MỖI THÁNG MỘT QUYỂN SÁCH

Trần Xuân Tiến (Trường Đại học Văn Hiến)

 

Thật dễ dàng để các bạn trẻ ngày nay xem mỗi tuần một bộ phim tại rạp, mỗi ngày một game-show trên truyền hình hay thậm chí là mỗi giờ thưởng thức một bản nhạc trẻ (nếu tính trung bình). Thế nhưng dành thời gian để đọc một quyển sách mỗi tháng thì dường như lại là điều bất khả!

Đọc một quyển sách là chúng ta trao tặng cho riêng mình một chuyến hành trình chu du khắp miền tri thức. Sẽ thú vị như thế nào nếu bạn sẵn sàng khám phá 12 hành trình như thế trong năm mới 2017 này?

 

1. Hỏi đáp về mỹ học đương đại

Ý thức về bối cảnh nguồn tài liệu liên quan đến nghệ thuật đương đại còn hạn chế tại Việt Nam, nghệ sĩ thị giác Phạm Diệu Hương đã tiến hành dịch từ tiếng Pháp ấn phẩm “50 câu hỏi Mỹ học đương đạiL’Esthetique Contemporaine (50 Questions)” của giáo sư triết học, mỹ học người Pháp Marc Jimenez.

Tuy được cấu trúc theo mô hình hỏi – đáp như kiểu sách công cụ thường gặp nhưng cách hành văn của quyển sách lại tỏa ra sức lôi cuốn kỳ lạ. Nó luôn khiến độc giả phải diễn giải và tìm hiểu giải đáp những ý tưởng mà tác giả đã nhẹ nhàng đề xuất một cách đầy khơi gợi. Ở đây, tính quy giản được tác giả Marc Jimenez vận dụng khéo léo để mang một kết quả hoàn toàn ngược lại: khuyến thúc sự chủ động kiếm tìm đến tận cùng chiều sâu của lý thuyết, và qua đó, vận dụng hài hòa, linh hoạt vào thực tại, hoàn cảnh. Chủ trương này được tiếp nối bởi dịch giả Phạm Diệu Hương khi chị đã không đưa vào cuối những trang sách bất cứ chú thích hay diễn giải chủ quan nào trong tư cách người dịch. Chị đã trao quyền chủ động nghiên cứu, tìm tòi và chiêm nghiệm cho từng cá nhân độc giả.

Thế nên, cuộc trò chuyện chân tình mà tác phẩm tạo ra, không chỉ dành cho các nghệ sỹ, nhà giáo dục, nhà quản lý nghệ thuật, giới nghiên cứu mỹ học hay các sinh viên chuyên ngành nghệ thuật mà còn dành cho mọi đối tượng độc giả có sự quan tâm và yêu thích nghệ thuật.

50 câu hỏi Mỹ học đương đạiL’Esthetique Contemporaine (50 Questions), Marc Jimenez, Phạm Diệu Hương dịch, NXB Thế giới, 170 trang.

 

2. Nói thay trinh tiết người xưa

Như thể một động thái khiêu khích sự đọc, chuyên khảo “Tự sự của trinh tiết: Nhân vật liệt nữ trong văn học Việt Nam Trung đại thế kỉ X – XIX”, ngay từ nhan đề, đã cho thấy sự tinh tế trong cách đặt vấn đề của tác giả Phạm Văn Hưng.

Dựa trên một tín niệm khởi đi từ câu nói nổi tiếng của nhà văn, nhà triết học nữ quyền người Pháp Simone de Beauvoir (1908-1986): “Người ta sinh ra không phải là phụ nữ, mà trở thành phụ nữ”, chuyên khảo đã đi sâu lý giải nguyên nhân, trình bày cặn kẽ diễn tiến về cách nhìn của người đời xưa đối với sự tiết hạnh của phụ nữ bằng những lý luận nhân sinh sắc sảo cùng những dẫn chứng sử liệu, văn liệu công phu, xác thực.

