Chuyên mục TRUYỆN HAY tuần này, Cầm Kỳ Official xin được giới thiệu chùm truyện ngắn của nhà văn Võ Thị Xuân Hà, theo đề nghị của một số bạn bè và độc giả thân thiết của nhà văn.

Gồm các truyện sau:

– Chùm 4 truyện cùng series nhân vật: Cành phong hương, Mộc miên chưa nở hoa, Bông kiếm tiên vũ, Đỉnh mù sương

   + Cành phong hương

    Bắt đầu phát công chiếu vào 21h15’ thứ Hai ngày 9.10.2023

   + Mộc niêm chưa nở hoa

    Bắt đầu phát công chiếu vào 21h15’ thứ Ba ngày 10.10.2023

   + Bông kiếm tiên vũ

    Bắt đầu phát công chiếu vào 21h15’ thứ Tư ngày 11.10.2023

   + Đỉnh mù sương

    Bắt đầu phát công chiếu vào 21h15’ thứ Năm ngày 12.10.2023

– Truyện ngắn Nhà có ba chị em

    Bắt đầu phát công chiếu vào thứ Sáu, ngày 13.10.2023

– Chuyện kể về một đạo sĩ – Đặc biệt đây là truyện chưa công bố, liên quan thế giới tâm linh, thầy thuốc dân tộc và đạo sĩ.

    Bắt đầu phát công chiếu vào thứ Bảy, ngày 14.10.2023

Xin được trích đăng nhận định của nhà văn Tạ Duy Anh về văn của Võ Thị Xuân Hà.

Tạ Duy Anh

BÍ ẨN VÀ TINH TẾ

(Nhân đọc tập truyện ngắnCÀNH PHONG HƯƠNGcủa Võ Thị Xuân Hà)

Bản trích:

Võ Thị Xuân Hà không ngại gây đột biến trong logic hành động nhân vật, tạo ra cái phi lý bề ngoài. Chẳng hạn những hành vi thể hiện tình yêu bằng bạo lực, bằng cưỡng bức tình dục. Nhưng nó vẫn không hoàn toàn là cưỡng dâm khi kẻ “gây án” không phải do ham muốn nhục dục, còn người bị hại thì hiểu rõ mình có phần chờ đợi điều đó? (Sao tâm hồn con người phức tạp đến vậy, đừng ai chủ quan áp đặt cách hiểu người khác theo định kiến của mình, nhất lại trong những không gian mà mình là kẻ ngoài cuộc?) Vì thế, dù bề ngoài của những hành động ấy giống như một sự làm nhục nhưng cuối cùng chẳng có sự trả thù hoặc hủy hoại nào cả, như đáng lẽ nó phải diễn ra. Sự tàn phá, hủy hoại sẽ làm chức phận của nó trong tâm hồn mỗi người đọc, với tư cách của công cụ gột rửa.

Không phải cứ gào thét lên mới là cách thể hiện nỗi đau. Sự chịu đựng, sự tha thứ, sự cam phận mà các nhân vật của Võ Thị Xuân Hà chấp nhận, không phải do họ hèn yếu hay đạo đức giả, mà bởi họ biết chính mình cũng cần được tha thứ. Những nhân vật của Võ Thị Xuân Hà luôn im lặng tự vấn mình rằng: liệu họ có thể biết chắc mình đã, sẽ không gây tội lỗi, làm tan nát cuộc đời người khác? Sự bí ẩn lớn nhất chính là ở cái thông điệp quan trọng này. Nhưng cuộc sống thì không cần phải có câu trả lời mới tiếp tục chảy về phía trước? Vấn đề rút lại chỉ là, chúng ta nhìn cuộc đời này bằng tâm thế nào? Võ Thị Xuân Hà đưa ra một đề xuất: Cần phải nhìn người khác, nhìn con người nói chung và (nếu/phải/định) phán xét ai đó thì hãy bằng tâm thế của người đầy rẫy tội lỗi (nếu chưa mắc thì có thể sắp mắc, không thể nào không mắc). Tất thảy chúng ta đều có tội, vì thế cần phải biết tha thứ cho nhau, cùng nhau tìm ra cách thức đi đến hạnh phúc, sống cho ra một con người. Cần phải cật vấn nghiêm khắc lương tâm mình trước khi nhặt lên viên đá bạo lực, hận thù và tội ác.

