Có những cuốn sách đọc một lần nó cứ quẩn quanh, ám ảnh ta mãi, làm ta lâu lâu phải tìm đọc lại lần thứ hai, thứ ba… và từ đó những trang viết ấy bám chặt vào ký ức bắt ta phải suy nghĩ, ta luôn cảm thấy như nợ tác giả một điều gì? Chỉ khi ta phải viết ra để chia sẻ mới cảm thấy nhẹ lòng: sức nặng của cuốn “Miên man tuỳ bút” của nhà văn Lý Lan là như vậy. Một cuốn sách giản dị, mộc mạc chân thành: người viết nhớ đến đâu, viết đến đó, không sắp đặt cũng không chú ý lắm đến hình thức, nghệ thuật thể hiện? Chị cảm thấy khi viết “có khi tôi lặp lại mình” và nhận ra “có nhiều điều hoá ra mười mấy hai mươi năm trời vẫn vậy?”. Phải chăng vì thế mà “Miên man tuỳ bút” thật ấm áp tình đời, tình người, có sức quyến rũ dịu dàng lay động mỗi trái tim người đọc. Nó như một dòng suối mát trong róc rách giữa ngày nắng hạ mang đến niềm vui, hy vọng và sức mạnh tiềm ẩn để chúng ta ngẩng cao đầu đi trong cuộc sống!
Trong cuốn tuỳ bút, Lý Lan kể lại những chuyện đã qua và đang đến về cuộc đời mình. Tôi đặc biệt ấn tượng với những trang viết chị kể thời thơ ấu và thời dạy học cùng với nỗi nhớ da diết quê hương Chợ Lớn khi chị phải đi Mĩ học. Lý lan có một tuổi thơ cực nhọc vì mẹ mất sớm, chị ở với bà ngoại, sống trong tình yêu thương dịu dàng, mênh mang như trời biển, những kỉ niệm tuổi thơ giúp chị sớm có tâm hồn trong sáng. Hãy nghe chị kể về những lần đi chợ khuya với bà ngoại lúc còn nhỏ: “… Chỉ còn một già một trẻ, lùi lũi đi trong ánh đuốc gần lụi trong tay bà… Đuốc gần tàn, chợ còn xa, sương khuya lạnh, mà bạn hàng đón mua sỉ hàng bông đâu có đợi chờ lâu. Chợ khuya nhóm độ nửa tiếng, đuốc tàn là chợ tàn” (trang 9). Chị kể về chuyện mất dép và bài học về lời dạy của bà ngoại: “Qua cầu, tôi làm rớt dép. Hai bên bờ rạch bình bát mọc um tùm, biết chiếc dép đâu mà tìm, tìm mãi chỉ thấy một chiếc dép. Tôi oà khóc, tay khư khư giữ chiếc dép còn lại. Bà tôi gỡ tay tôi lấy chiếc dép để bên vệ cỏ gà ven đường. Bà ngoại nói: “Con để chiếc dép này lại đây, mai có đứa nhỏ nào đi soi ếch hay đi xúc cá lượm được chiếc kia thì có thể tìm thấy chiếc này, hiệp thành đôi mà mang. Chứ người ta ai cũng có hai chân, con giữ một chiếc, người khác lượm được có một chiếc, chẳng ai mang được”. Suốt đời bà không hề biết một chữ I tờ nào, bà đã dạy tôi bài học hay nhất mà tôi ôn đi ôn lại suốt đời mình”.