Chuyên khảo không chỉ hữu ích trong việc phục dựng lại tâm thế của người xưa trong cách nhìn về trinh tiết của phụ nữ được quy hạn bởi hệ thống triết học thực hành đạo đức dung hợp tôn giáo – chính trị – luân lý của Nho giáo thời kỳ trung đại mà xa hơn, và quan trọng hơn, còn có giá trị tham khảo cũng như gợi ý giải quyết những ảnh hưởng của cách nhìn đó trong bối cảnh những dấu vết định kiến vẫn còn tồn tại nơi xã hội Việt Nam hiện đại. Theo nghĩa này, tác phẩm không chỉ có giá trị khoa học mà còn có giá trị thực tiễn cao.

Tự sự của trinh tiết: Nhân vật liệt nữ trong văn học Việt Nam Trung đại thế kỉ X – XIX, Phạm Văn Hưng, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

 

3. Có một nước Mỹ thời Kafka

Những sáng tác của Franz Kafka, đến nay được ra mắt công chúng toàn cầu, đều được phát lộ trong tình trạng bản thảo bởi những người yêu quý văn tài của ông. Song, diệu kỳ thay, những trang văn tưởng chừng dở dang trong hành trình đến với độc giả ấy, qua sự kiểm duyệt khắc nghiệt của thời gian, đến tận hôm nay, vẫn là những tác phẩm được cả giới nghiên cứu lẫn độc giả phổ thông đánh giá là đạt đến sự hoàn hảo cao độ.  Tiểu thuyết “Nước Mỹ (Kẻ mất tích)” là một sự dở dang hoàn hảo ám ảnh người đọc như thế.

Chàng trai người Đức Karl Roßmann – nhân vật chính của tác phẩm, bị gia đình tống khứ khỏi nhà và bắt đầu một cuộc sống mới trên đất Mỹ. Để rồi từ đây, với những pha độc thoại triền miên, với những giả thiết hoàn toàn xa lạ so với cách nghĩ thông thường, Kafka xây dựng hình ảnh một chàng thanh niên Karl Roßmann thông minh, sâu sắc, luôn quan sát cuộc sống tỉ mỉ và có những so sánh, liên tưởng thú vị. Dễ nhận thấy lối văn chú thích của Kafka trong những trang viết đầy rẫy những câu văn dài, thậm chí rất dài, như thể là “hóa thân” của những suy tư phức tạp, đa diện về cuộc sống. Những chú thích như khát khao tâm tình cùng người đọc.

Dẫu chưa từng đặt chân đến nước Mỹ, nhưng với “Nước Mỹ (Kẻ mất tích)”, Franz Kafka đã cho thấy sự tưởng tượng phong phú của ông. Và điều đáng nói là những vấn đề mà Kafka đề xuất trong quyển tiểu thuyết đầu tay này của ông vẫn vẹn nguyên tính thời sự trong thời đại ngày nay. Sự tiên cảm lạ lùng ấy càng khiến cho văn chương của ông “quyến rũ” độc giả hôm nay và mai sau.

Nước Mỹ (Kẻ mất tích), Franz Kafka – Lê Chu Cầu dịch, NXB Hội Nhà văn.

 

4. Vầng trăng có một cuộc đời

Đã có biết bao văn nhân thi sĩ làm bạn cùng ánh nguyệt trăm năm, nhưng quan tâm trăng như một cuộc đời của chính vầng trăng thì Shin Kyung Sook có lẽ là người đầu tiên.

Chuyện kể trăng nghe là tác phẩm thứ tư của nhà văn Shin Kyung Sook신경숙đến với độc giả Việt Nam, sau các tác phẩm từng gây tiếng vang, thậm chí tạo nên cơn sốt dư luận, như: Hãy chăm sóc mẹ (2011), Ở đâu đó có điện thoại gọi tôi (2014), Cô gái viết nỗi cô đơn (tháng 6/2016).

