Milan Kundera là một trường hợp vô cùng đặc biệt của văn học thế giới. Các sáng tác của ông như một bản giao hưởng, ở đó có những yêu cầu khắt khe về thang âm, cấu trúc nhưng lại tạo ra một làn điệu tổng thể mềm mại và đậm tính cá nhân.
Milan Kundera sinh ngày 1/4/1929 tại Brno, một thành phố tỉnh lẻ của Czechoslovakia (nay là CH Czech).
Nỗi lòng người tha hương
Cha đẻ ông là học trò của nhà soạn nhạc thiên tài Leoš Janáček. Cha cũng chính là người dạy đàn piano cho ông. Cho tới năm 25 tuổi, âm nhạc cuốn hút ông nhiều hơn là tiểu thuyết. Về sau, âm nhạc có sức ảnh hưởng lớn tới sáng tác văn học của ông, không chỉ thông qua những tiểu luận xuất sắc về âm nhạc, mà còn tạo ra kết cấu và tính đa âm, như một bản giao hưởng trong những tiểu thuyết có một không hai của Kundera.
Cuốn tiểu thuyết đầu tay của ông, mang tên Lời đùa cợt, ra mắt vào năm 1967. Vì lý do chính trị, cuốn sách từng bị cấm xuất bản tại Czechoslovakia và khiến cái tên Kundera bị liệt vào danh sách đen. Từ năm 1975, ông sống lưu vong tại Pháp và trở thành công dân Pháp vào năm 1981.
Milan Kundera là một trong những tiểu thuyết gia hàng đầu của văn học hậu hiện đại phương Tây. Ngoài ra, ông còn rất nổi bật với những tiểu luận sâu và rộng. Ông có bảy cuốn sách viết bằng ngôn ngữ Czech, đều đã được dịch sang tiếng Pháp.
Các tác phẩm sau của ông đều được viết bằng tiếng Pháp. Ông cũng xem xét lại toàn bộ các bản dịch tiếng Pháp và coi phiên bản này là dịch chuẩn tác phẩm của mình. Vì thế, ông luôn đề nghị các dịch giả thế giới dùng bản tiếng Pháp để dịch tác phẩm.
Theo ông, tiếng mẹ đẻ khiến sự viết của ông bột phát hơn; trong khi với tiếng Pháp, ông phải thận trọng, suy tư nhiều hơn. Nhưng dù dùng ngôn ngữ nào, thì với Milan Kundera, nỗi lòng ông vẫn hướng về đất mẹ.
Khao khát đi tìm cái tôi trong mỗi nhân vật
Thật vậy, cảm thức lưu vong là điều lặp đi lặp lại trong các tiểu thuyết của Kundera. Tuy nhiên, với ông, nó không có ý nghĩa về mặt chính trị. Ông nói rằng: “Tiểu thuyết gia không phải là người hầu của những sử gia”. Bối cảnh lịch sử chỉ là cái nền để từ đó tìm ra cái tôi trong nhân vật.
Đọc tiểu thuyết của Kundera, sẽ không thấy những gồng mình to tát, nhưng dư âm lại là một cảm giác nặng nề vô cùng. Đây chính là cái được gọi là “Đời nhẹ khôn kham”, theo tên cuốn tiểu thuyết thành công nhất của ông. Trong đó, cuộc đời con người hiện lên như một kiếp phù du nhẹ bỗng. Để rồi cuối con đường, khi nhìn lại, sự tồn tại trống rỗng, vô nghĩa trên cõi đời khiến ta thấy nặng trĩu.
“Raskolnikov đã chịu đựng tội ác của mình như một bi kịch và cuối cùng quỵ xuống dưới sức nặng hành vi của mình. Còn Jakub thì ngạc nhiên thấy sao hành vi của mình lại nhẹ bỗng đến vậy, nó chẳng đè nặng lên anh, nó chẳng kéo anh xuống chút nào hết. Và anh tự hỏi phải chăng cái nhẹ bỗng kia còn khủng khiếp hơn cả những tình cảm cuồng loạn của nhân vật Nga nọ”. (trích Điệu Van giã từ).