Chị tâm niệm “quê mẹ và tuổi thơ ở quê là mạch nước ngầm của đời tôi. Khi nào khát tình cảm, khát đề tài, khát cảm hứng, thì tôi lại tìm về cái mội nước ấy” (Tr.10). Nên sau mấy chục năm trở lại quê, chị dắt cháu đi tìm con suối đã kể cho nó nhiều lần “hồi nhỏ dì Hai thích đi chơi suối, hái trái sim tím, trái cơm nguội đen ăn ngon lắm, rồi lội suối bắt cá lòng tong, cá lìm kìm chơi vui lắm”. Chị nhớ mảnh vườn tuổi thơ “có con đường lầy lội, cầu tre lắt lẻo khó đi, tôi ra vườn lật lên những lớp lá và rơm ủ gốc cây. Một thế giới “xì trum” hiện ra với những tai nấm trắng nõn tròn vo, ngộ nghĩnh đến mức tôi cứ ngồi xổm cả buổi trong vườn, ngắm mãi những tai nấm đang nở, tưởng tượng ra hàng tỉ chuyện hoang đường… Nấm tươi, mặt mịn láng, màu nâu trong veo, nấu chè thưng ăn nghe giòn sựt” (trang 15). “… Thỉnh thoảng, gió nổi lên chỉ đủ làm một lượt lá khô rơi lả tả quanh võng. Có mấy con nhen, con sóc chạy sột soạt trên đám lá khô, bỗng dưng đứng chựng lại, trố mắt nhìn trân trối cái gì đó, rồi lại ù té chạy” (Tr.15). Những trang viết tinh tế, cảm động như thế rải khắp cuốn sách làm ta xúc động.
Rời quê hương, chị theo bố lên Chợ Lớn đi học, chị kể lại: “Cha con tôi ở tạm trong cái chòi lá xóm tản cư, đường hẻm chung quanh thường ngập nước cống, đôi khi tôi vào lớp với hai ống quần ướt sũng nước, sình đen. Không đứa nào trong lớp chịu ngồi chung bàn với tôi. Chúng tẩy chay tôi, không cho tôi chơi lò cò, nhảy dây, cút bắt” (Tr.24). Chị may mắn được học cô giáo Thuận, cô đã nói với chị điều quan trọng nhất khi chị giải được bài toán khó trên lớp: “Em thua thiệt bạn bè mọi mặt nhưng trí thông minh thì không kém ai. Nếu em cố gắng học giỏi thì không ai coi thường em được”. Rồi cô giúp chị được học kèm cùng Thiên Kim, một nữ sinh con nhà giàu giúp chị luôn phấn đấu giành được vị trí đầu lớp trên cả Thiên Kim. Vậy mà, sau 40 năm, chị gặp lại cô bạn học Thiên Kim mới vỡ ra một điều thật lớn lao: khi Kim hỏi tôi có biết là hồi đó Kim ghét tôi như thế nào không? Tôi hỏi tại sao? Kim cười xoà: “Tại vì cô Thuận thương chị quá, thương nhất lớp”. Cả đêm hôm sau tôi thao thức với cái điều tôi biết quá muộn màng. Ngồi suốt đêm bên bàn viết, tôi thấm thía dần tình thương của cô Thuận. (Trang 27)
Những ngày đi học đầu đời là như vậy, cha chị với tình yêu thương lớn lao, hàng ngày đẩy xe hàng rong đi bán khắp các ngả đường thành phố tằn tiện, tích cóp nuôi các con ăn học. Vậy mà, ngày ấy chị lại cảm thấy “Tôi xấu hổ về người cha hoàn toàn không biết đọc, viết chữ, thậm chí nói năng không trôi chảy. Tôi cố giấu gốc tích của mình và thầm mơ ước mình là con của ông đại tá, hay ông bác sĩ, hay có mẹ là giáo sư như đứa bạn ngồi trước tôi” (Tr.30). Đó là những điều sau này làm chị ân hận mãi. Chị nhớ lại hành động, tâm trạng của cha mình ngày chờ kết quả của chị thi vào đại học: “… Ngày nào cha tôi cũng dậy sớm lắm, ra đứng ngay góc đường để đón ông bán báo, gần như giật lấy tờ báo, tay run run lật ra xem. Cha tôi đứng ngay dưới bóng đèn đường mà dò những cái danh sách chi chít tìm tên đứa con mình” (Tr.50).
Chính vì tấm lòng tận tụy, yêu thương vô bờ bến của cha, mà Lý Lan học hết mình, thi đỗ vào trường đại học sư phạm và trở thành một nhà giáo, một nhà văn ưu tú. Chị đã dành những đoạn văn tốt đẹp, thiêng liêng nhất viết về cha mình: “Một người đàn ông di dân, mù chữ với đôi chân trần lặn lội khắp nẻo đường thành phố bán hàng rong, cần cù tằn tiện nuôi 3 người con ăn học. Bằng đôi chân của ông, các con ông đã đi những thế giới ông không thể tưởng tượng được. Ông đã đóng góp cho xã hội này một kĩ sư, một nhà giáo, một nhà văn” (Tr.101).
