Tiến sĩ TRẦN HUYỀN SÂM – Sinh năm 1973 – Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam – Hiện là giảng viên khoa Ngữ văn, trường ĐHSP Huế – Các tác phẩm nghiên cứu – phê bình đã xuất bản: + Tiếng nói thơ ca, Nxb Văn học, 2002 + Tiểu thuyết phương Tây hiện đại và các hướng tiếp cận, Nxb Văn học, 2016 + Nữ quyền luận ở Pháp và tiểu thuyết nữ Việt Nam đương đại, Nxb Phụ nữ, 2016 |
– Chúc mừng Trần Huyền Sâm vừa trình làng cùng lúc hai công trình nghiên cứu – phê bình văn học: Tiểu thuyết phương Tây hiện đại và các hướng tiếp cận và Nữ quyền luận ở Pháp và tiểu thuyết nữ Việt Nam đương đại. Trong khuôn khổ Quán văn VNQĐ kì này, tôi muốn cuộc trò chuyện của chúng ta tập trung vào cuốn sách thứ hai. Trước tiên, chị có thể chia sẻ về động cơ, kì vọng của mình trong việc nỗ lực nghiên cứu và cho ra đời sản phẩm Nữ quyền luận ở Pháp và tiểu thuyết nữ Việt Nam đương đại?
+ Trước hết, nếu nói về phái tính, với tôi nghiên cứu nữ quyền là một cuộc phiêu lưu để “nếm trải” cái nhân-vị-đàn-bà trong thế giới văn chương. Bất kì cuộc phiêu nào cũng thú vị nhưng phải chấp nhận sự rủi ro, mạo hiểm. Tôi vui vì cuốn sách của mình vừa ra đời đã được bạn đọc đón nhận một cách thiện cảm…
Xin mượn lời của nhà văn Lý Lan, dịch giả thiên truyện Harry Potter, để trả lời câu hỏi của bạn: “Một thái độ không biết đến nữ quyền, lịch sử và phương pháp của nó, là một thái độ quá cao ngạo”. Phê bình nữ quyền là một cuộc đối thoại quyết liệt giữa giới nữ và các nhà triết học nam quyền. Xuất hiện ở Pháp từ thập niên 70 – 80 của thế kỉ XX, khuynh hướng này đã tác động mạnh mẽ đến đời sống văn hóa, chính trị của xã hội Pháp nói riêng và châu Âu nói chung. Trung tâm phân tích của phê bình nữ quyền là giải cấu trúc những quan điểm cực đoan của các nhà triết học phân tâm. Các nhà nữ quyền cho rằng, các nhà phân tâm đã đứng trên quan điểm dục tính nam quyền để xác lập một hệ hình diễn ngôn uy quyền, áp đặt. Trên tinh thần “quyền uy”, các nhà phân tâm đã đẩy mọi diễn ngôn của “cái khác”, tức nữ giới, ra ngoại biên, bên lề. Vì vậy, phê bình nữ quyền hướng đến giải thiêng những huyền thoại lừa mị về nữ giới. Lấy tính nữ làm trung tâm, họ thay đổi hệ thống diễn ngôn nam quyền thành diễn ngôn nữ quyền – nhân tố trung tâm thống ngự văn bản. Đáng tiếc, so với thế giới, ít ra trong tương quan với Pháp, việc nghiên cứu nữ quyền luận ở Việt Nam quá hạn hẹp. Hi vọng cuốn sách của tôi sẽ góp phần khiêm tốn trong việc giới thiệu khuynh hướng phê bình nữ quyền đã và đang thịnh hành ở Pháp…
– Tại Hội nghị lí luận, phê bình văn học lần thứ tư do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức ở Tam Đảo mới đây, tham luận của PGS, TS Nguyễn Văn Dân khá thuyết phục khi đề xuất hướng đến quan điểm toàn cầu trong phê bình văn học hôm nay. Qua nghiên cứu của mình, bằng cái nhìn so chiếu, chị có thể định vị tiểu thuyết nữ Việt Nam đương đại trên bản đồ văn học nữ quyền thế giới?