Kundera cho rằng cái “nhẹ bỗng”, thiếu vắng cái tôi kia, là bởi chúng ta ngày càng bị quyết định bởi ngoại cảnh, bởi những tình thế không ai có thể tránh thoát được, và ngày càng khiến chúng ta giống nhau hơn.
Với quan điểm “hiểu biết là đạo đức duy nhất của tiểu thuyết”, Kundera khao khát tìm ra cái tôi, dù là nhỏ nhất, trong các nhân vật của của mình. Cách khám phá của ông thường là đi vào thế giới nội tâm của nhân vật. Tuy vậy, Kundera nói rõ: “Các tiểu thuyết của tôi không phải là tiểu thuyết tâm lý”. Ông không có nhu cầu phân tích diễn biến nội tâm mà chỉ muốn tinh lược ra những suy nghĩ bộc lộ rõ cái tôi cá nhân không giống ai của mỗi nhân vật.
Sự theo đuổi cái tôi khiến tiểu thuyết của ông có phần khô khan, khác lạ. Có những nhân vật không hề có quá khứ, nhân dạng, thậm chí tên tuổi; bởi những thứ đó không liên quan tới cái tôi. Cái tôi cũng được nhấn nhá thông qua “nghệ thuật tiểu thuyết” rất đặc biệt của ông.
Có thể nói, các tiểu thuyết của Kundera đều hướng tới con người, với mong muốn bảo vệ con người trước những xô đẩy của thế giới xung quanh và trước cả bản năng khiếp nhược trong mỗi người.
Mang nhạc vào văn, viết văn như soạn nhạc
Trái với sự “nhẹ bỗng” trong tiểu thuyết của mình, những tiểu luận của Kundera độc đáo và đa dạng. Chúng cho thấy trí tuệ uyên bác của ông trong rất nhiều lĩnh vực: âm nhạc, hội họa, văn học, triết học, cuộc đời…
Là một người khó tính trong viết lách, không chấp nhận những thứ tạp nham bình bình, trong các tiểu luận của mình, ông luôn đưa tới cho người đọc những góc nhìn sắc sảo và mới lạ. Đọc tiểu luận của Kundera rất mệt bởi một khối lượng lớn những kiến thức chuyên sâu ở phạm vi rộng; được cô đọng, móc nối với nhau.
Trong đó, đối tượng đáng chú ý nhất là tiểu thuyết. Tiểu luận Nghệ thuật tiểu thuyết của Kundera, phát hành năm 1985, đã gây tiếng vang lớn trong văn đàn. Không chỉ đưa ra những kiến giải cá nhân về nghệ thuật viết tiểu thuyết nói chung, ông còn làm sáng tỏ quan điểm mỹ học và hiện sinh của mình.
Với tình yêu âm nhạc sâu sắc từ nhỏ, Kundera đã biến tiểu thuyết của mình thành một bản giao hưởng. Ảnh hưởng này bộc lộ từ những chi tiết nhỏ nhất như tên nhân vật được đặt theo ký hiệu nốt nhạc cho đến khung kết cấu của toàn tiểu thuyết.
Các sáng tác của ông thường có bảy phần (như bảy nốt nhạc), được gắn mã tempo (nhịp độ) như khoan thai, vừa phải, nhanh, cực nhanh…Thường thì ông lấy chương 4 làm chương chủ đề. Vậy nên, khi đọc Kundera, sẽ thấy có những chương dài chậm chạp, lại có những chương ngắn vội vàng, như giai điệu âm nhạc vậy.
Sau 14 năm ấp ủ, vào năm 2014, ở tuổi 85, Kundera ra mắt cuốn tiểu thuyết thứ 10 của mình mang tên Lễ hội của vô nghĩa. Cuốn sách nhỏ với kết cấu 7 chương như bản giao hưởng được coi là tinh hoa sáng tác của Kundera. Ở Lễ hội của vô nghĩa có đầy đủ tính triết học và tính nhạc như các cuốn tiểu thuyết trước, tính châm biếm sâu cay ở những truyện ngắn trước và đặc biệt, là sự tinh tế riêng biệt trong các tiểu luận của Kundera. Cuốn sách này sắp được ra mắt ở Việt Nam.
Theo Thư Vĩ – Thể thao & Văn hóa