Những trang viết rất đáng suy nghĩ đọng lại trong ta rất lâu là những chuyện Lý Lan kể lại về thời dạy học. Chị đã làm cô giáo hai mươi năm: những năm tháng dạy học đã giúp Lý Lan vững chãi, khẳng định mình, chị được cọ xát, va đập với môi trường giáo dục hàng ngày, đó là những buổi lên lớp thiêng liêng, xúc động. Chị kể lại chuyện của 1 đồng nghiệp, cứ mỗi cuối năm, ở tiết học cuối cùng của lớp 12, thầy đứng nghiêm trang trước lớp và nói:
– Tôi cúi đầu xin lỗi các em, tôi chỉ là một thầy giáo hèn, kẻ chỉ biết đặt hy vọng vào người khác. Các em là niềm hi vọng cuối cùng của tôi. (Tr.164).
Còn Lý Lan, chị nói với học sinh khi chia tay thế này:
– Cô đã thất vọng về mình, nên chỉ biết hy vọng vào các em. Cô đến trường để gửi gắm nơi các em một niềm tin vào tương lai…
Ở buổi học cuối cùng: “Khi các em còn chộn rộn, cô dồn hết hơi lên ngực để nói. Hôm nay cô dạy các em buổi cuối cùng”. Cả lớp bỗng lặng im, bao nhiêu con mắt đều ngơ ngác, nước mắt cô bỗng nhiên trào ra (Tr.67).
Cho nên trước mỗi buổi lên lớp chị luôn tâm niệm: “Một nhà giáo không thể đợi đến ngày cuối cùng mới bị phán xét. Mỗi ngày đứng trước hàng trăm con mắt trong sáng và tin cậy, tôi biết mình đang được phán xét. Phải luôn dọn mình để có thể thanh thản, nhìn vào mắt các em và luôn canh cánh nỗi sợ hãi trở thành “tấm gương của các em noi theo”. (Tr.60 )
Tôi mong các nhà giáo hôm nay đều tâm niệm như Lý Lan trước khi lên lớp như thế thì hay biết mấy. Chính vì thế, nên sau này khi trở thành nhà văn nổi tiếng, chị được đi học cao học văn chương ở Mĩ, chị vẫn nhớ về những ngôi trường mà chị từng dạy học suốt đời chẳng thể quên: “Sao giờ đây, tâm trí tôi cứ chờn vờn mãi một mái trường xiêu vẹo, một mảnh sân con ngập nước sau mỗi cơn mưa. Thời gian nào cứ trôi đi, mà năm tháng vẫn còn đọng lại. Những cơn mưa dìm tôi vào nỗi nhớ”. Chị nhớ về “ngôi trường trung học ở Cần Giuộc, con đường Bà Huyện Thanh Quan trong mưa lay phay, lá sao bay chấp chới, áo trắng buổi tan trường như khúc luân vũ của mây” (tr.55).
Chị nhớ các bạn đồng nghiệp, các em học sinh nghèo: “Tiếng cười của thầy và trò ngồi dưới mưa dột của mái trường liêu xiêu, khi đồng lương chỉ vừa đủ để vá bánh xe, mà còn những buổi chả giò, cà ri mà các cô hùn nhau làm ngon không thể quên” (tr.57). Đó thật là những áng văn hay, trĩu nặng yêu thương của người thầy với học sinh của mình. Làm sao ta không xúc động khi đọc đoạn văn như thế này: “Cuối cùng chuông reo. Tiếng chuông chấm dứt buổi học cuối cùng. Thầy trò đứng dậy chào nhau lần cuối cùng. Chào em. Con đò nhỏ đã đưa em tới bến. Phía trước là trăm vạn nẻo đường, là cả thế giới muôn sắc nghìn vẻ. Chào em. Bịn rịn làm gì, lưu luyến làm gì. Mai đây, ở góc biển chân trời, sẽ có giây phút thoáng qua hồn em, một bến sông xưa, một con đò nhỏ”. (T.68)
Có những câu chuyện Lý Lan chứng kiến kể lại về nghề dạy học làm ta cùng chị bật khóc đó là chuyện “Người thầy ở trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu, dạy các em học sinh khiếm thị băng qua ngã tư đường giữa dòng người xe tấp nập chạy ngược, chạy xuôi, đèn xanh chạy, đèn vàng chạy, đèn đỏ cũng ráng lấn qua vạch sơn trắng mới chịu dừng lại. Bài học băng qua đường ở ngã tư ấy kéo dài suốt một giờ. Lưng áo sơ mi thầy ướt đẫm mồ hôi, dính bết vào da, làm lộ cả xương bả vai. Trên gương mặt xạm đen vì nắng, bụi đường và khói xe, những dòng mồ hôi thi nhau chảy. Một em đứng lên đưa tay cho thầy nắm và một lần nữa vừa giơ cánh tay làm dấu xin đường người thầy ấy vừa dắt học trò qua đường vừa giải thích căn dặn gì đấy. Từng người một tập băng qua đường rồi lại băng qua đường lần nữa”.
