Tạp bút của Nguyễn Văn Học
Có những con người rất lạ, thích làm những việc khác người.
Bìa sách Mình ơi anh cưới dòng sông nhé.
Bạn nghĩ sao, một ngày kia có người từ bỏ sự ồn ã của những lời mời mọc, những chiếc ly bạn bè chúc tụng nhau trong các tuổi tiệc tùng ở thành phố hào hoa để đi tìm mùi hương của sông quê? Lạ, buồn cười, tận sâu trong thớ nghĩ, thậm chí còn tưởng tượng ra đó là một người không bình thường. Không. Hành động đó là bình thường, nhưng lạ. Là bởi người ta dám dứt bỏ những cái ồn ào để đi tìm mình ở nơi thanh vắng, ngọt mát ở tận sâu những miền quê. Lạ và đáng nể nữa, là người ta còn dám sống bằng cảm giác, đôi khi mơ hồ của mình trong cuộc sống mà nhiều ý nghĩ thực dụng được gọi tên. Người chọn về với sống là người khao khát những miền bình yên, ở nơi những dòng sông quê bé nhỏ, nhẫn nại, nhưng am tường cuộc sống. Bởi tự bao giờ, sông có nước, sông có đời sống, có sắc và hương. Lúc sông lại như một người con gái không giấu được vẻ đẹp và trinh bạch, khi cả đời chung thủy tưới tắm cho những cánh đồng, tiễn chim đi trú đông rồi chờ xuân ấm trở về. Khi đó sông biết reo vui như con thú đến mùa sinh nở, như cô gái tuổi yêu, ưỡn tấm ngực sóng ra mà thi với gió. Trong mỗi tuổi ấu thơ, sông gợi hình quê hương, sông vẽ những gương mặt nhọc nhằn mưu sinh trên đồng điền cha ông bao đời gìn giữ. Sông cũng lưu giữ dáng cò mẹ cò con, in dấu dáng mây chiều vời vợi trong sự ngọt mát của mùa màng…
Hà thành có còn những miền quê như thế, với những con sông chở trăng, chở hương lúa, chở nắng của diều, chở những con đò bé tẻo teo bình yên?
Muốn trả lời câu hỏi ấy, chẳng gì bằng hãy bằng cảm nghiệm của một quả tim chân thành, đi về mà nghe sông hát, quê thở. Về mà nghe trăng tự tình, nói còn yêu lắm bầu trời nên mãi giữ tấm lòng trinh bạch nơi cung hằng. Vâng, tôi đã theo sông về, theo kiểu “xách ba lô lên và đi” bởi tiếng gọi thật sự của đáy lòng sông, của một mùi hương tôi cảm thấy từ trong ký ức đã khá cũ. Đó là một mùi hương khó có thể diễn giải bằng câu chữ, hay bằng các giác quan thông thường. Mùi hương đó phải nghe và cảm bằng sự chân thành như tuổi thanh niên ta chờ ngỏ lời cùng cô gái quê, rồi xoắn quyện trong cảm giác bình yên, vui sướng quá đỗi khi cô gái nhận lời. Cảm sông đừng làm sông sợ. Cảm sông phải theo cách chinh phục một cô gái với mùi hương lạ. Hương của diệp lục đậm đà tình châu thổ đã gói gém, hun đúc trong hàng trăm năm. Bốn mùa xuân hạ thu đông luân chuyển, nét văn hóa làng quê hội tụ để làm nên nét văn hóa của cộng đồng lớn hơn, và tạo thành bản sắc của từng vùng đất.
Tôi đã đọc rất nhiều thơ viết về sông, đã ngửi mùi hương từ rất nhiều con sông có vị ngọt mát của sự bình yên, có vị mặn mòi của cuộc mưu sinh, và cũng có con sông đang thấm mùi ô nhiễm… Nhưng hôm nay, tôi tìm về con sông quê mình bằng tiếng gọi tận sâu trong miền ký ức, và ước ao khám phá một cách khác biệt về sông. Chính sự hồi hộp ngày ấy cho tôi tưởng tượng về những người con gái tóc dài đã gội rửa trên chính dòng nước này, đã làm thành những bến tắm của tuổi hoa niên, rồi tạo nên những đêm trăng thanh hát giao duyên đầy tình thân ái. Tôi thấy hương thơm đưa đẩy từng cuống lá, khiến tôi được trở về với những câu chuyện mà người dân vẫn truyền tai nhau nơi bến Đông Dài – giờ là miền quê phía nam thành phố. Chuyện vừa ma mị vừa hoang liêu về những nàng tiên múa hát trên cát, trên cỏ thơm. Sự hồi hộp cũng cho tôi cảm giác mê dại, và nghĩ rằng mình đang về với em, một thực thể chuyển động và giàu sức hấp dẫn, chứ không chỉ là một “nàng sông” nằm hoang hoải ở đó suốt bốn mùa, năm này qua năm khác, hay những câu chuyện nhuốm màu huyền thoại. Sông sinh động hơn cùng sự tưởng tượng của con người và sông biết thì thào với trời xanh về tình cảm của những bãi ngô, nương dâu, ruộng lúa. Sông nhắc những gì con người quên và sông hát khi người buồn.
