PHẠM DUY NGHĨA

Gamzatov từng ví văn học với cây đàn panđur còn các nhà văn như những sợi dây căng trên cây đàn, từng dây một có cung bậc riêng, âm điệu riêng, nhưng hợp lại với nhau, chúng làm nên một hoà âm của cả nền văn học. Cái riêng ấy chính là phong cách – nét độc đáo xuyên suốt trong hệ thống tác phẩm của một nhà văn, đem lại sự khác biệt giữa nhà văn này với các nhà văn khác.

Có thể gói gọn phong cách của Tô Hoài khi viết về miền núi trong những nét sau: một miền núi đời thường, bình dị với những gam trầm. Trong các tác phẩm của ông về miền núi, nét dung dị đời thường và màu sắc trầm buồn thấm sâu vào mọi khía cạnh, chi tiết, từ cách xây dựng nhân vật đến lối miêu tả đời sống, thiên nhiên. Hai đặc điểm này (thường và trầm) lại ăn nhập với nhau, cộng hưởng và hỗ trợ cho nhau, cùng bắt nguồn từ một quan niệm nghệ thuật riêng làm nên tạng người, tạng viết của Tô Hoài.

Tô Hoài quan niệm về con người rất giản dị, đó là con người như nó vốn có trong đời thường, con người với ý nghĩa đích thực, có thể hàm chứa trong bản thân cả cái tốt lẫn cái xấu, cái cao cả và cái tầm thường. Trong bút pháp thể hiện, ông không có xu hướng nhấn mạnh, tô đậm mặt tốt cũng như mặt xấu ấy, cho nên nhân vật của ông nói chung là những con người bình thường như ta vẫn gặp trong đời sống. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh nhận định, “Tô Hoài là nhà văn của người thường, của chuyện thường, của đời thường”(1). Đây là sự đúc kết chính xác quan niệm nghệ thuật của Tô Hoài. Quan niệm ấy khiến ngay từ những năm 50, 60 của thế kỉ trước cho đến sau này, Tô Hoài không bao giờ lí tưởng hoá các nhân vật cách mạng của mình, thậm chí ông còn tỏ ra thích quan tâm, “nhòm ngó” đến mặt đời thường của họ. Trong tiểu thuyết Miền Tây (viết năm 1965) của ông, có anh cán bộ Nghĩa từ vùng trung du lên miền núi công tác, tích cực cống hiến nhưng vẫn có lúc ngại khó, suy tính và “mờ nhạt tình cảm” với vùng cao. Một nhân vật khác – ông Toả chủ tịch xã – thì lại say mê cái lò rèn hơn công việc của chủ tịch! Bác sĩ Hợi trong Đà Bắc, Mai Châu ngày ấy (1987) lặn lội đi làm công tác cách mạng nhưng luôn ngại khổ và lo vun vén cá nhân, sợ muỗi, sợ vắt, sợ đủ thứ. Không chỉ nhân vật hư cấu, mà nhân vật có thật như nhà cách mạng Hoàng Văn Thụ cũng hiện lên với những dáng nét gần gũi, đời thường (Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ, 1970). Sau này, trong truyện Chiếc áo “xường xám” màu hoa đào, Tô Hoài lại đưa ra một chi tiết thú vị về Mã Hợp (nhà cách mạng người Nùng, có thật) là ngoài bảy mươi tuổi, ông lão vẫn có tình riêng, coi đó là một nhu cầu rất bình thường của con người. Bị con giai, con dâu và cả người em gái “chống phá” quyết liệt, ông lão bướng bỉnh bất chấp, còn tuyên bố “Người già thì cũng phải có vợ chứ”!

Có thể nói, trong 30 năm kháng chiến và những năm nền văn học còn vận động theo quán tính sử thi, hiếm có nhà văn nào xây dựng nhân vật cán bộ, nhân vật tích cực theo hướng ấy.