Chị hiểu bài dậy ấy quan trọng thiêng liêng biết chừng nào. “Cái mà thầy dạy cho học trò của thầy không có gì cao siêu vĩ đại, nó là những kỹ năng hết sức cần thiết để sinh tồn khi mình bị thiệt thòi và bất lợi. Chất lượng bài học thầy dạy mang tính chất sinh tử đối với đứa học trò” (tr.54).
Và Lý Lan đã khóc: “Cho nên dù đã nghe hàng ngàn đứa học trò gọi tôi là thầy gần hai mươi năm nay, mà khi tôi nghe em học trò nhỏ của thầy đứng bên này gọi với sang bên kia: “thầy ơi”, tự nhiên nước mắt tôi rơi” (tr.55).
… Và chị cũng ghi lại những chuyện đau lòng trong nghề dạy học, về đời sống nhà giáo, về lương bổng, về quan niệm của xã hội đối với người thầy như chuyện trong đợt học tập chính trị dành cho tất cả giáo viên cấp 3 toàn tỉnh (Long An), một diễn giả cấp tỉnh nói: “Hồi nào tới giờ hễ nói tới ngành giáo dục là tôi nghe nói đi xin. Giáo dục xin tiền xây trường ốc, xin trợ cấp khó khăn, xin tiền tàu xe, xin thêm tiền ăn trưa, xin tiêu chuẩn an dưỡng…”. Tôi nhìn quanh hội trường, gần bốn trăm người tuổi từ 23 đến trên 50, tất cả có trình độ đại học. Họ ngồi lặng im, và trong mắt họ là một dấu hỏi: “Anh đặt người thầy vào vị trí người ăn xin, thì anh mong đợi cái gì được đào tạo bởi kẻ ăn xin đó?”. Và chị cũng đã ghi lại câu trả lời của người đồng nghiệp 58 tuổi đời sau buổi học chính trị đáng nhớ trên: “Cô còn trẻ, hãy sống mà nghiệm lấy điều này. Khi người ta đối xử với nhà giáo như kẻ ăn mày, thì tương lai sẽ trả thù họ!”… chị chỉ sửa lại một từ: không phải “họ” mà là “chính chúng ta”.
Lý Lan đã có dịp đi qua những nước tiên tiến, chị liên hệ với những nền giáo dục của họ, rút ra những bài học bổ ích, lí thú. Ví dụ như ở Nhật: “Ngày khai trường là ngày lễ của toàn xã hội, người lớn nghỉ việc để đưa trẻ con tới trường. Đường phố được dọn quang đãng và trang trí tươi vui. Tất cả quan chức Nhà nước ngày khai trường đều chia nhau đến dự khai giảng ở các trường lớn nhỏ. Bằng hành động đó họ muốn cam kết rằng không có ưu tiên nào lớn hơn ưu tiên giáo dục thế hệ trẻ cho tương lai. Ai cũng biết rằng mỗi sai lầm trong giáo dục sẽ ảnh hưởng đến cả một thế hệ mai sau và sai lầm một ly có thể đưa thế hệ ấy đi chệch cả hàng dặm sau này” (tr.86).
