(Đọc Wislawa Szymborska – thơ chọn lọc, Tạ Minh Châu tuyển chọn và dịch, NxbHNV, 2014.)
Wislawa Szymborska, 1923-2012, là nhà thơ, nhà tiểu luận và dịch giả người Ba Lan, được trao giải thưởng Nobel về văn học năm 1996. Ngay từ những bài thơ đầu tiên của bà được xuất bản, người ta đã nói về bà như một “Mozart của Thơ ca”, bởi ngôn từ trong thơ bà xuất hiện một cách dễ dàng thiên bẩm, và khoảng bốn trăm bài thơ bà đã viết trong cả cuộc đời bà, đều có vẻ như giản đơn, nhưng đều ảo diệu và sâu thẳm. Bà dùng những hình ảnh thông thường trong đời sống thường nhật để suy ngẫm đến những sự thật bao trùm hơn – một củ hành, một con mèo trong thơ bà sẽ nói về những chủ đề lớn của cuộc đời: tình yêu, cái chết và sự trôi qua của thời gian. (Nobel Prize Academy)
Dịch giả Tạ Minh Châu cũng là một nhà thơ tinh tế khi ông đã chuyển được, có lẽ là hầu như trọn vẹn, sự giản dị uyên nguyên của những bài thơ Szymborska; và cũng cần nói luôn, bằng việc chuyển dịch những bài thơ này qua cái khoảng trống khôn lường – vốn là cái khoảng ngăn cách giữa các tiếng nói của con người – thì Tạ Minh Châu đã đóng góp một tài sản giá trị cao nữa cho thơ Việt và tiếng Việt hiện đại.
Không phải lúc nào người ta cũng có đủ sự chú tâm dành cho ngôn ngữ và tiếng nói, thậm chí ngay cả trong và với văn chương. Cái khó khăn của việc sử dụng ngôn từ là một khó khăn thuộc về bản thể. Hãy mượn một bài thơ của Szymborska mà Tạ Minh Châu đã dịch trong tập này để thử một lần hình dung cái khó khăn đó, theo cách đặc thù.
BA TỪ KỲ LẠ NHẤT
Khi tôi phát âm từ Tương Lai
âm tiết đầu tiên đã đi vào quá khứ.
Khi tôi phát âm từ Lặng Im
tôi đang tàn phá nó.
Khi tôi phát âm từ Chẳng Có Gì
tôi tạo ra một thứ
không được chứa
trong bất kỳ một sự không tồn tại.
./.
Dĩ nhiên, mặc dù cái tên rõ ràng của nó, bài thơ này không chỉ đơn giản nói về việc nói năng, về tiếng nói và ngôn từ và các ý nghĩa của những thứ ấy.
Nhưng cũng rõ ràng, bài thơ này cho ta một thí dụ sáng láng, một dịp thú vị tuyệt vời để suy nghĩ về những gì mà lời ăn tiếng nói và ngôn ngữ thành văn đã có thể tạo ra, vẫn không ngừng tạo ra trên cõi tồn sinh của mọi cá thể và cộng đồng người.
Ở đây, “Ba Từ Kỳ Lạ Nhất” có thể khiến ta đối diện một khám phá đầy băn khoăn: có phải chúng ta tạo ra các mâu thuẫn trên đời trong nghiệp nhân sinh, hay các mâu thuẫn như thế là khách quan, là vốn có bất kể ta có hiện hữu, có hành động hay không?
Một câu hỏi như thế ít nhất cũng khiến cho thấy được rằng những lời ăn tiếng nói và ngôn từ thành văn chứa đựng mối mâu thuẫn năng động như chính cái gọi là đời sống. Trong ngôn từ, trong tiếng nói, ta chứa chất vào đó những thành kiến hay niềm tin khi ta thông báo các sự kiện con người cũng như các sự kiện tự nhiên. Và không phải lúc nào một nguồn phát ngôn cũng nhận ra mối mâu thuẫn kiến tạo nên ngôn luận của chính mình, hay tiềm tàng trong ngôn luận đó.
Thơ ca nhắc nhở chiều sâu khôn lường của các sự kiện ngôn từ bằng cách quy chiếu vào chính nó (theo Roman Jacobson.) Đồng thời phục hiện cái sức sống, cái bối cảnh đặc thù của từ ngữ khi chúng hiện ra, diễn biến, và lặn trở lại vào cõi lặng. Có đúng là hầu hết chúng ta chẳng mấy lúc đủ quan tâm đến cái sự sống bị che lấp ấy của tiếng nói và ngôn từ? Hai câu thơ đầu trong bài thơ vừa dẫn trên đây, của Szymborska thông qua tiếng Việt của Tạ Minh Châu, quả là một chứng từ đầy đủ và sống động:
Khi tôi phát âm từ Tương Lai
âm tiết đầu tiên đã đi vào quá khứ.