Bến Đông Dài vẫn còn người ra tắm độ hè nóng nực, nhưng những con đò năm xưa không còn nữa. Nay chỉ còn lác đác thuyền nhỏ của mấy ông lão thả lưới. Người con gái năm xưa đẹp nhất nhì xã và nổi tiếng hát hay trên bến Đông Dài đã là mẹ của ba đứa con. Em gặp tôi trong ngậm ngùi, như thuở nọ sông đã khóc một mùa dài khi tôi đi xa. Năm xưa không phải tôi không đủ điều kiện, mà do cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, nên thách tôi: “Anh tìm được hoa của trăng em xin lấy làm chồng”. Tôi bật cười chua xót. Em biết câu chuyện tình trong “Lá Diêu Bông” của thi sĩ Hoàng Cầm và tôi cũng rất thuộc. Đúng là một sự đánh đố? Nhưng tôi đã mê mải đi tìm, nhưng nào ai biết bông hoa của trăng hình thù thế nào. Chính trăng đã là một bông hoa kỳ diệu mà tạo hóa ban cho con người, đâu có gì đặc biệt hơn thế.
Vậy là tôi đi xa, mang theo mùi hương của nương dâu, những đêm hoa bưởi rụng quanh thềm. Còn em ở lại, sống những mùa sông day dứt…
Bây giờ tôi đã có vợ con. Lần trở lại Đông Dài như là đi tìm lại một vết xước chưa lành, hay cũng chính là đi tìm một mùi hương đã chưng cất từ những đêm sông nơi này, với tâm thế của một người thích trải nghiệm. Sông cất mùi hương của tôi ở đâu? Những chàng trai cô gái năm xưa, có ai về nhận mặt sông, ai về Đông Dài thở than cuộc sống chật vật, sướng vui? Và từ đó đến nay, có ai tìm được hoa của trăng để tặng cho người con gái của mình?
Chỉ có sông mới biết. Sông ơi hãy nói hộ lòng.
Tôi mượn thuyền nhỏ đi dọc sông hôm ấy, và gặp một đám cưới của chàng bên này còn nàng bên kia sông. Đám rước huy động thuyền con của cả làng. Những cánh hoa hồng nhung đỏ rực được gieo thả. Ôi thứ hoa tượng trưng cho tình yêu, nay được gieo xuống tĩnh lặng dòng nước để trở thành một thứ nghi lễ kiểu mới mà người dân mấy năm nay nghĩ ra. Chẳng như xưa, thời cha mẹ, cô chú chúng tôi chỉ có hoa dại thả xuống, nhưng từ lâu, hoa đã gọi tên niềm hạnh phúc, để ủ ấm đó trong niềm tin cậy mến, giữa miều quê còn chưa nhuốm nặng mùi đô thị hóa này.
Chợt lòng đầy một niềm thương mến với người vợ còn đang vùi đầu vào giấc ngủ, bởi làm việc cật lực nhiều ngày nay mới trở lại quê. Cô ấy không lãng mạn như tôi nhưng nếu xuống tắm đủ làm bến Đông Dài khó ngủ. Và lúc này trở lại thực tế, mùi của con sông quê mà tôi đang đi tìm, chính là mùi bình yên, của những giây phút trong trẻo tâm hồn còn sót lại. Cùng đó nữa là kho ký ức, phải được gửi sông giữ hộ, sông gối đầu lên, khi ta trở về thì sông nhắc hộ. Đó có phải là cách làm mới và tạo cách nghĩ mới cho vùng quê?
Đứng trước dòng sông quê, tôi có thể thoải mái thốt lên lời ngỏ: “Mình ơi, anh cưới dòng sông nhé?”.
Lê Thị Hồng Nhung đăng bài