Chị còn những đoạn văn thật đẹp, lay động tận đáy lòng viết về ngày đưa con mình đến trường buổi đầu tiên: “Đêm nay mẹ không ngủ được, ngày mai là ngày khai trường lớp một của con. Mẹ sẽ đưa con đến trường, cầm tay con dắt qua cánh cổng, rồi buông tay mà nói: “Đi đi con, hãy can đảm lên, thế giới này là của con, bước qua cánh cổng trường một thế giới kì diệu sẽ mở ra”.
Trong 1/3 tập tuỳ bút, Lý Lan đề cập đến những người lao động ở quê Chợ Lớn của chị khi đi xa: chị có những suy nghĩ mạch lạc, rõ ràng, đúng đắn về vai trò của những người bán hàng rong, người đạp xe xích lô, những người lao động làm thuê ở nông thôn lên thành phố. Họ lầm lụi, nhẫn nại làm việc, tằn tiện, tích cóp từng đồng lo cho con mình ăn học. Như người đạp xích lô kia: “ông đón khách từ 5h sáng đến 12 giờ khuya, vừa chở khách vừa tính toán tiền sách vở, đồng phục cho hai đứa con ở trung học, tìm trường cho đứa lớn vào đại học”. Còn: “Như người mẹ gặp khi mưa dột, ngồi thu lu cầm cái nón lá che gánh hàng, tự động viên mình rằng ở quê nhà con cái cũng đang co ro trong gian nhà trống. Mùa đông mặc áo rách đến trường, ăn khoai trừ bữa, chờ mẹ đưa về cuốn tập, cây viết”. Từ sự cảm thông thấy được sức mạnh lớn lao ở những người dân lao động nên Lý Lan khẳng định mạnh mẽ: “Đất nước này, thành phố này, tiến vào thiên niên kỷ bằng cái gì? Tôi không thích hình ảnh hư ảo “trên lưng rồng” hay đôi cánh gì đó? Trên đôi cánh máy bay Boing mua chiụ ư? Hay trên bốn bánh xe hơi nhập cảng? Không! Hôm nay đi trên những nẻo đường sôi động cuộc sống náo nhiệt, tôi tin chắc chắn là thành phố này đang tiến đến tương lai trên những đôi chân người”. (Tr.98 )
Lý Lan qua Mĩ học, đi xa chị nhớ về chợ Lớn, nơi chị có những ngày sống nhọc nhằn, đi học, lớn lên, trưởng thành bên người cha kính yêu của mình. Chị đã có những trang viết cực hay về Chợ Lớn: viết về những con người chị gặp, những ngôi chùa người Hoa, những con phố chằng chịt đầy âm thanh. Chị nhớ một hàng hủ tiếu, một quán bánh cuốn nóng ở một hẻm nhỏ. Chị nhớ cả anh chàng bán hành tỏi, hai chị bán rau cải ở chợ bên kia phà Thủ Thiêm và cô bé bán vé số xinh xắn… Tất cả “nỗi nhớ người dưng” ấy thật lạ, thật thương và cảm động biết chừng nào. “Những cảm giác còn đọng lại tươi mát như hương xuân, cảm giác chạm tay vào một mầm cây, vào một nụ hoa, vào niềm hy vọng”. Những tình cảm như thế đáng quý biết bao!
Còn rất nhiều điều đáng nhớ làm ta phải suy nghĩ khi đọc “Miên man tuỳ bút” của Lý Lan – một cuốn sách giản dị, thật sự có ích. Nhất là các thầy cô giáo. Tất nhiên với mỗi người, có thể cuốn sách mang đến những cách cảm thụ khác nhau… Nhưng với tôi là một cuốn sách hay, có sức lay động lạ kì, tôi muốn giới thiệu để bạn tìm đọc. Sau này, tôi có đọc thêm 1 – 2 cuốn của Lý Lan, nhưng cuốn “Tiểu thuyết đàn bà” của chị tôi lại không thích lắm? Biết chị là dịch giả bộ tiểu thuyết “Harry Potter” tôi cảm phục chị đã tặng cho tuổi trẻ Việt Nam một món quà quý giá.
Chúc chị khoẻ, viết nhiều tác phẩm hay, có ích hơn nữa như cuốn “Miên man tuỳ bút” đáng yêu kia!