Trong những ngày qua, bộ tự truyện của chàng trai không tay chân – Nick Vujicic đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của công chúng. Người đã góp phần đưa bộ tự truyện của Nick Vujicic đến với độc giả Việt Nam- đó là nhà văn, dịch giả Nguyễn Bích Lan. Chị sẽ có cuộc giao lưu với “nhân vật” của mình ngay trong ngày đầu tiên Nick Vujicic đặt chân đến Việt Nam.

VNT đã có cuộc trò chuyện với nhà văn, dịch giả Nguyễn Bích Lan nhân sự kiện đặc biệt này.

Trong khó khăn luôn có cơ hội

Câu chuyện về Nick Vuijicic cũng như bộ tự truyện Cuộc sống không giới hạn, Đừng bao giờ từ bỏ khát vọng của Nick thời gian qua đã phủ sóng trên các phương tiện truyền thông tại Việt Nam. Là người đầu tiên tiếp xúc và thực hiện việc chuyển ngữ cho bộ sách này, cảm nhận của cá nhân chị về Nick?

– Nick là một trong những tấm gương ý chí và nghị lực mà tôi khâm phục nhất. Hành trình vượt lên nghịch cảnh, vươn tới một cuộc sống hạnh phúc và đầy ý nghĩa của anh là nguồn cảm hứng cho bất cứ ai biết đến anh, không chỉ những người đang phải đối đầu với thử thách trong cuộc sống mà cả những người có cuộc sống bình yên.

Điểm nào ở Nick khiến chị nể phục nhất?

– Điều mà tôi nể phục nhất ở con người Nick là sự chủ động vượt qua những thách thức, phá bỏ những giới hạn mà hoàn cảnh đặt ra cho anh. Tôi nhấn mạnh hai chữ “chủ động”.

Trong quá trình dịch sách của Nick, chị có dự liệu rằng câu chuyện của Nick sẽ gây “sốt” tại Việt Nam?

– Trước khi tôi dịch cuốn sách đầu tiên của Nick, cuốn Cuộc sống không giới hạn, tôi đã tìm hiểu thông tin về cuốn sách và biết rằng nó là sách bán chạy ở nhiều nước. Đọc cuốn sách và xem các video về Nick tôi biết vì sao sách của anh lại được nhiều độc giả tìm đọc. Đó là bởi nó là câu chuyện về ý chí, về sự can đảm vươn tới ước mơ, về tình yêu thương và sẻ chia. Ở đâu cũng vậy, những giá trị đó cũng đều khiến mọi người xúc động, cảm phục. Tôi đã đoán trước được rằng cuốn sách của Nick ở Việt Nam cũng sẽ gây “sốt” bởi qua các phương tiện truyền thông nhiều người Việt Nam đã biết đến Nick và họ sẽ tìm đọc cuốn sách về cuộc đời của anh với sự háo hức.

Chị thấy mình và Nick có điểm chung gì?

-Tôi và Nick có nhiều điểm chung. Chẳng hạn, tôi biết cái cảm giác buồn bã, lo sợ mình sẽ trở thành gánh nặng của những người mình yêu thương mà Nick cảm thấy khi Nick bắt đầu ý thức về khuyết tật của mình bởi vì khi biết mình bị mắc bệnh nan y chưa có thuốc chữa tôi cũng có cảm giác đó. Nhưng điểm chung lớn nhất giữa tôi và Nick không phải là những cảm xúc tiêu cực mà là thái độ và cách đương đầu trước thách thức cũng như khát vọng sống. Trước khi biết Nick tôi đã luôn tin rằng trong khó khăn luôn có cơ hội, và khó khăn lớn thường mang đến cơ hội lớn để chúng ta rèn luyện ý chí, trở nên trưởng thành hơn, nhận biết ý nghĩa của cuộc sống một cách sâu sắc hơn. Không chỉ tin cả tôi và Nick luôn hành động theo niềm tin đó. Chúng tôi cùng có khát vọng chia sẻ thành công của mình với người khác: Nick đi khắp thế giới diễn thuyết để khích lệ tinh thần mọi người, còn tôi làm điều đó qua việc dịch những cuốn sách có tác dụng nuôi dưỡng tâm hồn người đọc.

“Một mối duyên đẹp”

Chị đã dùng “ưu thế” nhà văn như thế nào trong quá trình dịch bộ tự truyện của Nick?

-Nhiều người cho rằng tự truyện thuộc thể loại văn học, những người khác lại không. Tự truyện của Nick ở nước ngoài được gọi là sách self-help (sách chia sẻ kinh nghiệm tự giúp bản thân). Dù được coi là sách văn học hay không, các cuốn sách của Nick vẫn đòi hỏi người dịch phải có sự nhạy cảm, khả năng kiểm soát và sử dụng ngôn ngữ một cách uyển chuyển. Trước những đòi hỏi đó, một dịch giả là nhà văn có thể đáp ứng tốt hơn một dịch giả không phải là nhà văn.