Nhưng thứ làm nên sự hấp dẫn trong các sáng tác của Võ Thị Xuân Hà, cũng là thứ bền bỉ nhất mà chị giữ được suốt mấy chục năm qua, ấy là sự tinh tế. Chị luôn khiến người đọc ngạc nhiên về khả năng khám phá những ngóc ngách nhỏ nhất, bí mật nhất trong tâm hồn con người, chuyển tải chúng bằng thứ văn nhẹ nhàng, uyển chuyển nhưng cực kỳ chính xác. Đôi khi chị làm ta phát sợ, cứ như chị biết tường tận chúng ta nghĩ gì, thèm khát gì, đang âm mưu điều gì đen tối, che giấu điều gì bất chính, mơ ước điều gì nhỏ tí xíu muốn cất sâu dưới đáy tâm hồn…

Đọc Võ Thị Xuân Hà thấy mọi thứ thật mong manh, thấy lo lắng cho những gì dễ vỡ, dễ biến mất, thấy không yên tâm với những gì vẫn bình thản diễn ra xung quanh mình. Nhưng chính khi ấy, khi bắt buộc phải suy nghĩ, phải đối mặt với mọi sự thật thay vì chạy trốn, là lúc ta thấy lóe lên ở đâu đó, có thể là trong sâu thẳm tâm hồn ta, những hy vọng.

Không phải người cầm bút nào cũng ý thức làm như vậy và làm được như vậy.

Hả Nội 8-8-2014

*

Như tôi đã tâm sự ở phần phát truyện ngắn CÀNH PHONG HƯƠNG.

Năm ấy, cốt truyện CÀNH PHONG HƯƠNG ập đến trí não tôi ngay trong hành trình dẫn đoàn nhà văn trẻ đi thực tế, vượt đèo dốc lên Cao Bằng.

Tôi nhìn thấy những tán cây lúp xúp ven đường tán mở rất đẹp, lá hơi ngả màu vàng đỏ y như loài cây ưng-heng bên Hàn Quốc, nhà văn Đoàn Lư, khi ấy là Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Cao Bằng bảo đó là cây phong hương.

Lúc ấy trí não tôi ngay lập tức bật ra ba chữ CÀNH PHONG HƯƠNG.

Và câu chuyện đã được hình thành rất nhanh. Các nhân vật và tuyến kết nối của các mối quan hệ được trình bày theo kết cấu khối rubic.

Nhà lý luận phê bình Bùi Việt Thắng đã nhận xét:

“Đã lâu tôi mới đọc được những câu văn đẹp đến nao lòng “Những cây phong hương vào mùa thu lá ngả màu đỏ tươi, rồi dần chuyển sang màu huyết dụ. Đi từ xa tới lữ khách sẽ nhìn thấy trong thấp thoáng xóm núi những cây phong hương rực một màu đỏ, như báo hiệu sự chín đẫm của mùa thu. Trong gió ngàn của hương rừng gió núi, phong hương lặng lẽ khiêm nhường tô thắm vẻ đẹp miền sơn cước”. Truyện được kết bằng câu văn rất đỗi mơ hồ “Nụ cười sơn cước phảng phất trên môi nàng…”. Những kết truyện của Võ Thị Xuân Hà trong văn mạch trữ tình thường như thế – phiêu diêu, siêu thoát và gợi liên tưởng”

Cành phong hương được viết vào đêm 3.10.2013

Sau khi truyện được in và được bạn đọc đón nhận, tôi phát triển thêm từng tuyến nhân vật.

Đầu tiên, nhân vật mà “tôi-người dẫn chuyên” gặp trên đỉnh Non Cao là người cứ thầm yêu thầm ngưỡng mộ cả Lân và Miên, nhưng luôn bị Lân hắt hủi coi thường. Và cho đến lúc nhân vật “tôi” gặp được “nàng”, nghe nàng kể câu chuyện đời mình, trong Cành phong hương, thì nàng vẫn đang chờ đợi một hình bóng trở về, đó là Lân. Phần này tôi chưa cho nàng một cái tên thực.

Tôi nóng ruột muốn cho nàng một cái tên chính thức, và tên Son được bật ra.

Tôi nóng ruột muốn cho cuộc đời cô gái tên Son ấy phải có hạnh phúc. Và đêm 24/11/2013, tôi viết ra truyện ngắn Bông kiếm tiên vũ.