Điều đáng chú ý là nếu như ở nhân vật tích cực vẫn tồn tại những nét đời thường, tầm thường thì ở nhân vật phản diện của Tô Hoài lại ánh lên những tình cảm rất người, đáng quý. Miền Tây có nhân vật Thào Nhìa, một kẻ lầm đường, phản bội quê hương đất nước, nhưng khi trở về nhà mẹ vẫn bùi ngùi cảm xúc của một đứa con về với những gì thân thương, gần gũi. Từ thẳm sâu trong tên lính biệt kích này vẫn thiết tha một lòng nhớ núi và ước muốn được chết trên mảnh đất quê hương. Như vậy, dù cơ bản là người tốt hay xấu, ở các nhân vật của Tô Hoài vẫn luôn tồn tại một “con người bên trong con người” (Bakhtin). Những hình tượng không toả ánh hào quang sử thi mà lắng đọng, nhân bản, dù nhiều khi chỉ được phác dựng với những nét thưa thoáng. Cái nhìn biện chứng về con người ngay từ những năm đầu cách mạng của Tô Hoài đã kéo nhân vật về sát với đời thực, rất gần với quan niệm con người đa diện trong văn học đổi mới ngày nay. Cùng viết về miền núi nhưng quan niệm ấy khác với quan niệm về con người mang tính lí tưởng của Nguyên Ngọc và cũng khác với các nhân vật loại hình của Ma Văn Kháng và Vi Hồng.

Với chủ trương tạo ra những người thường của đời thường, Tô Hoài không để lại trong chân dung các nhân vật miền núi của mình những đường hằn của tính cách. Ông không có ý định, hoặc có lẽ không sở trường về xây dựng tính cách. Những kiểu người gai góc, phức tạp, gây ấn tượng mạnh không có mặt trong trang viết của ông. Những nhân vật miền núi đáng nhớ của Tô Hoài, nét ám ảnh còn lại của họ nằm ở số phận nhiều hơn là cá tính. Họ từ đâu đó trong cuộc đời khổ đau đi vào tác phẩm và từ tác phẩm lại bước ra cuộc đời, lẫn vào dòng đời trôi chảy bình dị. Từ lối sống đến suy nghĩ, tình cảm và hành động đều mang tính đời thường, giản dị, hồn nhiên. Ngay cả ước mơ, khát vọng của họ cũng rất bình dị, nhỏ nhoi, nhiều khi đến tội nghiệp: ở khu du kích, váy áo bạc rách, cô gái Hoa mơ ước trồng được một nương bông để may váy áo mới (Mùa hái bông), sống trong kìm kẹp, khổ đau, cô Ính mơ một tối xoè sàn (Mường Giơn), vợ chồng A Phủ lại mong mỏi dựng được một cái nhà gỗ chắc chắn trên núi tranh (Vợ chồng A Phủ). Dường như muốn những đứa con tinh thần của mình bình dị như bản thân cuộc sống, không đứng cao hơn cuộc sống nên Tô Hoài cũng ít khai thác nhân vật ở góc độ trí tuệ. Tác phẩm của ông không có nhân vật nào nặng về suy ngẫm, phát ngôn với những dấu hiệu của minh triết. Điều này rất khác với Ma Văn Kháng, và có lẽ như vậy phù hợp với thực tế ở miền núi hơn. Một số nhà nghiên cứu, nhà văn như Phan Cự Đệ, Bùi Hiển, Nguyễn Đình Thi đã đề cập đến đặc điểm này, khi nhận xét các tác phẩm viết về vùng cao của Tô Hoài, cho rằng ông ít đi vào những gì quá trí tuệ, ít nêu những vấn đề triết học, tư tưởng có chiều sâu và tầm khái quát cao(2). Ông đặt nhân vật của mình vào những tình huống, cảnh ngộ, thử thách nhưng chủ yếu quan sát họ ở hành động hướng ngoại. Trí tuệ nhân vật ít vận động. Diễn biến tâm lí xảy ra ngắn, không được kéo căng. Những suy tư hướng nội của Giàng Súa, Thào Nhìa trong Miền Tây hay Mỵ trong Vợ chồng A Phủ là hiếm. Có thể nói nhân vật của Tô Hoài không phải nhân vật tính cách, cũng không phải nhân vật tư tưởng hay nhân vật tâm lí, nghĩa là trong mỗi nhân vật không có hạt nhân nào nổi trội khiến nó trở nên đặc biệt, khác lạ. Nó chỉ hiện lên dung dị như mọi con người bình thường trong cuộc sống. Có lẽ nhờ vậy mà người đọc ở miền núi dễ hiểu, dễ cảm với tác phẩm của ông. Tô Hoài từng kể rằng, khi viết tiểu thuyết Miền Tây, ông đã cho “anh em ở trên ấy” đọc, và họ nói rằng ông không bắt chước lối nói của người Hmông nhưng lại có gì đó rất Hmông. Bản sắc dân tộc thẳm sâu đã ẩn tàng trong những câu chữ và hình tượng giản dị, đời thường, không một chút lên gân ấy.