Là tuyển tập gồm hai mươi sáu truyện ngắn dung dị, tác phẩm Chuyện kể trăng nghe được chính Shin Kyung Sook miêu tả rằng “có vẻ như tôi đã kịp ghi lại hai mươi sáu lần lóe lên lấp lánh của những khoảnh khắc mình từng lưu lại một chút trong đời”. Vẫn cách viết ấm áp như thể trải lòng tâm sự cùng thế gian, vẫn những lời thì thầm rất nữ tính dịu dàng, từng câu chuyện nhỏ của tác phẩm kể lại từng cuộc hẹn bí mật giữa tác giả và đêm khuya. Đọc truyện, người đọc cảm thấy an yên thanh thản biết nhường nào – một cảm giác rất gần với việc ngắm trăng.

Một điểm khá thú vị là cách bố cục tác phẩm thành bốn phần (kể cho trăng non, kể cho trăng thượng huyền, kể cho trăng rằm và kể cho trăng già) đã không chỉ tạo sự tò mò nơi tâm trí người đọc trong sự so sánh mà còn cho thấy sự quan tâm sâu sắc mà Shin Kyung Sook dành cho trăng khi chú ý đến tâm tư tình cảm trong từng giai đoạn “cuộc đời” của trăng. Có thể nói, những câu chuyện nhỏ mà Shin Kyung Sook khẽ khàng thuật lại đều toát lên tinh thần lạc quan như chính tâm nguyện của cô: “tôi hy vọng hai mươi sáu câu chuyện này cũng sẽ như ánh trăng, len lỏi giúp bạn tỏa sáng”.

Chuyện kể trăng nghe, Shin Kyung Sook – Văn Ngọc Minh Quyên dịch, NXB Hà Nội, 163 trang.

 

5. Làm nông tự nhiên

Một nền nông nghiệp như thế nào mới là một nền nông nghiệp bền vững chịu đựng được tất thảy những thử thách khắc nghiệt của thời gian? Với việc khởi xướng triết lý làm nông tự nhiên, thuận theo tự nhiên, Mansanobu Fukuoka đã trở thành người nông dân được thế giới biết đến nhiều nhất. Những trải nghiệm với nghề nông, cùng những suy tư của ông về thực phẩm, về y học, về cuộc sống được trình bày giản dị qua tác phẩm “Cuộc Cách Mạng Một – Cọng – Rơm”.

Đề xuất việc nuôi trồng các sản phẩm nông nghiệp trong sự tương tác hài hòa với môi trường tự nhiên, trong suốt quyển sách của mình, Mansanobu Fukuoka trình bày những minh họa cụ thể của việc làm nông và khéo léo lồng ghép vào đó những triết lí sống hài hòa, dung dị. Đến nay, cuốn sách đã được chuyển ngữ sang 25 thứ tiếng. Điều này cho thấy sức hút, sức lan tỏa của những ý niệm mà quyển sách mang lại. Đó là sự cảnh tỉnh của Mansanobu Fukuoka trước tình thế mê tín tri thức khoa học thái quá. Ông đề ra 3 nguyên tắc để tạo ra thực phẩm sạch: không dùng phân hóa học, không làm cỏ bằng việc cày xới và thuốc diệt cỏ, không phụ thuộc hóa chất.

Người ta đã mệnh danh Mansanobu Fukuoka là “vị sư tổ của nông nghiệp tự nhiên” bởi ông đã ý thức rõ về sự vĩ đại của mẹ thiên nhiên và vị trí “con cái” của loài người. Mansanobu Fukuoka hiểu rằng sinh thái tự nhiên là trung tâm của cuộc sống thường hằng này chứ không phải con người là trung tâm như bấy lâu nay người ta mặc nhiên quan niệm. Trong diễn trình hoàn thiện bản thân, con người vẫn khó lòng tách khỏi tự nhiên một cách duy ý chí. Nếu thật lòng mưu cầu một cuộc sống bền vững, an yên, con người cần lắm thái độ nương theo quy luật của tự nhiên đất trời, xem tự nhiên là bè bạn thiết thân chứ không phải là đối tượng để chinh phục, chiếm hữu.