Đêm 19/12/2013, tôi mới viết tiếp truyện ngắn Mộc miên chưa nở hoa, nhân vật là Phong, nhân vật gã tù ở Cành phong hương. Phong ra tù và đi tìm Miên. Dĩ nhiên anh đã biết Miên ăn lá ngón khi anh còn trong tù. Nhưng anh vẫn đi tìm, vẫn hi vọng…

Cho mãi đến đêm 10.7.2016, 3 năm sau, tôi mới có niềm cảm xúc để viết tiếp về nhân vật Lân, kẻ đã cưỡng chị Miên, khiến Miên ăn lá ngón, chấm dứt cuộc đời trần của một người con gái đẹp toàn vẹn toàn bích của cái miền sơn cước có đỉnh Non Cao ấy. Liệu gã có về tìm Son không?

Bây giờ khi quyết định đọc chùm truyện ngắn này, tôi sẽ đọc tiếp ngay sau Cành phong hươngMộc miên chưa nở hoa, sau đó mới đến Bông kiếm tiên vũ. Và dĩ nhiên cuối cùng là Đỉnh mù sương.

Hai truyện Cành phong hương, Đỉnh mù sương đã in Nhân dân hằng tháng. 2 truyện kia, tôi không còn nhớ in ở đâu.

Khi bạn nghe được những truyện này, biết được kênh Cầm Kỳ Official, là bạn đã dự phần vào những tâm sự của nhà văn. Phần nào biết được quá trình sáng tác nhọc nhằn và đầy suy tư của chúng tôi. Để góp phần cùng nhà văn lưu giữ sức sống của các tác phẩm. Nếu không có độc giả, tác phẩm chỉ là sự khoe vẻ rực rỡ mà không đem lại điều gì có ích cho cộng đồng.

Chính vì vậy, Cầm Kỳ Official luôn cố gắng không chạy theo những động tác giật tít theo trend, câu view… Và đây là trang diễn đọc các tác phẩm, chúng tôi đọc diễn nên tốc độ sẽ chậm. Có thể còn chưa được hài lòng quý độc giả, còn chưa đủ các phương tiện máy móc hiện đại. Nhưng tấm lòng thành với độc giả, mang lại hơi thở thực sự đến cùng độc giả là tiêu chí của chúng tôi.

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà trân trọng.

Mời quý vị lắng nghe truyện ngắn MỘC MIÊN CHƯA NỞ HOA của nhà văn Võ Thị Xuân Hà, do tác giả diễn đọc.

*

Võ Thị Xuân Hà

MỘC MIÊN CHƯA NỞ HOA

                                                     Truyện ngắn

1.

Anh bước từng bước ra khỏi cổng trại, vai khoác một chiếc ba lô sờn cũ. Cánh cổng trại phía sau từ từ khép lại.

Đôi mắt mệt mỏi ngước nhìn lên bầu trời. Bầu trời sau trưa trong xanh, vài đám mây trôi lững lờ. Anh quay người ngoái nhìn lại phía sau, cánh cổng trại đã đóng im ỉm.

Con đường phía trước mặt dài hun hút. Dường như anh thấy hoảng sợ với khoảng không mênh mông phía trước.

Anh đi như vô định trên đường.

Hình ảnh một người con gái mờ mờ hiện ra ở cuối con đường. Anh vội đuổi theo nàng, bước chân anh như chạy theo con đường ngược hướng mặt trời.

Ánh nắng sắp hoàng hôn vẫn đang như một lò lửa phía sau lưng. Mặt trời đỏ rực, cái lò lửa vô lượng ấy đang chiếu những tia lạnh lùng xuống thế gian.

Anh ném túi vải xuống bên cạnh một gốc cây. Rồi tựa lưng vào, nhìn ngắm một góc bầu trời vẫn còn xanh thăm thẳm.

Có một đàn chim nhỏ bay ngang qua vội vã.

Và anh thiu thiu ngủ…

Dường như đã lâu lắm, giấc ngủ không mộng mị, ngay giữa ban ngày, giữa ánh chiều đang sắp ngả hoàng hôn, đã tiếp thêm sức lực cho anh quyết định đứng dậy.

Đêm bắt đầu trùm xuống vạn vật, nhanh một cách phũ phàng. Chẳng kịp cho đàn chim tìm được đến nơi trú ngụ. Mặt trời cứ thế tụt xuống biến mất dạng, như chưa hề tồn tại trên thế gian. Những ánh sao trên nền trời đêm hiện ra, đủ để lòng người thấy ấm áp, đỡ hiu quạnh và sợ hãi.

