Ngoài việc là một trong những lãnh đạo ảnh hưởng nhất thế kỷ 20, cựu lãnh tụ Cuba Fidel Castro còn là một người đọc uyên thâm và có quan hệ với nhiều văn hào của thế giới.

“Tôi sẽ trở thành nhà văn vào kiếp sau”, Fidel Castro từng nói với đại văn hào người Colombia Garcia Marquez như vậy. Còn trong 90 năm cuộc đời vừa kết thúc của mình, Castro thường xuyên được nhắc đến cùng những tên tuổi lớn nhất của văn học thế giới.

90 năm không cô đơn

Giữa Castro và Marquez thật sự có tình bạn, một tình bạn lâu năm. Năm 1977, Marquez miêu tả Castro là “người đàn ông lịch thiệp nhất tôi từng biết” trong khi Castro xem bạn mình là “con người quyền lực nhất Mỹ Latin”.

Họ gặp nhau lần đầu tiên năm 1956, nhưng không trở thành bạn bè cho tới gần 10 năm sau đó khi Marquez ra mắt cuốn tiểu thuyết kinh điển Trăm năm cô đơn, theo Literary Hub.

Moi quan he dac biet cua Fidel voi cac dai van hao hinh anh 1
Giữa Castro và Marquez là một tình bạn đẹp.

Mối quan hệ này đã trở thành đề tài cho nhiều sử gia. Trong cuốn sách Fidel & Gabo: A Portrait of the Legendary Friendship Between Fidel Castro and Gabriel Garcia Marquez (tạm dịch: Fidel và Gabo: Chân dung Tình bạn huyền thoại của Fidel Castro và Gabriel Garcia Marquez), hai tác giả Angel Esteban và Stephanie Panichelli kể rằng Marquez thậm chí đã để Castro đọc bản thảo của mình trước đi in.

Marquez từng kể về Castro như một “người đọc rất tuyệt vời với khả năng tập trung đáng kinh ngạc. Trong rất nhiều cuốn sách ông ấy đã đọc, Castro nhanh chóng tìm ra mâu thuẫn giữa các trang… Người ta sẽ nhận ra Castro rất yêu thích văn chương, ông ấy rất thoải mái khi sống giữa văn chương, và rất thích tự viết các bài phát biểu của mình”.

“Có một lần, ông ấy đã nói với một chút buồn bã, ‘tôi sẽ trở thành nhà văn vào kiếp sau’”, Marquez kể lại.

Nhà văn người Colombia cũng cho biết “giữa chúng tôi là một tình bạn của những người tri thức” khi nói về mối quan hệ với lãnh tụ Cuba.

Marquez từng có một vài lời chỉ trích đối với Castro, nhưng nhìn chung ông vẫn là một người bạn và người ủng hộ lâu năm của lãnh tụ Cuba. Mối quan hệ này thậm chí khiến ông bị từ chối visa vào Mỹ, cho đến thời cựu tổng thống Bill Clinton. Trong buổi ăn tối với Clinton năm 1996, Marquez đã nói với tổng thống Mỹ: “Nếu anh và Fidel có thể mặt đối mặt nhau, thì sẽ không còn vấn đề gì”, Al Jazzera dẫn lại.

Marquez qua đời ngày 27/4/2014. Nhà nước Cuba thông báo cựu lãnh tụ Fidel Castro cảm thấy “đau buồn” và “mất mát trước sự ra đi của một người bạn”.

Một lần ra biển cùng Hemingway

Trong 20 năm gần cuối của đời mình, Ernest Hemingway đã sống xen kẽ giữa Cuba, Mỹ và châu Âu. Cũng chính đất nước này đã tạo cảm hứng cho ông viết nên Ông già và biển cả, với nhân vật chính là một lão ngư người Cuba. Tuy nhiên, đất nước Cuba mà Hemingway đã sống không phải Cuba dưới thời Castro. Nhà văn người Mỹ rời đi 1 năm sau khi Cách mạng Cuba thành công và cũng 1 năm trước khi ông tự sát.

Mối quan hệ của lãnh tụ Castro và nhà văn người Mỹ được nhiều sử gia chú ý, vì bên cạnh Castro và người anh hùng Che Guevara, ở Cuba ít có nhân vật nào được tôn sùng nhiều như Hemingway.

Jacobo Timerman, một nhà báo người Argentina, từng viết: “Dù điều đó chưa từng được viết rõ ra, du khách đến Cuba thường có cảm tưởng Hemingway ủng hộ Fidel Castro và ông là một phần của cuộc cách mạng. Sự thật là… nhà nước Cuba chưa từng công bố gì về mối quan hệ của Castro và Hemingway”, theo New Yorker.

Hemingway và Fidel. Ảnh: tư liệu.

Theo ghi chép của Timerman, lần gặp mặt duy nhất của Castro và Hemingway là trong cuộc thi câu cá tháng 5/1960. Đây là cuộc thi được tổ chức thường niên từ thập niên 1950 và Hemingway đã thắng 3 năm đầu tiên, tên ông sau đó được đặt cho cuộc thi này.

“Có rất nhiều hình ảnh được chụp lại trong dịp đó, nhưng những lời họ nói với nhau không có gì đáng chú ý, chỉ những câu xã giao lịch sự”, Timerman miêu tả.

Dù tình bạn của lãnh tụ Cuba và nhà văn Mỹ có thể chưa từng tồn tại, nó vẫn tạo thêm sức hấp dẫn cho đất nước Cuba và trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều văn nghệ sĩ khác. Bức ảnh Hemingway trao chiếc cúp vô địch cuộc thi câu cá cho Castro về sau được nhà thơ người Mỹ John Updike miêu tả trong bài thơ của mình là “kỳ lạ không tả nổi”, kỳ lạ như cảnh tượng “Shakespeare trao giải Nướng bánh xuất sắc cho Nữ hoàng Elizabeth vậy”.

Pablo Neruda: Từ người ngưỡng mộ đến kẻ ‘phản bội’

Ngoài việc làm nhà văn, Pablo Neruda còn là đảng viên đảng Cộng sản Chile, một người ngưỡng mộ Castro nói riêng và Cuba nói chung. Năm 1959, khi cách mạng Cuba vừa thành công, Neruda đến Venezuela để nghe bài phát kéo dài 4 tiếng liên tục của Castro. Nhà văn kể rằng những lời của Castro khiến ông nhận ra “một kỷ nguyên mới đã bắt đầu cho Mỹ Latin”.

Nhà văn Chile Pablo Neruda.

Ngoài việc kể về cuộc gặp với Castro bằng giọng đầy trìu mến, năm 1960, ông xuất bản một tuyển tập thơ với bài thơ Fidel Castro.

Đến năm 1977, Neruda đến Mỹ. Chuyến đi của ông chọc giận các lãnh đạo Cuba. Một nhóm tri thức Cuba, được cho là theo lệnh của Castro, công bố một bức thư lên án nhà văn người Chile đã phản bội lý tưởng của mình và liên kết với kẻ thù.

Nhà văn người Chile cho rằng Castro đã có điều không hài lòng với ông từ trước, nên mới dẫn đến việc ông ra lệnh viết bức thư kia. Hai năm sau đó, Neruda được mời trở lại Cuba, nhưng ông từ chối và không bao giờ đến Cuba nữa.


Phương Thảo

News.zing

Exit mobile version