Cuộc Cách Mạng Một – Cọng – Rơm” – một quyển sách dành cho tất cả mọi người, những ai đương truy tìm phương thức sống trở về với bản nguyên sinh thái tự nhiên của con người.

Cuộc Cách Mạng Một – Cọng – Rơm, Mansanobu Fukuoka – Xanhshop dịch, NXB Tổng hợp TP.HCM.

 

6. Hy sinh thiên tính nữ bởi chiến tranh

Nếu hằng ngày cập nhật những thông tin thời sự thế giới, chúng ta không khỏi cảm thấy bất an về ước mong hòa bình. Sinh sống tại một quốc gia mà chiến tranh chỉ mới lùi xa chưa đầy nửa thế kỷ, những người Việt Nam chúng ta hiểu rõ những bi thương, ai oán mà chiến tranh để lại, những di chứng còn kéo dài dai dẳng đến tận hôm nay. Quyển sách đoạt giải Nobel Văn chương 2015 với nhan đề “Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ” của tác giả Svetlana Alexievich vừa được phát hành tại Việt Nam đã được độc giả nước nhà đón nhận với một tâm thế như vậy – những người đọc như thể những người trong cuộc, của mất mát, của hy sinh.

Là câu chuyện của nhiều phụ nữ từng tham gia chiến tranh, “Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ” được lấy chất liệu từ hàng trăm cuộc phỏng vấn của chính tác giả (vốn là một nhà báo) với những người phụ nữ từng tham gia chiến tranh thế giới lần thứ hai. So với nam giới, sự gian khổ, hy sinh của phụ nữ, có thể nói là lớn gấp bội phần. Họ hy sinh không chỉ là tuổi thanh xuân, là sức khỏe mà còn cả thiên tính nữ. Những cô gái xuân tưởng như sẽ được tạo hóa ban cho diễm phúc của nhan sắc và sự suy tôn của nhân loại thì nay họ gồng mình chống đỡ gian nan, trở thành những anh hùng thời chiến.

Được dịch ra hơn 20 thứ tiếng, với gần 500 trang sách, “Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ” là những câu chuyện về nỗi thống khổ của con người trong chiến tranh, mà ở đây, người phụ nữ là một trường hợp. Chiến tranh hiện lên như đúng bản chất phi nhân đầy man rợ của nó. Cũng cần chú thích rằng “Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ” đã từng đến với độc giả Việt Nam vào năm 1987 bởi bản dịch của nhà văn Nguyên Ngọc. Nhưng sau đó, chính tác giả Svetlana đã viết lại quyển sách, đồng thời thêm vào những đoạn bị lượt bỏ. Và dịch phẩm lần này chính là bản mới nhất của tác phẩm, cũng được chuyển ngữ bởi nhà văn Nguyên Ngọc.

Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ, Svetlana Alexievich – Nguyên Ngọc dịch, NXB Hà Nội, 464 trang.

 

7. Câu chuyện về những người thiểu số ở đô thị

Sau tập 1 với chủ đề “Tình cảnh sống của người công nhân: Thân phận, rủi ro và chiến lược sống”, tập 2 của bộ sách “Đời sống xã hội Việt Nam đương đại” do PGS.TS Nguyễn Đức Lộc chủ biên vừa được phát hành với nhan đề “Những người thiểu số ở đô thị: Lựa chọn, trở thành, khác biệt”.

Với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế, các đô thị hiện đại càng tạo thêm sức hút, một lượng lớn những cư dân từ các địa phương di chuyển về các đô thị để tìm kiếm một cuộc sống mà họ tin là tươi vui hơn, hạnh phúc hơn. Nhưng hành trình để tiến đến viễn cảnh ấy liệu có trải đầy hoa hồng như giấc mơ êm ái? Những dịch chuyển cơ cấu xã hội diễn ra như thế nào? Tâm tính của cộng đồng những người thiểu số sinh sống tại đô thị ra sao? Quả thật, đang có một khoảng trống lớn về việc nghiên cứu đời sống xã hội của những dòng người di cư vào các đô thị.

