Nắng nóng không đến nỗi chết người nhưng miệng của bà nội cứ chèm chẹp mãi không ngớt, thằng cháu cũng phải bức bối lây, nó chạy ra ngoài hiên, cầm cái chổi chít quét quét cho sạch chỗ láng ximăng rồi nằm ngửa, vén áo đến tận cổ, vắt hai chân giống y như người lớn.

 

 

 

 

 

 

 

Minh họa: Đặng Hồng Quân

 

 

 

 

Nằm ngoài hiên mát hơn thật nhưng vẫn không thoát khỏi cái tiếng chép miệng liên hồi của bà nó.

 

– Nóng, đến chết mất!

 

Chẳng là ông bà chuẩn bị đón khách, bố mẹ của người yêu cô Út gọi điện hẹn đích xác chiều nay sẽ lên đến, lên để xem nhà xem cửa một lần cho biết rồi bàn bạc chuyện của cô chú luôn thể.

 

Cô Út năm nay hai bảy, làm công nhân trong một công ty dưới thành phố. Đến nay ông bà cũng không biết cô hiện tại đang làm ở chỗ nào. Lương công nhân bèo bọt, cô cũng chẳng giúp ông bà được đáng là bao. Lần này ông bà già lên trước, ngày nghỉ cô với chú mới về sau.

 

Bố mẹ của người yêu cô Út đi xe khách đến huyện, đón tiếp một chặng xe vào xã rồi mới bắt xe ôm lên nhà. Trời nắng nóng mà hai ông bà phải kẹp dính vào nhau trên cái xe cà tàng của Thằng Xe Ôm duy nhất ở trung tâm xã, vừa bẩn vừa hôi hám.

 

Thằng này dân thổ địa, nó chạy xe như chạy cướp, ông bà được phen khiếp vía nhưng cũng thú, lúc thì như lồng lộn trên cây cầu gỗ bé tí mà không hề bị văng ra khỏi xe, có đoạn tồng tộc cua lên dốc, ông bà như đu trên vai nó, thế mà nó vẫn im re, lái một mạch đến tận sân nhà cấp bốn lợp fibro ximăng sâu tít cuối làng.

 

Ông bà nội hớt hải đón khách. Thằng cháu đứng nép ở trong cửa bếp mắt tròn mắt dẹt ngơ ngáo ngó ra.

 

Người nào cũng mồ hôi đầm đìa, nhưng tạng người sồ như mẹ của người yêu cô Út vào lúc nóng nực như thế này trông càng ngộp thở, ngộp thở lây cả sang những người khác. Đã thế bà lại luôn chép miệng.

 

– Tưởng chỉ có ở thành phố mới nực, ai ngờ trên miền núi cũng nóng thế.

 

Bà bắt đầu bị bức bối trong người, cứ tưởng chuyến đi này một công đôi ba việc, ngoài việc của chúng nó còn được một chuyến nghỉ mát tránh nắng, thế mà cái nhà lợp fibro ximăng này còn hơn cả hỏa lò, nóng chảy mỡ, càng nghĩ càng không thể thông cảm như ông bà đã thông cảm cho cô con dâu tương lai tận trên miền ngược, cách cả đoạn đường hơn trăm cây số này.

 

– Ông à, nhà tuềnh toàng thế này thì làm sao mà lắp được điều hòa nhỉ?

 

– Ừ, đâu có xây như nhà ta mà lắp điều hòa!

 

– Thế thì ít nhất cũng phải có quạt phun sương chứ!

 

Ông bà nội cuống cuồng, cả đời ông bà quen với rừng cọ, đồi chè, mùa hè quen tay với cái quạt đan bằng búp lá cọ chẻ rồi phơi khô, đêm vừa phe phẩy muỗi vừa ngủ, thế là sướng nhất.

 

Mùa hè năm ngoái cô Út cũng mua một cái quạt điện cây về nhưng ông bà không quen dùng, đem cho quách thằng cháu nội, giờ nó ôm khư khư ở nhà, cấm có ai động được đến.

 

Quạt phun sương thì giờ ông bà mới được nghe qua. Phải xuống tận xã hỏi Thằng Xe Ôm xem cái quạt phun sương nó như thế nào, ở đâu bán?

 

Thằng Xe Ôm có vẻ là thằng thông thạo, cái gì nó cũng biết, nó bảo ở mình chưa có cái loại phun sương này đâu, tận ngoài thành phố mới bán, nhưng mà bằng cả hai con lợn nhà ông bà cơ đấy.

 

– Nếu ông bà quyết thì chiều tối là có quạt phun sương ngay.

 

Ông hỏi bà, bà hỏi ông. Hai con lợn là một góc cơ nghiệp, bán đi mua một cái quạt phun sương chưa từng thấy bao giờ cũng lãng phí.

 

Nhưng con gái ông bà đã gần đến cái ngưỡng “quá lứa nhỡ thì”, có ai rước sớm ngày nào thì ông bà nhẹ dạ ngày đó, huống chi cô Út lại được người thành phố nhắm, tất cả như là phụ thuộc vào cái quạt phun sương này.

 

Thằng Xe Ôm chẳng khác gì một tay thợ chuyên nghiệp, vừa chở quạt về đến đã nhào đi lấy nước vào bình ráp lên thân quạt, rồi cắm ổ điện, tiếng chạy rù rù êm ái phát ra, khói trắng xịt khỏi ống sương nhưng không tỏa được đi tứ phía vì bị hai tấm thân to ngang bè bè của ông và bà “sắp thông gia” chặn ngược trở lại.

 

Không khí trở nên tươi mát hơn, câu chuyện “hai đứa chúng nó” thành đề tài bàn bạc rôm rả của hai bên đàng trai, đàng gái. Chỉ tiếc cả cô Út và chú đều không có mặt để nghe.

 

Cơn mưa rừng ập xuống, trời mát dịu trở lại. Ông bà “sắp thông gia” chợt nhận ra thời tiết trên miền núi quả nhiên là dễ chịu, thật trong lành, nửa đêm còn lành lạnh, đắp được cả chăn bông. Nhưng tiếng phành phạch đập muỗi ở giường kế bên khiến bà “sắp thông gia” đã khó ngủ càng khó ngủ, liền nói với sang.

 

– Ông bà dùng quạt phun sương này để đỡ mỏi tay.

 

– Nhà em quen cái này rồi, ông bà cứ dùng!

 

Tiếng phạch phạch đập muỗi lại vang lên. Trời mát thật nhưng vẫn khó ngủ. Sáng sớm hai ông bà “sắp thông gia” nằng nặc đòi về, phố nóng nực cũng về.

 

Tiễn khách xuống bắt xe đi thành phố. Ông bà nội giờ mới được ngồi trước quạt phun sương. Ông hứng chí cắm phích điện vào ổ.

 

Tiếng “rù rù” nhè nhẹ, êm ái, lượn qua lượn lại, từ trong chiếc ống cao su xoắn phả ra những vệt sương trắng tinh, bị gió từ cánh quạt tạt đi tứ phía, hàng ngàn hạt sương nhỏ li ti như những hạt bụi nhẹ tênh bám vào mặt ông, mặt bà, mặt thằng cháu nội.

 

Bà hoảng hốt đưa tay dụi tới tấp lên mí mắt bị nước đọng lại nặng trĩu.

 

– Ối trời ơi! Mắt tôi cũng phun sương này!

 

 

 

 

Truyện ngắn 1.129 chữ của A KIÊU (Tuổi trẻ online)

 

 

 

 


Exit mobile version