+ Để tường minh cho các luận điểm về phê bình nữ quyền ở Pháp, tôi đã khảo sát gần bốn mươi tác phẩm, và trên cơ sở đó, có thể đi đến khẳng định, rằng tiểu thuyết nữ Việt Nam đương đại đang dự phần vào dòng chảy chung của văn học nữ quyền thế giới. Dĩ nhiên, để tìm được một nhà văn nữ Việt Nam có lối viết bạo liệt như George Sand, Simone de Beauvoir, Marguerite Duras… thì e khó.
– Trong cuốn sách của mình, chị khẳng định: “Diễn ngôn phái tính và kiến tạo văn bản theo tư duy nữ tính là một hình thức thể hiện tinh thần nữ quyền của các nhà văn nữ Việt Nam đương đại” (tr.209). Còn nhà nghiên cứu – phê bình Đoàn Cầm Thi, trong cuốn sách Đọc “tôi” bên bến lạ (Nxb Hội Nhà văn & Nhã Nam, 2016), ở một chú thích của chương Phụ nữ/ Văn học/ Toàn cầu hóa, lại đưa ra “thiển ý” của mình: “Sẽ không bao giờ thiết lập được biên giới tuyệt đối giữa văn học nữ và văn học nam. Có những đề tài và hiện tượng thường gặp (chứ không phải chỉ gặp) trong các tác phẩm nữ. Hơn nữa, chúng chỉ mang tính tạm thời (chứ không vĩnh viễn). Vì vậy, đòi công nhận đặc thù của văn học nữ đồng nghĩa với việc giam cầm tác giả “phái yếu” trong một “nhà tù”, từ đó dẫn đến những cách đọc giản lược, méo mó các tác phẩm của họ” (tr.108). Chị tranh biện thế nào về ý kiến của đồng nghiệp này?
+ Làm sao có thể thiết lập được đường biên tuyệt đối giữa văn học nữ giới và văn học nam giới? Đó là điều bất khả, vì bản chất của văn chương mang tính nhân loại. Tuy nhiên, “trải nghiệm giới tính” trong sáng tác là điều không thể chối cãi. Mỗi giới có những nếm trải riêng và nó sẽ phóng chiếu vào trong lối viết. Nhà văn nam làm sao có thể viết một cách thuyết phục, lay động về sự kiện mất trinh, hay đau đẻ, hay nạo thai như nhà văn nữ? Theo tôi, càng phát huy “đặc trội” về phái tính thì càng tạo lập phong cách sáng tạo độc đáo.
Trong công trình của mình, tôi đã chứng minh, rằng sáng tác của nữ giới thường là những trải nghiệm thầm kín của giới tính qua ngôn ngữ thân thể. Nhà văn nữ viết với tư cách vừa là chứng nhân, vừa là trải nghiệm nên sự việc được phơi bày từ điểm nhìn bên trong. Những trang viết của các nhà văn nữ, thiết nghĩ cũng có thể xem là những bản “trần tình” của nữ giới. Nói lối viết nữ khác biệt với lối viết nam giới là nói đến đặc trội của phái tính, chứ không phải là phân chia đường biên, sự ngăn cách.
