Ngày 20 tháng 9 vừa qua , tiểu thuyết ”T mất tích” của nhà văn Thuận đã ra mắt tại Pháp (bản dịch Đoàn Cầm Thi). Sách do NXB Riveneuve ấn hành, lượng in 5.000 cuốn.
VNT đã có cuộc trò chuyện với nhà văn Thuận nhân sự kiện này.
Tôi chưa bao giờ chỉ dành cảm xúc sáng tạo cho mỗi Việt Nam.
– Sau 3 năm Chinatown được dịch và xuất bản ở Pháp (nhà xuất bản Seuil, Đoàn Cầm Thi dịch), nay T. mất tích cũng tiếp tục ra mắt độc giả Pháp. Xin chị chia sẻ một chút thông tin về sự kiện này?
“T mất tích” (Đoàn Cầm Thi dịch) đã ra mắt độc giả Pháp cách đây một tuần. Bên này, tháng 9 và tháng 10 vẫn được coi là mùa sách lớn nhất trong năm. Năm nào cũng có vài nghìn đầu sách được xuất bản, chỉ riêng về tiểu thuyết cũng lên tới 7, 8 trăm. Giữa một rừng sách như thế, một tác phẩm nếu không đi kèm với một cái tên lẫy lừng, thì khó lòng làm nên sự kiện.
– ”Mùa sách” như chị nói sẽ dễ dàng hơn với những tác giả thành danh, đã quen tiếng với công chúng. Năm nay, lần thứ 2 chị tham gia sự kiện này, cảm giác của chị thế nào?
Hoang mang. Như ném một hòn sỏi vào lòng đại dương.
– Chị, hay dịch giả, hay nhà xuất bản quyết định chọn dịch T mất tích là cuốn thứ 2 ra mắt độc giả Pháp? Vì sao lại là T. mất tích?
Đoàn Cầm Thi và tôi cùng quyết định. Mới đầu Thi bảo hay là dịch “Paris 11 tháng 8” trước, nhưng tôi muốn chỉnh sửa đôi chút. Có những chỗ bây giờ đọc lại không còn thấy ưng ý. Chỉnh sửa nếu mà hứng sẽ rất nhanh, còn không thì khó hơn viết mới.
– Nếu được lựa chọn, chị sẽ xếp thứ tự như thế nào cho 5 cuốn tiểu thuyết của mình để “trình làng” trước bạn đọc Pháp?
”Chinatown”, ”T mất tích”, ”Paris 11 tháng 8”, ”Made in Vietnam”.
– Tôi nghĩ, ”Made in Vietnam” là cuốn công chúng Pháp chờ đợi nhất ở chị. Một nhà văn Việt, viết về Việt Nam. Tôi phỏng đoán, đó là lý do để “Made in Việt Nam” xuất hiện cuối cùng?
Sắp xếp như thế là vì ”Paris 11 tháng 8” và ”Made in Vietnam” có nhiều chỗ cần phải chỉnh sửa nhất, nghĩa là rất mất thời gian.
– Tuy nhiên ở trong nước thì việc chị im ắng khá lâu trên văn đàn cũng bắt đầu khiến công chúng thấy thắc mắc, tự hỏi: cô ấy không còn (muốn) viết văn nữa hay đang bận việc gì khác? Chị có thể trả lời câu hỏi này?
Trong ba năm im ắng vừa qua, tôi đã kịp viết 2 tiểu thuyết (“Thang máy Sài Gòn” và “Tháng Tư vô lý”). “Tháng Tư vô lý” chưa gửi cho nhà xuất bản nào, còn “Thang máy Sài Gòn” thì đã gửi nhưng bị yêu cầu chỉnh sửa một số đoạn “nhạy cảm”. Do tôi không chấp nhận nên tác phẩm vẫn chưa đến được tay độc giả Việt Nam.
– Văn chương của chị, đặc biệt là Chinatown được nhận xét là ảnh hưởng sâu sắc phong cách của Duras…
Đặc biệt hâm mộ Duras, nhưng tôi tin rằng “Chinatown” là phong cách của cá nhân tôi.
– Sự hài hước, tính giễu nhại luôn tràn ngập trong các tác phẩm của chị. Có người gật gù: ”à tính cô ta thế”. Thực tế thì tính cách chị ngoài đời có ảnh hưởng nhiều đến văn phong của chị?
Hài hước và giễu nhại thì nhiều người Việt có. Nhưng chúng ta chỉ dồi dào truyện tiếu lâm chứ văn chương nhìn chung thì vẫn sướt mướt và buồn như trấu cắn.