Nhận thức rõ đó là những vấn đề cần được quan tâm, để từ đó đề xuất những giải pháp nhằm hạn chế những khó khăn, những rủi ro trong cuộc sống của những những người nhập cư thiểu số, nhóm tác giả của quyển sách đã dày công nghiên cứu, trong từng lĩnh vực của mình, để đưa ra những kết luận khoa học. Có thể điểm ra đây những bài viết mang đậm tinh thần: Hành trình mưu sinh trên đất khách: sinh kế và bản sắc, Du cư trong tâm tưởng và tái thiết lập lãnh thổ tâm hồn – trải nghiệm của nguời thiểu số về đời sống gia đình trong cộng đồng mộ đạo, Thân phận đồng cô và giới tính tôn giáo, Tương tác, đối thoại thông qua kinh nghiệm sống và sự kiến tạo ý nghĩa xã hội của chứng điếc, Các đặc điểm sử dụng ngôn ngữ của người Khmer thiểu số ở đô thị…

Quyển sách là một công trình công phu và giàu chất nhân văn. Tin rằng sẽ là một món quà ý nghĩa cho độc giả.

Đời sống xã hội Việt Nam đương đại, Tập 2: Những người thiểu số ở đô thị: Lựa chọn, trở thành, khác biệt, Nguyễn Đức Lộc chủ biên, NXB Tri thức, 604 trang.

 

8. Một vũ trụ gần gũi và thiết thân

Sau “Cái vô hạn trong lòng bàn tay”, “Cái vô hạn của ánh sáng”, “Giai điệu bí ẩn”, “Hỗn độn và hài hòa”, một lần nữa, độc giả Việt Nam được tái ngộ cùng GS. Trịnh Xuân Thuận qua quyển “Đối mặt với Vũ Trụ” vừa được phát hành bởi NXB Tri thức. Nếu bạn ngại ngần tiếp cận quyển sách vì nghĩ rằng đây là một tác phẩm chỉ phù hợp với giới nghiên cứu hoặc có quan tâm đến vật lý thiên văn thì bạn đã lầm. “Đối mặt với Vũ Trụ” giản dị hơn nhiều so với bạn hình dung.

Tác phẩm mở đầu bằng những lời tâm tình của chính tác giả về những chuyến du hành xuyên qua thời gian và không gian, về ý nghĩa tương quan gắn kết giữa những yếu tố của vũ trụ với đời sống của con người. Và sau đó là những chia sẻ, tâm sự của những người bạn mà GS. Trịnh Xuân Thuận đã có dịp quen biết: Jean D’ormesson, Mathieu Ricard, Jean-Marie Pelt, Philippe Desbrosses, Edgar Morin, Joel De Rosnay, Fabienne Verdier, Jean-Claude Guillebaud. Một nhà vật lý xuống tóc trở thành một nhà sư, một nhà sinh học, một chuyên gia nông nghiệp, một nhà văn, một nhà thơ, một họa sĩ, một triết gia,… họ cùng có chung một niềm tin về việc tri thức sẽ mang đến sự thấu hiểu. Chính vì thấu hiểu mà con người nhận ra rằng càng biết nhiều, chúng ta càng phải khiêm tốn, càng phải sống hài hòa với tự nhiên vũ trụ. Đã đến lúc chúng ta nhận thức rõ ràng về thân phận và vai trò của con người trong vũ trụ, trong hành tinh Xanh, về vấn đề đạo đức trong thế giới hiện đại cũng như khả năng sống sót của con người. Những suy tư triết học nhưng giản dị và gần gũi như cơm ăn, nước uống hằng ngày.

Sinh năm 1948, Trịnh Xuân Thuận là nhà khoa học vật lý thiên văn người Mỹ gốc Việt. Ông đồng thời cũng là tác giả của hàng loạt quyển sách về vũ trụ học. Qua các tác  phẩm của Trịnh Xuân Thuận, người ta thấy những suy nghĩ của ông trong tương quan giữa khoa học và Phật giáo, và nổi bật là tư tưởng hướng đến những quan niệm mang tính trường cửu cho môi trường và bảo vệ hòa bình. Những giải thưởng trong lĩnh vực thiên văn và trong lĩnh vực văn hóa xã hội giành cho GS. Trịnh Xuân Thuận chính là bảo chứng, là động lực để ông tiếp tục con đường mà mình đã chọn.