“Phê bình nữ quyền là một thái độ phản ứng của giới nữ đối với triết học nói riêng và các thiết chế xã hội lấy nam quyền làm vị trí trung tâm nói chung. Sự quyết liệt, mạnh mẽ của các cây bút phê bình nữ quyền đã góp phần làm thay đổi căn bản quan niệm về giới nữ. Không thể chối cãi rằng, từ thập niên 1970 đến nay, nhờ vào những hoạt động của các nhà phê bình nữ quyền, thế giới đã đi đến sự cân bằng về giới, nhất là trong lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật.” (Tiến sĩ TRẦN HUYỀN SÂM)
|
– Nhiều người viết phê bình cốt tải được ý mà không chú trọng nắn nót, sáng tạo câu chữ. Nhiều người lại say sưa “làm chữ” quá mức, dẫn đến làm mệt, làm khó người đọc trong việc nắm ý. Tôi thích lối phê bình “tròn vành rõ chữ” mà có sức lôi cuốn của chị. Phải chăng, đến lượt mình, văn phê bình của chị cũng được viết bằng “ngôn ngữ của thân thể”, bằng “bút pháp của ham muốn” như văn sáng tác của các nhà văn nữ mà chị chọn làm đối tượng?
+ Viết một công trình nhằm “phản biện” đàn ông mà lại nhận được lời khen ngợi từ phía đàn ông thì không còn gì vui hơn. Vậy mà tôi cứ sợ sẽ làm mấy quý ông phật lòng. Quả thực, trong công trình này, tôi viết bằng sự trải nghiệm giới tính, bằng suy nghĩ chân thực của chính mình. Mặc dù là thể loại phê bình nhưng có những trang dường như tôi hóa thân vào nhân vật nữ để phân tích, diễn giải, nhất là về phạm trù trinh tiết và phẩm tiết…
– Trong cuốn sách của mình, chị viết: “Bàn về Simone de Beauvoir để học tập cái nhân vị đàn bà của con người này ư? Không đâu. Chuyện khó. Simone de Beauvoir là một người đàn bà ngoại cỡ: ngoại cỡ về tư tưởng nữ quyền, ngoại cỡ về tình yêu – khoái lạc. Đàn bà trên cõi đời này hiếm ai có thể đạt đến tầm vóc của bà. Tuy nhiên, thái độ hiện sinh của Simone de Beauvoir là bài học cho bất kì phụ nữ nào muốn vươn đến sự tự do, bằng việc xác lập một vị thế tự chủ trong cuộc sống…”. Có vẻ như cuộc đời và sự nghiệp của người đàn bà, nhà nữ quyền nước Pháp Simone de Beauvoir đã truyền cho chị một cảm hứng sống, một năng lượng sống đặc biệt?
+ Tôi nghĩ, đàn bà không chỉ đẹp mà còn phải thông tuệ. Bản thân Simone de Beauvoir là một minh chứng thuyết phục cho quan điểm vừa nêu. Nếu S.Freud và F.Nietzsche chứng kiến được cuộc sống tự do, với tất cả sự sinh động trong tình yêu, sự say mê trong nghệ thuật, sự uyên bác trong khoa học của Simone de Beauvoir, thì hai triết gia này hẳn phải thừa nhận sai lầm của mình về luận thuyết đàn bà. Bằng chính cuộc đời mình, cái nhân vị tự do của người phụ nữ Simone de Beauvoir đã được khẳng định trên ba phương diện:
Thứ nhất, về triết học. Simone de Beauvoir là phụ nữ đầu tiên cho đàn ông thấy rõ là họ đã sai lầm trong nhận định, rằng triết học là lĩnh vực độc tôn của đàn ông, rằng đó là một loại hình khoa học thiên về tư duy logic, không phù hợp với tư duy cảm tính của phụ nữ. Như chúng ta biết, để “lật tẩy” cách nhìn cực đoan này, Simone de Beauvoir đã tham gia kì thi và đỗ nhì tại Đại học Sorbonne, chỉ đứng sau Jean-Paul Sartre. Vào thời điểm đó – năm 1929, Simone de Beauvoir là người phụ nữ nhận học vị thạc sĩ đầu tiên ở Pháp. Sau sự kiện này, đàn ông Paris, mà trước hết là nhà triết học hiện sinh Jean-Paul Sartre rất nể phục. Cuộc đời của Sartre đã đi qua nhiều người đàn bà, nhưng Beauvoir là người duy nhất hiểu Sartre sâu sắc và có khả năng đối thoại với ông trên mọi phương diện của cuộc sống.