Mấy quán cóc lác đác hiện ra bên đường, mỗi quán treo một bóng đèn chiếu sáng. Mùi thức ăn bay ra nồng nàn, chèo kéo.

Nhìn quanh quẩn, rồi anh quyết định tạt vào một quán có chiếc đèn dầu leo lét. Chủ quán là một ông già.

Anh phủi bụi ống quần, rồi ngồi xuống.

– Cho cháu ly trà đá.

Ông già không nói gì mà lấy cốc rót trà, cho thêm đá rồi đặt xuống trước mặt khách.

Anh vừa uống vừa nhìn ra ngoài đường.

– Có mì tôm đổ cho cháu một gói.

Mì tôm được bưng ra ngay sau đó. Mùi thơm nồng nàn. Anh cúi đầu ăn như chưa bao giờ được ăn một bát mì ngon đến vậy.

Nhưng sao Miên cứ như đang nhìn anh từ trên cao?

Từ trên cao, nàng có phải là Miên không?

Dòng người qua lại thưa thớt dần. Mấy quán nước bên cạnh cũng bắt đầu dọn hàng. Đã mấy ấm trà được pha.

Ông già im lặng một hồi lâu, giờ mới lên tiếng hỏi khách.

– Anh về đâu?

Anh quay sang. Đôi mắt đeo kính cận hơi nheo lại.

– Dạ cháu chưa biết phải về đâu, bác dọn hàng bây giờ ạ? Cháu uống xong là đi thôi.

Ông già cười:

– Cứ ngồi đi.

Anh băn khoăn hỏi:

– Thường mấy giờ bác dọn hàng?

– Cứ hết khách tôi mới dọn.

Anh nhìn ra ngoài, trời đã tối lắm. Mấy người bán quán khác đã lục tục xách đồ đi về. Ông già vẫn ngồi không một biểu hiện gì.

Lát sau ông trầm ngâm:

– Nếu chưa có chỗ nào, tí nữa về chỗ tôi ngủ một đêm

Không thấy khách nói gì, ông già quay ra lau dọn cốc tách.

Bất chợt, người khách nói:

– Thôi, cháu đi ngay bây giờ đây. Phiền bác.

Dường như vẻ mặt của anh khiến ông già chú ý. Ông nheo mắt nhìn khách. Một chàng trai còn rất trẻ.

Ông già bảo:

– Cứ ngồi đã. Uống chén rượu, tôi mời.

Ông rót rượu vào 2 cái chén sứt.

Tay vuốt vuốt chỏm râu bạc lưa thưa nhưng khá đẹp, ca lên một câu.

“Khi chưa thấy ta (hề) đường đi thênh thang. Đến khi thấy ta (hề) đường đi chông gai”(*)

Chàng trai buột miệng:

Đó làthơ của bác sao?

Hai cái chén cụng vào nhau. Như hai bậc tri kỷ.

– Không, tôi học của người ta. Hình như của một cái ông nhà thơ tên là Vũ Hoàng Chương. Đúng rồi, của Vũ Hoàng Chương đấy.

– Trước đây cháu từng nghĩ con đường mình đi thênh thang…

– Cậu mới ở trong đó ra?

Ông già chỉ tay về phía có cái nhà tù gớm ghiếc. Nhà tù không bóng loáng. Không trật tự. Cũng không dịu dàng bao giờ.

– Vâng. Sao bác biết?

– Ở cái ngã ba này thường hay đón khách tù ra.

– Chỗ này kể ra cũng là nơi như vậy thật…

– Cậu… Vì sao tù?

– Cháu… tuổi trẻ ngông cuồng. Cháu đánh nhau, rồi lỡ… làm chết người.

Ông già không nói gì. Không biểu hiện gì. Ngồi im như pho tượng.

Anh ngó ông già. Rồi hỏi bâng quơ:

– Bác giờ chắc không còn gì có thể làm cho buồn nữa?

Ông già đăm chiêu.

– Tôi già rồi, có thể giúp cho nhân thế được gì chăng?

Trong bóng đêm, hai người một già một trẻ như hai kẻ tri âm.

Rượu được rót ra sóng sánh…

2.

Mùa đông năm đó đến muộn.

