Phải nói là tôi có duyên với Linh Lê, cho dù chưa một lần diện kiến tác giả ngoài đời. Gọi là duyên, bởi khi chưa kịp biết Linh Lê là ai thì những cuốn sách của cô đã được một bạn văn từ Hà Nội gửi tặng. Nghĩa là, nói một cách nào đó thì tôi cũng đã “gặp” tác giả qua những trang sách.
Cả thảy là ba cuốn tiểu thuyết. Đầu tiên là Không khóc ở Kuala Lumpur, rồi đến Mùa mưa ở Singapore, còn bây giờ là Người tình Sài Gòn. Máu vốn nhiễm Sherlock Holmes, nên khi đọc xong một cuốn sách, tôi thường đưa ra những phỏng đoán, suy luận về “nhân thân” tác giả, nghĩ về những bối cảnh mà cô gái trẻ này đã từng trải qua (để có thể thiết kế những văn bản văn chương) Và, theo suy luận của tôi thì Linh Lê viết Không khóc ở Luala Lumpur trong một hồi nhớ khi đã rời xa nơi này; viết Mùa mưa ở Singapore khi đang ở Sài Gòn; còn viết Người tình Sài Gòn khi quay về với Hà Nội. Nếu như “trò thám tử” này có kết quả đúng, thì có nghĩa là nhà văn trẻ này có thói quen viết về những trải nghiệm ở nơi mình từng sống, và chỉ có thể viết khi rời xa nơi ấy, khi mà sự lắng đọng đã có thể xếp lớp dịu dàng như sóng biển miên man.
Và, trong miên man, nhà văn đã khởi động chữ.
Cảm giác của tôi là vậy, khi đọc xong hai tiểu thuyết trước của Linh Lê. Cho đến Người tình Sài Gòn thì cảm giác đó lặp lại.
Tôi đọc bản thảo Người tình Sài Gòn vào mỗi buổi sáng, mỗi buổi một ít, trong một tiệm café ở Hồ Con Rùa. Có một sự thú vị nho nhỏ, trong tiểu thuyết này, Linh Lê cũng có nhắc đến một tiệm café nào đó ở Hồ Con Rùa, rồi một quán nhậu vỉa hè đêm trên đường Pasteur (chỗ gần trường Kiến trúc), hay một góc nào đó ở phố Tàu (Quận 5). Đó cũng là những chỗ ngồi quen thuộc của tôi hay bất kỳ một người Sài Gòn nào khác. Nhưng sự quen thuộc quá đỗi đôi khi thành mặt phẳng. Sài Gòn với Linh Lê có lẽ vừa lạ vừa quen, vừa cũ vừa mới, vừa yêu lại vừa ghét. Cho nên cái nhìn của cô vừa bình thản vừa khắc khoải, vừa khám phá vừa như dửng dưng. Nhưng phần lớn là khắc dấu vào một nơi chốn nào đó cùng cảm trạng nhân vật đang sống quyện vào. Sài Gòn nhờ thế là sinh động, mà thở hực lên hơi thở tuổi trẻ như nó vốn thế.
“Sài Gòn hợp với tất cả mọi người, mà thật ra lại chẳng hợp với bất cứ ai”– Linh Lê đã viết như thế. Đó là một ý nghĩ hay là một nhận xét? Một đúc kết có tính trải nghiệm thực tế hay là sự rút tỉa cảm xúc trong khoảnh khắc? Với riêng tôi thì một nhận định như thế về Sài Gòn thật tuyệt vời. Bởi Sài Gòn là nơi của những cái bùng binh rộng lớn, là nơi của tinh thần giao thoa quốc tế. Sài Gòn là một vùng đất mở.
“Sài Gòn hợp với tất cả mọi người, mà thật ra lại chẳng hợp với bất cứ ai”
Có lẽ từ đây, câu chuyện tình ở Sài Gòn bắt đầu.
Bắt đầu từ một cô gái trẻ làm một nghề rất lạ, đó là nghề nói chuyện (hay trò chuyện) trực tiếp với bất kỳ khách hàng nào theo yêu cầu. Một cô gái có cá tính mạnh mẽ, khao khát tự do, nhưng cũng rất say tình. Tuy nhiên, dường như tất cả đàn ông đều không thể lấp đầy cô, hay cảm giác sa mạc ngự trị trong cô lớn đến mức luôn cháy khát. Một cô gái có mối tình đầu rất lạ lùng. Người đàn ông của cô luôn thấy cô… ngoại tình trong mơ, luôn thấy cô ái ân lần lượt với từng người đàn ông khác. Cuối cùng, không chịu đựng được, anh ta đã tự kết liễu đời mình. Cô gái từ đó sống với những cảm trạng không mấy dễ chịu. Cô dễ dàng bị bóc trần, nhưng cũng điêu luyện khi muốn xóa dấu vết. Cô là một người tình Sài Gòn. Và những người đàn ông quanh cô là những người tình Sài Gòn khác.
Một câu chuyện tình thuần túy. Có lẽ là vậy. Nhưng điều mà tôi thích ở Linh Lê là ở cái cách cô xử lý chuyện tình mà không hề sến. Cách kể chuyện tưởng chừng nhẹ nhàng, mà gây ám ảnh hay cắt cứa. Và, cách Linh Lê viết về sex đạt tới một mức tự nhiên rất đáng yêu. Đọc thấy yêu, và đọc để yêu. Đọc để thấy mình cũng là một người tình Sài Gòn. Và mình cũng đang đi tìm những người tình Sài Gòn khác.
Nếu cho rằng đây là một cuốn tiểu thuyết viết về sex thì cũng có thể đúng. Nhưng có lẽ đúng hơn, đây là cuốn tiểu thuyết viết về nỗi cô đơn của con người, trong đó có những người tuổi trẻ. Một phong vị Murakami như đâu đó phảng phất, khi Linh Lê trích dẫn ở trang 271, “Phía Nam biên giới, Phía Tây mặt trời”, Murakami viết: “Có nhiều cách sống, và nhiều cách chết. Nhưng có quan trọng gì đâu. Điều duy nhất còn lại là sa mạc.” Còn lại là sa mạc. Là cát bụi. Là hoang vu. Là những gì không thể tưới tắm hay lấp đầy? Để trả lời được những câu hỏi này, có lẽ không gì hay hơn là cầm Người tình Sài Gòn trên tay và say sưa với nó.
Còn với riêng tôi, khi đọc đến dòng cuối của trang bản thảo, chợt nghĩ đến một câu thoại trong bộ phim One Day: Dù ngày mai có thế nào đi nữa, thì chúng ta cũng có ngày hôm nay.
Trần Nhã Thụy
Café Ngõ thời gian
Sài Gòn, tháng 2/2013