Thứ hai, về văn học. Simone de Beauvoir chứng minh, rằng muốn sống tự do, viết tự do, trước hết người phụ nữ phải thoát ra những luân lí định sẵn. Năm 1954, giải Goncourt – một giải thưởng văn học danh giá nhất ở Pháp – đã thuộc về Simone de Beauvoir, càng cho thấy thái độ hiện sinh đúng đắn của bà.
Thứ ba, về phương diện chính trị. Simone Beauvoir là một trí thức dấn thân và đấu tranh hết mình cho tinh thần tự do của nhân loại. Bà đã từng cùng sinh viên xuống đường tham gia biểu tình chống chiến tranh ở Algérie và Việt Nam những năm 60, 70 của thế kỉ XX. Các hoạt động xã hội do Simone de Beauvoir khởi xướng đã ảnh hưởng sâu sắc đến tầng lớp trí thức, nhất là giới nghệ sĩ tiến bộ. Trong đó, tinh thần hiện sinh và chịu trách nhiệm hiện sinh của nhân loại nói chung và phụ nữ nói riêng ở bà là vấn đề đáng lưu tâm nhất.
Không phải đơn giản mà tên Simone de Beauvoir được đặt cho một chiếc cầu bắc qua sông Seine giữa thủ đô Paris hoa lệ. Vinh dự này chỉ dành cho những vĩ nhân của nước Pháp. Hình như ở Việt Nam, chúng ta chỉ nhìn nhận cái nhân vị đàn bà của Simone de Beauvoir trên phương diện tình yêu, tự do, mà chưa thấy hết được con người xã hội – đa diện của nữ triết gia đặc biệt này.
– Cuốn sách của chị đề cập nhiều đến “phạm trù trinh tiết”. Nhớ, năm 2012, trong đề thi tuyển sinh, Đại học FPT đã rất cập thời, rất thoáng mở khi dẫn những câu Kiều liên quan và yêu cầu thí sinh viết bài luận để phát triển quan điểm cá nhân về phạm trù nhân bản này. Thế nhưng, dư luận sau đó, bên cạnh những tiếng nói đồng tình ủng hộ là những tiếng nói kháng cự, nào là “thô thiển”, nào là “bày đường cho hươu chạy”, nào là “không còn gì để ra đề nữa hay sao”… Xã hội luôn là vậy, một cộng đồng người cùng ngôn ngữ nhưng không cùng tiếng nói. Chị bình luận gì về câu chuyện này?
+ Thật đáng tiếc khi một số người đã nhầm lẫn, đánh đồng khái niệm “trinh” và “tiết” của phụ nữ. Phần “trinh” thuộc về phương diện sinh học, nó chỉ có giá trị như bất kì bộ phận nào trên cơ thể con người. Còn phần “tiết” thuộc về phương diện tinh thần, là tiết hạnh, phẩm hạnh. Tiết hạnh, phẩm hạnh của một cô gái là do hệ thống các yếu tố tâm hồn, trí tuệ tạo nên, đặc biệt là thái độ hiện sinh của cô ta trong các mối quan hệ xã hội. Quan niệm sai lầm, định kiến đã vô tình biến chữ trinh thành một “dây thòng lọng” để đưa cô gái lên “đoạn đầu đài”, nếu chẳng may cô ta không còn trinh, vì lí do chủ quan hay khách quan nào đó. Phải chăng, chính “nỗi sợ hãi” từ trong tiềm thức này mà phạm trù trinh tiết đã trở thành mối quan tâm đặc biệt trong sáng tác nữ giới?
– Là nhà nghiên cứu – phê bình văn học nhưng chị lại sở hữu nhiều giải thưởng báo chí liên quan đến lĩnh vực y học, rồi sẽ xuất bản tiểu thuyết có tên Nếu em là bác sĩ nữa. Chị có thể chia sẻ về câu chuyện này?