Liệu có thể tách bạch: câu chuyện của Nick đã truyền cảm hứng cho chị trong quá trình dịch sách, hay chính chị đã tiếp thêm cảm xúc cho cuốn sách của Nick trong quá trình dịch và xuất bản ở Việt Nam?

-Tôi nghĩ không nên tách bạch mà nên nghĩ tới sự tương hỗ, sự cộng hưởng. Sách của Nick do tôi dịch đến tay bạn đọc là sự nỗ lực, khát vọng chung của hai chúng tôi. Chắc chắn điều đó khiến cho những thông điệp ý nghĩa của cuốn sách đến tay bạn đọc trở nên mạnh mẽ hơn, thuyết phục hơn. Một bạn đọc nói với tôi rằng tôi dịch sách của Nick là một sự kết hợp, một mối duyên đẹp. Tôi thích từ “đẹp” mà bạn đó dùng.

Gần như có một sự tương đồng thú vị về thời điểm xuất hiện, về câu chuyện được chia sẻ ở Không gục ngã (Nguyễn Bích Lan) và Cuộc sống không giới hạn (Nick Vujicic). Đã có bạn đọc đặt câu hỏi rằng: Liệu Nguyễn Bích Lan có thể đi diễn thuyết như cách mà Nick đang làm? Vì ngọn lửa của ý chí, của khát vọng sống trong chị rất cần được chuyển tải đến nhiều người. Chị nghĩ sao về điều này?

– Điều kiện sức khỏe của tôi không cho phép tôi đi lại và nói nhiều. Tôi sẽ không trở thành một diễn giả chuyên nghiệp đâu. Đam mê của tôi là dịch và sáng tác văn học. Tôi thích ngồi lặng lẽ ở cái góc nhỏ của tôi, dịch nhẩn nha từng trang, từng trang sách văn học. Tuy nhiên, khi sức khỏe cho phép và khi tôi biết chắc ở một nơi nào đó tôi thực sự được cần đến với vai trò là diễn giả và buổi nói chuyện của tôi có thể tác động tích cực đến người nghe thì tôi sẽ không từ chối. Buổi nói chuyện của tôi trước sinh viên các trường đại học tại Bảo tàng Phụ Nữ Việt Nam cuối tháng 3 vừa rồi là một ví dụ về những lý do và động lực cần và đủ để tôi xuất hiện như một diễn giả.

Phản hồi nào chị nhớ nhất khi tự truyện Không gục ngã đến với bạn đọc?

-Từ khi tự truyện Không gục ngã được xuất bản ngày nào tôi cũng nhận được lời cảm ơn và chia sẻ của độc giả. Tôi có nhiều kỷ niệm khó quên với độc giả của Không gục ngã. Một bác 80 ở tp Hồ Chí Minh tên là Lê Kửu, viết cho tôi một bức thư dài có đoạn “sau khi đọc Không gục ngã của cháu bác rất xúc động và trong lòng dâng lên tình cảm yêu thương vô bờ, một lòng khâm phục và một niềm vui phấn khởi đến tự hào. Có thể nói cháu đã giải được bài toán hóc búa cho nhiều người, đặc biệt cho những mảnh đời đầy bất hạnh, rủi ro và khuyết tật.” Tôi cứ nghĩ độc giả đó là độc giả cao tuổi nhất của tôi, nhưng không phải. Hơn một tháng sau tôi nhận được điện thoại của giáo sư, nhà báo lão thành 87 tuổi Đào Nguyên Cát, người đã sáng lập ra tờ Thời báo Kinh Tế Việt Nam. Giáo sư Đào Nguyên Cát nói “Bác đã dành cả ngày đọc Không gục ngã. Bác mừng cho cháu và mừng vì bác đã tìm thấy cháu.” Tôi cũng nhận được nhiều phản hồi của những bạn trẻ. Có bạn sinh viên trường Y đọc xong Không gục ngã , viết cho tôi một bức thư trong đó có câu: “Đọc xong Không gục ngã em muốn trở thành một lương y đích thực.” Tất nhiên cũng có một vài ý kiến phê bình, góp ý, chẳng hạn có độc giả cho rằng tôi viết “thật quá”.

Mỗi người đều có một câu chuyện cuộc đời để kể

Cá nhân tôi khi đọc Nick, tôi lại nghĩ đến những con người bình dị như thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, dịch giả nhà văn Nguyễn Bích Lan, thầy giáo nặng 27 kg Chu Quang Đức, bạn trẻ Sơn Lâm… và nhiều nhiều những người khác nữa mà tôi đã có dịp gặp hoặc đọc về họ trên báo chí. Việt Nam là một quốc gia chịu hậu quả nặng nề sau chiến tranh.Con số những người bị khuyết tật bẩm sinh, cộng với những người bị di chứng chiến tranh là rất lớn. Nhiều người trong số họ – hoàn cảnh gia đình thì khó khăn hơn Nick rất nhiều, nhưng không chịu đầu hàng số phận. Vậy nhưng chúng ta chưa tôn vinh được họ – như đang làm với Nick. Chị nghĩ gì về điều này?