Nét đời thường, bình dị trong tác phẩm của Tô Hoài chi phối không chỉ hệ thống nhân vật mà cả hiện thực đời sống. Dựng lại lịch sử, tái hiện lịch sử từ góc độ đời thường, ngay cả khi tác phẩm ra đời giữa một thời đại văn học mang khuynh hướng sử thi, đó là lối đi riêng của Tô Hoài. Viết về cách mạng, kháng chiến với những xung đột giai cấp, dân tộc nhưng ngôn ngữ và giọng điệu Tô Hoài không tạo cảm giác gay cấn, khốc liệt. Những chi tiết về sự mất mát, đau thương cũng chỉ gợi lên một chút buồn man mác. Tất cả được gói ghém trong những câu tường thuật thường ngắn gọn, nhẹ nhàng, trung hoà về sắc thái biểu cảm. Tác giả ẩn mình đi, không bộc lộ cảm xúc, thái độ. Nỗi đau do đó không hằn lên xót xa, bi thảm mà da diết, lắng sâu. Cái chết giữa nương lúa bởi tay quan châu của bà Ảng và nỗi lòng của người con trong Cứu đất cứu mường là một ví dụ, hay số phận đáng thương của cô Mát chỉ thoáng hiện qua ý nghĩ của ông bố trong câu kết thúc truyện Mường Giơn: “Ông Mờng nghĩ đến người con gái đầu lòng, chắc đã chết ở mường xa…”. Cuộc sống hay cái chết thảy đều bình dị, thường tình. Chiến tranh loạn lạc trong các truyện của Tô Hoài không phải là những cảnh lửa dâng máu đổ, sôi réo hận thù, mà cứ bình lặng, nhẩn nha, như nó có thế, vốn thế. Trong khổ đau li tán vẫn xen lẫn những khúc đoạn trong trẻo, trữ tình, như việc hát xoè đón Tết trên núi giữa lúc chạy Tây trong Mùa hái bông, cảnh chị em gái và anh rể đào dúi bắt hiu trong Mường Giơn, cảnh ăn Tết ở khu du kích Phìn Sa trong Vợ chồng A Phủ, chuyện nấu thắng cố ngựa ngoài trời, chuyện đoàn dân công thổi sáo, khèn và nhảy múa suốt đêm giữa rừng trong Họ Giàng ở Phìn Sa, tục uống rượu cần, múa xoè và tiếp khách, tiệc tùng ở nhà quan lang trong Đà Bắc, Mai Châu ngày ấy… Ở truyện nào cũng vậy, Tô Hoài đã đưa yếu tố đời thường phảng phất chất thơ vào bối cảnh sử thi một cách tự nhiên, nhuần nhị, đúng như Phan Cự Đệ nhận xét: “Trong tác phẩm Tô Hoài, những bức tranh xã hội dù màu sắc tối thẫm, dù đường nét trần trụi đến đâu vẫn le lói một ánh sáng, bàng bạc một chút thơ”(3). Cái ánh sáng thơ ca ấy không đến với truyện, kí Tô Hoài một cách ngẫu nhiên mà xuất phát từ quan niệm của chính ông: “Tôi cho rằng văn xuôi cần đượm hồn thơ. Có thế, văn xuôi mới trong sáng và có sức bay cao”(4). Gắn liền chất hiện thực với chất trữ tình thơ mộng, nhưng không nổi đậm mà chỉ man mác đủ gợi, đó là một đặc điểm phong cách Tô Hoài. Chính đặc điểm này đã tạo nên cái phong vị miền núi rất thực và rất riêng trong các truyện của Tô Hoài, có thể nói không giống với bất cứ nhà văn nào cùng viết về miền núi.

