Triển lãm mỹ thuật Bên trong của nhà văn Lê Minh Phong khai mạc lúc 17h30 ngày 7/9 tại Trung tâm văn hóa Pháp (1 Lê Hồng Phong, TP Huế). Nếu nhìn ở khía cạnh hội họa thì Bên trong bình thường như nhiều triển lãm khác, nhưng ở khía cạnh tự học và “tự bày tỏ” của một nhà văn, lại đáng chiêm nghiệm.

Thuộc thế hệ 8X, Lê Minh Phong là nhà văn miệt mài, chuyên nghiệp, viết đa dạng thể loại, với nhiều bút danh. Anh bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ lý luận văn học từ nhiều năm trước, hiện là biên tập viên của tạp chí Sông Hương (Huế).

Với truyện ngắn, Lê Minh Phong có thừa số lượng để in 5-7 tập, riêng hai tập Chưa đủ để gọi là khoảnh khắc (NXB Văn học, 2011), Trong tiếng reo của lửa (NXB Trẻ, 2015) đã để lại ấn tượng khá tốt trong lòng độc giả.

Năm 2014, sau một thời gian mày mò tự học hội họa, lần đầu tiên Lê Minh Phong tham gia triển lãm nhóm ở Đại sứ quán Đan Mạch tại Hà Nội. Lúc đó anh tâm sự: “Trong hội họa, tôi không có tham vọng mô phỏng mà muốn trưng ra những va chấn, những áp chế nằm sâu trong nội giới”.


Nhà văn – Họa sĩ Lê Minh Phong

Suốt hai năm qua, với hội họa, anh đã vẽ rất nhiều tác phẩm; có một website chuyên văn học đã giới thiệu hơn 50 tác phẩm sơn dầu và acrylic của anh.

Nhà văn này “không có tham vọng mô phỏng”, đúng hơn, không đủ khả năng về kỹ thuật màu sắc để mô phỏng. Thế nhưng, đặc điểm chính trong hội họa Lê Minh Phong là sự “diễn ý”, một điều thường bị mỹ thuật chính quy Việt Nam (vốn chuộng “diễn hình”) hạn chế, thậm chí tối kị.

Anh chọn ra một vài kỹ thuật và biểu tượng khá quen thuộc trong hội họa để diễn tả một trạng huống không hề gần gũi. “Để vẽ cái chết, dĩ nhiên tôi không có một chút kinh nghiệm nào cả.

Tôi chỉ biết lấy màu trắng đục của thân phận, màu đỏ của máu, màu tàn úa của rừng cây, màu của đất đai khô cằn và màu của rêu xanh bất tận trong từng linh hồn sống để mong chạm vào cái chết”, Lê Minh Phong tâm sự nhân triển lãm Bên trong.


Tác phẩm “Đường bay”, acrylic trên bố, 100 x 80 cm, 2015

“Tuổi thơ của tôi đầy những ám ảnh về bạo lực và nghèo đói. Tôi thường chộp bắt những tiếng kêu từ hồi ức thơ ấu rồi bày lên toan. Một quá khứ đau thương, một tuổi thơ rách nát sẽ cho chúng ta nhiều thứ để sống với hiện tại và thôi thúc những âm mưu dự phóng. Những ám ảnh ấy được lưu giữ trong tiềm thức, qua ngày tháng, chúng đã trở thành một nguồn năng lượng trong tôi”- anh nói thêm.

Chính vì những động lực và ý tưởng hơi quái đản như vậy đã giúp cho sự diễn ý có đủ lý lẽ để tồn tại. Nhiều tác phẩm ở triển lãm Bên trong có thể làm nhiều người yêu thích hội họa thuần túy “nhăn mặt”, nhưng lại đáp ứng được sự chia sẻ của những ai thích hội họa như là nhịp cầu chiêm nghiệm về đời sống.

Và cũng chính từ sự diễn ý này, người xem và độc giả thêm một cơ hội để mở cánh cửa vào trong nhà văn có tâm thế phức tạp.

Theo Văn Bảy – Thể thao & Văn hóa