Những con két nâu nhảy nhót trên cành phong hương lá vẫn màu đỏ sậm. Hình như những chiếc lá vẫn cố vớt vát cái màu đỏ sậm vì chỉ có màu đỏ ấy cho một năm dài để phong hương xứng với cái tên của nó.

Miên rủ cô bé Son lên rừng kiếm mật ong. Rừng mùa này hoa lộc điền đang nở. Những cánh hoa vàng nhỏ xíu lấp ló giữa những đám gai thơm mùi mật ngọt. Từng đàn ong bay lượn bám quanh nhị hoa. Những tổ ong to bám trên những hốc cây già, rất dễ cho những cô bé cậu bé vùng rừng trèo lên, lừa cả đàn ong để gỡ cái tổ đầy sáp và mật ong xuống.

Thi thoảng con bé Son trượt chân tụt xuống đất. Mặt mày sây sát. Miên cuống quýt nhảy xuống, những tảng sáp mật lăn trên cỏ. Ong bay vù vù xung quanh, nhưng chúng cũng không phân biệt được đâu là tổ của chúng, đâu là kẻ thù.

Kẻ thù của lũ ong lồm cồm ngồi dậy, cười nhe nhởn. Miên sờ vào mặt con bé, thấy những vết xước bắt đầu sưng lên. Miên quệt mật ong lên những chỗ đó. Mùi mật thơm cứ lâng lâng. Lũ ong dáo dác tìm tổ. Tiếng bay tiếng than khóc của loài ong râm ran như khúc nhạc tế rừng.

Rừng lại chào mời lũ ong đi xây tổ mới. Hai chị em ôm những cái sáp cho vào cái làn đan bằng những sợi mây.

Thằng Lân đứng nhìn hai chị em, nhất định không chịu chạy ra giúp. Nó đu lên cái chạc ba của cây mộc miên chưa đến mùa nở hoa. Chỗ ba cành mộc miên giao nhau, có một cái tổ ong to nặng như muốn rơi xuống đất rừng. Ong cả đàn vo ve xung quanh. Lân lấy áo cũ quấn mặt, chỉ để hở hai con mắt. Tay nó đeo găng rất giống những cán bộ lâm trường. Chỉ loáng một cái, cả cái tảng mật và sáp rời ra khỏi tổ. Lân bê cái sáp to bự leo xuống.

Nó chạy ra chỗ hai chị em đang ngồi trên cỏ. Mặt Lân gườm gườm.

– Cho chị này.

Miên đỡ cái tảng sáp mật mà vẫn ngại ngần.

Mặt thằng Lân đỏ dựng. Son nhìn cái tay cầm tảng sáp của thằng Lân, mắt cứ như muốn cắn nát cái bàn tay ấy ra trăm mảnh. Cô bé lại nhìn chị Miên. Chị Miên không tỏ thái độ gì, môi chị mim mím, mọng mọng. Nom chị đẹp lạ lùng. Son nhìn chị Miên như bị thôi miên.

Miên cũng biết cô bé Son ưng ý thằng Lân. Ngay từ khi còn học ở trường nội trú, là ba chị em đã như bộ ba bị xích vào nhau. Lúc nào thằng Lân cũng tìm cách lân la gần Miên. Còn con bé Son thì luôn lặng lẽ nhìn thằng Lân như một đấng anh hùng, như chàng hoàng tử.

Thằng Lân hắt con bé Son như hắt củ khoai hỏng củ ráy ôi xuống con suối Hoa dưới chân đèo Non Cao. Nó luôn sai con bé làm những việc không đâu. Lân khi ấy là một cậu bé có nhiều đam mê khác người.

Miên biết điều đó, cảm thấy khó chịu. Nàng cũng biết con bé Son ngưỡng mộ thằng Lân. Miên biết điều đó hơn ai hết.

Nhưng nàng không phải là người sinh ra để làm người hướng đạo. Nàng là bông hoa mộc miên nở thắm đỏ trên rừng, hứa hẹn đẹp rực rỡ vào mùa xuân. Và rồi sau đó, những đài nhụy mộc miên sẽ bung ra những dải tơ trắng. Khi đó, sẽ đậu xuống cỏ những cánh hoa đỏ rơi rụng, nhường cho những bông tơ trắng muốt bay bay trên nền trời xanh thắm như bộ cánh của những nàng tiên.

Một lần, Phong đứng chặn Miên bên cửa rừng. Đôi mắt anh nhìn như muốn chìm sâu trong đáy mắt Miên.