Từ mối quan tâm đến đời thường, Tô Hoài là nhà văn của phong tục và những sinh hoạt bình dị ở vùng cao. Với một khả năng quan sát đặc biệt tinh tế, một nhãn quan phong tục sắc sảo, ông có ý thức trình bày, tái hiện đời sống miền núi theo lối tả thực một cách điềm tĩnh và kĩ càng. Nhiều cảnh nhiều việc được đặc tả trong các truyện, kí của Tô Hoài như cảnh xử kiện trong Vợ chồng A Phủ, cảnh chợ Phìn Sa trước và sau Cách mạng trong Miền Tây… đã đem lại những hình ảnh chân xác và cụ thể về một Tây Bắc, Việt Bắc như nó vốn có, dẫu nhà văn khiêm tốn coi sáng tác của mình chỉ là những “kí hoạ”, “phác thảo” về miền núi. Do nặng về quan sát bề mặt đời sống mà có những chi tiết trong tác phẩm của Tô Hoài như được rút ra từ một tài liệu dân tộc học, trung thực như một tấm ảnh chụp, chẳng hạn những dòng tả trang phục, hàng hóa của các chị Mèo, Dao, các chị Lô Lô, Cờ Lao trong Nhật kí vùng cao. Tả chợ, cửa hàng với văn hoá sinh hoạt của đồng bào các dân tộc trong Miền Tây và Nhật kí vùng cao, có những đoạn liệt kê sự vật, sự việc tỉ mỉ, chậm rãi giống cách miêu tả của Balzac trong Tấn trò đời hay một số nhà văn châu Âu thời cận đại. Qua phương thức trình bày hiện thực, có thể nói Tô Hoài là nhà văn của đời sống bên ngoài hơn là đời sống bên trong, một phong cách văn xuôi thiên về thị giác hơn là tâm giác, hướng ngoại hơn là hướng nội. Ông là “người thư kí” trung thành của thời đại kiểu Balzac, lấy sự thật khách quan làm đầu, không ham lí giải, cũng không phải chuyên gia về phép biện chứng tâm hồn như Lev Tolstoy. Tác phẩm của ông thường “tránh mọi phân tích bình luận, chỉ làm sao cho các nhân vật, các sự kiện diễn ra trước mắt người đọc với hành vi, cử chỉ, ngôn ngữ của chúng, chủ trương dựa vào những cái ngoại hiện để tự nó nói lên tâm lí, tính cách của các vai truyện”(5). Về điểm này, ông rất khác với Ma Văn Kháng. Trong tác phẩm của Ma Văn Kháng, người kể chuyện (trùng với hình tượng tác giả) thường chen vào mạch trần thuật để bình luận, đánh giá, giải thích nhằm giúp người đọc hiểu rõ hơn tư tưởng tác giả đồng thời để giáo huấn một cách trực tiếp (bởi vậy, trong một tác phẩm, nhiều khi Ma Văn Kháng từ vị thế nhà sáng tác đã làm thay công việc của… nhà phê bình).

