Nghiên cứu toàn bộ tác phẩm mấy nhà văn nổi tiếng, một nhà phê bình đi đến kết luận: “Thật ra, mỗi người chỉ có một cuốn sách mà suốt đời họ viết đi viết lại nhiều lần”.


Câu nói hóm ngộ, nhưng chứa đựng một sự thật cơ bản. Ở những nhà văn đó, có một hệ thống tư tưởng quán xuyến bao trùm, hình thành qua lịch lãm, quan sát, chiêm nghiệm, suy tư, tóm lại một chữ, qua cả cuộc đời họ. Tư tưởng ấy trở thành sự đánh giá tổng quát của họ về con người, về xã hội, thành nhân sinh quan, thế giới quan của riêng họ, một xác tín về cách sống, đạo đức và tác phẩm của họ chính là để tỏ bày điều xác tín ấy.

Từ cuốn sách này đến cuốn sách tiếp theo, dưới vẻ đa dạng của chủ đề, đề tài, phong cách, có thể tìm thấy một chủ đạo duy nhất được nhà văn lật qua lật lại ở nhiều khía cạnh và ở nhiều cấp độ khác nhau. Với những nhà văn chân chính, tư tưởng ấy càng ngày càng chín, càng phát triển hoàn chỉnh và kiên định, tạo thêm nhiều miếng đất cho sự phong phú trong biểu hiện.

Tính nhất quán về nội dung này để nhận thấy trong địa hạt truyện ngắn ít ra cũng ngang với truyện dài, nếu không phải là dễ hơn. Đọc những truyện ngắn của Nguyễn Công Hoan, Nam Cao trước Cách mạng, thấy rất rõ cái thống nhất trong góc độ nhìn và đánh giá sự vật, nó có gốc dễ ở sự bền vững nhất quán trong tư tưởng tác giả. Cái đó cắt nghĩa, vì sao Nguyễn Công Hoan, nhân ngắm một đoàn quảng cáo tuồng diễn qua trước cửa liền nẩy ý viết Đào kép mới để giễu cợt kín đáo trò hề cách tân của triều đình Huế và bọn cai trị Pháp thời bấy giờ. Cái đó cũng cắt nghĩa lời khẳng định của Sê-khốp rằng ông có thể đặt bút sáng tác ngay một câu chuyện về bất cứ đề tài gì, đối tượng gì, chiếc gạt tàn thuốc lá trên bàn kia chẳng hạn!

(Trích từ “Khoảng khắc truyện ngắn” của Bùi Hiển)

Nguồn: yume.vn

Exit mobile version