“Nếu không vướng chuyện học lên nữa, tôi có thể sang xin cưới em rồi”

Miên đỏ bừng mặt. Nàng cúi đầu không dám nhìn lên.

Phong học cùng trường, trên Miên một lớp. Anh người ở thị tứ Giang Châu. Còn Miên sinh ra lớn lên chỉ ở cái xóm nhỏ bên đèo Non Cao. Phong có dáng người thư sinh, cao gần bằng cái cây phong hương trồng trước cửa nhà Miên. Cái dáng cao mảnh của Phong cùng cặp kính cận, dù đứng giữa chúng bạn vẫn nổi bật.

Phong không coi chuyện đứng ở cửa rừng tỏ tình là chuyện kỳ quặc. Mà chẳng phải tỏ tình. Gần như là lời cầu hôn.

Miên không nhìn Phong.

Đôi mắt nàng hết nhìn xuống nền đất rừng ẩm ướt, lại nhìn xa hút phía sau lưng anh, nơi rừng già trải dài xa tít tắp. Nơi ấy rừng đang mùa thay lá. Tiếng những con nai tác nghe buồn da diết. Nàng không biết vì sao lại chỉ thấy buồn. Trong lòng như vấn vương như quấn quýt, như khúc nhạc điềm viên đã tấu lên réo rắt, bầu trời ngưng đọng, những cánh chim đang mải miết bay bỗng nhiên nôn nao nhịp cánh vỗ. Sau rừng là biển. Biển ngăn ngắt xanh nhưng mắt nàng lại lưu giữ màu xám của mây trời đang quần tụ. Những tia nắng vàng run rảy đậu trên mặt đất, nhưng bình minh rạng ngời chưa kịp phô bày hết vẻ đẹp lại đã đến buổi hoàng hôn. Từng khắc trôi qua như lớp lớp sương mờ thổn thức, như lời cầu nguyện vĩnh hằng vừa ra khỏi bờ môi đã chìm nghỉm trong bóng đêm u huyền.

Đấy là lần cuối cùng hai người nói chuyện với nhau trong im lặng của hạnh phúc.

3.

Miên không cảm nhận được thời gian đã trôi qua bao nhiêu khắc, bao nhiêu thiên kỷ. Nàng ngồi bó gối nhìn nắm lá trước mặt, dưới đất. Thân thể Miên rỗng rễnh, rồi nặng trĩu. Nàng không biết máu đã khô đi, đọng lại trên thân thể những vệt mờ đỏ. Nàng cô độc như bông hoa mộc miên chưa nở đã rơi rụng.

Trên đầu Miên, lá rừng đổ rì rào. Rừng vừa chớm đông đã bị khí lạnh ập tới điên đảo làm cong queo những cành lá. Những chiếc lá mỏng manh rơi rụng xuống nền đất rừng. Gân lá phô bày vẻ đẹp úa tàn.

Gương mặt Phong cứ như đang lấp ló đâu đó sau những vết nứt của rừng già, sau mùa di cư của loài sói về phía tây dãy núi để tránh rét.

Rồi gương mặt như loài quỷ của thằng Lân đang cười nhảy múa trêu ghẹo nàng.

Gương mặt của Son nhập nhoạng đẫm máu đồng trinh. Son trách gì nàng, mà sao đôi mắt cô bé nhìn nàng ai oán.

Nàng đã nghe trọn mấy câu mà thằng Lân nói với Son. Nhưng khi ấy nàng không kịp hiểu ra số phận mình đã bị định đoạt.

“Nếu không có chị Miên trên cõi đời này, thì có khi tôi sẽ lấy cô…”

Nàng nhớ lại khi ấy, cánh cửa buồng trong của nàng bị đẩy mạnh. Tưởng như có cơn lốc tràn đến bất ngờ. Lân ào vào như một con ngựa bất kham vừa xổng chuồng. Nàng chưa kịp định thần, chưa kịp nhỏm dậy bật đèn hoặc kêu lên cho mẹ dưới nhà nghe tiếng thì đã bị bàn tay cứng như gọng thép bịt miệng.

Trong bóng tối, Miên nhận ra mùi mồ hôi ám mùi mật của thằng Lân.

Quần áo trên người nàng bị bàn tay thô bạo xé toạc từng mảng. Nàng cong người chống trả. Nhưng thằng Lân có sức mạnh gấp trăm ngàn lần sức mạnh của nàng.

