Lê Vũ Trường Giang

Tuổi thơ bao giờ cũng chiếm lĩnh một phần tất yếu trong ký ức chúng ta. Sống cùng tuổi thơ là sống bằng mộng, bằng mơ, bằng cái hồn nhiên, cái thiện ban sơ, thiên đường đuổi bắt. Khi đọc “Trên đồi, mở mắt, và mơ”, tôi bắt gặp Văn Thành Lê, một trong số ít những người lớn hiếm hoi còn nhớ mình từng là trẻ con đi qua tuổi ngọc.
Nhân vật chính, cậu bé Thành, được bố mẹ cho về nghỉ hè ở quê nội, có lẽ là một đặc ân rất lớn của mỗi tuổi thơ và từ đây nhiều chuyện dí dỏm được mở ra. Cậu bé Thành rất đặc biệt, và dường như tạo nên mode điển hình của một tuổi thơ lung linh: “Tớ đeo kính cận và luôn ôm theo cuốn từ điển tiếng Việt. Để gặp từ gì khó hiểu là tớ có thể tra liền, biết ngay”. Thành có các bạn trai Văn nói lắp, Lê thủ lĩnh, các bạn gái Tuyết đen, Điệp điệu, tạo nên một hội “vui không thể tả”, đủ các loại trạng thái biểu cảm, và những cuộc phiêu lưu ngộ nghĩnh.

Tôi ấn tượng với các title cho mỗi câu chuyện, thí dụ như “Trâu đi đền quan Bà”, “Nụ cười ngược sáng”, “Thăm dò địa chất giống thăm dò bụng lợn”… chỉ có thể đặt mình trong suy nghĩ trẻ con mới có sự đồng điệu như vậy. Nhà văn song hành cùng tuổi thơ, và kể câu chuyện của mình như kể câu chuyện của rất nhiều người khác. Thế giới thơ bé đầy mộng mơ, mọi thứ đều có câu trả lời theo cách riêng của một trí tưởng hồn nhiên, trong vắt. Hồn nhiên đã nuôi tuổi thơ bao trái ngọt trong khu vườn nhà, đống rơm, hồn nhiên sải cánh bay lên cùng cánh diều, lặn lội cùng đàn trâu và đêm về, hồn nhiên tặng cho những giấc mơ ngộ nghĩnh.

Người lớn đã từng là trẻ con, và dĩ nhiên trẻ con rồi cũng sẽ là người lớn. Khi trở thành người lớn, tôi mới phát hiện ra rằng mình đã đánh mất điều gì đó rất khổng lồ trong một cậu bé con: vẻ hồn nhiên. Khi đọc “Trên đồi, mở mắt, và mơ”, tôi đã thấy mình trong đó và tôi nghĩ rằng nhiều người lớn sẽ có chung cảm giác này. Cuốn sách vẽ một bầu trời tuổi thơ tươi đẹp và cứ hãy nghĩ rằng bạn sẽ gặp nhiều bạn tốt và chắc rồi bạn cũng sẽ giúp mọi người làm việc tốt. Việc tốt đến từ hồn nhiên chân thật.

Người lớn như tôi phải tiếc nuối và nhớ thương chính mình một tuổi thơ đã đi qua và khó có thể van lơn rằng “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”, như Nguyễn Nhật Ánh đã tạo slogan cho nhiều thế hệ. Người lớn muốn tìm hồn nhiên, họ sẽ lột bỏ tất cả mọi bắt chước, mọi trang bị do thời gian đắp đổi lên. Hồn nhiên không yêu cầu cái gì quá lớn, hồn nhiên không cần sự phức tạp. Hồn nhiên có trong tuổi thơ của các bạn, điều đã trôi qua với người lớn và sẽ trôi qua với các bạn nhỏ. Thế nên, khi gấp lại “Trên đồi, mở mắt, và mơ” của Văn Thành Lê, tôi mơ được mở mắt trên đồi.

(Trên đồi, mở mắt, và mơ, Văn Thành Lê, NXB Kim Đồng 2017).

Nguồn: Báo Thời Nay

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài