Nhà văn Minh Giang thuộc thế hệ đầu tiên của Hội Nhà văn Việt Nam. Cuộc đời thăng trầm với những nỗi muộn phiền khiến ông chọn cách lặng lẽ sống và viết. Ông vừa trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng ở tuổi 90, nhưng vẫn còn đó, những niềm thao thiết với văn chương, thế sự.


Nhà văn Thiên Sơn gọi điện cho tôi, giọng nặng trĩu. “Bác Minh Giang mất rồi em ạ”. Ông mất lặng lẽ, đột ngột ở tuổi 90, không bệnh tật, không một lời báo trước, cũng không phiền lụy vợ con. Khi nhà văn Minh Giang mất, những bản thảo dở dang vẫn nằm ở đó, trên góc bàn quen thuộc hàng ngày ông vẫn ngồi miệt mài viết. Tôi vẫn nghe nhà văn Thiên Sơn kể về ông với một niềm kính trọng về nhân cách sống cũng như văn tài. Dù Thiên Sơn và Minh Giang thuộc hai thế hệ, cách xa nhau về tuổi tác, nhưng giữa họ có một mối đồng cảm kỳ lạ. Có thể nói, họ như hai người tri âm tri kỷ. Mà thực tế, trong đời sống, nhà văn Minh Giang không giao đãi nhiều. Bạn văn chương cũng chỉ dăm ba. Từ lâu, khi Chiếu Văn của nhà văn Sơn Tùng đóng cửa, gần như nhà văn Minh Giang lui về ở ẩn. Thiên Sơn lục lại những tư liệu về ông, chẳng còn lại là bao. Báo chí cũng ít viết về ông. Gia đình, con cái ông bận cuộc mưu sinh, cũng chưa từng nghĩ đến việc lưu giữ tài liệu cho bố. Tôi thấy có chút gì đó ẩn nhẫn, xót xa. Một đời sống và viết lặng lẽ, nhà văn Minh Giang đã chủ động chọn con đường đó, cách sống đó.

Thiên Sơn viết về ông như thế này: “Có thể nói, văn của Minh Giang là những câu chuyện được chắt ra từ bão giông của mấy thế kỷ nay, trong hành trình bi thiết và hào hùng của dân tộc Việt. Đó là đúc kết những bài học từ trong lịch sử, nhắn nhủ với người đời. Dù vậy, so với những dự định và mơ ước thuở đầu đời, có lẽ ông chỉ làm được một phần thôi”.

Nhà văn Minh Giang và nhà văn Thiên Sơn.

Một phần thôi, nhưng gia tài văn chương của ông đã chứa đựng tất cả những nỗi đau, những trăn trở và cả phiền muộn của ông với cuộc đời này. Phải có một tình yêu lớn đến mức nào, ông mới vượt qua những khúc quanh của cuộc đời, để trọn vẹn với văn chương đến thế.

Cuộc đời ông có những nỗi oan khiên. Suốt 20 năm (1956-1976) không được lên một bậc lương, không được in tác phẩm. Mọi cố gắng của ông trong sáng tác và công tác tại tòa soạn (lúc đó ông làm biên tập ở tạp chí Văn nghệ quân đội) không hề được ghi nhận cho đến tận ngày ông chuyển ngành sang xuất bản, và sau đó làm giảng viên trường đại học Sân khấu Điện ảnh thì cái án lạ lùng ấy mới chấm dứt. Ở đây, ông được giao nhiệm vụ giảng dạy môn triết học. Ông trở thành một giảng viên ưu tú, được đồng nghiệp đánh giá cao và sinh viên yêu mến.

Nhưng trước khi vướng vào oan ức, khiến ông im lặng suốt 20 năm, ông đã từng là một nhà thơ có tiếng. Năm 1951, khi mới hơn 20 tuổi ông có bài thơ “Gửi anh bạn Triều Tiên” được ngâm đọc khắp trong nam ngoài bắc. Nhà thơ Xuân Diệu thời ấy cũng rất quý mến tài năng Minh Giang và hai người từng trở nên thân thiết. Chính Xuân Diệu trong một bài giới thiệu về thơ kháng chiến đã viết: “Trong kháng chiến, thơ Minh Giang được nhiều người biết đến và ngâm đọc”. Và Minh Giang thưở ấy được ghi nhận là người khởi đầu cho dòng thơ chống Mỹ mà sau này trở thành chủ đạo trong thập kỷ 60, 70 thế kỷ trước.

Bằng những sáng tác đầu đời, ông trở thành Hội viên sáng lập Hội nhà văn Việt Nam năm 1957. Nhưng rồi hào quang của buổi đầu ấy nhanh chóng bị dập tắt do những vận hạn của thời cuộc.
Ông sinh ra ở Can Lộc, Hà Tĩnh, trong một gia đình dòng dõi Nho gia có công với cách mạng từ thời Cần Vương, ông ngoại của Minh Giang là chí sĩ Võ Liêm Sơn, một người bạn với Nguyễn Tất Thành và là thầy học của Võ Nguyên Giáp, nhưng gia đình ông cuối cùng đã bị quy kết là phong kiến, với những trận đấu tố khốc liệt. “Nếu không kiên trung, không nhẫn nại, chắc Minh Giang không thể tiếp tục trụ lại trên con đường nghiệt ngã của văn chương.

Đau thương đấy, khó khăn đấy, ngập tràn những cản lực, nhưng ông vẫn âm thầm viết, âm thầm học hỏi và làm giàu thêm kiến thức của mình. Đến năm 1972 ông có bài thơ “Vầng trán bầu trời” mà theo nhà văn Sơn Tùng, đương thời, được nhà thơ – nhạc sĩ Văn Cao khi ngồi trên Chiếu Văn cùng các bè bạn như Sơn Tùng, Đặng Đình Hưng, Tân Trà, đã cho rằng: “Đó là một bài thơ thần tri thi lâm, bài thơ loại hay nhất trong rừng thơ kháng chiến Việt Nam”. Nhà văn Thiên Sơn kể.

Ông làm nhiều thơ, nhưng cả đời thơ của ông chỉ in có một tập, “Một ngày thu”, bởi ông quan niệm, thơ chỉ cần tinh, không cần nhiều. Nhiều bài thơ trong tập của ông được đánh giá là hay, nhưng tập thơ rơi vào im lặng. Minh Giang hiểu điều đó, ông không buồn. Ông cũng hiểu được lẽ thường của kiếp đời, thời buổi văn chương lạnh giá. Mà ông là một ẩn sĩ, viết để giải tỏa nỗi cô đơn của chính mình. Không màng danh lợi, không cầu sự nổi tiếng. Vì thế thơ ông càng cô đơn. “Mỗi lần đi dọc con đường cây xanh lộng gió/ Lòng tôi sao man mác tình đời/Tôi đã hiểu em là bầu trời khát gió/ Gió thổi bao nhiêu cho đầy ắp một bầu trời/Tôi đã hiểu em là bầu trời thiếu vắng trăng sao/ Nhưng cuộc đời tôi cháy mãi một niềm đau/Trăng đã rụng giữa tuổi xanh ngày ấy/Và triệu ngôi sao lặn xuống biển mây mù/Tôi chỉ còn một mảnh hồn thơ/Mặc chiếc áo vá đầy kỷ niệm”.

Tôi may mắn được gặp ông vào một ngày đông cách đây khá lâu tại Chiếu Văn của nhà văn Sơn Tùng. Ông khỏe mạnh, giọng vẫn hào sảng. Ngày đó, tôi là người biên tập, in lại cho ông cuốn “Gió cuốn’, viết về cuộc di cư năm 1954. Rồi tôi biết đến những trang viết của ông, bộ tiểu thuyết “Cuộc thăng trầm”, “Đôi mắt Huế”. Ông viết nhiều về những đề tài lịch sử. Trong đó bộ “Cuộc thăng trầm” được ông coi là bộ sách lớn nhất cuộc đời. Ông mất 6 năm với rất nhiều tâm sức để hoàn thành bộ sách này.

Đó là cuốn sách viết về bi kịch của vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi sau khi phò Lê Lợi chiến thắng giặc Minh xâm lược. Người anh hùng nhân nghĩa ấy đã bị bọn gian thần tìm cách hãm hại. “Thành công của Minh Giang là đã dựng lại một tiến trình thay máu trong bộ máy quyền lực nhà Hậu Lê để đến nỗi gian thần lộng quyền, hãm hại trung lương. Ông đã dành ra nhiều thời gian để tìm hiểu và viết một cách thấu đáo về nhiều khía cạnh lịch sử, nhất là sự tráo trở của những kẻ mệnh danh là cùng chí hướng một thời, từng nếm mật nằm gai, cùng phò một chủ, cùng đánh ngoại xâm. Minh Giang cũng vén lên bức màn đen tối trong thâm cung bí sử”. Chính ông cũng từng nói rằng: “Viết chuyện lịch sử thực ra là để hiểu thêm hiện tại. Có những điều về ngày hôm nay phải dựa vào lịch sử mà nói”. Cuốn sách đã được tái bản nhiều lần, nhưng tiếc thay, chưa có nhiều nhà phê bình mổ xẻ và đánh giá.

Sau “Cuộc thăng trầm”, ông có thêm một số tiểu thuyết lịch sử khác như “Bạch vân cư sĩ” viết về Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm; “Mây núi hồng” viết về danh nhân văn hóa Võ Liêm Sơn. Trước đó, ông có “Cao Nguyên Canh”, “Tiếng đàn Tranh”, “Đôi mắt Huế” và nhiều tác phẩm khác. Dù ông viết về những đề tài lịch sử, thì trang viết của ông vẫn mang hơi thở của cuộc sống hôm nay, càng ngẫm càng thấm thía.

Ở tuổi 83, thường xuyên bị rối loạn tiền đình, cao huyết áp và đau thần kinh tọa, ông vẫn cố kịp hoàn thành bản thảo “Gươm đàn nửa gánh”, sau này xuất bản đổi tên thành “Nỗi đau của thiên tài”, khám phá nỗi đau của các cụ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Ngô Thì Nhậm và nhiều danh nhân khác.

Nhà văn Minh Giang hiểu tường tận, kỹ lưỡng về những điều mình viết, bởi ở ông có một vốn kiến văn đồ sộ. Đó là quá trình tích lũy, tự đọc và học. Đây là điều mà một số nhà văn trẻ hiện nay thiếu. Ông cũng không tuyên ngôn về văn chương. Lặng lẽ sống và viết. Con người đi qua bao biến động của lịch sử ấy, luôn có cái nhìn nhân hậu, yêu thương cuộc đời. Tận cùng trang viết của ông, dù văn hay thơ, vẫn là tình yêu cuộc sống, vẫn là niềm tha thiết với văn chương.

Giờ thì ông đã về một cõi khác, thanh thản, nhẹ nhõm. Dù cuộc đời nhiều thăng trầm, oan khuất, nhưng nhà văn Minh Giang đã sống và viết trọn vẹn một đời văn. Với ông, đó là một thế giới thuần khiết của những giá trị, của cái đẹp tinh khiết, đứng ngoài danh lợi phù du. Cho đến những ngày cuối đời, trên bàn viết của ông, những trang bản thảo vẫn còn dang dở. Những dự định vẫn còn đó, những trăn trở của ông vẫn còn đó…

LINH CHI – Nhân dân