Những mảnh vải che thân đã rơi hết xuống đất. Tiếng vật lộn đuối dần. Một cái gì đó như là một khối thép đâm thẳng vào thân mình nàng. Khối thép xọc mạnh vào da thịt phía dưới, chọc thẳng khiến cơ thể nàng như bị cả lò lửa thiêu rụi. Nàng gào lên không ra tiếng, tiếng gào rơi vào thinh không như muôn ngàn lưỡi kiếm xẻ toạc lồng ngực, xé nát con tim thiếu nữ.

Mãi đến lúc đã làm xong phần chiếm hữu của mình, thằng Lân mới lên tiếng.

“Cả cuộc đời này chị đã thuộc về tôi. Nhớ đấy. Tôi sẽ quay về làm đám cưới”

Miên giở từng trang cuốn sổ nhật ký của Phong, cuốn sổ được anh trao cho nàng, khi anh đang trên đường bị áp giải đi.

Cuốn sổ nhàu nát được nàng lưu giữ như báu vật.

“Thu đã sang khá lâu, nhưng thực ra bây giờ mới có cốm mới, có hoa cỏ may bám vào áo quần, có ao thu lạnh lẽo nước trong veo, có gió heo may làm ửng hồng đôi má, có lá vàng rụng rơi lả tả…

Trưa nay, một buổi trưa cả gió, tôi mới nhận ra mình đang sống trong những ngày đẹp nhất của mùa thu…”

“Ta ước sao một buổi sớm bình yên khi đến tuổi xế chiều, lại được tay trong tay bên người thương, tản bộ với một bó sen thơm mát. Bó sen không cần bao gói cầu kỳ, chỉ đơn sơ một chiếc lá sen quấn quanh, cũng đủ làm bó hoa đẹp lạ”(*)

Bình minh chưa kịp ló ra trên bầu trời. Một vệt đen thẫm trải dài trên nền trời sớm tinh mơ. Sương rơi lộp bộp trên tóc trên vai áo. Cái lạnh tràn về buốt giá hai tay hai chân trần trên đất.

Miên xõa tóc ra chải lại. Mái tóc nàng như làn sương mờ buổi sớm mai.

Rồi nàng cài lại quần, cài lại áo.

Bằng một nghi lễ như cách người ta cùng chắp tay dưới bầu trời sao, cầu nguyện trăm năm hạnh phúc, Miên lấy bật lửa châm lên một ngọn nhỏ xíu.

Ngọn lửa liếm dần từng trang nhật ký mà Phong để lại cho nàng. Nàng dỡ từng trang từng trang, như cách người ta dỡ từng khoảnh khắc cuộc đời hạnh phúc mà hiến tế cho ngọn lửa thần.

Rồi nàng ngồi xếp bằng trên cỏ, chậm rãi nhai nắm lá ngón xanh ngắt…

4.

Phong đã tìm về cái xóm nhỏ bên đèo Non Cao.

Anh chỉ nhìn thấy sự cô độc và thù hằn ngự trị trong tim Son.

Son chìa ca nước mời anh.

“Hãy uống nước thù hận”

Phong giật lùi. Anh không thể làm cho đứa em tuổi thơ này của Miên bị chính anh xé toang cuộc đời. Hay chính là anh đã không thể mở lòng đón nhận.

Không còn Miên.

Chỉ còn lại sự cô độc và thù hận mà Miên trả lại cho mảnh đất này. Nàng ở đâu đó trên cao. Luôn nhìn anh bằng đôi mắt u sầu.

Phong quyết định đứng dậy.

– Cháu cám ơn bác. Cháu đi vạn dặm…

– Chúc anh vạn dặm…

Rồi ông già quay vào, lẳng lặng dọn hàng.

Anh bước đi.

Lúc ngoái lại, thấy ông già đang đứng nhìn theo, trong làn mưa bụi dâng lên từ mặt đất.

Đi vài bước, anh quay lại nhìn sâu vào đêm. Nhưng không thấy ông già phúc hậu như tiên ông đâu nữa.

Vẫn còn văng vẳng bên tai anh.

Khi chưa thấy ta (hề) đường đi thênh thang.

Đến khi thấy ta (hề) đường đi chông gai…

                                                                        – Thái Hà, đêm 19/12/2013, Thiên Kỷ Ánh Sáng –

(*): thơ Vũ Hoàng Chương

(*): Mượn tản văn của Trần Mạnh Sang