Sa Đéc, định mệnh đã cho Huỳnh Thủy Lê và Marguerite Duras thấy nhau.

Chính nét đẹp mong manh, trong sáng và lạ lẫm của Marguerite Duras khiến Huỳnh Thủy Lê phải rung động và ngập ngừng bước đến làm quen.

Kể từ giây phút ấy, cả hai chỉ biết đến sự tồn tại của đối phương mà không tiếc gì đến cái thoáng đãng, mênh mông và cái ồn ào của người dân trên chuyến phà định mệnh.

Tuy nhiên, những hủ tục xung quanh việc môn đăng hộ đối đã dựng lên bức rào cản và cố gắng tách rời hai trái tim đang khao khát, cháy bỏng yêu thương ra xa nhau.

Nữ nhà văn Marguerite Duras.

Mối tình lãng mạn và nồng cháy của nữ nhà văn với chàng công tử con nhà giàu đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của hai gia đình do quan niệm môn đăng hộ đối cũng như sự khác biệt về giai cấp và sự cách biệt lớn lao về vật chất.


Cha Huỳnh Thủy Lê, ngoài là một người Hoa thuần túy, ông từng là một điền chủ có tiền có thế, ông không thể chấp nhận một cô con dâu ngoại quốc nghèo nàn. Trong khi đó, mẹ nàng thì cho rằng một gia đình thuộc về mẫu quốc không thể có chút dính líu gì với người thuộc địa chứ đừng nghĩ đến chuyện kết thân.

Mặt khác, lúc này, Huỳnh gia đang lâm vào cảnh nợ nần, làm ăn thua lỗ, chỉ có cuộc hôn nhân của cậu con trai Huỳnh Thủy Lê với người đẹp xứ Tiền Giang Nguyễn Thị Mỹ con gái của một người giàu có tiếng miền Tây mới có thể vực dậy gia thế Huỳnh gia.

Đó cũng là cô vợ mà cha ông đã âm thầm sắp đặt từ 10 năm trước mà anh không hề hay biết. Cuối cùng sau những lần kháng cự trong tuyệt vọng, Huỳnh Thủy Lê đành chấp nhận cuộc hôn nhân không tình cảm để cứu gia đình khỏi cảnh tán gia bại sản.

Nhưng đằng sau nguyên nhân hiển nhiên ấy, Huỳnh Thủy Lê còn có nỗi khổ khác. Cũng một phần vì gia đình Marguerite Duras, đặc biệt là mẹ bà không mấy thiện cảm với anh chàng công tử giàu sang, khiến anh nhận thấy mình khó có thể có một mái ấm bền lâu.

Có lần, cả gia đình Duras lên Sài Gòn, Huỳnh Thủy Lê niềm nở mời họ ăn uống tại một nhà hàng sang trọng bậc nhất Sài thành lúc bấy giờ. Lần đó, mẹ, hai anh và cả Duras đều không hề chú ý đến sự có mặt của chàng công tử họ Huỳnh.

Chính nữ nhà văn đã viết: “Họ ăn một cách ngấu nghiến như chưa từng được ăn… Họ đã đối xử với người tình của tôi như thế. Không một lời cảm ơn với người đã trả tiền bữa ăn ngon lành đó”.

Điều này càng làm ông nản lòng và đành an phận cưới người vợ giàu sang, xinh đẹp mà trong tim vẫn cất giấu hình ảnh người con gái xứ Paris hoa lệ.

Những chứng tích xưa của cuộc tình không biên giới

Sau một năm rưỡi yêu nhau thắm thiết, Huỳnh Thủy Lê lấy vợ trong sự hoan hỉ của dòng họ. Riêng nữ nhà văn Duras ngậm ngùi, lặng lẽ, cô lên tàu về Pháp cùng gia đình khi 18 tuổi, kết thúc buồn cho một mối tình đẹp.

Ngày ra đi, cô cố nấn ná ở bến tàu để khắc khoải được gặp người tình lần cuối trước mắt cô, chẳng có gì ngoài khoảng không trống trải, vô định.