Đây là một phát hiện giản đơn kiểu “Quả trứng Colombus” – những sự đơn giản hiển nhiên, chỉ có điều hầu như chẳng ai thấy, cho đến lúc chúng được chỉ ra.
Nhưng câu thơ thứ hai dường như nói lên nhiều hơn cái nội dung thông báo của chính nó – bằng cái cách mà nó hiện ra. Câu này, trong nhịp điệu hành tiến, gợi nhớ đến một câu kinh điển trong thơ Xuân Diệu: (trăng từ viễn xứ) “Đi khoan thai lên ngự đỉnh trời tròn”.
Tính trang trọng và nhịp điệu chậm-vừa phải, cùng âm điệu ngân vang, “âm tiết- đầu tiên- đã đi vào- quá khứ”, gợi lên một ấn tượng chuyển động rõ rệt, một hình ảnh của sự chuyển biến; và kẻ ra đi hiện lên: chính là cái âm-tiết-đầu-tiên ấy đấy. Nó đồng thời gợi mở cái “quá khứ”, làm cho “quá khứ” hiện ra (,tượng hình lên như thế nào, tùy bạn,) và khiến cho lời nói phơi lộ một độ dài hiện hữu của cái người-nói.
Ta hãy xem thêm một “bức tranh” tinh tế nữa về mối mâu thuẫn còn mơ hồ hơn nhiều, trong bài thơ sau.
NHỮNG SỢI DÂY XÍCH
Ngày oi bức
chiếc chuồng và con chó bị xích.
Cách đó chỉ vài bước chân
là chậu nước đầy.
Nhưng sợi dây xích quá ngắn
chú chó kia không thể tới gần
Chúng ta hãy thêm
chi tiết này vào ngay bức tranh:
những sợi dây xích của chúng ta
dài hơn nhiều
và ít khi nhìn thấy
nhờ những sợi dây xích này
mà chúng ta có thể thoải mái
đi vòng quanh, vòng quanh.
./.
Một trong những lẽ khiến cho thơ, và văn chương nói chung, có thể trở thành giản dị, là bởi đạt được sự chính xác trong dụng ngôn, trong hình thức của biểu đạt ngôn từ. Tôi tin rằng trong bản dịch này Tạ Minh Châu đã bám sát từng từ của nguyên bản mà vẫn chuyển dịch được cả cái tinh thần chứa đựng trong ấy.
Sự chính xác ở đây đầy gợi ý: trong bài thơ ngắn 14 dòng/câu này có 3 “sợi dây xích”, và tỉ lệ phân chia là “con chó” 1 sợi, “chúng ta” thì 2, sợi dây xích hữu hình có 1, những “sợi” vô hình nhiều gấp đôi.
Liên tưởng vậy là đã được xác lập, một cách khó cưỡng, dù bạn có tán đồng với bài thơ hay không, một khi mà bạn đã có ấn tượng với hình ảnh con chó bị xích không với tới được chậu nước gần bên…
Cái sự thật mà bài thơ đưa tới hay nhằm tới, là mối mâu thuẫn thật mơ hồ giữa bị-xích và thoải-mái. Khẳng định đó được hỗ trợ bởi cái quan niệm chung thông thường, rằng đời người là một chuyến “đi vòng quanh, vòng quanh.”
Hầu như tất cả các bài thơ Szymborska trong phiên bản Tạ Minh Châu này đã phát lộ đời sống nhân sinh dưới những mối liên hệ đầy mâu thuẫn như thế. Có loại mâu thuẫn lớn lao, như phác họa trong bài “Ảo tưởng”. Có loại mâu thuẫn được phủ lớp sô-cô-la thơm ngậy của tình yêu như những bài “Em ở quá gần”, “Không có gì hai lần”, … Và có lẽ chủ yếu vẫn là loại mâu thuẫn giữa lương thức thường thức với những sự thật mà người ta hay quên đi hoặc vì lảng tránh nên quên mất.
Thơ ca này bằng cách đó không bao giờ rời xa cuộc đời thường ngày. Cũng có thể xem đó là cách riêng mà nữ thi nhân này ca ngợi cuộc sống, với những con người cụ thể chứ không chung chung trừu tượng.
Dường như không có mấy những bài thơ mà khi, tình cờ hay không, đã đọc câu mở đầu thì sẽ cảm thấy tò mò không cưỡng được, phải đọc hết.
Tập thơ này là một cuốn sách như vậy. Đừng mở tập thơ này ra vào lúc bạn đang bận quá vội quá. Bởi vì đã mở nó ra, đọc vào một tên bài bất kỳ, đọc vào câu mở đầu nào đấy hay một khổ thơ nào đấy, bạn sẽ khó tránh khỏi bị cuốn vào dòng thời gian riêng của nó, một thứ thời gian của thơ vậy.