+ Khi cầm bút, tôi luôn quan tâm đến vấn đề y học. Trong cuốn sách của mình, để hoàn thành phần Diễn ngôn về nỗi đau chối bỏ thân thể: vấn đề nạo thai ở phụ nữ trong tiểu thuyết nữ Việt Nam đương đại, tôi phải đi thực tế ở các bệnh viện mấy tháng trời. Có khi đi với cách như một phóng viên, có khi “vào vai” một bệnh nhân. Ở đó, tôi “chạm mặt” những người thân, bạn bè, và cả sinh viên của mình. Khi viết về nỗi đau của những nhân vật nữ nạo thai trong các tác phẩm của Đoàn Lê, Dạ Ngân, Võ Thị Xuân Hà, Phong Điệp…, tôi luôn ám ảnh bởi những tiếng kêu xé ruột ở bệnh viên. Không có nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau một người đàn bà buộc lòng phải thực hiện hành động nạo thai. Đó là nỗi đau đớn cả thân xác lẫn tâm hồn. Tôi tự hỏi, vì sao các nhà phê bình Việt Nam lại cố tình né tránh phương diện rất nhân bản này trong văn học nữ?
Tôi nghĩ, giữa lĩnh vực văn học và y học có mối tương tác rất đặc biệt. Trong sáng tạo văn học, trải nghiệm giới tính nữ cũng có nghĩa là nếm trải một phần thân thể từ góc độ y học. Không ít nhà văn nữ trước khi cầm bút, họ từng là bác sĩ. Giải Goncourt ở Pháp năm 2014 đã vinh danh nữ bác sĩ Lydie Salvayre. Trước khi cầm bút, bà từng là sinh viên y khoa – chuyên ngành tâm thần học, từng làm việc nhiều năm trong một bệnh viện ở Bouc-Bel-Air (gần Marseille). Lydie Salvayre khiến chúng ta nhớ đến nữ văn sĩ Colleen Mc Cullough, tác giả của cuốn tiểu thuyết từng làm say mê bao thế hệ: Tiếng chim hót trong bụi mận gai. Nếu chưa từng trải qua lĩnh vực y học, chắc hẳn, Colleen Mc Cullough không thể viết được câu chuyện tình lãng mạn, say mê và tội lỗi giữa cô bé Meggie và người cha xứ Ralph hấp dẫn đến như vậy. Kinh nghiệm y học và trải nghiệm giới tính nữ khiến cho lối viết của một số nhà văn nữ trở nên độc đáo, khác biệt so với nam giới.
Tôi rất vui vì đã được chính tay bà Bộ trưởng Bộ Y tế trao tặng giải thưởng về phóng sự Ca ghép tim đầu tiên ở Việt Nam của Bệnh viện Trung ương Huế vào năm 2013. Cuốn tiểu thuyết sắp xuất bản của tôi cũng về đề tài y học. Ở đó, tôi tái hiện ba thời kì lịch sử: thế hệ bác sĩ Alexandre Yersin những năm đầu thế kỉ XX ở Đông Dương – Việt Nam, thế hệ bác sĩ Tôn Thất Tùng trong thời chiến và thế hệ bác sĩ Bùi Đức Phú ở thời điểm hội nhập hôm nay. Dĩ nhiên, đã là tiểu thuyết thì phải có tình yêu đẹp, say mê. Đó là những mối tình xuyên lịch sử, xuyên sắc tộc và phi tuổi tác… Mỗi nhân vị đàn bà là một bí mật riêng. Tôi chỉ “bật mí” về cuốn tiểu thuyết của mình chừng đó thôi…
– Cám ơn chị đã có những chia sẻ thú vị với bạn đọc VNQĐ
H.Đ.K – Văn nghệ Quân đội