Đối mặt với Vũ Trụ, Trịnh Xuân Thuận và những người bạn;  Phạm Văn Thiều và Phạm Nguyễn Việt Hưng dịch, NXB Tri thức, 180 trang.

 

9. Ngưng ngay việc so sánh bản thân với người khác

Điều quan trọng nhất mà tôi muốn nói với các bạn ở đây là so sánh cuộc sống của bản thân với cuộc sống của người khác là một việc hoàn toàn vô nghĩa, vì cuộc sống của người đó chưa chắc đã giống như những gì bạn nghĩ”. Đó là một câu nói được trích từ quyển sách: “Chế ngự khủng hoảng tuổi thành niên” của Alexandra Robbins.

Miêu tả những cảm giác e ngại và do dự của những người trẻ đang trong quá trình bước vào tuổi trưởng thành, “Chế ngự khủng hoảng tuổi thành niên” trình bày và từ đó thảo luận về sự hoang mang của những người trong cuộc. Đặt ra những nan đề thường gặp ở lứa tuổi vị thành niên, quyển sách từ việc phân tích bối cảnh của vấn đề đã từng bước dẫn ra những hướng giải quyết hết sức thuyết phục. Đó là những câu hỏi như: Phải làm sao nếu tôi không biết mình muốn gì? Làm thế nào để tôi tìm được niềm đam mê? Khi nào tôi phải từ bỏ ước mơ của mình? Tại sao tôi gặp khó khăn trong việc gặp gỡ mọi người? Sự rung động quan trọng đến mức nào? Tôi phải cân nhắc giữa làm việc mình thích và kiếm đủ tiền như thế nào? Tại sao thật khó để sống một mình? Phải làm sao nếu tôi cảm thấy mình “bế tắc”? Làm thế nào để ngừng so sánh bản thân với những người khác? Tại sao tôi không thể đối mặt với tuổi trưởng thành? Làm thế nào để tôi ngừng cảm thấy quá tải?

Là một nhà báo kiêm giảng viên, đồng thời cũng là nhà văn, Alexandra Robbins tập trung sự quan tâm của mình vào đối tượng thanh niên, vào giáo dục và cuộc sống trong trường đại học hiện đại. Ba trong số năm cuốn sách của bà đã lọt vào danh mục sách bán chạy nhất của New York Times.

Chế ngự khủng hoảng tuổi thành niên, Alexandra Robbins, Trần Nguyên dịch, NXB Tri thức, 404 trang.

 

10. Đáp án hôm nay, tìm trong quá khứ

Hoàn cảnh đương đại đang có những biến chuyển phức tạp và khó lường. Chưa nói đến việc làm chủ tình hình và định hướng tương lai, chỉ với câu hỏi làm sao để đối diện tốt nhất với hiện tại cũng đã khiến chúng ta cảm thấy hết sức khó nghĩ. Trong khi đó, với tư cách là những tri thức kinh nghiệm, được đo lường từ thực tiễn của quá khứ, những bài học lịch sử luôn mang trong mình những giá trị to lớn. Đáp án hôm nay, ngoài việc chúng ta chú tâm hoạch định và kiến trúc từ cái nhìn đến với tương lai thì việc ôn cố tri tân không bao giờ là vô ích. Cuốn Trách nhiệm xã hội của Nho giáo trong lịch sử Việt Nam và Hàn Quốc (Phạm Văn Đức, Hwang Eui Dong, Kim Sea Jeong đồng chủ biên) do Nhà xuất bản Khoa học Xã hội ấn hành là một cách làm như thế.