Wislawa Szymborska, 1923-2012, là nhà thơ, nhà tiểu luận và dịch giả người Ba Lan, được trao giải thưởng Nobel về văn học năm 1996. Ngay từ những bài thơ đầu tiên của bà được xuất bản, người ta đã nói về bà như một “Mozart của Thơ ca”, bởi ngôn từ trong thơ bà xuất hiện một cách dễ dàng thiên bẩm, và khoảng bốn trăm bài thơ bà đã viết trong cả cuộc đời bà, đều có vẻ như giản đơn, nhưng đều ảo diệu và sâu thẳm. Bà dùng những hình ảnh thông thường trong đời sống thường nhật để suy ngẫm đến những sự thật bao trùm hơn – một củ hành, một con mèo trong thơ bà sẽ nói về những chủ đề lớn của cuộc đời: tình yêu, cái chết và sự trôi qua của thời gian. (Nobel Prize Academy)
Dịch giả Tạ Minh Châu cũng là một nhà thơ tinh tế khi ông đã chuyển được, có lẽ là hầu như trọn vẹn, sự giản dị uyên nguyên của những bài thơ Szymborska; và cũng cần nói luôn, bằng việc chuyển dịch những bài thơ này qua cái khoảng trống khôn lường – vốn là cái khoảng ngăn cách giữa các tiếng nói của con người – thì Tạ Minh Châu đã đóng góp một tài sản giá trị cao nữa cho thơ Việt và tiếng Việt hiện đại.
Không phải lúc nào người ta cũng có đủ sự chú tâm dành cho ngôn ngữ và tiếng nói, thậm chí ngay cả trong và với văn chương. Cái khó khăn của việc sử dụng ngôn từ là một khó khăn thuộc về bản thể. Hãy mượn một bài thơ của Szymborska mà Tạ Minh Châu đã dịch trong tập này để thử một lần hình dung cái khó khăn đó, theo cách đặc thù.
BA TỪ KỲ LẠ NHẤT
Khi tôi phát âm từ Tương Lai
âm tiết đầu tiên đã đi vào quá khứ.
Khi tôi phát âm từ Lặng Im
tôi đang tàn phá nó.
Khi tôi phát âm từ Chẳng Có Gì
tôi tạo ra một thứ
không được chứa
trong bất kỳ một sự không tồn tại.
./.
Dĩ nhiên, mặc dù cái tên rõ ràng của nó, bài thơ này không chỉ đơn giản nói về việc nói năng, về tiếng nói và ngôn từ và các ý nghĩa của những thứ ấy.
Nhưng cũng rõ ràng, bài thơ này cho ta một thí dụ sáng láng, một dịp thú vị tuyệt vời để suy nghĩ về những gì mà lời ăn tiếng nói và ngôn ngữ thành văn đã có thể tạo ra, vẫn không ngừng tạo ra trên cõi tồn sinh của mọi cá thể và cộng đồng người.
Ở đây, “Ba Từ Kỳ Lạ Nhất” có thể khiến ta đối diện một khám phá đầy băn khoăn: có phải chúng ta tạo ra các mâu thuẫn trên đời trong nghiệp nhân sinh, hay các mâu thuẫn như thế là khách quan, là vốn có bất kể ta có hiện hữu, có hành động hay không?
Một câu hỏi như thế ít nhất cũng khiến cho thấy được rằng những lời ăn tiếng nói và ngôn từ thành văn chứa đựng mối mâu thuẫn năng động như chính cái gọi là đời sống. Trong ngôn từ, trong tiếng nói, ta chứa chất vào đó những thành kiến hay niềm tin khi ta thông báo các sự kiện con người cũng như các sự kiện tự nhiên. Và không phải lúc nào một nguồn phát ngôn cũng nhận ra mối mâu thuẫn kiến tạo nên ngôn luận của chính mình, hay tiềm tàng trong ngôn luận đó.
Thơ ca nhắc nhở chiều sâu khôn lường của các sự kiện ngôn từ bằng cách quy chiếu vào chính nó (theo Roman Jacobson.) Đồng thời phục hiện cái sức sống, cái bối cảnh đặc thù của từ ngữ khi chúng hiện ra, diễn biến, và lặn trở lại vào cõi lặng. Có đúng là hầu hết chúng ta chẳng mấy lúc đủ quan tâm đến cái sự sống bị che lấp ấy của tiếng nói và ngôn từ? Hai câu thơ đầu trong bài thơ vừa dẫn trên đây, của Szymborska thông qua tiếng Việt của Tạ Minh Châu, quả là một chứng từ đầy đủ và sống động:
Khi tôi phát âm từ Tương Lai
âm tiết đầu tiên đã đi vào quá khứ.