Cũng như không tô đậm tính cách nhân vật, khi tả thiên nhiên miền núi, Tô Hoài không dùng những gam màu đậm gắt hoặc gây ấn tượng dữ dội, bí hiểm mà ưa dùng những gam màu sáng nhẹ, dịu dàng. Những màu ấm như màu đỏ, màu vàng đi kèm một số từ tố như “hoe”, “lơ”… được ông yêu thích. Sự đối sắc, hoà sắc thường được thiết lập trong một hay một vài câu: “Hồng Ngài năm ấy Tết đến giữa lúc gió thổi vào cỏ tranh vàng ửng, gió rét dữ dội. Nhưng trong các làng Mèo đỏ, những chiếc váy hoa đã đem ra phơi trên mỏm đá, xoè như con bướm đậu. Cái hoa thuốc phiện vừa nở trắng lại ra màu đỏ hau, đỏ thậm, rồi sang màu tím man mát” (Vợ chồng A Phủ). Kiến trúc câu được quan tâm nên đường nét khi nào cũng cân xứng, hài hoà: “Chống Bla vào mùa này đương đẹp. Hoa mận vừa tan, trắng mịn, rụng đầy những quãng đường ẩm ướt. Hoa đào đương độ hồng say lạ lùng…” (Lên Sùng Đô). Màu sắc ấm kết nối với âm thanh êm, hương vị dịu: “Giữa trưa, nắng hanh đọng vàng từng vũng trong rừng trám cao vút, im lặng. Một chiếc cuống lá gãy cũng nghe tiếng. Bó lá hương nhu trên tảng đá thoảng mùi thơm dịu dịu trong nắng” (Mường Giơn). Và bao trùm lên trên hết, trong thiên nhiên và cả đời sống con người là một âm hưởng trầm buồn. Buồn man mác, se sắt là không khí chung của thế giới nghệ thuật Tô Hoài. Nó gợi lên từ số phận nhân vật và ẩn trong chất thơ, chất hoạ, nhạc tính của câu văn, ngay cả khi nội dung được đề cập không phải chuyện buồn: “Những nương lúa âm thầm cứ dần dần vàng hoe rồi đỏ ngọt trong khe sâu” (Cứu đất cứu mường), “Vẫn như lúc nãy, vợ đi trước, thổi sáo. Chồng đằng sau hát theo. Tiếng hát ú dài, mênh mông trong đồi tranh” (Vợ chồng A Phủ)… Sau mỗi câu, mỗi đoạn như vậy (chủ yếu ở tập Truyện Tây Bắc), có cái gì đó sâu lắng, da diết mãi. Loại bỏ những yếu tố rườm và nắm bắt những chi tiết cô đọng, lấy vài sắc màu điển hình làm điểm nhấn, tạo vài nét chấm phá thanh thoát và kể bằng một giọng tâm tình ấm áp, với một gam trầm buồn phảng phất trong toàn bộ không khí truyện, đó là những đặc trưng trong phong cách kể – tả của Tô Hoài.

Như vậy, từ một nhãn quan riêng về miền núi cùng hệ thống bút pháp nghệ thuật tương ứng, Tô Hoài đã tạo ra một thế giới miền núi độc đáo trong các tác phẩm của mình không lẫn với sáng tác cùng đề tài của các nhà văn khác. Đời thường, bình dị và trầm buồn, đó là miền núi của Tô Hoài. Những đặc trưng phong cách này đã khơi gợi lịch sử nhiều đau thương của miền núi theo một cách riêng, gần gũi và nhân bản. Nét dịu dàng, sâu lắng, giàu chất thi hoạ của nó cũng là một đặc sắc thẩm mĩ, vừa mộc mạc cổ điển vừa có sức sống lâu bền

P.D.N

 

——–

(1) (5) Nguyễn Đăng Mạnh. Nhà văn Việt Nam hiện đại – chân dung và phong cách. Nxb Văn học, 2006, tr.252, tr.255.

(2) Nhiều tác giả. Tô Hoài – về tác gia và tác phẩm (Phong Lê, Vân Thanh tuyển chọn, giới thiệu). Nxb Giáo dục, 2001, tr.96, tr.102, tr.221.

(3) (4) Nhiều tác giả. Tô Hoài – về tác gia và tác phẩm. Sđd, tr.89,  tr.543.

Theo vannghequandoi.vn