– Chị luôn đề cao việc tạo ra ngôn ngữ của riêng mình. Tuy nhiên khi chị vẫn viết văn bằng tiếng Việt, nhưng lại xa rời khá lâu môi trường sống ở Việt Nam thì đó cũng là một thách thức không nhỏ. Chị có thể nói rằng chúng ta có Internet. Nhưng Internet không thể thay thế cho cuộc sống thật ngoài đời, với nhiều cảm xúc mà chiếc máy tính không thể truyền tải được?
Đúng là hiện thực Việt Nam không phải là cái mà tôi chạm tới hàng ngày, cho nên tôi luôn tự cảm thấy cần phải cố gắng nhiều hơn nữa để đỡ bị nó bỏ rơi. Theo dõi thường xuyên các sự việc xảy ra trong nước, và không chỉ theo dõi, tôi luôn tìm cách hiểu rõ hơn về nguồn gốc.
Nhưng chúng ta cũng biết rằng, đôi khi mất đi cái này thì lại được cái kia. Việc sống ở nước ngoài đã giúp một người viết như tôi có một cái nhìn khác, khách quan hơn, về xã hội Việt Nam, hay ít ra thì cũng cho phép tôi so sánh nó với xã hội phương Tây mà tôi biết khá rõ. Trong ý nghĩa này, tác phẩm chính là con người. Sống giữa hai nền văn hóa, tôi chưa bao giờ chỉ dành cảm xúc sáng tạo cho mỗi Việt Nam.
Chọn nghề cầm bút đồng nghĩa với chọn cái bấp bênh.
– Ba năm qua, Chinatown đã được báo chí bên đó đón nhận ra sao?
“Chinatown” được đón nhận khá nồng nhiệt. Các báo Le Monde Diplomatique, Le Magazine Littéraire, L’Humanité, Libération, La Marseillaise… đều có bài viết riêng. Tôi và Thi cũng không ít lần được mời trả lời phỏng vấn ở đài France Culture trong các chương trình dành cho văn chương.
– Lượng in của Chinatown và T mất tích là bao nhiêu cuốn?
Theo hợp đồng với nhà xuất bản là 5 nghìn cuốn cho mỗi đầu sách.
– Sở dĩ tôi tò mò như vậy, vì ở trong nước đầu sách mỗi lần xuất bản thường chỉ ở mức 1000- 2000 cuốn, và nhuận bút vì thế chắc cũng chỉ đủ cho tác giả mời bạn bè vài bữa liên hoan nhẹ nhàng. Còn ở Pháp thì sao?
Viết văn luôn được liệt vào danh sách những nghề khó kiếm sống nhất ở bên này. Dân Pháp có truyền thống yêu văn chương và có lẽ vẫn chưa rũ bỏ hết truyền thống ấy, bằng chứng là chỉ ở Pháp thì một mùa sách mới xuất bản tới 700 tiểu thuyết. Nhưng yêu đến mấy, các phụ huynh mà con cái chẳng may ôm mộng cầm bút đều tỏ ra lo hơn vui, những người mà vợ hoặc chồng một hôm bỗng dưng quyết định thôi việc ngồi nhà viết tiểu thuyết thì đều chuẩn bị tinh thần cắt giảm chi tiêu trong gia đình. Nói chung, không ai là không hiểu chọn nghề cầm bút đồng nghĩa với chọn cái bấp bênh.
– Liên tục 2 tác phẩm xuất bản ở Pháp – cái được lớn nhất đối với chị là gì?
2 tiểu thuyết là một con số khiêm tốn. Tôi cố gắng trong vòng 2 năm tới sẽ xuất bản thêm 2 đầu sách nữa. Trừ phi quyết định chỉ viết riêng cho độc giả duy nhất là mình, nhà văn muốn trụ được, không có cách nào khác là xuất bản liên tục. Để ít ra cái tên của mình không còn khiến người đọc bàng quan. Người đọc không có quyền tham dự vào chất lượng tác phẩm, nhưng người đọc nhiều khi có khả năng quyết định nhà văn có tiếp tục được xuất bản hay không. Thời buổi kinh tế khủng hoảng, rất ít nhà xuất bản còn dám đầu tư vô điều kiện. Muốn được xuất bản, tác giả không những cần có tác phẩm hay mà còn phải chứng minh là một cây bút dồi dào, lúc nào trong ngăn kéo cũng có vài bản thảo đang đợi sẵn. Không có chuyện nấu một bữa cỗ rồi rung đùi xơi cả chục năm như bên ta.