Việt Nam và Hàn Quốc đều nằm trong vùng tiếp xúc với văn hóa Hán, đều chịu ảnh hưởng lâu dài của Nho giáo trong lịch sử. Không chỉ đóng vai trò là ý thức hệ chính thống của triều đại phong kiến ở mỗi nước, Nho giáo còn là nền tảng để xây dựng đường lối trị nước, cách thức đào tạo nhân tài, xác lập các quy phạm đạo đức, nuôi dưỡng đời sống nghệ thuật và tinh thần… Thực tế cho thấy, Nho giáo không chỉ có vai trò trong quá khứ của Việt Nam và Hàn Quốc, mà hiện nay, nó còn ảnh hưởng tới các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, đặc biệt là lĩnh vực đạo đức, đời sống tinh thần, phong tục tập quán, lối sống, nếp nghĩ của người dân hai nước. Thông qua từng bài viết nghiên cứu sâu ở từng chủ điểm, các tác giả đã từng bước làm rõ những mặt tích cực của Nho giáo để phát huy, đồng thời, tìm ra những hạn chế cần khắc phục của Nho giáo. Đây không chỉ là những bài học lịch sử quý báu mà còn là sự gợi mở mang tính trí tuệ để chúng ta hôm nay soi sáng vào con đường hiện tại và phía trước. Đặc biệt, nếu đặt trong tâm thế so sánh giữa hai quốc gia Việt Nam – Hàn Quốc vốn có nhiều điểm tương đồng về lịch sử, văn hóa, những kết quả thu lại là không hề nhỏ. Bằng văn phong nghiên cứu hàn lâm nhưng cũng không kém phần thú vị bởi nhiều lối diễn đạt phong phú, gắn liền thực tiễn, cuốn sách thật sự là “điểm dừng chân” của những ai quan tâm đến câu chuyện ôn cố tri tân để quốc gia ngày thêm hưng thịnh.

Trách nhiệm xã hội của Nho giáo trong lịch sử Việt Nam và Hàn Quốc, Phạm Văn Đức, Hwang Eui Dong, Kim Sea Jeong đồng chủ biên, NXB Khoa học Xã hội.

 

11. Ý thức sinh thái của người Tây Nguyên

Kể về từng câu chuyện cuộc đời của từng cá nhân, từng số phận nhưng là kể về tính cách, về bản nguyên của cả cộng đồng, của cả Tây Nguyên, tập bút ký Các bạn tôi ở trên ấy của nhà văn Nguyên Ngọc đã phác họa nên tính cách của người Tây Nguyên đầy tinh thần yêu quý thiên nhiên. Thật khó có nhà văn nào trong suốt cuộc đời sáng tác lại gắn bó máu thịt với vùng đất Tây Nguyên như Nguyên Ngọc. Ông chưa bao giờ thôi suy tư, trăn trở về vùng đất này. Giống như tình thế mà Conrad P. Kottak từng nhắc đến: “Những người địa phương, những vùng đất của họ, những ý tưởng của họ, những giá trị của họ, và cả những hệ thống quản lý của họ bị tấn công từ mọi phía. Những người bên ngoài cố gắng thay đổi những vùng đất và văn hóa của người bản địa theo cách của họ” (“The New Ecological Anthropology”, American Anthropologist, New Series). Thế nên, trước những áp lực từ bên ngoài Tây Nguyên đang khiến nơi đây biến đổi theo chiều hướng xấu, trong nhiều đoạn của các bút ký, Nguyên Ngọc đã phải xót xa lên tiếng. “Tây Nguyên đang mất gần sạch rừng xanh rồi. Đại ngàn thì tuyệt đối không còn. Tất cả đang trống trơn, phơi ra đỏ ngầu đất trơ khô cháy. Con người ở đấy rồi sẽ ra sao đây? Thú thật, tôi chưa biết. Chỉ lo sợ”. Và tập bút ký Các bạn tôi ở trên ấy chính là những tâm sự ấy của Nguyên Ngọc.