– Năm 2009 tôi được chọn là nhân vật đồng thời là người dịch sang tiếng Anh những câu chuyện về 90 người khuyết tật điển hình của Việt Nam cho cuốn sách ảnh Họ đã sống như thế của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á. Tôi xúc động trước từng nhân vật trong cuốn sách đó. Khi biết về Nick tôi nghĩ nhiều đến những tấm gương ý chí ấy ở nước ta. Họ không thua kém Nick về ý chí, nghị lực và tình yêu cuộc sống và nhiệt tình cống hiến. Thầy Nguyễn Ngọc Ký là một ví dụ. Thầy và nhiều tấm gương nghị lực khác ở Việt Nam nên được coi như nguồn lực quý giá của toàn xã hội, của quốc gia. Chúng ta giới thiệu họ tới người đọc qua những bài báo, đó mới chỉ là một phần nhỏ trong toàn bộ khả năng sử dụng nguồn lực ấy. Hy vọng chuyến diễn thuyết của Nick ở Việt Nam có thể mang đến cho chúng ta những gợi ý hoặc sự tham khảo tốt để chúng ta có thể gieo những hạt giống tâm hồn bằng chính sự hiện diện sinh động của những tấm gương nghị lực và bằng nhiều cách sinh động và hiệu quả khác.

Rất nhiều những tấm gương vượt khó như chị vừa chia sẻ, đã chọn cách sống không đầu hàng số phận ở Việt Nam, theo chị sẽ truyền lại cảm hứng như thế nào cho Nick?

-Tôi được biết ngay trong ngày đầu tiên đến Việt Nam Nick sẽ gặp gỡ, giao lưu với những tấm gương đại diện cho ý chí và nghị lực của người Việt Nam. Tôi tự hỏi, nếu sau khi gặp những tấm gương đó, Nick có những khoảng thời gian khám phá đời sống của người Việt Nam, di chuyển trên những đường phố xảy ra tắc đường liên miên, đến thăm những bệnh viện quá tải mà người nghèo phải nằm ngoài hành lang, tới thăm những trường học có học sinh bị bại liệt nhưng không có thang máy, thậm chí không có lối đi riêng cho xe lăn, anh sẽ nghĩ gì về nghị lực của những tấm gương anh đã gặp? Tôi không tin là Nick không cảm thấy được khích lệ khi anh so sánh điều kiện của những người khuyết tật Việt Nam và những người cùng cảnh ngộ ở những nước phát triển mà anh đã từng sống hoặc từng đến thăm.

Những hoạt động giao lưu sắp tới cùng Nick, chị mong muốn điều gì?

-Tôi muốn được ôm Nick cho chính tôi và thay cho hàng nghìn độc giả của tôi và Nick, những người không có điều kiện được gặp Nick trong chuyến đi ngắn ngủi và bận rộn của anh đến Việt Nam. Tôi cũng mong muốn sự gặp gỡ của hai chúng tôi sẽ làm cho những thông điệp về sức mạnh ý chí và tinh thần cống hiến đến với người Việt Nam trở nên thuyết phục và dễ đi vào lòng người hơn.

Có thể nhận thấy hiện nay, các sách tự truyện xuất hiện khá nhiều trên thị trường. Tác giả của các cuốn tự truyện rất đa dạng, và nhiều người trong số họ không phải là người nổi tiếng. Là một nhà văn, chị nghĩ gì về xu hướng này?

-Bây giờ xuất bản một cuốn sách không khó. Nhiều người có thể bỏ tiền ra xuất bản tự truyện của mình thông qua các nhà xuất bản. Là một nhà văn tôi thấy không thể nói xu hướng đó đáng ngại hay đáng mừng. Việc xuất bản một cuốn tự truyện là quyền của tác giả và nhà xuất bản nhưng bạn đọc quyết định cuốn tự truyện nào đáng tồn tại và cuốn nào không. Tôi tin rằng mỗi người đều có một câu chuyện cuộc đời để kể. Vấn đề là bạn kể nó như thế nào, vì ai. Nếu bạn viết tự truyện theo kiểu kể lể, rườm rà, tham lam ham chuyện hoặc viết khô khan, nhạt nhẽo thì dù cuộc đời bạn có “hay” đến mấy, tự truyện của bạn cũng khó được độc giả tiếp nhận. Và nếu bạn viết tự truyện vì bản thân mình, thì kết quả cũng sẽ như vậy mà thôi.

Cảm ơn những “giá trị sống” hết sức ý nghĩa mà chị đã mang đến cho bạn đọc.