Ngoài chuyện xuất bản của cá nhân tôi, tôi cũng hy vọng trong tương lai độc giả Pháp sẽ có nhiều dịp hơn nữa để khám phá văn chương Việt Nam.
Riveneuve là một nhà xuất bản trẻ, nhiệt tình với các nền văn hóa khác lạ, đang có kế hoạch phát triển tủ sách ”Tiểu thuyết Việt Nam đương đại” do Đoàn Cầm Thi phụ trách. Theo tôi được biết, trong năm tới, họ sẽ xuất bản tiểu thuyết “Boléro Météo” viết trực tiếp bằng tiếng Pháp của anh Đỗ Kh., tiểu thuyết “Cơ hội của Chúa” của anh Nguyễn Việt Hà do Đoàn Cầm Thi dịch và “Thang máy Sài Gòn” của tôi do bà Janine Gillon và tôi đã dịch xong từ 2 năm nay. Ngoài ra, tiểu thuyết “Blogger” của Phong Điệp và tiểu thuyết “Trí nhớ suy tàn” của anh Nguyễn Bình Phương cũng sẽ được tiến hành dịch. Xuất bản văn học nước ngoài luôn mắc phải vấn đề dịch, làm sao tìm được dịch giả có tay nghề lại sẵn lòng dịch mà chưa biết liệu có được xuất bản và nhuận bút sẽ là bao nhiêu.
– Sau một thời gian lắng lại, cho đến bây giờ chị tự thấy dành nhiều cảm tình nhất cho cuốn nào trong những cuốn tiểu thuyết đã và chuẩn bị xuất bản của mình?
Tác phẩm này gấp lại thì đã có tác phẩm khác mở ra. Giờ đây nhớ lại các tiểu thuyết kia tôi chỉ thấy những kỷ niệm không rõ nét. Tất cả đều nhạt nhòa trước “Tháng Tư vô lý”, bản thảo khiến tôi mất ăn mất ngủ hơn một năm nay.
Xin cảm ơn chị.
PVVNT thực hiện
Năm 2009, sau khi Chinatown của nhà văn Thuận ra mắt công chúng Pháp, cuốn sách đã được các báo chí dành cho sự quan tâm đặc biệt.
Báo Le Monde Diplomatique số tháng 8/2009, tác giả Jean-Claude Pomonti, đã có bài : “Những người cùng khổ – Đọc Chinatown của Thuận”, trong đó có đoạn viết: “Không xuống hàng, không chia chương, câu chuyện trong sáng một cách bất ngờ, được tiếp sức bởi những câu lặp lại mạnh mẽ và đánh dấu bằng hai trích đoạn của một tiểu thuyết khác có tên là “I’m yellow”. Thuật lại hành trình của mình với rất nhiều tươi mới, tác giả đưa chúng ta đến với nước Pháp, nước Nga, Hà Nội và các khu phố Tàu – Chợ Lớn của Sài Gòn, Belleville và quận 13 của Paris”
Báo La Marseillaise, số ra vào ngày 9/5/2009, tác giả Jean- Marie có bài : ”Một tác phẩm cách tân và bất trị về tha hương”, trong đó có đoạn viết : ”Kết dính các khái niệm về quốc gia, ngôn ngữ và lãnh thổ, tác giả khảo sát phía bên trong đầy bí mật của tinh thần lưu vong. ”Chinatown” bộc lộ một cái nhìn về phương Tây sau chiến tranh lạnh. Thế giới từ nay sẽ được phân chia một cách hoàn toàn khác, nhưng đâu sẽ là trung tâm, đâu sẽ là ngoại biên? Với ”Chinatown”, chúng ta đang ở rất xa mùi đu đủ xanh và các hương vị gỗ hiếm, bởi Thuận đã cắt đứt sợi dây bảo hiểm an toàn của truyền thống.”
Tạp chí ”Magazine Littéraire” số tháng 4/2009) tác giả Augustin Trapenard có bài ”Chinatown của Thuận ”, trong đó viết : ”Một tỷ người Hoa. Và tôi. Và tôi. Và tôi”. Lời hát của Jacques Dutronc mang một âm điệu dịu dàng chua xót qua lời độc thoại nội tâm đầy táo bạo của một phụ nữ Việt Nam trẻ sống tại Belleville. Chinatown, từ thủa cô không biết là gì, đến nay đã trở thành số phận. Tiểu thuyết xóa nhòa ranh giới giữa thật và ảo. Đây đó người ta đọc thấy vài trích đoạn cuốn tiểu thuyết nhân vật chính đang viết, được gài vô cùng tài hoa trong một thế soi gương”.
Nguồn: Vannghetre