Đây là một phát hiện giản đơn kiểu “Quả trứng Colombus” – những sự đơn giản hiển nhiên, chỉ có điều hầu như chẳng ai thấy, cho đến lúc chúng được chỉ ra.
Nhưng câu thơ thứ hai dường như nói lên nhiều hơn cái nội dung thông báo của chính nó – bằng cái cách mà nó hiện ra. Câu này, trong nhịp điệu hành tiến, gợi nhớ đến một câu kinh điển trong thơ Xuân Diệu: (trăng từ viễn xứ) “Đi khoan thai lên ngự đỉnh trời tròn”.
Tính trang trọng và nhịp điệu chậm-vừa phải, cùng âm điệu ngân vang, “âm tiết- đầu tiên- đã đi vào- quá khứ”, gợi lên một ấn tượng chuyển động rõ rệt, một hình ảnh của sự chuyển biến; và kẻ ra đi hiện lên: chính là cái âm-tiết-đầu-tiên ấy đấy. Nó đồng thời gợi mở cái “quá khứ”, làm cho “quá khứ” hiện ra (,tượng hình lên như thế nào, tùy bạn,) và khiến cho lời nói phơi lộ một độ dài hiện hữu của cái người-nói.
Ta hãy xem thêm một “bức tranh” tinh tế nữa về mối mâu thuẫn còn mơ hồ hơn nhiều, trong bài thơ sau.
NHỮNG SỢI DÂY XÍCH
Ngày oi bức
chiếc chuồng và con chó bị xích.
Cách đó chỉ vài bước chân
là chậu nước đầy.
Nhưng sợi dây xích quá ngắn
chú chó kia không thể tới gần
Chúng ta hãy thêm
chi tiết này vào ngay bức tranh:
những sợi dây xích của chúng ta
dài hơn nhiều
và ít khi nhìn thấy
nhờ những sợi dây xích này
mà chúng ta có thể thoải mái
đi vòng quanh, vòng quanh.
./.
Một trong những lẽ khiến cho thơ, và văn chương nói chung, có thể trở thành giản dị, là bởi đạt được sự chính xác trong dụng ngôn, trong hình thức của biểu đạt ngôn từ. Tôi tin rằng trong bản dịch này Tạ Minh Châu đã bám sát từng từ của nguyên bản mà vẫn chuyển dịch được cả cái tinh thần chứa đựng trong ấy.
Sự chính xác ở đây đầy gợi ý: trong bài thơ ngắn 14 dòng/câu này có 3 “sợi dây xích”, và tỉ lệ phân chia là “con chó” 1 sợi, “chúng ta” thì 2, sợi dây xích hữu hình có 1, những “sợi” vô hình nhiều gấp đôi.
Liên tưởng vậy là đã được xác lập, một cách khó cưỡng, dù bạn có tán đồng với bài thơ hay không, một khi mà bạn đã có ấn tượng với hình ảnh con chó bị xích không với tới được chậu nước gần bên…
Cái sự thật mà bài thơ đưa tới hay nhằm tới, là mối mâu thuẫn thật mơ hồ giữa bị-xích và thoải-mái. Khẳng định đó được hỗ trợ bởi cái quan niệm chung thông thường, rằng đời người là một chuyến “đi vòng quanh, vòng quanh.”
Hầu như tất cả các bài thơ Szymborska trong phiên bản Tạ Minh Châu này đã phát lộ đời sống nhân sinh dưới những mối liên hệ đầy mâu thuẫn như thế. Có loại mâu thuẫn lớn lao, như phác họa trong bài “Ảo tưởng”. Có loại mâu thuẫn được phủ lớp sô-cô-la thơm ngậy của tình yêu như những bài “Em ở quá gần”, “Không có gì hai lần”, … Và có lẽ chủ yếu vẫn là loại mâu thuẫn giữa lương thức thường thức với những sự thật mà người ta hay quên đi hoặc vì lảng tránh nên quên mất.
Thơ ca này bằng cách đó không bao giờ rời xa cuộc đời thường ngày. Cũng có thể xem đó là cách riêng mà nữ thi nhân này ca ngợi cuộc sống, với những con người cụ thể chứ không chung chung trừu tượng.
Dường như không có mấy những bài thơ mà khi, tình cờ hay không, đã đọc câu mở đầu thì sẽ cảm thấy tò mò không cưỡng được, phải đọc hết.
Tập thơ này là một cuốn sách như vậy. Đừng mở tập thơ này ra vào lúc bạn đang bận quá vội quá. Bởi vì đã mở nó ra, đọc vào một tên bài bất kỳ, đọc vào câu mở đầu nào đấy hay một khổ thơ nào đấy, bạn sẽ khó tránh khỏi bị cuốn vào dòng thời gian riêng của nó, một thứ thời gian của thơ vậy.
Hàn Hoa
Nguồn: Vanvn.net