Khác với các tác phẩm văn học mang cảm quan sinh thái khác, bút ký Các bạn tôi ở trên ấy không chỉ có cảm hứng phê phán mà còn chứa cảm hứng ngợi ca. Với hai mươi tư bài bút ký, Các bạn tôi ở trên ấy là chuỗi những khám phá, những suy tư trắc ẩn mà nhà văn Nguyên Ngọc muốn tỏ bày cùng độc giả. Những dòng bút ký đẹp long lanh, mỏng manh nhưng bí ẩn, huyền nhiệm như chính sự mênh mông bất tận của núi rừng Tây Nguyên. Song song đó là những nhân vật có thật đã, đang và sẽ gắn bó với núi rừng Tây Nguyên. Có thể nói, người Tây Nguyên đã thiết lập một mối quan hệ mà ở đó, văn hóa và sinh kế nương theo những nguyên lý của tự nhiên. Trong hành trình tiến đến văn minh, văn hóa Tây Nguyên đã giữ được chất tự nhiên bản nguyên đến tận cùng. Công lao ấy thuộc về ý niệm “người là của rừng” mà người Tây Nguyên bấy lâu nay đã quan niệm và gìn giữ.

Một tác phẩm đáng đọc, để thêm hiểu về người Tây Nguyên, và để thêm yêu thiên nhiên đất trời ban tặng này.

Các bạn tôi ở trên ấy, Nguyên Ngọc, NXB Trẻ, 314 trang.

 

12. Nàng Kiều từ lịch sử đến văn chương – một diễn tiến được phục dựng

“Với những người đọc sách, luôn có một số tác phẩm nào đấy gắn bó với họ như số phận. Tôi tìm đến luận án của Charles Benoit từ hơn hai mươi năm trước và không rời nó được từ đó đến nay. Dường như cũng là cơ duyên khi tôi được học với giáo sư Patrick Dewes Hanan (1927 – 2014) – một trong những nhà Hán học hàng đầu thế giới chuyên về tiểu thuyết Trung Hoa và cũng là người hướng dẫn luận án tiến sĩ của Charles Benoit… Cả hai thầy trò đều mong mỏi một ngày nào đó công trình xuất sắc này sẽ được dịch sang tiếng Việt”. Đó là những lời mở đầu của nhà nghiên cứu Nguyễn Nam (Trường Đại học KHXH&NV – ĐHQG TP.HCM) cho bản dịch của ông (cùng với các đồng dịch giả: Trần Hải Yến, Nguyễn Đào Nguyên, Mai Thu Huyền) về quyển Diễn tiến câu chuyện Vương Thúy Kiều: Từ sự kiện lịch sử Trung Hoa đến kiệt tác văn chương Việt Nam. Bản gốc tiếng Anh của công trình này chính là luận án tiến sỹ của Charles Benoit (tên tiếng Việt là Lê Vân Nam) bảo vệ tại Đại học Harvard năm 1981 với nhan đề The Evolution of the Wang Cuiqiao Tale: From Historical Event in China to Literary Masterpiece in Vietnam.

Có thể nói, công trình là hành trình đầy gian nan và công phu của Charles Benoit nhằm phục dựng một cách chân thực, sống động nhất có thể về diễn tiến câu chuyện Vương Thúy Kiều đi từ lịch sử đến văn chương. Trong khi đó, bản dịch Việt ngữ cũng là một hành trình đầy công phu và gian nan không kém khi các dịch giả phải dày công tìm kiếm tài liệu liên quan và các từ ngữ dịch phù hợp.

Phương thức đề xuất và triển khai vấn đề của công trình là một cách nhìn mới, một hướng triển khai mới không chỉ trong việc tiếp cận tác phẩm Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du mà còn mang tính gợi mở đối với các tác phẩm văn chương Việt Nam khác lấy bối cảnh, tình tiết của lịch sử để hư cấu thành văn chương. Một công trình đáng quý và đáng đọc.

Diễn tiến câu chuyện Vương Thúy Kiều: Từ sự kiện lịch sử Trung Hoa đến kiệt tác văn chương Việt Nam, Charles Benoit (Lê Vân Nam); Nguyễn Nam, Trần Hải Yến, Nguyễn Đào Nguyên, Mai Thu Huyền dịch, NXB Thế giới, 383 trang.