Huỳnh Thủy Lê lấy vợ sinh được 5 người con, sống trong cảnh giàu sang, êm ấm nhưng có lẽ không lúc nào ông nguôi ngoai nỗi nhớ người tình dù đã nhiều năm xa cách.

Khi gia đình chuyển lên Sài Gòn sinh sống, ông vẫn luôn đều đặn quay về chốn cũ về ngôi nhà xưa nơi gợi nhớ về người tình đầu tiên cho ông nhiều kỷ niệm.

Chàng công tử Huỳnh Thuỷ Lê.

Năm 1972, ông mất và theo di nguyện các con chôn cất ông trên mảnh đất Sa Đéc thân thương, nơi mang nhiều kỉ niệm về một cuộc tình đã xa.

Khi Marguerite Duras về Pháp, bà lao vào học tập nhưng những nỗ lực của bà không thể làm vơi đi nỗi nhớ người tình nơi đất Việt xa xôi. Bà kết hôn, làm nhiều nghề rồi dừng chân với nghề viết văn và ngập chìm trong rượu và thuốc lá.

Dường như mối tình dang dở đầu đời với người tình cũ quá lớn, nó đã choáng hết trái tim, tâm trí bà nên dù kết hôn với ai bà cũng không cảm nhận được hạnh phúc. Bà yêu và kết hôn dường như chỉ để tìm cách nguôi đi, tìm cách trốn tránh tình yêu đã gửi nơi đất Việt.

Do vậy, sau khi đã trải qua 2 cuộc hôn nhân không hạnh phúc, lúc cuối đời bà lại lao vào cuộc tình với một anh chàng yêu văn của bà và trẻ hơn bà 38 tuổi. Bà mất năm 1996 mà vẫn còn nhiều luyến tiếc mối tình năm cũ.

Suốt hơn 50 năm ôm ấp tình cảm xưa, bà viết ra tiểu thuyết “Người tình” bằng con tim và nước mắt. Đó là chuyện tình của chính bà và chàng công tử họ Huỳnh trên đất Sa Đéc.

Người tình được xuất bản năm 1984, cũng trong năm này nữ nhà văn Marguerite Duras được nhận giải thưởng Goncourt danh giá dành cho tác phẩm văn xuôi xuất sắc nhất trong năm của Pháp.

Sau đó, tiểu thuyết được dịch ra 43 thứ tiếng và dàn dựng thành phim L’Amant. Phim được khởi chiếu năm 1992 và nhận được nhiều sự tán thưởng của thế giới. Đây cũng là hai trong những minh chứng cho tình cảm nồng nàn của hai con người đến với nhau bằng tình yêu trong sáng, mãnh liệt.

Một chứng tích khác cho mối tình vượt thời gian này là ngôi nhà cổ tại số 225A Nguyễn Huệ, phường 2 thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Ngôi nhà do cha ông Huỳnh Thủy Lê xây cất cách đây 130 năm.

Hiện nay, ngôi nhà cổ này được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia, được công ty du lịch Đồng Tháp và sở văn hóa thể thao và du lịch tỉnh quản lí. Mỗi ngày có rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan.

Du khách đến đây để được tận mắt nhìn thấy chân dung và nơi ở của người tình nữ nhà văn nổi tiếng người Pháp Marguerite Duras. Nơi đây có đầy đủ các tài liệu liên quan đến Huỳnh Thủy Lê và gia đình cũng như những hình ảnh gợi lại mối tình năm cũ.

Nhắc đến nơi Marguerite Duras đã qua thì không thể không kể đến ngôi trường École de jeunes filles nơi mẹ bà làm hiệu trưởng. Ngôi trường này cũng là nguyên nhân để bà về đây sinh sống và gặp gỡ Huỳnh Thủy Lê.

Trường giờ đã thay đổi phần nào nhưng lối kiến trúc Pháp vẫn còn in dấu, du khách Pháp rất thích thú khi đến tham quan ngôi trường này. Chuyện tình ấy giờ đã là tiểu thuyết là phim ảnh và hơn thế nó đã khắc sâu vào tâm trí người miền Tây như một di sản đẹp.

Theo Ngọc Nguyễn

Gia Đình và Xã Hội


 

Exit mobile version