Những ngôi mộ của các danh thần triều Nguyễn nằm lặng lẽ tại đất Sài Gòn. Trong số những ngôi mộ cổ có tuổi đời trên dưới 200 năm đó, một số được gìn giữ, thờ cúng, nhưng có cái đã thành phế tích.
Đệ nhất công thần
Từ đường Phan Đình Phùng rẽ vào Cô Giang (gần ngã tư Phú Nhuận), ngay đầu đường có tấm biển lớn treo trên cao như cổng chào, ghi hàng chữ “Đền Phú Trung Bình Giang Quận công Võ Di Nguy”.
Trong các cận thần của Nguyễn Ánh (vua Gia Long) thì Võ Di Nguy là người phò tá sớm nhất, ông theo giúp Định Vương Nguyễn Phúc Thuần (1751 – 1777, chú ruột của Nguyễn Ánh), rồi theo Nguyễn Ánh chống Tây Sơn và cũng tử trận sớm hơn nhiều công thần khác (ông mất ngày 27.2.1801) khi cuộc chiến với Tây Sơn bước vào giai đoạn khốc liệt nhất, trước khi Nguyễn Ánh thống nhất đất nước, lên ngôi vua (1802). Thi hài Võ Di Nguy được chuyển về Gia Định. Chi phí cho tang lễ rất lớn.
Năm Gia Long thứ sáu (1807), Võ Di Nguy được truy phong lên hàng nhất phẩm, được sắc phong “Tả Nam công thần đặc tân thượng trụ quốc thiếu bảo quận công” .
Ngôi mộ của ông (số 19 đường Cô Giang) từ khi được an táng đến nay hơn 214 năm mà vẫn giữ được nét uy nghi, đường bệ của bậc đệ nhất công thần, đồng thời tiêu biểu cho nghệ thuật xây cất lăng mộ cổ ở Nam bộ. Do đó, Bộ VH-TT đã ra quyết định công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia (số 43-VH/QĐ ký ngày 7.1.1993).
Ngôi mộ bề thế
Cụ thủ từ Lê Văn Thành (80 tuổi) nói với chúng tôi: “Tôi sống ở Sài Gòn đã từng này tuổi nhưng chưa thấy phần mộ nào bề thế như mộ của ông, kể cả mộ của Tả quân Lê Văn Duyệt”. Mà thật, mộ được đắp bằng ô dước, nhô khỏi mặt đất khoảng 0,25 m, hình chữ nhật với kích thước 2 x 1,6 m.
Cách đầu mộ khoảng 1,8 m là bức bình phong hậu bằng ô dước hình chữ nhật, hai bên đắp phù điêu rồng chầu: đầu ôm cột có đính tòa sen, đuôi quấn chân bình phong (phong cách Angkor); ở giữa là 2 ô bài vị khắc chữ Hán: ô bên phải nói về công trạng của Võ Di Nguy, bên trái nói về thân thế phu nhân Võ Di Nguy. Tuy nhiên hầu hết chữ đã phai mờ rất khó đọc.
Ông Lê Minh Hoàng (Trưởng ban Quản lý lăng Võ Di Nguy), bắc thang cho tôi leo lên mái sau của ngôi đền để chụp toàn cảnh khu mộ gồm phần tiền mộ và phần mộ (17,5 x 7 m). Dọc bờ tường bao quanh khu mộ kết nối liền nhau bởi nhiều bức phù điêu hình chữ nhật, chạm nổi các loại hình: bình hoa, chim trĩ, chim công, hoa mẫu đơn, tùng lộc, tứ linh, cúc trúc tùng mai…
Khu tiền mộ (sân trước mộ) được ngăn bởi hai bờ tường, chừa cổng vào ở giữa. Đặc biệt, sinh thời Võ Di Nguy là danh tướng thủy quân (tước Bình Giang Quận công) nên trên mỗi bờ tường có tượng con rái cá. Một hồ nước nhỏ gắn với bức bình phong cao khoảng 1,8 m hai bên có tượng hai con sư tử mắt lồi, đuôi xòe, nhe răng ôm lấy bình phong có chiều ngang 3 m. Mặt trong bình phong chạm hình “vân tùng lộc” (mây, cây tùng và hươu nai), mặt ngoài bình phong rong rêu đã phủ kín.
Đặc biệt, giữa sân phía trước mộ có tượng 2 con lân nhỏ rất đẹp, xứng đáng được liệt vào “tượng linh vật thuần Việt”, đó là chưa kể trên 2 cột trụ vuông có đặt 2 con lân lớn cũng uy mãnh và đẹp không kém… Trước mộ có bệ thờ bằng ô dước dài 1,4 m, ngang 0,6 m, cao xấp xỉ với mặt mộ. Trên bàn thờ đặt lư gốm to. Chân bệ thờ hình bàn quỳ kê trên 4 con kỳ lân ở 4 góc.
Ngoài bờ tường phần mộ Võ Di Nguy còn có 4 ngôi mộ khác. Bên phải là mộ bà Lê Thị Mười (phu nhân Võ tướng công) và mộ người con trai thứ Võ Di Thiện. Bên trái là mộ người con dâu tên Triệu Thị Đào và một mộ phần vô danh. Cạnh 2 mộ này có một giếng nước cổ.
Phía trước khu mộ là đền thờ do Phú Trung Quý tế hội điều hành. Ông Lê Minh Hoàng cho biết ngoài những vật dụng, linh vật thường thấy trong các đình, đền Nam bộ (tượng bạch mã, cặp hạc đứng trên rùa, lọng, thập bát binh khí…), đền còn lưu giữ 2 sắc phong của vua Minh Mạng năm thứ 13 (1832) đề ngày 11 tháng giêng âm lịch và ngày 14 tháng 12 âm lịch, truy phong tước phẩm, ghi trên lụa vàng, đựng trong hộp gỗ cuộn vải đỏ được đặt trong khám thờ. Đặc biệt, vì Võ Di Nguy là tướng thủy binh nên trong các vật thờ cũng có một thuyền rồng.
Võ Di Nguy sinh năm 1745, là người huyện Phú Vang, phủ Thừa Thiên (nay là tỉnh Thừa Thiên-Huế). Năm 1775, ông cùng với cai đội Tô Văn Đoài cầm đầu một toán 200 người tìm vào Gia Định hợp sức cùng Nguyễn Ánh. Từ đó, ông trở thành thuộc tướng tin cẩn, được chúa giao phó trông coi thủy binh và cả việc đóng các chiến thuyền (cùng với Châu Văn Tiếp, Tôn Thất Cốc).
Năm Canh Thân (1800), tướng Tây Sơn là Trần Quang Diệu vây thành Bình Định (do Võ Tánh trấn thủ), ông cùng Nguyễn Ánh đem quân ra ứng cứu. Khi đến vùng Cù Mông, ông được lệnh bảo vệ Vũng Trích (Phú Yên). Rồi mùa xuân năm Tân Dậu (1801), đạo quân của Nguyễn Ánh tiến vào Thị Nại với các bó củi đốt tấn công chiến thuyền của quân Tây Sơn. Võ Di Nguy ngồi trên chiến thuyền lớn đang chỉ huy trận đánh bị trúng đạn đại bác tử nạn.
Theo Hà Đình Nguyên – Thanh niên online